Bài giảng Câu sai

doc80 trang | Chia sẻ: haohao | Lượt xem: 12441 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem trước 20 trang mẫu tài liệu Bài giảng Câu sai, để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Chương II
CÂU SAI
I. THẾ NÀO LÀ MỘT CÂU SAI? NHỮNG LOẠI CÂU SAI
Câu sai chính tả là một câu viết không đúng chính tả, nghĩa là viết không đúng theo những quy định về phụ âm đầu, về vần, về thanh điệu và về cách bỏ dấu thanh điệu. 
Viết hoa sai về tên người, tên đất, tên tổ chức, tên cơ quan xí nghiệp cũng là viết sai chính tả. Viết "Trần thị Hòa" là sai về quy tắc viết hoa tên người, sai về qui tắc bỏ dấu thanh điệu. Cần viết là "Trần Thị Hoà" . Viết "Lẩn quẩn cối xay" là sai chính tả. Đó là viết sai về vần. Cần sửa lại là: "Luẩn quẩn cối xay". (Về loại sai này, x chương Chính tả ) 
Ví dụ khác: "Hóc xương gà, xa cành khế" (Đại từ điển tiếng Việt, tr. 695)
Bình luận : "Xương gà hóc phải thì nguy
Còn xa cành khế có gì phải lo?"
(đúng ra phải là :sa cành khế)
Câu sai là một câu viết không đúng qui tắc về dấu câu.
Câu sai là một câu viết không đúng qui tắc viết tắt.
Câu sai ngữ pháp là một câu viết không đúng qui tắc ngữ pháp. Câu "Theo đồng chí chủ tịch UBND cho biết số người đến tuổi lao động ở địa phương là 1200" sai ngữ pháp, vì thiếu chủ ngữ. Cần bỏ từ "theo" hoặc từ "cho biết ": a) "Đồng chí chủ tịch UBND cho biết số người đến tuổi lao động ở địa phương là 1200"; b) "Theo đồng chí chủ tịch UBND, số người đến tuổi lao động ở địa phương là 1200"
Viết "Quyết hy sinh cho sự nghiệp để giải phóng đất nước" là sai ngữ pháp. Câu này thiếu chủ ngữ : Ai quyết hy sinh? Viết "Tình cảm của Bác Hồ với non sông đất nước" cũng là sai ngữ pháp. Câu này thiếu vị ngữ : Tình cảm đó thế nào ?
Câu sai từ ngữ là một câu dùng từ không đúng. 
Ví dụ:
(a) "Nhà trường đã cấp 14 suất học bổng cho học sinh nghèo và tổ chức 10 giải thưởng Lê Quý Đôn hằng năm để khuyến khích các học sinh xuất sắc”. 
Không nói "tổ chức 10 giải thưởng" mà nói "trao 10 giải thưởng"
(b) Lần ấy có một sinh viên đến nhờ nhà toán học Nga Lôbasepxki giải hộ bài toán hắc búa của chương trình đại học, thì thấy ông đang … làm bếp. 
Không nói hắc búa mà nói hóc búa.
Câu sai lôgích là một câu viết không đúng qui tắc lôgích và tư duy. 
Ví dụ:
(a) "Họ úp cái nón lên mặt, nằm xuống ngủ một giấc cho đến chiều”
Câu trên viết không đúng thứ tự hành động: chỉ sau khi nằm xuống mới úp nón lên mặt. Thế là sai lôgích.
(b) Viết "Thân em thì trắng phận em tròn
Bảy nổi ba chìm với nước non"
là mâu thuẫn trong tư duy lôgích: Nếu đã "phận em tròn" tức là an phận, là cuộc sống phẳng lặng rồi thì làm sao có chuyện "bảy nổi ba chìm", "rắn nát mặc dù tay kẻ nặn" nữa. Trong nguyên tác, câu đó là:
"Thân em vừa trắng lại vừa tròn
 Bảy nổi ba chìm với nước non"
Câu sai phong cách là một câu viết không đúng qui tắc về phong cách : 
"Ngoài Bớc-sét mà tôi đã quen ở Việt Nam, tôi còn được giới thiệu với hai nhà báo Pháp đã nổi tiếng là Mađơlen Riphô và Giăng Lacutuya. Một hôm , trước ngày chia tay, Bộ trưởng Hâu Xeng tổ chức một cuọc họp thân mật giữa hai bạn Pháp và tôi. Chuyện trò "mày tao" thoải mái." (NB&CL, số 23, 12.95)
Đoạn này cho biết đây là sự xưng hô thân mật giữa những người có cương vị cao trong báo giới. Trong tình huống này người Việt nói: Chuyện trò "cậu – tớ " thoải mái.
