Bài giảng Khái quát về văn học việt nam từ cách mạng tháng tám 1945 đến hết thế kỷ XX

doc57 trang | Chia sẻ: haohao | Lượt xem: 1618 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem trước 20 trang mẫu tài liệu Bài giảng Khái quát về văn học việt nam từ cách mạng tháng tám 1945 đến hết thế kỷ XX, để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
TÀI LIỆU ÔN THI TỐT NGHIỆP THPT MÔN NGỮ VĂN

PHẦN 1: VĂN HỌC VIỆT NAM

KHÁI QUÁT VĂN HỌC VIỆT NAM 
TỪ CÁCH MẠNG THÁNG TÁM 1945 ĐẾN HẾT THẾ KỶ XX

I. KIẾN THỨC CƠ BẢN
1. Về hoàn cảnh lịch sử - xã hội từ 1945 đến hết thế kỉ XX
 Văn học Việt Nam trong thời kì từ 1945 đến hết thế kỉ XX phát triển trong điều kiện lịch sử có nhiều biến động.
 - Đường lối văn nghệ của Đảng cộng sản, sự lãnh đạo của Đảng tạo nên một nền văn học thống nhất trên đất nước ta.
 - Giai đoạn 1945 – 1975, diễn ra hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ, kéo dài suốt 30 năm đã tác động sâu sắc đến đời sống vật chất, tinh thần của dân tộc, trong đó có văn học nghệ thuật. Trong giai đoạn này,Việt Nam có sự giao lưu tiếp xúc với thế giới, nhưng chủ yếu thông qua vùng ảnh hưởng của phe xã hội chủ nghĩa, mà chủ yếu là Liên Xô và Trung Quốc.
 - Giai đoạn 1975 đến hết thế kỉ XX, đất nước bước vào thời kì hòa bình, ổn định và hướng tới đổi mới toàn diện, sâu sắc;quan niệm văn nghệ của Đảng Cộng sản Việt Nam có những thay đổi (coi văn học không chỉ là công cụ chính trị mà còn là nhu cầu văn hóa – thẩm mĩ thiết yếu của con người). Trong giai đoạn này, nhất là từ thập kỉ 90, Việt Nam có sự tiếp xúc rộng rãi với văn hóa – văn học thế giới theo con đường hội nhập kinh tế - văn hóa.
2. Quá trình phát triển và những thành tựu chủ yếu của văn học Việt Nam từ Cách mạng tháng 8/1945 – 1975.
* Chặng đường từ năm 1945 đến 1954:
- Một số tác phẩm trong những năm 1945-1946 đã phản ánh được không khí hồ hởi, vui sướng đặc biệt của nhân dân ta khi đất nước vừa giành được độc lập( Ngọn Quốc kì, Hội nghị non sông của Xuân Diệu...).
- Từ cuối năm 1946, văn học tập trung phản ánh cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, khám phá sức mạnh và những phẩm chất tốt đẹp của quần chúng nhân dân, thể hiện niềm tự hào dân tộc và niềm tin vào tương lai tất thắng của cuộc kháng chiến.
- Truyện ngắn và kí: là những thể loại mở đầu cho văn xuôi chặng đường kháng chiến chống Pháp. Những tác phẩm tiêu biểu: Một lần tới Thủ đô và Trận phố Ràng của Trần Đăng, Đôi mắt và Nhật kí Ở rừng của Nam Cao, Vùng mỏ của Võ Huy Tâm, Xung kích của Nguyễn Đình Thi, Đất nước đứng lên của Nguyên Ngọc
- Thơ ca: đạt được nhiều thành tựu xuất sắc.
 +Tiêu biểu là những tác phẩm: Rằm tháng giêng của Hồ Chí Minh, Bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm, Tây Tiến của Quang Dũng, Đất nước của Nguyễn Đình Thi, Việt Bắc của Tố Hữu...
+ Cảm hứng chính là tình yêu quê hương đất nước, lòng căm thù giặc, ca ngợi cuộc sống kháng chiến và con người kháng chiến.
- Kịch: một số vở gây sự chú ý như Những người ở lại của Nguyễn Huy Tưởng, Chị Hòa của Học Phi...
- Lí luận, phê bình văn học có những tác phẩm có ý nghĩa quan trọng như : bản báo cáo Chủ nghĩa Mác và vấn đề văn hóa Việt Nam của Trường Chinh, bài tiểu luận Nhận đường của Nguyễn Đình Thi...
* Chặng đường từ 1955 đến 1964.
