12 Bài văn mẫu hay dành cho học sinh Lớp 3

doc14 trang | Chia sẻ: thuongnguyen92 | Lượt xem: 352 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu 12 Bài văn mẫu hay dành cho học sinh Lớp 3, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Đề bài: Viết về một trận thi đấu thể thao
Trận đấu mà em kể đây, là trận chung kết bóng đá, SEAGAME22, giữa đội tuyển Việt Nam gặp đội tuyển Thái Lan, đội chủ nhà ra quân với bộ quần áo truyền thống màu đỏ và đội khách ra quân với bộ quần áo màu xanh sẫm. Khi trọng tài thổi còi chính thức trận đấu, hai đội dồn lên tấn công nhưng không ghi được bàn nào, đợi đến phút 40 Thông - lao chuyền bóng cho Sa -pát - cha thực hiện quả móc bóng làm Thế Anh bó tay và nâng tỉ số lên 1- 0. Sang hiệp hai đội khách dồn lên tấn công và đã kiềm được tỉ số thứ 2 cho mình. Vào phút 70 Tài Em chuyền bóng cho Văn Quyến thực hiện quả vô lê tuyệt đẹp rút gọn tỉ số còn 1- 2, nhưng  thời gian không đủ để đội chủ nhà ghi bàn tiếp theo, hàng nghìn con tim hâm mộ bóng đá Việt Nam  rất thất vọng.
Hằng năm, cứ đến mùa xuân, quê em lại tưng bứng mở hội đua thuyền trên sông Hồng. Sáng hôm ấy, hai bên bờ sông suốt đường đua dài 1000m, kẻ khua trống, người thổi kèn tàu, đông vui và náo nhiệt. Đường đua bắt đầu ở một khúc đầu làng em. Dưới sông năm con thuyền đua đã xếp thành hàng ngang ở vạch xuất phát. Trên thuyền, các tay đua là những thanh niên khoẻ mạnh ngồi thành hàng, tay lăm lăm mái chèo. Mỗi đội có một màu áo khác nhau. Đến giờ xuất phát, kèn trống nôi lên thì các chiếc thuyền lao nhanh vun vút về đích. Hai bên bờ sông tiếng hò reo, cổ vũ của người xem làm náo động cả một khúc sông. Đội làng em đã về đích trước tiên. Cuối hội là phần trao giải thưởng, ai cũng có mặt đông đủ để chúc mừng các tay đua.
Hội đua thuyền là nét văn hoá truyền thống của quê hương em. Em sẽ học giỏi, tập thể thao cho cơ thể mạnh để được tham gia hội đua thuyền.
Bài 2: Kể về lễ hội chọi trâu 
Ở quê em có một hội lớn lắm. Đó là lễ hội chọi trâu ở Đồ Sơn - Hải phòng, nổi tiếng trên khắp các vùng miền cả nước. Nhân dân ta có câu:”Dù ai buôn đâu bán đâu, mồng chín tháng tám thì về chọi trâu”. Vào ngày hội du khách khắp nơi đổ về xem hội rất đông. Trước khi bắt đầu chọi trâu có một màn múa cờ truyền thống rất đặc sắc. Sau đó các cụ già làng dắt trâu ra thế là bắt đầu một ngày hội chọi trâu. Ông trâu thứ nhất mang số 87. Ông trâu thứ hai là sô 89. Ông trâu số 89 là con trâu của làng em. Hai ông trâu hùng hổ đánh nhau. Sau bao nhiêu trận đấu quyết liệt là những tiếng reo hò của khán giả. Ông trâu số 89 của làng em đã chiến thắng. Ông trâu ấy sẽ mang vinh quang, tự hào và cả sự sung túc cho làng em. Em rất thích hội chọi trâu bởi hội chọi trâu chứng minh sự thịnh vượng của quê hương em.