Câu sai tri thức là câu viết một điều không đúng với thực tế hoặc không đúng với những kiến thức khoa học đã biết. Ví dụ:
(a)Nghi Tàm, quê hương của bà Đoàn Thị Điểm, thi nhân nổi tiếng thế kỉ XVIII.
Tác giả đã lẫn Đoàn Thị Điểm (1705-1748) với Bà Huyện Thanh Quan. Nữ thi sĩ họ Đoàn sinh ở làng Giai Phạm, sau đổi là Hiến Phạm, huyện Văn Giang, Hưng Yên.
Nhìn nhận một hiện tượng sai không đơn giản 
Có câu, người này cho là sai nhưng người khác lại thấy là đúng. Ví dụ:
(1) "Với đồng lương hưu không đủ sống, từ những năm 1987, anh đã viết hàng chục lá đơn…" (NB&CL, chuyên đề số 4, 9-10/1993) 
Tạp chí NB&CL , đã bị Thế Nhân phê là chỉ có một năm 1987, sao lại dùng từ những được. Và NB&CL đã cám ơn. Ấy thế nhưng chúng ta có thể hỏi: Phải chăng câu (1) không sai? Thật vậy, nếu người viết muốn nói từ nhiều năm rồi ,từ những năm 1987 , thì câu đó đâu có sai?
II. SỬA CÂU SAI NHƯ THẾ NÀO?
2.1 Có nhiều cách nhìn nhận một hiện tượng sai
Có nhiều cách phân tích, nhìn nhận một hiện tượng sai. Do vậy dẫn đến những cách sửa khác nhau. Ví dụ:
Trong toàn bộ Truyện Kiều của ông đã miêu tả một cách sâu sắc xã hội phong kiến thối nát. 
Câu trên sai ngữ pháp, có thể qui nó vào ba loại lỗi khác nhau : 
a) thiếu chủ ngữ ; 
b) chưa nắm vững cách dùng quan hệ từ: hoặc coi là dư từ trong , hoặc coi là dư từ của; 
c) không biết dùng trạng ngữ : đã lẫn phần phụ với chủ ngữ. 
2.2 Có nhiều cách sửa một câu sai
Từ những cách phân tích , nhìn nhận một hiện tượng sai khác nhau sẽ dẫn tới những cách sửa khác nhau .
a) Nếu cho rằng câu trên thiếu chủ ngữ thì cần thêm chủ ngữ Nguyễn Du vào:
(1a) Nguyễn Du, trong toàn bộ Truyện Kiều của ông, đã miêu tả một cách sâu sắc xã hội phong kiến thối nát.
(1b) Trong toàn bộ Truyện Kiều của mình, Nguyễn Du đã miêu tả một cách sâu sắc xã hội phong kiến thối nát.
Cũng có thể làm xuất hiện chủ ngữ bằng cách chuyển câu (1) sang dạng bị động:
(1c) Trong toàn bộ Truyện Kiều của ông, xã hội phong kiến thối nát đã được miêu tả một cách sâu sắc.
b) Từ cách nhìn nhận "chưa nắm vững cách dùng quan hệ từ" sẽ dẫn tới kết luận câu đó dư từ trong hoặc của. Để sửa câu này, chỉ việc bỏ đi từ dư trong hoặc của:
(1d) Toàn bộ Truyện Kiều của ông đã miêu tả một cách sâu sắc xã hội phong kiến thối nát.
(1e) Trong toàn bộ Truyện Kiều, ông đã miêu tả một cách sâu sắc xã hội phong kiến thối nát. 
Ví dụ về những cách sửa một câu sai từ ngữ:
(2) Ngày tôi về quê, mẹ tôi đã mất. Tôi nói với vợ tôi: con tôi nào có thấy bóng dáng bà ngoại.
Mẹ của bố là bà nội. Vậy câu trên sai từ "bà ngoại". Phải sửa từ này.
(2a) Ngày tôi về quê, mẹ tôi đã mất. Tôi nói với vợ (tôi): con tôi (/mình) nào có thấy bóng dáng bà nội.
Có thể gián tiếp sửa từ này: Thay/thêm một từ khác để từ “bà ngoại" đứng trong ngữ cảnh lại trở thành đúng :
Con sẽ gọi mẹ của vợ mình (mẹ của mẹ) là "bà ngoại". Vậy chuyển "mẹ tôi" thành "mẹ vợ tôi"
(2b) Ngày tôi về quê, mẹ vợ tôi đã mất. Tôi nói với vợ (tôi): con tôi (/mình) nào có thấy bóng dáng bà ngoại.