- Văn xuôi: về đề tài kháng chiến chống Pháp: Sống mãi với Thủ đô của Nguyễn Huy Tưởng... ; đề tài hiện thực đời sống trước Cách mạng: Tranh tối tranh sáng của Nguyễn Công Hoan...; đề tài công cuộc xây dựng CNXH: Sông Đà của Nguyễn Tuân...
- Thơ ca: phát triển mạnh mẽ. Các tập thơ tập thơ xuất sắc gồm có: Gió lộng của Tố Hữu, Ánh sáng và phù sa của Chế Lan Viên...
- Kịch nói: có phát triển, tiêu biểu là các vở: Một đảng viên của Học Phi, Chị Nhàn của Đào Hồng Cẩm...
* Chặng đường từ 1965 đến 1975.
- Văn xuôi: chặng đường này tập trung phản ánh cuộc sống chiến đấu và lao động, đã khắc họa khá thành công hình ảnh con người Việt Nam anh dũng, kiên cường, bất khuất.
+ Ở miền Nam, truyện kí viết trong máu lửa của chiến tranh đã phản ánh nhanh nhạy và kịp thời cuộc chiến đấu của quân dân miền Nam anh dũng như: Người mẹ cầm súng của Nguyễn Thi, Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành.
+ Ở miền Bắc, truyện kí cũng phát triển mạnh, tiêu biểu là kí chống Mĩ của Nguyễn Tuân...Tiểu thuyết cũng phát triển: Bão biển của Chu Văn, Dấu chân người lính của Nguyễn Minh Châu...
-Thơ: đạt nhiều thành tựu xuất sắc. Thơ chặng đường này thể hiện rõ khuynh hướng mở rộng và đào sâu chất liệu hiện thực, khái quát, chất suy tưởng, chính luận như: Máu và hoa của Tố Hữu, Hoa ngày thường, chim báo bão của Chế Lan Viên...
-Kịch: cũng có những thành tựu đáng ghi nhận, nổi bật là Quê hương Việt Nam của Xuân Trình, Đại đội trưởng của tôi của Đào Hồng Cẩm là những vở kịch tạo được tiếng vang bấy giờ.
3. Những đặc điểm cơ bản của văn học 1945 – 1975
- Văn học chủ yếu vận động theo hướng cách mạng hoá,gắn bó với vận mệnh chung của đất nước.
- Văn học hướng về đại chúng và đậm đà tính dân tộc.
- Văn học chủ yếu mang khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn.
4. Những chuyển biến và một số thành tựu ban đầu của văn học Việt Nam từ 1975 đến hết thế kỷ XX.
- Thơ sau năm 1975: có những tác giả ít nhiều tạo được sự chú ý của người đọc, tiêu biểu là trường ca: Những người đi tới biển của Thanh Thảo, Đường tới thành phố của Hữu Thỉnh... ...
 - Văn xuôi sau năm 1975: bộc lộ ý thức muốn đổi mới cách viết về chiến tranh, cách tiếp cận hiện thực đời sống như: Đứng trước biển của Nguyễn Mạnh Tuấn, Gặp gỡ cuối năm của Nguyễn Khải...
-Từ năm 1986, văn học chính thức bước vào chặng đường đổi mới. Văn học gắn bó hơn, cập nhật hơn những vấn đề của đời sống hàng ngày.
+ Văn xuôi thực sự khởi sắc với những tập truyện ngắn: Chiếc thuyền ngoài xa và Cỏ lau của Nguyễn Minh Châu, Tướng về hưu của Nguyễn Huy Thiệp...
+ Kịch phát triển mạnh mẽ. Một số tác phẩm tạo được sự chú ý của khán giả như Hồn Trương Ba, da hàng thịt của Lưu Quang Vũ, Mùa hè ở biển của Xuân Trình...
+ Lí luận, nghiên cứu phê bình văn học cũng có sự đổi mới, Ngoài những cây bút có tên tuổi, đã xuất hiện một số cây bút trẻ có nhiều triển vọng.
* Tóm lại từ sau 1975, văn học Việt Nam đã có những nét đổi mới:
- Sự đổi mới ý thức nghệ thuật của giới cầm bút, xa dần với khuynh hướng chính trị hóa trong nghệ thuật.
 -Văn học Vận động theo xu hướng dân chủ hóa.
 -Văn học phát triển trên nền tảng tư tưởng và cảm hứng chủ đạo là tinh thần nhân bản và sự ý thức sâu sắc ý thức cá nhân.
