Bài làm văn số 1 Ngữ văn 10 - Tuần 3
Bạn đang xem nội dung tài liệu Bài làm văn số 1 Ngữ văn 10 - Tuần 3, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Bài làm văn số 1 Ngữ văn 10 - tuần 3 BÀI VIẾT SỐ 1 CẢM NGHĨ VỀ MỘT HIỆN TƯỢNG ĐỜI SỐNG( HOẶC MỘT TÁC PHẨM VĂN HỌC) I. Yêu cầu về kiến thức: 1. Quan sát, tìm hiểu và không thờ ơ với những gì xảy ra trong đời sống xung quanh mình. Ghi lại những cảm xúc, suy ngẫm một cách chân thành, sâu sắc về các sự vật, sự việc, hiện tượng, con người trong cuộc sống. Cần nắm được: - Đó là vấn đề gì? Nó diễn ra như thế nào? - Cảm xúc, suy nghĩ về vấn đề đó ra sao? ( khen, chê; đúng, sai ...) - Tác dụng, ý nghĩa của vấn đề đối với bản thân và đời sống xã hội. 2. Đọc lại những tác phẩm văn học yêu thích ( trong chương trình Ngữ văn lớp 9 ). Cần nắm được: - Nội dung cơ bản và nghệ thuật đặc sắc của tác phẩm văn học. - Có ấn tượng nhất về điều gì trong tác phẩm? (nhân vật, sự vật, sự việc, một khía cạnh nào đó của tác phẩm, đoạn trích...) - Vì sao lại ấn tượng về điều đó? - Tác dụng và ý nghĩa sâu sắc đối với bản thân và đời sống văn học. 3. Việc ghi lại những cảm xúc, suy nghĩ đó phải xuất phát từ đời sống tình cảm chân thực của bản thân, tránh khoa trương, sáo mòn, hời hợt...Cần có những suy nghĩ riêng của bản thân. II. Yêu cầu về kĩ năng: 1. Tìm hiểu đề: - Nội dung yêu cầu: cảm nghĩ về điều gì? - Thể loại: viết theo thể loại nào? ( cảm nghĩ, nghị luận ) - Tư liệu: sử dụng tư liệu ở đâu, thuộc lĩnh vực nào? (đời sống xã hội hay đời sống văn học) 2. Tìm ý: tuỳ thuộc vào yêu cầu của đề bài mà tìm ra các khía cạnh của vấn đề cần bàn. 3. Lập dàn ý chung: a. Mở bài: giới thiệu yêu cầu nội dung của đề bài. (vấn đề cần bàn) b. Thân bài: - Cảm xúc, suy nghĩ; nhận định, đánh giá về các khía cạnh của vấn đề (lí lẽ kết hợp phân tích dẫn chứng ) c. Kết bài: kết luận, khẳng định vấn đề (phủ định) III. Trình bày, diễn đạt bài văn: - Bố cục hoàn chỉnh, rõ ràng, mạch lạc. - Diễn đạt dễ hiểu; trong sáng, tinh tế, cảm xúc; đúng ngữ pháp; có khả năng dùng lí lẽ kết hợp với dẫn chứng. - Chú ý việc sử dụng câu, các phép liên kết câu một cách hợp lí để thể hiện cảm xúc, suy nghĩ. IV. Đề bài tham khảo: 1. Các đề bài trong sách giáo khoa Ngữ vă 9, Ngữ văn 10 (phần làm văn: phát biểu cảm nghĩ về một hiện tượng đời sống hay một tác phẩm văn học) 2. Các đề bài khác và gợi ý: a. Cảm nghĩ sâu sắc nhất về một nhân vật văn học mà em yêu thích trong chương trình Ngữ văn lớp 9. Gợi ý: - Giới thiệu nhân vật, lí do yêu thích nhân vật. - Cảm xúc, suy nghĩ về vẻ đẹp của nhân vật (ngoại hình, ngôn ngữ, hành động, tính cách, tâm hồn,...) - Nhân vật có ý nghĩa như thế nào đối với đời sống tình cảm của cá nhân người viết và đời sống văn học. b. Cảm tưởng về buổi lễ khai giảng năm học mới 2008- 2009. Gợi ý: - Giới thiệu cảm xúc và ấn tượng chung về buổi lễ khai giảng. - Cảm xúc, suy nghĩ về điều mình ấn tượng nhất của buổi lễ hay toàn bộ buổi lễ. - Ý nghĩa của buổi lễ đối với bản thân - người học sinh mới bước vào ngôi trường cấp ba. V. Tài liệu tham khảo: 1. Sách Ngữ văn lớp 9, 10; tập 1 (đọc những tác phẩm yêu thích; phần làm văn: kiến thức và kĩ năng kiểu bài cảm nghĩ, nghị luận; các đề bài tham khảo) 2. Vở ghi bài Ngữ văn 9,10. 