Ở quê vợ thì câu "mẹ tôi đã mất" được hiểu là "mẹ vợ tôi đã mất". Vậy chuyển "quê"â thành "quê vợ"
(2c) Ngày tôi về quê vợ, mẹ tôi đã mất. Tôi nói với vợ (tôi): con tôi (/mình) nào có thấy bóng dáng bà ngoại.
Nếu là vợ nói với chồng thì từ "bà ngoại" đúng. Vậy chuyển “vợ” thành "chồng"
(2d) Ngày tôi về quê, mẹ tôi đã mất. Tôi nói với chồng (tôi): con tôi (/mình) nào có thấy bóng dáng bà ngoại.
2.3 Có nhiều mức độ khi sửa một câu sai
(3) Số đỏ là kiệt tác số một trong giới văn xuôi của Vũ Trọng Phụng.
Sai từ "giới":
Giới văn xuôi = những người viết văn xuôi. 
Kiệt tác ( tác phẩm kiệt xuất) không phải là người. 
Nhất thiết phải sửa chỗ sai này:
(3a) Số đỏ là kiệt tác số một trong những tác phẩm văn xuôi của Vũ Trọng Phụng.
Sửa yếu tố dư: Vũ Trọng Phụng chỉ sáng tác văn xuôi. Vậy câu trên dư từ văn xuôi :
(3b) Số đỏ là kiệt tác số một trong những tác phẩm của Vũ Trọng Phụng.
Sửa yếu tố dư: Hầu như không có ai mà mỗi tác phẩm đều là một kiệt tác. Do vậy dư cụm từ "trong những tác phẩm" :
(3c) Số đỏ là kiệt tác số một của Vũ Trọng Phụng.
Sửa yếu tố dư: không xếp loại kiệt tác số 1, kiệt tác số 2, kiệt tác số ba… Do vậy dư từ số một :
(3d) Số đỏ là kiệt tác của Vũ Trọng Phụng.
Chính xác hoá tư duy. Để diễn đạt ý “Vũ Trọng Phụng có nhiều kiệt tác":
(3e) Số đỏ là một (trong những) kiệt tác của Vũ Trọng Phụng.
Chính xác hoá tư duy. Để diễn đạt ý “Văn xuôi Việt Nam có nhiều kiệt tác trong đó có Số đỏ thì đảo lại thứ tự :
(3g) Số đỏ của Vũ Trọng Phụng là một kiệt tác.
2.4 Nguyên nhân dẫn tới các câu sai
Có nhiều loại câu sai. Mỗi loại câu sai có những nguyên nhân đặc thù. Do vậy, chúng ta cần xem xét nguyên nhân của từng loại sai riêng biệt. Từ đó dẫn tới những cách sửa cho từng loại.
III. SAI TỪ NGỮ : NGUYÊN NHÂN VÀ CÁCH SỬA
Định nghĩa: Câu sai từ ngữ là câu dùng từ không đúng (về qui tắc kết hợp các từ trong một câu). 
Một số ví dụ: 
(1)Về buôn lậu thì sự việc không dừng lại chỉ có những dấu hiệu.
Nói "dừng lại ở" chứ không nói " dừng lại có".
(2) Và với chúng tôi, vốn không mặn mà khuynh hướng kỹ thuật hoá các tiết mục múa, cũng không thể phủ nhận đây là một tiết mục rất hấp dẫn, mặc dù, rất bài bản và điêu luyện. 
Hấp dẫn không tạo ra ý đối lập với rất bài bản và điêu luyện. Do vậy cần bỏ đi từ “mặc dù":ø "… một tiết mục rất hấp dẫn, rất bài bản và điêu luyện". 
(3) Chị cắm cúi sàng gạo. Cái nia lắc đều làm đám gạo chạy vòng quanh, tròn vo, tụ lại bên trên một nhúm thóc vàng ươm.
Sàng gạo thì cái sàng lắc đều chứ! Lỡ không biết người ta sàng như thế nào thì từ tục ngữ "lọt sàng xuống nia" bạn cũng có thể suy ra là " cái sàng lắc đều”. Câu trên sai vì thiếu vốn sống và không biết suy luận nhờ phân tích lôgích. 
(4) Vị thân mẫu của B.Clinton là một trong số 10 người đàn ông đẹp trai nhất thế giới. 
"thân mẫu" sao lại là đàn ông?
(5) Năm nay 61 tuổi […] ông vẫn mặc bộ đồ xanh công nhân , chiếc bảng tên nhỏ đeo trước ngực, đôi bàn tay nhỏ và mái tóc sửa soạn bạc trắng.
Con người ( và một số động vật) thì mới sửa soạn , lo liệu và sắp đặt công việc. Mái tóc thì làm sao mà sửa soạn được? Cần thay bằng sắp, đã sắp, sắp sửa…: "mái tóc đã sắp bạc trắng"
(6) Hắn quát lên một tiếng rồi tống luôn một cú đá vào bụng ông Hoạt.