Bài 3: Viết đoạn văn ngắn kể về mẹ kính yêu của em 
Trong gia đình em, mẹ là người mà em yêu quý nhất. Năm nay mẹ đã ngoài ba mươi tuổi rồi nhưng mẹ còn trẻ lắm. Dáng người nhỏ nhắn. Khuôn mặt trái xoan, rạng rỡ. Mái tóc đen mượt lúc nào cũng được chải gọn gàng. Đôi mắt đen nhánh nhìn em thật hiền từ và đấy trìu mến.Thường ngày mẹ dậy thật sớm để dọn dẹpvà chuẩn bị bữa sáng cho cả nhà. Mẹ nấu ăn rất ngon, em thích nhất món canh bí tôm của mẹ nấu. Tối đến, mẹ thường dạy em học bài, bài nào em chưa hiểu,mẹ giảng cho em ngay. Rồi mẹ đưa em vào giấc ngủ với những câu chuyện thần tiên mà mẹ kể, chắp cánh những ước mơ cho em. Em rất yêu mẹ và cố gắng hái được nhiều bông hoa điểm mười để tặng mẹ.
Bài làm của Đặng Hoàng Anh - Lớp 3A1 - Trường Tiểu học Núi Đèo - Thủy Nguyên - HP
Bài 4: Viết thư gửi bạn Đô- rê- mon hỏi thăm về thảm họa động đất sóng thần ở Nhật Bản.
Ha Nội, ngày 16 tháng 3 năm 2011
Đô-rê- mon thân mến!
Qua đài báo, ti vi tớ thấy đất nước cậu đang gặp động đất, sóng thần, khí hạt nhân rất là nguy hiểm. Biết vậy, tớ liền viết thư cho cậu ngay hỏi xem gia đình cậu thế nào?
Các bạn cậu (Xuka, chaien xêkô, nobita) đã đi học chưa, Mọi người đã trở lại đi làm chưa? Tớ mong là mọi người sớm khắc phục được hậu quả của thảm họa vừa qua. Những hình ảnh này tớ thấy rất kinh khủng, những ngôi nhà đổ nát, xe ô tô bị cuốn đi, mọi người chới với trong dòng nước mạnh. Cậu nhớ viết thư trả lời tớ nhé.
Tớ đã từng sống ở Nhật Bản. Ở đó thật là tuyệt vời, có hoa anh đào, có công viên Disney Land và rất nhiều cửa hàng đồ chơi cho trẻ em. Tớ rất yêu đất nước của bạn. Tớ rất mong nhận được tin của cậu. Chúc gia đình và bạn bè cậu mạnh khỏe.
Bạn của cậu
Đức Quân
Bài 5: Kể về người hàng xóm
Mùa hè năm nay gia đình em chuyển đến nơi ở mới. Người hàng xóm đầu tiên mà em quen là chị Diệp. Chị có dáng người cao cao. Mái tóc của chị dài và luôn được tết gọn gàng. Chị rất vui tính. Mỗi khi chị cười để lộ chiếc răng khểnh trông thật duyên. Buổi chiều nào chị cũng sang nhà em chơi. Lúc đầu em còn rất bỡ ngỡ nhưng nhờ có chị nên em đã làm quen được với rất nhiều bạn mới. Rồi chị dẫn em ra nhà văn hóa, sân chơi, vườn hoa. Em rất vui được làm bạn với chị Diệp.
Em mong chị Diệp mãi mãi ở gần nhà em.
Bài 6: Kể về hội trung thu rước đèn 
Hội Trung thu rước đèn họp bạn hồi năm ngoái thật là vui. Mẹ mua cho em một chiếc đèn lồng hình con bướm. Tối hôm rằm tháng Tám, khi nghe thấy trống ếch dồn dập ngoài ngõ, em vội xách đèn lồng ra nhập vào đoàn quân tí hon tiến về bãi cỏ rộng đầu xóm rồi quây thành vòng tròn quanh bãi. Sau lời tuyên bố của chị phụ trách, chúng em xếp thành hàng dài đi vòng quanh xóm, đi đầu là hai con rồng. Đàn rước đèn đèn đi đến đâu, tiếng trống vang lên đến đó, làm cả xóm náo nhiệt lên như ngày hội lơn. Đi được một vòng, chúng em quay lại bãi cỏ để chuẩn bị phá cỗ. Tiết mục phá cỗ cũng không kém phần vui vẻ như khi rước đèn. Chúng em vừa ăn bánh kẹo, hoa quả, vừa tiến hành văn nghệ. Khi ồng trăng đã lên cao, chúng em mới ra về. Ngày hội đó đã để lại cho em nhiều kỉ niệm khó quên.