 - Văn học phát triển đa dạng hơn về đề tài, phong phú và mới mẻ hơn về thủ pháp nghệ thuật, khuynh hướng… hướng tới tính hiện đại.
- Văn học đổi mới trên tất cả các thể loại:
 + Về văn xuôi: có sự đổi mới trong quan niệm và cách thức tiếp cận hiện thực, đổi mới về nghệ thuật trần thuật, đổi mới quan niệm nghệ thuật về con người dẫn đến sự biến đổi về hệ thống nhân vật, đổi mới về ngôn ngữ, đổi mới trong cấu trúc các thể loại văn xuôi...
 +Về thơ: tính chất phi sử thi hóa, hướng vào đời sống thế sự và cá nhân, đã làm xuất hiện nhiều dạng thức mới của cái tôi trữ tình, muốn vượt ra khỏi cái truyền thống “duy cảm” của thơ phương Đông; thơ phát triển theo hai xu hướng: đưa thơ về gần với văn xuôi, với triết học hoặc đưa thơ sang địa hạt của tâm linh vô thức, về hình thức thơ phát triển theo hướng tự do hóa. 
II. LUYỆN TẬP
1. Hãy trình bày những nét chính về tình hình lịch sử, xã hội, văn hóa có ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển của văn học Việt Nam từ Cách mạng tháng Tám 1945 đến 1975?
Gợi ý trả lời : Xem mục 1, phần kiến thức cơ bản.
2. Văn học Việt Nam 1945 – 1975 chia làm mấy chặng? Nêu những thành tựu chủ yếu của mỗi chặng ?
Gợi ý trả lời : Xem mục 2, phần kiến thức cơ bản.
3. Những đặc điểm cơ bản của văn học Việt Nam từ 1945 đến 1975 ?
Gợi ý trả lời : Xem mục 3, phần kiến thức cơ bản.
4. Căn cứ vào hoàn cảnh lịch sử, xã hội, văn hóa, hãy giải thích tại sao văn học Việt Nam từ 1975 đến hết thế kỉ XX phải đổỉ mới?
Gợi ý:
 - Đất nước hết chiến tranh . Các vấn đề hậu chiến nảy sinh: nạn nhân chiến tranh, hoàn cảnh kinh tế chưa phục hồi…
 - Đất nước chuyển sang nền kinh tế thị trường: xã hội thay đổi quan điểm, góc nhìn đối với con người và nghệ thuật (Cái nhìn của nhà văn không đơn giản, một chiều như trước mà đa diện hơn, linh hoạt, góc cạnh hơn …)
 - Tiếp xúc rộng rãi với văn hóa thế giới.
 - Nhu cầu bạn đọc phong phú và đa dạng hơn trước.
 - Đảng Cộng sản Việt Nam có nhiều đổi mới trong quan điểm chỉ đạo văn học nghệ thuật. 
5. Quá trình phát triển và thành tựu chủ yếu của văn học Việt Nam từ 1975 đến cuối thế kỉ XX ?
Gợi ý trả lời: Xem mục 4, phần kiến thức cơ bản.
6. Chứng minh một trong những đặc điểm của văn học Việt Nam từ 1945 – 1975: chủ yếu được sáng tác theo khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn cách mạng?
Gợi ý:
a. Khuynh hướng sử thi
 * Khái niệm" sử thi" : không là khái niệm thể loại sử thi cổ đại, mà là đặc điểm của văn học sáng tác trên nền tảng của ý thức cộng đồng toàn dân xuất hiện vào thời kì có đấu tranh chống , có phong trào xã hội bảo vệ lợi ích toàn dân, được thể hiện ở các khía cạnh: xung đột sử thi là xung đột giữa dân tộc với kẻ xâm lược. Chủ đề sử thi là dân tộc, nhân dân, Tổ quốc. Nhân vật sử thi là nhân vật anh hùng đại diện cho phẩm chất, ý chí và sức mạnh của dân tộc. Giọng điệu sử thi là ca ngợi...
 * Chứng minh:
 - Văn học thời kì này đã phản ánh từng chặng đường đấu tranh của lịch sử dân tộc: văn học chống Pháp là bức tranh rộng lớn về cuộc kháng chiến của cả dân tộc, thể hiện dáng hình đất nước đau thương, máu lửa nhưng cũng đầy hào hùng,quật khởi : Đất nước (Nguyễn Đình Thi), Đất nước đứng lên (Nguyên Ngọc), Việt Bắc của Tố Hữu…và cuộc kháng chiến chống Mĩ đầy gian khổ, hi sinh nhưng cũng rất đỗi tự hào: Rừng xà nu ( Nguyễn Trung Thành), Những đứa con trong gia đình ( Nguyễn Thi)...
 - Cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mĩ của nhân dân ta là những cuộc kháng chiến vệ quốc. Văn học thể hiện sức mạnh vĩ đại của cả dân tộ, mà nhân vật trung tâm là hình ảnh bộ đội, dân công, nhân dân …họ tiêu biểu cho khí phách, phẩm chất, ý chí của toàn dân tộc: 
 + Bức tranh Việt Bắc ra quân tiêu biểu cho sức mạnh, tinh thần đoàn kết của cả dân tộc trong cuộc kháng chiến chống Pháp : “Những đường …mai lên” (Việt Bắc của Tố Hữu)
 + Hình ảnh những chiến sĩ từ những chiến hào đã xông lên tiêu điệt quân thù làm nên một đất nước chói loà “Nước Việt Nam từ máu lửa – Rũ bùn đứng dậy sáng loà”( Đất nước của Nguyễn Đình Thi), sức mạnh của đất nước như một sự hoá thân màu nhiệm. 
 + Các kí sự của Trần Đăng như Trận phố Ràng, Một cuộc chuẩn bị; của Nguyễn Huy Tưởng Kí sự Cao Lạng; truyện ngắn Thư nhà của Hồ Phương, Xung kích của Nguyễn Đình Thi … Tất cả đã phản ánh chân thực, phong phú hình ảnh chiến sĩ ta với những phẩm chất cao đẹp, tinh thần anh dũng và cuộc chiến đấu gay go, quyết liệt, sự trưởng thành của quân dân. 
 + Đói rét, nguy hiểm vẫn không làm các anh bộ đội sờn lòng, nản chí mà ngược lại tư thế của các anh vẫn hiên ngang, hào hùng:
 “Rất đẹp hình anh lúc nắng chiều
 Bóng dài trên đỉnh dốc cheo leo
Núi không đè nổi vai vươn tới
Lá ngụy trang reo với gió đèo.”
(Lên Tây Bắc – Tố Hữu)
“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm …”
(Tây Tiến – Quang Dũng)
 + Xây dựng được nhân vật mang cốt cách của cả cộng đồng, nhân vật chính thường tiêu biểu cho lí tưởng chung của dân tộc, gắn bó số phận mình với số phận đất nước, thể hiện và kết tinh những phẩm chất cao đẹp của cả cộng đồng: Đó là Tnú trong tác phẩm Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành - tiêu biểu cho khí phách hiên ngang, tinh thần bất khuất của đồng bào Tây Nguyên; Việt, Chiến trong tác phẩm Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi mang khí phách anh hùng của người nông dân Nam bộ trong kháng chiến chống Mĩ.
 - Văn xuôi chống Mĩ xây dựng được những hình ảnh sinh động về những chiến sĩ anh hùng như chị Sứ (Hòn đất – Anh Đức), chị út Tịch (Người mẹ cầm súng – Nguyễn Thi), Mẫn ( Mẫn và tôi – Phan Tứ) …
 - Ngôn ngữ sử thi mang giọng điệu ca ngợi trang trọng :
 + “Người Strá ai có cái tai, ai có cái bụng thương núi, thương nước, hãy lắng mà nghe, mà nhớ. Sau này tau chết rồi, chúng mày phải kể lại cho con cháu nghe...” (Rừng xà nu - Nguyễn Trung Thành)
 + Trong Việt Bắc: “Những đường Việt Bắc … núi Hồng” (Việt Bắc-Tố Hữu)
 b. Cảm hứng lãng mạn 
 -Cảm hứng lãng mạn tạo nên cho văn học giai đoạn này chủ nghĩa lãng mạn anh hùng; khẳng định phương diện lí tưởng của cuộc sống và vẻ đẹp của con người mới, ca ngợi chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng, sống trong gian khổ thiếu thốn nhưng con người vẫn hướng đến tương lai tươi sáng và niềm tin vào cách mạng với một ý chí, nghị lực phi thường: 
 “ Ở đâu u ám quân thù ... nuôi chí bền " (Việt Bắc - Tố Hữu)
 "Trường sơn xẻ dọc, rọc ngang
 Xẻng tay mà viết nên trang sử hồng"(Nước non ngàn dặm- Tố Hữu)
 - Cảm hứng lãng mạn đã khiến cho nhà thơ, nhà văn nhìn hiện tại bằng con mắt hi vọng về tương lai tươi sáng:
 Thơ Tố Hữu phơi phới niềm lạc quan tin tưởng: "Năm năm mới bấy nhiêu ngày – Mà trông trời đất đổi thay đã nhiều" ; "Xuân ơi xuân em mới đến dăm năm – Mà cuộc sống đã tưng bừng ngày hội"... 