Chân dùng để đá, đạp còn tay mới dùng để tống, đấm, thụi,… Cần sửa là: 
"… rồi đá luôn một cú vào bụng ông Hoạt"
(7)Hậu quả cho AC Milan thật tai hại: bị UEFA trừ hai điểm đội này lọt xuống cuối bảng , ngoài ra trong hai trận trên sân nhà tiếp theo phải đá trên sân cách xa Milan tới 300km!
Người ta nói "lọt vào bán kết" , "lọt vào mắt người đẹp”… nhưng lại nói "tụt hạng", "tụt dốc", "tụt hậu", nghĩa là từ lọt có thể dùng để chỉ một sự kiện tốt đẹp, còn tụt thì không . Vậy cần sửa lại là: "tụt xuống cuối bảng". Ngoài ra nên thêm và sửa lại thứ tự: "ngoài ra trong hai trận tiếp theo, lẽ ra đá trên sân nhà lại phải …"
(8) Và "Bài hát đâu chỉ là nốt nhạc", "Ngoại ô", "Hai chị em" , "Đằng sau một số phận”, “Tình không biên giới" thay nhau ra đời. 
Sao lại "thay nhau ra đời” mà không phải là "lần lượt ra đời”, “ kế tiếp nhau ra đời”?
(9) Năm 1937 Reimuth phát minh ra tiểu hành tinh Hermes. 
Người ta "phát minh" ra cái mới và "phát hiện" ra cái vốn vẫn tồn tại nhưng chưa biết mà thôi. Vậy cần sửa lại là "… phát hiện ra tiểu hành tinh Hermes"
(10) Lời trần tình này giống như một tiếng gọi tha thiết đối với việc làm.
"Giống như một tiếng gọi " tức là "không phải là một tiếng gọi". Vậy cần thay từ "giống như" bằng từ "là". Chúng ta nói "gọi ai, nói với ai về việc gì" chứ không nói "Gọi ai đối với việc gì". Vậy cần sửa thành: "Lời trần tình này là một tiếng gọi tha thiết đối với những người có trách nhiệm về việc làm".
Một nguyên nhân dẫn tới lỗi từ vựng : 
Do không hiểu nghĩa một từ hoặc chỉ nhớ mang máng một từ rồi dùng chệch theo một từ quen dùng khác gần âm với từ định dùng. Những lỗi từ vựng hay gặp nhất là ở lớp từ Hán Việt và những từ vay mượn từ các thứ tiếng khác.
Lúc đó dễ xảy ra tình trạng "râu ông nọ cắm cằm bà kia". Khi gặp từ "cát cứ", chúng ta có thể hiểu nghĩa đại để là "chia cắt một vùng đất mà chiếm giữ độc lập”, nhưng "cát" là một từ Hán Việt có nghĩa là "chia cắt", mà hai từ cát và cắt rất gần âm, lúc đó dễ có khuynh hướng chuyển cát cứ thành cắt cứ: "Tình trạng quản lí phân tán "cắt cứ" dẫn đến lãng phí cơ sở vật chất không nhỏ". Cách ghép hỗn hợp một từ Hán Việt với một từ thuần Việt theo trật tự tiếng Hán như vậy đã tạo ra một từ không chuẩn (cắt cứ) nhưng vì có một yếu tố thuần Việt trong đó nên "dễ hiểu" . Thế là được nhiều người chấp nhận. Và nhiều người dễ mắc lỗi này. Kiểu tạo từ sai này nhiều người dùng mãi sẽ thành quen, lâu dần rồi cũng được xã hội chấp nhận là … đúng (!):phá hoại ® phá hại ; sáp nhập ® sát nhập; hợp chúng quốc ® hợp chủng quốc; chúng cư ® chung cư; đi tham quan ® đi thăm quan…
Ở Việt Nam hiện nay, ngày càng ít người hiểu và càng rất ít người thành thạo chữ Hán. Nhưng chuyện ngược đời là càng nhiều người ít thành thạo chữ Hán thì nhiều người lại càng hay nói "chữ". Và do vậy càng ngày càng nhiều người dùng sai từ Hán Việt do không phân biệt nhiều từ Hán Việt có nghĩa gần giống nhau hoặc đồng âm với những từ thuần Việt có nghĩa hoàn toàn khác .