Bài 7: Viết một bài văn giới thiệu ngôi nhà hoặc ngôi trường của em 
Ngôi nhà của bố mẹ mình
Tương Bần nổi tiếng bạn có biết không? “ Dưa La, cà Láng, nem Báng, tương Bần, nước mắm Vạn Vân, cá rô Đầm Sét” , chắc bạn còn nhớ câu ca ấy chứ? Nhà bố mẹ mình không ở ngoài thị trấn Bần mà ở trong xóm.
Ngôi nhà xây lợp ngói của bố mẹ mình có ba gian. Nhà của ông bà nội để lại, mới được cải tạo rất khang trang. Tường bả sơn màu hồng , nền nhà lát gạch hoa. Gian giữa đặt bàn thờ tổ tiên, ông bà. Gian bên trái là góc học tập của mình, có thêm bộ xa lông để bố mẹ tiếp khách. Gian bên phải kê hai cái giường, có cửa đi thông xuống bếp.
Mời bạn đến chơi, tham quan ngôi vườn của mẹ mình. Hai sào vườn, bốn mùa xanh tươi: hành, cải, xà lách, cà , đậu đũa, đậu cô ve. Luống cải bắp, luống su hào, luống xà lách  “ mỡ màng , xanh mơn mởn”. Ngoài tiền lương của bố, hoa lợi trong vườn là nguồn thu nhập chính của gia đình. Cả tuần mẹ mình phải thuê ba, bốn người đến chăm bón, thu hoạch hoa màu. Ngày nào, mẹ mình cũng có rau bán cho bộ đội, bán ở chợ Bần.
Vườn còn có năm gốc mạ, sáu cây hồng xiêm và hai cây mít trĩu quả. Mỗi lần hái quả bày lên bàn thờ, mẹ lại nói : “ Cây trái này là ông bà trồng để lại. Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”
Nhà mình quê kiểng thế thôi. Mời bạn bè này đến chơi nhà mình nhé !
Hoàng Thị Giang, 3D
Trường Tiểu học Bần – Yên Nhân – Hưng Yên
Bài 8: Kể và tả về một người hàng xóm của gia đình em
Ở quê em, bà đỡ gọi là bà mụ. Bệnh xá , bệnh viện xa nên bà mụ được dân làng , dân bản trọng vọng lắm. Hầu như đứa trẻ nào ở Quế Chùa, quê em cũng đều được bà Bưởi cắt rốn cho.
Bà Bưởi béo phục phịch. Lưng bà hơi còng. Mặt bà có cái đém bên phải. Lần đầu mới gặp bà, nhiều người không mấy cảm tình. Năm nay, bà Bưởi ngoài năm mươi, nhưng bà đi lại nhanh nhẹn lắm. Cả làng dưới, bản trên đểu khen bà Bưởi mát tay, phúc đức. Các sản phụ đẻ khó, đẻ non, băng huyết, bà đều chữa chạy được hết, đều mẹ tròn con vuông. Bà Bưởi có cái túi vải, đựng con dao, cuộn chỉ, mấy gói lá thuốc, mấy gói thuốc bột bằng rễ cây, vỏ cây, củ rừng phơi khô , tán bột. Gia đình nào có sản phụ sắp khai hoa , đến mời , bà đi ngay. Trời mưa gió, lúc nưa đêm, lúc gà gáy, bà cũng không nề hà, quản ngại. Bà không lấy tiền công, tiền thuốc ai bao giờ. Mẹ thằng Quý đi chợ về, đẻ sa giữa đường, bà Bưởi nghe tin chạy đến cứu giúp. Chị Sâm đau đẻ hai ngày, bà Bưởi chỉ cho uống một gói thuốc bột, cơn đau dịu dần, rồi đẻ ra một thằng cu cân nặng ba cân tám.!
Bà Bưởi nói với mẹ em: “ Niềm vui sướng nhất của bà là được nghe hài nhi cất tiếng khóc “ oa oa”, được tắm và cắt rốn cho đứa bé”. Chiều nay đi học về, em được mẹ sai bê bát canh cua sang biếu bà Bưởi. NGhe em gọi, bà lật đật chạy ra. Bà cười nói : “ Cháu Lý đấy à! Cho bà xin. Cho bà gửi lời cảm ơn bố mẹ cháu nhé!”