 Cái nhìn của Nguyễn Đình Thi cũng tràn đầy hi vọng "Trán cháy rực nghĩ trời đất mới – Lòng ta bát ngát ánh bình minh" (Đất nước)
7. Hãy trình bày tóm lược những nét đổi mới của văn học từ sau năm 1975 ?
Gợi ý trả lời: Xem phần" Đổi mới" trong mục 4, kiến thức cơ bản.


TÁC GIẢ HỒ CHÍ MINH

I. KIẾN THỨC CƠ BẢN
 1. Hồ Chí Minh (1890-1969 ) là lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, đồng thời là nhà hoạt động cách mạng lỗi lạc của phong trào Quốc tế cộng sản. Bên cạnh sự nghiệp cách mạng vĩ đại, Người còn để lại một di sản văn học quí giá. Hồ Chí Minh là nhà văn, nhà thơ lớn của dân tộc.
2. Quan điểm sáng tác :
 - Hồ Chí Minh coi văn học là vũ khí chiến đấu phụng sự cho sự nghiệp cách mạng. Nhà văn cũng phải có tinh thần xung phong như người chiến sĩ ngoài mặt trận:
	 Nay ở trong thơ nên có thép,
 Nhà thơ cũng phải biết xung phong
 ( Cảm tưởng đọc “ Thiên gia thi”)
 - Hồ Chí Minh luôn chú trọng tính chân thật và tính dân tộc trong văn học
 - Khi cầm bút, Người bao giờ cũng xuất phát từ mục đích, đối tượng tiếp nhận để quyết định nội dung và hình thức của tác phẩm. Người đặt câu hỏi “ Viết cho ai ?” trước khi xác định “ Viết để làm gì ?”, sau đó mới “ Viết cái gì ?” và“ Viết thế nào ?” 
 3. Di sản văn học :
	Người để lại một di sản văn học lớn lao về tầm vóc tư tưởng , phong phú về thể loại và đa dạng về phong cách nghệ thuật:
a. Văn chính luận: Những áng văn chính luận tiêu biểu của Người cho thấy tác giả viết không chỉ bằng lí trí sáng suốt, trí tuệ sắc sảo mà còn bằng cả tấm lòng yêu, ghét sâu sắc mãnh liệt, nồng nàn. Văn chính luận của Người được biểu đạt bằng hệ thống lập luận chặt chẽ, lời văn súc tích giàu tính chiến đấu. Tác phẩm tiêu biểu: Bản án chế độ thực dân Pháp( 1925), Tuyên ngôn độc lập ( 1945), Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (1946 ), Không có gì quí hơn độc lập tự do ( 1966 ) , Di chúc ( 1969 ) …
b. Truyện và kí: Thể hiện tài năng của một cây bút văn xuôi với trí tưởng tượng phong phú, một vốn văn hoá sâu rộng, một trí tuệ sắc sảo và một trái tim tràn đầy nhiệt tình yêu nước và cách mạng; bút pháp hiện đại và nghệ thuật trần thuật linh hoạt . Tác phẩm tiêu biểu: Pari (1922), Lời than vãn của bà Trưng Trắc (1922), Vi hành (1923), Những trò lố hay Varen và Phan Bội Châu (1925); Nhật kí chìm tàu (1931), Vừa đi đường vừa kể chuyện (1963) … 
c. Thơ ca :
- Ngục trung nhật kí (Nhật kí trong tù): Tập thơ chữ Hán gồm 134 bài, được viết trong thời gian Người bị chính quyền Tưởng Giới Thạch giam cầm từ mùa thu 1942 đến mùa thu 1943 tại Quảng Tây (Trung Quốc)
	Tập thơ đã tái hiện một cách chân thật bộ mặt tàn bạo của chế độ nhà tù Quốc dân đảng và một phần hình ảnh xã hội Trung Quốc bấy giờ. Nội dung chủ yếu của tập thơ là ghi lại tâm trạng, cảm xúc và suy nghĩ của “ bậc đại trí, đại nhân, đại dũng”; là bức chân dung tự họa phản ánh tâm hồn và nhân cách cao đẹp của Người (lòng yêu nước, nhân ái, yêu thiên nhiên, nghị lực phi thường, khao khát tự do, lạc quan, tin tưởng …)
 	Nhật kí trong tù là tập thơ đặc sắc, đa dạng và linh hoạt về bút pháp.