Trước hết xin các bạn lưu ý là trong tiếng Việt có hàng loạt từ gốc Hán, cũng gọi là từ Hán-Việt, mà nghĩa và cách dùng không còn giữ nguyên như ở tiếng Hán, thậm chí nghĩa đã khác đi rất nhiều. Chẳng hạn, từ “khốn nạn” trong tiếng Hán có nghĩa là "khó khăn” nhưng ở tiếng Việt hiện nay nó lại có nghĩa là "khốn khổ đến mức thảm hại” hoặc là tính cách "hèn mạt, đáng khinh, không còn tính người". 
Ví dụ khác : tiêu phí và tiêu thụ là hai từ Hán-Việt, nhưng người Trung Quốc dùng những từ này có phần khác với người Việt. 
Người Trung Quốc dùng từ tiêu phí đồng nghĩa với từ tiêu dùng trong tiếng Việt. Trong khi người Việt nói "hàng tiêu dùng ", "người tiêu dùng", "thành phố tiêu dùng" … thì người Trung Quốc nói "hàng tiêu phí", "người tiêu phí", "thành phố tiêu phí"…Họ nói "hợp tác xã tiêu phí" với nghĩa là hợp tác xã mua hàng tiêu dùng về bán lại cho xã viên. Trong tiếng Việt, tiêu phí có nghĩa là chi tiêu và phí tổn vô ích. Chẳng hạn, "công trình này xây xong rồi không dùng được. Chúng ta đã tiêu phí vào đó cả chục tỉ đồng”. 
Trong từ "tiêu thụ" thì "tiêu" (thuộc bộ kim) lại có một nghĩa là "bán" và có một nghĩa của từ "thụ" cũng là "bán". Người Trung Quốc gọi quầy bán vé là "thụ phiếu sở", hiệu bán hàng là "thụ hoá điếm”. Do vậy, trong tiếng Hán “tiêu thụ" là một từ ghép hai yếu tố đồng nghĩa và có nghĩa là bán ra, bán đi. Trong tiếng Việt , ngoài nghĩa này "tiêu thụ" còn được dùng với nghĩa là "dùng dần dần hết vào việc gì", như: "xe tiêu thụ nhiều xăng”, “tiêu thụ nhiều năng lượng". … Vậy chúng ta nói: "Loại xe ấy tiêu hao nhiều xăng quá, không hợp với ý muốn của người tiêu dùng nên rất khó tiêu thụ. Không ai dại gì mà tiêu phí vào đó một món tiền lớn”.
Hiện tượng đồng âm giữa yếu tố Hán-Việt với yếu tố thuần Việt cũng thường dẫn tới hiểu lầm nghĩa. Một số ví dụ: 
Từ "yếu" Hán Việt có nghĩa là "quan trọng" (như trong các từ chính yếu, cơ yếu, cần yếu, trích yếu, kỷ yếu, thiết yếu, yếu địa, yếu lĩnh, cốt yếu, thứ yếu…). Từ này đồng âm với từ “yếu” thuần Việt. Cho nên không ít người lầm rằng "yếu nhân" gần nghĩa với "bệnh nhân", "yếu điểm” gần nghĩa với “nhược điểm”.
(11) Những người dân ở đây coi B1 là một cứu cánh. 
Trong câu này đã nhầm lẫn giữa từ cứu Hán-Việt (trong từ cứu cánh có nghĩa là "mục đích cuối cùng" ) với cứu thuần Việt có nghĩa là "ù giúp thoát khỏi những điều hiểm nguy, những đe doạ tới tính mạng và cuộc sống". Do vậy, lẽ ra phải viết câu trên là: "Những người dân ở đây coi B1 như là một vị thuốc cứu mệnh". Hiện nay nhiều người dùng từ "cứu cánh" với nghĩa cứu vớt, cứu giúp, cầu cứu…
(12) Ngoài ra, nơi đây đang tồn tại nhiều bất cập khác nhưng khó lòng được giải quyết 
"Bất cập" là một từ Hán Việt , được dùng như một tính từ có nghĩa là không kịp, không đủ mức cần thiết. Cách dùng "nhiều bất cập" trên đây như một danh từ khiến người ta hiểu một cách chung chung là còn "nhiều cái chưa tốt". Trên báo chí hiện nay đang lạm phát từ “ bất cập”.