Bạch Thị Lý ,3C
Trường Tiểu học Kim Bôi , Hòa Bình
Bài 9: Tả một vài nét về sự đổi mới của quê hương em
Lớp học nơi làng chài “ điểm chỉ”
Xã Hồng Tiến thuộc tỉnh Kiến Xương, tỉnh Thái Bình có xóm Cao Bình – một địa chỉ rất đặc biệt. Đó là một làng chài kéo dài khoảng 40km từ xã Hồng Tiến ra tận đảo Cồn Vành ngoài cửa sông Thái Bình.
Làng chài này tính đến cuối năm 2007 có 534 nhân khẩu, gồm 40 con thuyền to nhỏ khác nhau. Hộ đông vui nhất là gia đình ông Tý với 13 đứa con, các hộ khác cũng có ba, bốn đứa trẻ.
Các em nhỏ ở làng Chài mới 5 -7 tuổi đã bơi, lặn nhanh như con rái cá. Đứa nào cũng đen thui, tay chân căng tròn, bơi chèo nhanh thoăn thoắt. Hơn sáu, bảy mươi phần trăm dân số làng chài mù chữ. Người có học vị “ cao nhất” là lớp hai, lớp ba. Trẻ em không được cắp sách đi học vì không có trường. Làng Chài xóm Cao Bình được mệnh danh là “ làng điểm chỉ”. Hầu hết các giấy tờ như đăng kí kết hôn, khai sinh, vay nợ ngân hàng.đều được bà con ở đây “ điểm chỉ”.
Mãi đến đầu năm 2007, được xã và huyện cấp đất ở, đã có 41/10 hộ làng chài lên bờ làm nhà. Một số trẻ em đã được đi học. Năm học 2007 – 2008 , có 58 học sinh lớp Một. Thầy giáo mang quân hàm xanh trung úy Đào Đình Luyện và thiếu tá Lưu Đình Thành, hai cán bộ đồn biên phòng được cử đến dạy học.
Trẻ em làng chài Cao Bình rất ham học. Những ngày mưa gió chúng vẫn kéo nhau đến lớp thật đông vui. Thầy Thành, thầy Luyện cho biết, mới có thêm 17 học sinh dự bị vào lớp một, sang năm sẽ có trường mới, thầy giáo mới. Chắc rằng cái tên làng “ điểm chỉ” sẽ không còn nữa.
Bài 10: Tả một loài cây ăn quả nơi vườn quê 
Vườn nhà em có một cây bưởi thuộc giống bưởi Đoan Hùng, Phú Thọ. Người bạn học của anh Quang tặng bố mẹ em cây bưởi quý này . Cây bưởi đã được năm tuổi, và đã có ba mùa ra hoa kết trái.
Cây cao khoảng 4 mét, sum sê cành lá, đứng ở một góc vườn, cạnh bờ ao. Lá tròn to bằng bàn tay và dày, mặt trên xanh thẫm, bóng, mặt dưới xanh nhạt. Đầu tháng giêng, cây bưởi ra hoa. Đứng xa nhìn, cảm thấy nó đội lên đầu một mâm xôi nếp cái đầy ụ. Nụ hoa trắng nõn như chiếc cúc áo bạch ngọc; hoa nở xòe năm cánh trắng phau ; nhụy hoa hình nậm rượu bé tí vàng ươm. Hương hoa dâng lên ngào ngạt. Suốt ngày, đàn ong mật kéo đến bay rù rì, bầy bướm lượn vòng bay chấp chới. Trong nắng xuân, trong làn mưa bụi, hoa bưởi rụng trắng một góc vườn.
Mùa xuân dần trôi qua. Cây bưởi chi chít quả. Quả to bằng quả cà chua, bằng trái bóng bàn, rồi lớn dần bằng nắm tay treo lủng lẳng. Đến tháng 6, tháng 7, quả bưởi lớn to tròn bằng đầu đứa trẻ lên hai tuổi. Da xanh căng lên óng mượt, trái bưởi trĩu cành.
Tháng tám, dịp Tết trung thu, bố mẹ hái được hai, ba trăm quả bưởi đem ra chợ bán. Tép bưởi căng tròn, vị thơm ngòn ngọt, đậm đà, ai cũng ca ngợi.