- Thơ chữ Hán và thơ tiếng Việt được sáng tác từ 1941 đến 1945 và trong thời kì kháng chiến chống Pháp; chia làm hai loại: thơ tuyên truyền như Dân cày, Công nhân, Ca binh lính, Ca sợi chỉ … ; thơ nghệ thuật như Pắc Pó hùng vĩ, Tức cảnh Pắc Pó, Cảnh khuya, Cảnh rừng Việt Bắc, Thướng sơn (Lên núi), Nguyên tiêu (Rằm tháng Giêng), Thu dạ (Đêm thu), Báo tiệp (Tin thắng trận)…
4. Phong cách nghệ thuật Hồ Chí Minh: độc đáo , đa dạng
- Văn chính luận của Người thường ngắn gọn, súc tích, lập luận sắc sảo, chặt chẽ , bằng chứng giàu sức thuyết phục và đa dạng về bút pháp.
- Truyện và kí của Người rất hiện đại, có tính chiến đấu mạnh mẽ và nghệ thuật trào phúng sắc bén.
 - Thơ nghệ thuật của Hồ Chí Minh có sự hoà hợp độc đáo giữa bút pháp cổ điển và bút pháp hiện đại; giữa chất trữ tình và chất “thép”; giữa sự trong sáng, giản dị và sự hàm súc sâu sắc.
II. LUYỆN TẬP
1. Nêu những nét chính về quan điểm sáng tác văn học nghệ thuật của Hồ Chí Minh.
Gợi ý trả lời: Xem mục 2, phần kiến thức cơ bản
2. Trình bày những nét khái quát về sự nghiệp văn học của Hồ Chí Minh.
Gợi ý trả lời: Xem mục 3, phần kiến thức cơ bản

3. Những đặc điểm cơ bản của phong cách nghệ thuật Hồ Chí Minh ?
Gợi ý trả lời: Xem mục 4, phần kiến thức cơ bản
4. Cho biết ý kiến của anh chị về hai dòng thơ sau trích trong bài Cảm tưởng đọc “Thiên gia thi” của Hồ Chí Minh.
 Nay ở trong thơ nên có thép,
	Nhà thơ cũng phải biết xung phong
Gợi ý trả lời: Đây là hai dòng sau trong bài tứ tuyệt “Cảm tưởng đọc Thiên gia thi” , một bài thơ trong tập Nhật kí trong tù được Bác Hồ viết nhân dịp đọc một tập thơ cổ của Trung Quốc có nhan đề là “Thiên gia thi”
a. Theo Hồ Chí Minh, thơ ngày nay cần phải có thêm một phẩm chất mới mà thơ xưa chưa có, đó là chất thép. Nói cách khác, đó là tính chiến đấu trong thơ nói riêng và văn chương nghệ thuật nói chung; chức năng của thơ cách mạng là vũ khí chiến đấu chống lại mọi kẻ thù và cái ác . 
	Dòng thơ cuối đề cập tới vai trò của nhà thơ. Người cầm bút phải biết xung phong, nghĩa là phải biết dùng văn chương nghệ thuật để làm cách mạng, để cải tạo cuộc sống. Nhà văn là người chiến sĩ trên mặt trận văn hoá nghệ thuật.
b. thơ trên chứa đựng một quan niệm phong phú và sâu sắc của Hồ Chí Minh về thơ :
- Trong thơ phải có tình yêu và vẻ đẹp, bao gồm tình yêu đối với vẻ đẹp của thiên nhiên. Nhà thơ không phủ nhận tình yêu thiên nhiên của thơ xưa. 
- Tuy vậy, Người cho rằng nếu thơ chỉ dừng lại ở tình yêu vẻ đẹp thiên nhiên như thơ xưa thì chưa đủ. Hồ Chí Minh còn mong cho thơ có thêm một chất mới: chất thép, mong cho nhà thơ có sứ mệnh mới: xung phong. Nói cách khác, thơ không chỉ khẳng định tình yêu đối với vẻ đẹp của thiên nhiên mà còn phải biết đấu tranh cho tình yêu và cái đẹp trong cuộc đời. Thơ và nhà thơ phải có tính chiến đấu, phải có tinh thần cách mạng.