Cần chú ý tới sự khác biệt về trật tự từ giữa ngữ pháp tiếng Việt và ngữ pháp tiếng Hán. Một cụm từ, theo ngữ pháp tiếng Việt thì yếu tố chính đứng trước, yếu tố phụ đứng sau. Ví dụ: điểm yếu, điểm mạnh, điểm đỏ, điểm sáng, điểm tốt… Còn theo ngữ pháp tiếng Hán yếu tố phụ đứng trước yếu tố chính đứng sau. Ví dụ: yếu điểm, ưu điểm, nhược điểm, khuyết điểm, tâm điểm… Như vậy, "yếu điểm” là " điểm quan trọng “ chứ không phải là "điểm yếu”. Chú ý tới điều này, chúng ta dễ dàng phân biệt được nghĩa của nhiều từ ngữ và tránh được những hiểu lầm đáng tiếc. Chẳng hạn, công nhân / nhân công ; nhân văn / văn nhân; nhân tình / tình nhân; chính quốc / quốc chính; chứng nhân / nhân chứng … Chúng ta sẽ không nói "Philippin, Inđônêxia là hai quốc đảo” mà sẽ nói "Philippin, Inđônêxia là hai đảo quốc”. Tương tự "chứng nhân" (Người làm chứng) tất phải khác với "nhân chứng" (Chứng cứ do người làm chứng đưa ra). Đáng tiếc là trong Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học ,năm 1992, do GS Hoàng Phê chủ biên lại ghi rằng hai từ này đều là "người làm chứng". Phải chăng vì sai lâu rồi nên nay đã thành đúng? Hầu như mọi người đều dùng "nhân chứng" để chỉ “người làm chứng".
Mặt khác nhờ phương thức trật tự chúng ta biết cách chuyển một cụm từ theo cấu tạo Hán Việt sang cấu tạo thuần Việt. Ví dụ: Trong các từ điện năng, hoá năng, quang năng, nhiệt năng… thì "năng” có nghĩa là "năng lượng". Như vậy các từ trên đồng nghĩa với năng lượng điện, năng lượng hoá học, năng lượng ánh sáng, năng lượng nhiệt…
(13) "Suy nghĩ mãi, Thế tử Hữu mới tìm ra được một kế, quyết "di thân thí pháp" (dùng thân mình liều với pháp luật)". (Chuyện dùng người xưa và nay, tập 2, tr.54, nxb Chính trị Quốc gia, 1998)
Đúng ra phải là "thí thân di pháp" – hi sinh thân mình (thí thân) để mong sửa đổi được pháp luật hà khắc (di pháp). Thế tử Hữu dám liều mình để xin vua cha là Ngô Phù Sai bãi bỏ quân pháp "kẻ nào dám can ngăn vua xuất binh đánh Tề bị xử tử”. Ở đây, chữ dùng sai, chú thích càng sai: đâu phải chuyện dùng thân mình liều với pháp luật!
Một nguyên nhân dùng sai từ: Do không hiểu nghĩa của từ hoặc chỉ nhớ mang máng một từ rồi dùng chệch theo một từ quen dùng khác.
Có nhiều từ chúng ta chưa hiểu nghĩa và có rất nhiều từ gần nghĩa nhưng chúng ta không phân biệt được những khác nhau tinh tế trong các sắc thái nghĩa của chúng. Chẳng hạn, trong nói năng hàng ngày, chúng ta thường gặp cách dùng lẫn lộn hai danh từ màng và mạng: mạng nhện/màng nhện giăng đầy nhà; mạng lưới/màng lưới các cộng tác viên; thụi vào mạng mỡ/màng mỡ… Sắc thái nghĩa của chúng như sau: màng là một lớp mỏng với diện tích rộng, có tác dụng bọc ngoài hay ngăn cách hai đối tượng với nhau: màng mỡ, viêm màng não, tràn dịch màng phổi, thủng màng nhĩ… Còn mạng là một đối tượng gồm nhiều mắt, nhiều khâu nối kết lại và có thể giăng ra, trải rộng ra: mạng nhện, mạng lưới…
Có những từ chúng ta mới thoáng gặp, thoáng nghe một đôi lần , chỉ nhớ mang máng về âm và nghĩa, thành thử nhiều khi định diễn đạt nghĩa này lại hoá ra nghĩa kia vì mình đã dùng chệch sang một từ quen thuộc gần âm với từ định dùng. Kiểu sai này hay xảy ở những từ song tiết trong đó người ta nhớ đúng một âm tiết còn âm tiết kia thì nhớ chệch đi mà vẫn được một từ song tiết có nghĩa: tinh tuý ® tinh tú; ưu đãi ® chiêu đãi; huy hiệu ® danh hiệu ; mĩ lệ ® mĩ nghệ; đồng tình ® đồng tính; tham nhũng ® tham nhũn; nhậm chức ® nhận chức... 
Cũng có thể người viết hiểu nghĩa từng tiếng trong một từ song tiết nào đó, nhưng cả từ song tiết đó thì lại hiểu lờ mờ, hoặc cả từ thì hiểu nghĩa nhưng từng thành phần thì không hiểu tường tận, lúc đó dễ xảy ra tình trạng "râu ông nọ cắm cằm bà kia".
