Anh (chị) hãy phân tích bài ca dao sau: “Ngày nào em bé cỏn con Bây giờ em đã lớn khôn thế này Cơm cha áo mẹ, chữ thầy Nghĩ sao cho bõ những ngày ước ao”

doc2 trang | Chia sẻ: dethi | Lượt xem: 3734 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Anh (chị) hãy phân tích bài ca dao sau: “Ngày nào em bé cỏn con Bây giờ em đã lớn khôn thế này Cơm cha áo mẹ, chữ thầy Nghĩ sao cho bõ những ngày ước ao”, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Anh (chị) hãy phân tích bài ca dao sau:
“Ngày nào em bé cỏn con
Bây giờ em đã lớn khôn thế này
Cơm cha áo mẹ, chữ thầy
Nghĩ sao cho bõ những ngày ước ao”

Bài làm:
 Ca dao dân ca là điệu tâm hồn của nhân dân ta từ bao đời nay. Nó trong trẻo như giếng làng, thơm mát như hương đồng gió nội, làm say đắm lòng người. Tiếng hát tâm tình trong ca dao dân ca vời vợi cùng với sữa mẹ, lời ru êm ái dịu ngọt của bà đã nuôi dưỡng tâm hồn mỗi chúng ta tự thuở nằm trong nôi. Có không ít bài ca dao nói về đạo lý, về tình người đẹp hơn mọi bài ca. Mãi mãi những lời ru câu hát ấy là những kỷ vật trong hành trang của một đời người trên lộ trình đi tới tương lai tươi sáng và hạnh phúc. Trong mỗi chúng ta, ai mà không xúc động nhắc lại bài ca dao:
“Ngày nào em bé cỏn con
Bây giờ em đã lớn khôn thế này
Cơm cha áo mẹ, chữ thầy
Nghĩ sao cho bõ những ngày ước ao”
 Đây cũng là bài học về tình nghĩa. Qua bài ca, nhân dân ta khuyên bảo mọi người hãy khắc sâu vào trái tim mình công ơn to lớn của mẹ cha và thầy cô giáo.
 Hai câu đầu nói lên một quá trình trưởng thành của “em”, đứa con trong gia đình, người học trò dưới mái trường. Câu ca như một lời tâm tình. “Em” đang thổ lộ tâm sự cùng chúng ta:
“Ngày nào em bé cỏ con,
Bây giờ em đã lớn khôn thế này”.
 Bằng sự tương phản ngôn ngữ và hình ảnh: “ngày nào” với “bây giờ”, “bé cỏn con” với “lớn khôn thế này”, “em” lại nhớ một chặng đường đã qua, từ ngày còn thơ ấu đến hiện tại đã lớn khôn, trưởng thành. “Bé cỏn con” nghĩa là rất bé. Ngôn từ bình dị, đậm đà màu sắc dân dã. Tác giả không dùng từ ngữ: “bé tí hon”, “bé tí xíu” mà lại nói “bé cỏn con”. “Bé cỏn con” không chỉ là rất bé nhỏ mà còn gợi lên tính ngây thơ, hồn nhiên của một em bé. Qua đó, ta thấy cách lựa chọn từ ngữ của nhân dân rất chính xác, tinh tế và giàu biểu cảm. Hai chữ “thế này” là ngôn từ để trỏ, em bé tự chỉ về mình và nói về mình nên đã làm cho lời ca, niềm tâm sự được bộc lộ một cách chân thành. Năm tháng đã trôi qua, trên bước đường trưởng thành, em bé hồi tưởng lại, mới ngày nào đó còn “bé cỏn con” thế mà nay đã “lớn khôn thế này”,… Thân hình cao lớn thêm, mặt mũi rạng rỡ thêm, có văn hóa, mỗi năm lên một lớp, trí tuệ phát triển, sự hiểu biết dược mở mang, có nhân cách, biết sống theo đạo lý, v.v… Càng nghĩ lại, hồi tưởng lại, em càng thấy xúc động, tự hào. Đại từ “em” trong bài ca dao được điệp lại hai lần cho thấy nhân vật trữ tình tuy đã khôn lớn, đã có những ý nghĩ sâu sắc nhưng vẫn còn trong tuổi học trò, sống hồn nhiên. Nếu trong câu thứ hai, từ “em” được thay thế bằng từ “tôi”  (Bây giờ tôi đã lớn khôn thế này) thì ý nghĩa và mầu sắc biểu cảm của lời ca không còn như trước nữa.
 Hai câu tiếp theo nói rõ nguyên nhân nào đem đến sự “lớn khôn” của em, đâu chỉ là năm tháng thời gian?
 “Cơm cha, áo mẹ, chữ thầy,
Nghĩ sao cho bõ những ngày ước ao”.
 Câu ca đẹp: Đẹp về đạo lý làm người, đẹp về suy tư sâu sắc. Câu “lục” thứ 3 chia làm 3 vế, mỗi vế hai từ, tạo nên sự cân xứng hài hòa: “cơm cha – áo mẹ - chữ thầy”. Nhịp thơ như những nốt “nhấn” vào cõi sâu thẳm của tâm linh, công ơn của mẹ cha, của thầy như đinh nhinh, như khắc cốt ghi tâm, có bao giờ có thể quên được? Biện pháp liệt kê được vận dụng sáng tạo, mỗi vế câu là một sự ân tình nặng nghĩa đối với cuộc đời của “em”, một đứa con trong gia đình, một người học trò ngoài xã hội. Đọc câu ca lên, lúc nào ta cũng thấy nhiều rung động, thấm thía:
'Cơm cha, áo mẹ, chữ thầy'