Mâm ngũ quả bày trên bàn thờ, quả bưởi vườn nhà chiếm một vị trí trang trọng. Trong hương vị Tết dân tộc cổ truyền, anh Quang thường nhắc lại cho các em nghe vài kỉ niệm đẹp vè người bạn thân thời sinh viên, nay đang công tác ở một tỉnh miền Trung.
Nguyễn Quý Hoành, Lớp 3B
Trường Tiểu học Quất Lâm – Giao Thủy – Nam Định
Bài 11: Tả cô giáo hay thầy giáo của em
Thầy Tứ lớp 3C
Phụ trách lớp 3C là thầy Tứ. Thầy là thương binh. Năm nay thầy 49 tuổi. Chiến tranh biên giới phía Bắc, năm 1979, thầy bị thương cụt một chân. Thầy đã được lắp chân giả, nhưng có hôm thầy vẫn chống gậy đến lớp dạy học.
Thầy Tứ đen và gầy. Người cao dong dỏng. Tóc thưa, mắt sâu. Thầy vui tính, hay cười. Các thầy, cô giáo trong trường đều yêu quý và coi thầy Tứ như người anh cả.
Thầy vẽ đẹp, viết rất đẹp. Thầy dạy Toán, dạy tập đọc, dạy kể chuyệndạy môn gì, dạy giờ nào cũng hay, và hấp dẫn. Chúng em được thầy gọi là “ con” , là “cháu”, đứa nào cũng được thầy chăm sóc yêu thương.
- Liễu đọc bài thơ “Một mái nhà chung” cho các bạn cùng nghe; em Hậu nghịch chi đó? Em nào chưa hiểu bài thì cứ hỏi thầy.vv.
Thầy nói nhẹ nhàng. Ai cũng cảm thấy được thầy khích lệ, nên cố gắng học hành , phấn đấu.
Thầy Tứ thường đến thăm ông nội em. Thầy tặng bạn Vịnh, học sinh nghèo một bộ quần áo mới. Thầy cho con gái chú bảo vệ một cái cặp sách mới
Trời mưa rét kéo dài. Thầy Tứ nói : “Cái chân dạo này giở chứng . Đau lắm!”. Nghe thầy nói thế , chúng em rất thương thầy.
Hà Học Vỹ, Lớp 3C
Trường Tiểu học Đức Tân – Đức Thọ - Hà Tĩnh
Bài 12: Tả một loài hoa đẹp
Hoa nhài
Hoa nhài còn được gọi là hoa lài. Có cây nhài, ông em trồng dọc bờ tường quanh sân. Có cây nhài, ông em trồng trong chậu cảnh, miệng chậu từ 25 đến 30 phân.
Nhài trồng theo bờ tường, dây leo có thể dài tới năm, sáu thước. Nhài trồng trong chậu, chỉ có độ cao bốn mươi phân. Nhài xanh tốt quanh năm. Lá mọc đối, màu xanh nhạt, mỏng manh, cuống rất ngắn hoặc không có cuống. Lá có đỉnh nhọn hay tù, nhẵn hoặc hơi nhẵn. Ông em vẫn lấy bùn ao phơi khô trộn lẫn phân bò để bón cho nhài.
Hoa nhài có ba dạng : hoa đơn, hoa bán kép và hoa kép. Nụ hoa rất xinh, trắng nõn pha xanh lơ, lung linh như những chiếc cúc ngọc. Hoa nở xòe trắng phau, trắng tinh và có ánh tím. Vành hoa chia nhiều thùy, hình bánh xe, đường kính bằng đồng xu. Hoa nhài thơm ngát, dâng hương vào bình minh hoặc về khuya. Ngắm hoa nhài dưới ánh trăng đẫm sương đem mới cảm thấy lung linh huyền diệu.
Vẻ đẹp của hoa nhài là vẻ đẹp trinh trắng, thanh khiết. Ông em vẫn thường ướp trà hương nhài. Ông bảo : “Nhài là loài hoa dân dã nhưng rất thanh quý, được cả sắc lẫn hương”
Trần Nguyệt Tú, Lớp 3A
Trường Tiểu học Kim Liên – Hà Nội

File đính kèm:

  • doctap lam van.doc