Trường hợp này cũng thường xảy ra khi dùng một từ Hán Việt hoặc một từ nước ngoài. Lời khuyên: Dùng từ nước ngoài dễ bị sai. Không nên dunøg từ nước ngoài nếu có từ tiếng Việt tương đương.Không dùng từ Hán Việt nếu có từ thuần Việt tương đương.
Không nên nói "Tin tức cập nhật". Nên nói "Tin tức trong ngày". Cũng vậy: xử trảm = xử chém; thuỷ triều = nước triều; cứu hoả = chữa cháy; hoả tiễn = tên lửa; thuỷ quân = lính thuỷ; thường nhật = thường ngày ; người cao niên = người cao tuổi…
(14) Cuối năm 2000 tất cả các trường ở Hàn Quốc đều được cung cấp computers và vào internet. 
Từ internet đã trở thành một thuật ngữ tin học bình thường rồi , dùng không sao. Nhưng từ lâu, người Việt đã quen với từ máy vi tính. Dùng từ computers làm gì?
Kiểu sai này cũng rất hay gặp nếu cái nghĩa sai ở trong một tình huống cụ thể lại có vẻ "có lí" hơn:
"Maurice là một gã đồng tình luyến ái đã từng giao du với giới đàn ông mãi dâm"; (đồng tính® đồng tình)
"Nhưng rồi đến lúc cái kim ẩn đầu đó trong bọc sẽ lồi ra” ; (đâu đó ® đầu đó)
"Trương Vĩnh Ký là người nói giỏi 15 thứ sinh ngữ , từ ngữ của phương Tây"; (tử ngữ ® từ ngữ)
Dấu vết của lối sai do nhớ mang máng này còn để lại đặc biệt nhiều và đậm dấu ấn trên những thành ngữ và tục ngữ:
"Kể làm như vậy cũng hơi tận tình nhân ngãi đó” ; (cạn tình nhân ngãi® tận tình nhân ngãi)
"Thế gian đã có câu rồi: "Đi buôn có bạn đi bán có thuyền" ; ("Đi buôn có bạn đi bán có phường" ® "Đi buôn có bạn đi bán có thuyền") 
Thậm chí có trường hợp phải chấp nhận cả hai biến thể, khó xác định đâu là tục ngữ gốc, đâu là tục ngữ phái sinh (do sai mà thành):
"Bát bể đánh con sao lành"
"Bát bể đánh con sao đành"
Một câu chuyện về dùng từ thuần Việt: Năm 1926, cụ Huỳnh Thúc Kháng định xuất bản một tờ báo chữ quốc ngữ. Khi bàn về tên báo, có người đề nghị lấy tên là Trung Thanh – tiếng nói của miền Trung. Có người muốn đặt là Dân Thanh – tiếng nói của người dân. Uyên thâm về Hán học nhưng cụ Phan Bội Châu nói đại ý : Đã là báo chữ quốc ngữ thì không nên nói "chữ" làm gì , cứ gọi là Tiếng Dân . Thế là cụ Huỳnh đã gửi đơn lên toàn quyền Đông Dương xin ra báo Tiếng Dân. Và năm 1927 tờ báo này ra đời. 
(15) "Thành ngữ "Nhà tình nghĩa" đã có từ hơn 20 năm về trước xuất xứ từ TP Hồ Chí Minh trong phong trào đền ơn đáp nghĩa […] Nhưng thành ngữ "Nhà tình thương" thì mới xuất hiện từ 5 năm trở lại đây” (Báo CCBVN, 8.11.2001) 
Nhà tình nghĩa, nhà tình thương là những "cụm từ" chứ không phải là "thành ngữ".
-------------------------------------------------------------------------------------------------------
Bài tập (về những câu sai từ ngữ)
1. Tìm từ sai trong những câu dưới đây:
(1.1) Cháu bé kiên quyết đòi chơi game. 
(1.2) Bọn tham ô nhận được sự cộng tác của đám xã hội đen.
(1.3) Hình ảnh những cô gái tóc vấn đuôi gà , chiếc khăn lụa đen quàng hờ trên vai, quảy kĩu kịt gánh hoa tươi hẳn vẫn còn in đậm trong tâm trí nhiều cụ ông, cụ bà sống lâu năm ở Hà Nội. 
(1.4) Có lẽ ông giám đốc công ti mình sắp đi bước nữa.
(1.5) Cha tôi muốn tái giá với một phụ nữ trẻ. 