- Bài thơ trên của Bác Hồ được sáng tác trong hoàn cảnh đất nước còn chìm đắm trong cảnh nô lệ, bản thân tác giả đang bị giam cầm. Lúc này thơ và nhà thơ phải tham gia đấu tranh để cứu nước, phải làm nhiệm vụ công dân và cách mạng. Quan niệm về thơ và nhà thơ, hay nói rộng hơn, về văn học nghệ thuật và về người nghệ sĩ như vậy là một quan niệm có tầm rộng lớn, cao cả, sâu sắc. Quan niệm của Người - một nhà thơ cách mạng - đặt nền móng cho văn học cách mạng hiện đại Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.
5. Anh chị hiểu như thế nào về sự kết hợp hài hoà giữa bút pháp cổ điển và bút pháp hiện đại trong thơ Hồ Chí Minh ?
Gợi ý trả lời: Thơ Hồ Chí Minh có sự kết hợp hài hoà giữa bút pháp cổ điển và tinh thần thời đại. Đó là một đặc điểm phong cách nghệ thuật của Người. 
a. Về bút pháp cổ điển 
- Thế giới thiên nhiên quen thuộc. Người tả thiên nhiên theo bút pháp của Đường thi: chỉ chấm phá vài nét nhưng ghi lấy linh hồn của tạo vật.
- Màu sắc cổ điển còn được thể hiện ở phong thái ung dung của nhân vật trữ tình với tấm lòng hoà hợp gắn bó với thiên nhiên.
- Giọng điệu thơ Hồ Chí Minh phảng phất phong vị thơ Đường, Tống; sử dụng thể tứ tuyệt hàm súc, ý tại ngôn ngoại, sử dụng nhiều tứ thơ cổ …
b. Về bút pháp hiện đại
- Thiên nhiên trong thơ Người không tĩnh lặng mà vận động một cách khoẻ khoắn, thường hướng tới sự sống, ánh sáng và tương lai
- Nhân vật trữ tình không phải là một ẩn sĩ mà là chiến sĩ,luôn trong tư thế làm chủ hoàn cảnh 
- Thơ Người thể hiện rõ chất thép, tính chiến đấu, tính cách mạng…

TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP 
 HỒ CHÍ MINH 

I. KIẾN THỨC CƠ BẢN
1. Hoàn cảnh sáng tác: Cách mạng tháng Tám thành công, ngày 26- 8- 1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh từ chiến khu Việt Bắc về tới Hà Nội. Tại căn nhà số 48 phố Hàng Ngang, Người soạn thảo bản Tuyên ngôn độc lập. Ngày 02 - 9- 1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Người đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. 
Đối tượng và mục đích sáng tác: Văn kiện này không chỉ được đọc trước quốc dân đồng bào mà còn để công bố với thế giới, đặc biệt là thực dân Pháp và những lực lượng cơ hội quốc tế khác đang thực hiện âm mưu xâm lược nước ta. Cũng vào thời gian đó, thực dân Pháp tuyên bố: Đông Dương vốn là thuộc địa của Pháp, nay Nhật đầu hàng Đồng minh, do vậy Đông Dương phải thuộc quyền “bảo hộ” của người Pháp. Bản tuyên ngôn đã cương quyết bác bỏ luận điệu này.
Giá trị : Tuyên ngôn độc lập là văn kiện vừa có giá trị lịch sử (đánh dấu mốc son lịch sử mở ra kỷ nguyên độc lập tự do của nước ta), vừa có giá trị văn học (một tác phẩm chính luận đặc sắc) 
2. Tuyên ngôn độc lập là áng văn chính luận mẫu mực với cách lập luận chặt chẽ, lí lẽ sắc bén, bằng chứng xác thực và có tính thuyết phục cao độ. 
Bố cục (lập luận đại cương) của văn bản có ba phần :
- Phần 1: (từ đầu … “chối cãi được”) : Cơ sở pháp lý và chính nghĩa của tuyên ngôn : nêu những nguyên lý về quyền bình đẳng , tự do , độc lập.
- Phần 2: (từ “Thế mà” … “ phải được độc lập” ) : Cơ sở thực tế của Tuyên ngôn
+ Bản cáo trạng về tội ác của thực dân Pháp trong 80 năm.
+ Lập trường chính nghĩa và cuộc đấu tranh cách mạng của ta.
+ Sự ra đời tất yếu của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.
- Phần 3: (còn lại): Lời tuyên bố và nêu quyết tâm bảo vệ độc lập dân tộc.