 “Cơm, áo, chữ” là 3 hình ảnh cụ thể mang tính chất điển hình ca ngợi công ơn trời biển của mẹ cha và thầy cô giáo, một lối nói ít mà gợi nhiều. Công ơn cha mẹ đâu chỉ là “cơm” và “áo”? “Cơm” và “áo” mang tính chất tượng trưng cho công cha nghĩa mẹ. Mẹ mang nặng đẻ đau, bú mớm nâng niu, nuôi con khôn lớn với tất cả tình yêu thương, lòng mẹ bao la như biển cả. Cha thức khuya dậy sớm, làm lụng vất vả để nuôi con, dạy bảo con nên người. Con là hạnh phúc và hy vọng của mẹ cha. Công cha nghĩa mẹ không thể nào kể xiết. Bởi vậy mới có những câu ca:
 “Công cha như núi Thái Sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”.
Hay: “Lên non mới biết non cao,  Nuôi con mới biết công lao mẹ thầy”.
Hay: "Có cha có mẹ còn hơn Không cha không mẹ như đờn đứt dây"Hay: "Còn cha gót đỏ như son Đến khi cha mất gót con đen xì"
 Trên đời này, cổ kim, đông tây có người nào khôn lớn, trưởng thành mà không có sự giáo dục của ông thầy? Người thầy là nhân vật trung tâm của nền giáo dục. Thầy dạy chữ, dạy văn hóa, khoa học kỹ thuật, dạy đạo đức… Nhờ có sự dạy dỗ của thầy mà học sinh, thế hệ trẻ của đất nước mới trở nên tài giỏi, có nhân cách văn hóa biết đem tài năng góp phần xây dựng Tổ quốc phồn vinh “sánh vai các cường quốc năm châu”. “Không thầy đố mày làm nên”. Bởi thế mới có câu ca:
 “Muốn sang thì bắc cầu kiều, Muốn con hay chữ thì yêu kính thầy”.
 Thế nhưng, trong bài ca dao này, không nói đến ơn vua chúa mà lại khẳng định công ơn của mẹ cùng với công ơn của cha, của thầy, điều đó nói lên quan điểm của nhân dân lao động về ân nghĩa, tình nghĩa ở đời.
 Câu cuối như một lời thề nguyền, như một điều tâm niệm. “Em” nói với “em”, lòng tự dặn lòng, thủ thỉ, tâm tình mà sâu lắng:
 “Nghĩ sao cho bõ những ngày ước ao”.
 “Cho bõ”, từ cổ nghĩa là cho xứng đáng. “Ước ao” là sự trông mong, đợi chờ vô cùng tha thiết. Câu ca được diễn đạt dưới hình thức câu hỏi tu từ trở nên lắng đọng sâu sắc. Câu ca dao mang tính đa nghĩa. Ai ước ao? Cha mẹ ước ao con khôn lớn, trung hiếu vẹn toàn, làm rạng rỡ mẹ cha và dòng họ. Thầy cô giáo ước ao học trò trở nên tiến bộ, giỏi giang làm vẻ vang cho nhà trường. Và “em” ước ao, mỗi chúng ta ước ao trở thành con ngoan trò giỏi, để đền đấp một cách xứng đáng công ơn của mẹ cha và thầy cô giáo. Chỉ một từ “ước ao” mà nói lên được ba tấm lòng; tấm lòng nào cũng đẹp, giàu yêu thương và tình nghĩa. Thế mới hay rằng “tâm hồn đẹp mới có hy vọng đẹp” (Vôn – te).
 Kho tàng thơ ca dân gian Việt Nam có rất nhiều câu, nhiều bài tuyệt hay nói về lòng biết ơn của con cái đối với cha mẹ, học trò đối với thầy giáo. Cách diễn đạt tuy có khác nhau nhưng tất cả đều khẳng định, ngợi ca, chứa chan nghĩa tình.
“Lên non mới biết non cao,
Nuôi con mới biết công lao mẹ thầy”.
“Muốn sang thì bắc cầu kiều,
Muốn con hay chữ thì yêu kính thầy”.
 Gia đình là tế bào của xã hội. Trường học là cái nôi đào tạo nhân tài cho đất nước. Cha, mẹ và thầy là ba hình ảnh gần gũi, thân thiết nhất đối với mỗi con người, nhất là thế hệ trẻ. Ơn sinh thành của cha mẹ,. ơn giáo hóa của thầy cô giáo đối với chúng ta vô cùng sâu nặng.
 Đây là bài ca dao hay nhất trong những bài ca dao nói về chủ đề tình nghĩa và lòng biết ơn. Tình cảm gia đình gắn liền với tình cảm xã hội. Ngôn từ giản dị, dễ hiểu, tình cảm chân thành sâu sắc. Âm điệu của vần thơ lục bát ngọt ngào, êm ái như lời ru, điệu hát tâm tình. Nhà thơ dân gian đã đề cao chữ hiếu và sự tôn sư trọng đạo để giáo dục chúng ta. Lòng hiếu thảo là cái gốc của đạo lý làm người. Tôn sư trọng đạo là truyền thống cao đẹp của dân tộc ta. Điều đó cho thấy vẻ đẹp nhân văn tỏa sáng trong bài ca dao này bởi lẽ, tính giáo dục của nó rất sâu sắc. Nó bồi đắp tâm hồn ta về đạo hiếu, đạo học. Lời tâm sự của “em” cũng là của mỗi chúng ta vì đó là nỗi lòng, điều tâm sự. Nó mãi mãi như một thông điệp màu xanh gửi đến mọi đứa con, gửi đến mỗi người học trò… Nó như một kỷ vật đẹp trong hành trang của tuổi thơ trên lộ trình đi tới mọi chân trời xa xôi và hy vọng.




File đính kèm:

  • docPT Ca Dao Ngay nao em be con con Bay gio em da lonkhon the nay Com cha ao me chu thay .doc