(1.6) Thượng hoàng Thánh Tôn và Hoàng đế Nhân Tôn rất vui, sai ban ngự tiểu và lưu Hưng Đạo Vương ở lại dùng cơm liền… 
(1.7)"Ma tuý đang là một vấn nạn của toàn xã hội"; "Siđa là một căn bệnh nguy hiểm , nhưng vấn nạn vẫn là con số tiêm chích ma tuý và gái điếm gia tăng”
(1.8) Dòng người ứ đọng trên các đại lộ, chỉ để các xe chạy “garanti” cũng đã đốt hết hàng trăm triệu USD xăng dầu mỗi năm. 
1.9) Sau cùng là đội ngũ media (thông tin đại chúng) bản địa- máy quay phim, máy ảnh lăm lăm trong tay. 
(1.10) Đội bóng của họ chỉ là một thành phần tạm bợ, do chấn thương và do một số vị trí không hợp lệ. 
(1.11) Dịp đầu năm, cuối năm học là giai đoạn các hiệu cầm đồ nhắm đối tượng sinh viên làm ăn khá .
(1.12) Gần đây nạn đua xe lạng lách lại tái diễn theo chiều hướng xấu. 
(1.13) Hàng ngày, chàng đội lốt gấu , đi đi lại lại, làm một số trò cho khách thăm quan. 
(1.14) Hưng Đạo Vương nghĩ nhiều đến ý chí của hai vua…, Người chong đèn thức khuya viết một bức thư ngắn, xúc tiến lời lẽ vô cùng thắm thiết. 
(1.15) Những con rùa đội bia trong Khuê các Văn Miếu. 
(1.16) Tổng thống Aán Độ mời bà Sonia Gandhi (vợ quá của Cựu Thủ tướng Ragiw Gandhi đã bị ám sát) ra thành lập chính phủ mới.
2. sửa những câu sai về từ ngữ dưới đây:
(2.1) Làm gì để hạn chế tai nạn lưu thông ?
(2.2) Năm 1980, ông nuôi bò theo phương pháp thụ tinh nhân tạo.
(2.3) Từ khi có con tàu này, tàu hoả chạy nhanh trở lên vắng khách vì tốc độ của tàu cánh ngầm gấp đôi tàu nhanh.
(2.4) Hai sinh viên của đại học Purdue vừa khám phá ra một lỗi quan trọng trong hệ thống an ninh từng được nể trọng của Internet. Việc này đã đưa ra một cú đấm lớn cho nền thương mại điện tử.
(2.5) Ronaldo : "Thảm hoạ France 98" sẽ không lập lại?
(2.6) Tiêu biểu có thể kể đến nhóm ca nhạc Hoàng Mai Lưu đầy hung khí.
(2.7) Pho tượng bằng cẩm thạch nổi tiếng "Hercule suy tư" được nặn vào khoảng thế kỉ thứ hai sau công nguyên.
(2.8) Cứ mong manh đâu có con gái đẹp là nó mang lũ vô lại tới tận nơi bắt đi.
(2.9) Làn gió ấm áp đang đẩy lùi những hiện tượng tiêu cực, trì trệ, lấy lại sự sôi nổi, hoạt bát vốn có của cách mạng nước ta. (2.10) Tôi gặp một "công tử" Bùi Văn Nhưng, 30 tuổi, con một gia đình giàu ở thị xã Cao Lãnh, đang trong trại cải tạo lao động. 
3. Vì sao kết luận được rằng những câu dưới đây đã mắc lỗi khi vận dụng một thành ngữ, tục ngữ? 
3.1) Có thực mới vực được … ma tuý chứ!"
(3.2) Từ ấy, họ như hai kẻ thù "bất cộng đáy thiên" , vẫn ở chung mà cơm ai nấy ăn, giường ai nấy ngủ.
Bl: (3.2) Thành ngữ Hán Việt "bất cộng đới thiên" có nghĩa là "không đội trời chung”. Từ đới (đội) còn có cách phát âm là đái . "Đái thiên" nghĩa là "đội trời” còn "đáy thiên" thì hoá ra vòm trời này có … đáy! Đây là lỗi sai thường gặp ở người miền Nam không nắm chắc chữ Hán. Vì phương ngữ Nam Bộ khi phát âm không phân biệt vần ay/ai .
(3.3) Phần thể phách còn tán loạn thế, nói chi đến phần tinh anh, tam sao thất bản.
Bl: Ở câu trên nhà văn nói về những bản thảo bị thất lạc. Có điều, “thất bản” không phải là "thất lạc bản thảo", chỉ là sai nguyên bản thôi.
4. Phân biệt nghĩa của những từ sau đây:
(a) Tham nhũng, tham ô, tham lam, tham tàn, hối lộ
(b) Tham quan, thăm viếng
(c) Hoàn thành , hoàn thiện, hoàn 

File đính kèm:

  • docCac ban da chac minh noi viet dung chinh ta chua mot cai click la qua du Ban.doc
Đề thi liên quan