3. Phần 1 nêu nguyên lý “không ai chối cãi được” có ý nghĩa vô cùng quan trọng tạo nên sức thuyết phục của văn bản. Tác giả đã trích dẫn từ hai bản Tuyên ngôn độc lập của Mĩ (1776) và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Pháp (1791) để nêu lên những quyền cơ bản: bình đẳng, quyền tự do, quyền hạnh phúc, quyền độc lập dân tộc. 	Đây là những dẫn chứng được thế giới thừa nhận nên cơ sở pháp lý càng vững vàng và giàu sức thuyết phục. Nền độc lập và chủ quyền của nước ta được đặt ngang hàng với Pháp và Mĩ. Để bác bỏ luận điệu của đối phương bằng lời lẽ của chính họ. 	Đây là cách tranh luận hiệu quả theo lối “lấy gậy ông đập lưng ông”. Tác giả đã vận dụng dẫn chứng theo lối mở rộng nâng cao từ quyền con người đến quyền dân tộc.
	Đoạn mở đầu hết sức súc tích, ngắn gọn gồm: hai câu trích, một lời bình, một câu kết thúc gói lại thật chặt.
4. Sau khi nêu những nguyên lý không chối cãi được, Tuyên ngôn độc lập lần lượt bác bỏ luận điệu xảo trá của thực dân Pháp hòng tái xâm lược nước ta. Tác giả đã tố cáo thực dân Pháp lợi dụng lá cờ tự do bình đẳng, bác ái đến cướp nước ta, áp bức đồng bào ta. Hành động ấy trái với nhân đạo và chính nghĩa. Chúng đã thực hiện chính sách ngu dân và bóc lột tàn bạo. Chúng lớn tiếng “ bảo hộ” Việt Nam nhưng trong vòng năm năm , chúng đã bán nước ta hai lần cho Nhật. Chúng nhân danh Đồng minh đánh phát xít nhưng chúng đã quỳ gối đầu hàng Nhật, lại còn khủng bố Việt Minh.
 Phần cuối: Bản Tuyên ngôn đã nhấn mạnh ý “dân ta lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật chứ không phải từ tay Pháp”. Do đó, việc chính phủ nước Việt Nam mới tuyên bố thoát ly quan hệ thực dân với Pháp là hoàn toàn hợp lý, hợp pháp. Đồng thời tuyên bố nước Việt Nam độc lập và nêu quyết tâm bảo vệ nền độc lập ấy.
II. LUYỆN TẬP
1. Cho biết hoàn cảnh sáng tác, mục đích sáng tác, đối tượng hướng đến và giá trị của bản Tuyên ngôn độc lập.
Gợi ý trả lời : Xem mục 1, phần kiến thức cơ bản.
2. Phân tích cách lập luận của bản Tuyên ngôn độc lập.
Gợi ý trả lời : Xem mục 3 và 4, phần kiến thức cơ bản.


NGUYỄN ĐÌNH CHIỂU
NGÔI SAO SÁNG TRONG VĂN NGHỆ CỦA DÂN TỘC
	PHẠM VĂN ĐỒNG 
I. KIẾN THỨC CƠ BẢN 
1. Tác giả Phạm Văn Đồng (1906-2000) 
	Nhà cách mạng xuất sắc, nhà giáo dục tâm huyết và một nhà lí luận văn hoá, văn nghệ lớn của Việt Nam thế kỉ XX. Ông luôn dành mối quan tâm đặc biệt đến mặt trận văn hoá, văn nghệ của nước ta.
2. Hoàn cảnh, mục đích sáng tác
Hoàn cảnh sáng tác: Bài viết “Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc” được Phạm Văn Đồng viết nhân dịp kỉ niệm 75 năm ngày mất Nguyễn Đình Chiểu (3/ 7/1888 - 3/7/1963). Bài được in trên Tạp chí Văn học, tháng 7/1963.
Mục đích sáng tác:
 * Nhằm để tưởng nhớ Nguyễn Đình Chiểu.
 * Nhằm định hướng, điều chỉnh cách nhìn, cách tiếp nhận, đánh giá về cuộc đời và thơ văn của Nguyễn Đình Chiểu:
Từ cách nhìn đúng đắn về một tác giả trong hoàn cảnh đặc biệt và thời đại lịch sử bi tráng để khẳng định bản lĩnh và lòng yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu.
Khôi phục g

File đính kèm:

  • docGIAO AN ON THI TNTHPT.doc