3. Các tài liệu tham khảo có nguồn gốc đáng tin cậy. 4. Đời sống thực tế hàng ngày. Bài làm văn số 2 Ngữ văn 10 - tuần 7 HƯỚNG DẪN ÔN TẬP CHUẨN BỊ BÀI VIẾT SỐ 2: VĂN TỰ SỰ 1. Kết quả cần đạt: - Vận dụng kiến thức và kĩ năng đã học, viết được một bài văn tự sự có sử dụng các yếu tố miêu tả và biểu cảm. 2. Để làm tốt bài viết số 2, học sinh cần: a. Ôn lại đặc điểm chung của phương thức tự sự đã được học ở THCS. b. Ôn lại những kiến thức đã học: - Lập dàn ý bài văn tự. - Chọn sự việc, chi tiết tiêu biểu trong bài văn tự sự. - Miêu tả và biểu cảm trong bài văn tự sự. c. Xem kĩ gợi ý đề bài và gợi ý cách làm bài- sgk trang 81 d. Tìm đọc một số bài văn hay để tham khảo 3. Đề bài tham khảo: Kể lại một chuyến đi đã đem lại cho anh (chị) nhiều cảm xúc. Gợi ý cách làm bài: a. Tìm hiểu kĩ đề để xác định được: - Câu chuyện được viết là câu chuyện gì? (một lần về quê, một chuyến tham quan du lịch...) - Câu chuyện đó diễn ra như thế nào? (Có những nhân vật nào, những sự việc gì? Gồm những chi tiết nào? Thứ tự các sự việc, chi tiết được sắp xếp ra sao?...) - Nêu cảm nghĩ về chuyến đi. b. Dàn ý chung: - Mở bài: Giới thiệu câu chuyện (hoàn cảnh, không gian, thời gian, nhân vật...) - Thân bài: Diễn biến câu chuyện (những sự việc, chi tiết...) - Kết bài: Kết thúc câu chuyện, cảm nghĩ về chuyến đi c. Lập dàn ý và viết bài: Cần chú ý: - Bố cục bài văn - Kết hợp các yếu tố miêu tả và biểu cảm để câu chuyện thêm sinh động, hấp dẫn - Viết xong, nên đọc lại để bổ sung hoặc sửa chữa những lỗi về chính tả, dùng từ, đặt câu... BÀI VIẾT SỐ 2 ĐỀ BÀI: Câu 1 (2điểm): Tóm tắt ngắn gọn nội dung đoạn trích “Uy-lit-xơ trở về” (khoảng 10 dòng); nêu chủ đề doạn trích. Câu 2 (8 điểm): Sau khi tự tử ở giếng Loa Thành, xuống thủy cung, Trọng Thủy đã tìm gặp lại Mỵ Châu. Hãy tưởng tượng và kể lại câu chuyện đó. HƯỚNG DẪN LÀM BÀI: Câu 1: - Tóm tắt nội dung đoạn trích: Lưu ý: HS có thể có cách diễn đạt khác nhau song phải đảm bảo các sự việc, chi tiết tiêu biểu theo trình tự diễn biến câu chuyện. - Chủ đề: Qua cảnh vợ chồng đoàn tụ sau hai mươi năm xa cách, Hô-me-rơ đã khắc họa vẻ đẹp tâm hồn và trí tuệ của Uy-lit-xơ và Pê-nê-lốp. Câu 2: a/ Yêu cầu: * Yêu cầu về kiến thức: Dựa vào văn bản “Truyện An Dương Vương và Mị Châu- Trọng Thủy” để viết tiếp câu chuyện sao cho sinh động và phù hợp. * Yêu cầu về kĩ năng: - Bằng tưởng tượng, phải tạo được một văn bản tự sự hoàn chỉnh, có sử dụng các yếu tố miêu tả và biểu cảm. - Biết chọn lựa, sắp xếp các chi tiết để tạo nên một văn bản có kết cấu chặt chẽ, mạch lạc. b/ Tham khảo dàn ý tóm lược sau: - Mở bài: Giới thiệu cuộc gặp gỡ Trọng Thủy- Mị Châu (hoàn cảnh, không gian, thời gian...) - Thân bài: Diễn biến câu chuyện: lần lượt trình bày những sự việc, chi tiết (lời đối thoại, hành động, cử chỉ của nhân vật...) - Kết bài: Câu chuyện kết thúc ra sao? Lưu ý: HS có thể có nhiều cách viết sáng tạo, linh hoạt miễn là đáp ứng những yêu cầu trên. Bài làm văn số 3 Ngữ văn 10 - tuần 11 (học sinh làm ở nhà) Cập nhật bởi: bgh_lvc - Vào ngày: 24/10/2008 - Số lượt xem: 3680 HƯỚNG DẪN ÔN TẬP CHUẨN BỊ BÀI VIẾT SỐ 3- VĂN TỰ SỰ (HS làm ở nhà) 1. Kết quả cần đạt: -Củng cố và nâng cao kĩ năng viết bài văn tự sự. -Vận dụng kiến thức và kĩ năng học được và rút kinh nghiệm bài làm văn số 2 để viết được một bài văn tự sự có một số yếu tố hư cấu. 2. Nội dung ôn tập: -Ôn lại kiến thức và kĩ năng về văn tự sự trong các bài học sau: “Lập dàn ý bài văn tự sự”, “Miêu tả và biểu cảm trong văn tự sự”, “Luyện tập viết đoạn văn tự sự”. -Xem kĩ phần “hướng dẫn chung” và “gợi ý cách làm bài” trong sách giáo khoa trang 123, 124. -Đọc một số bài viết tham khảo. -Xem lại bài viết số 2 để rút kinh nghiệm. 3. Đề tham khảo: Sáng tác một truyện ngắn (đề tài tự chọn, mang ý nghĩa xã hội) có tác dụng giáo dục thiết thực đối với tuổi trẻ hiện nay. *Gợi ý làm bài: a. Chọn đề tài và nhan đề: - Nên chọn câu chuyện của chính bản thân hoặc mình từng biết, từng thân quen với những nhân vật trong câu chuyện. Điều đó sẽ giúp cho câu chuyện có cảm xúc. - VD: Thanh niên tình nguyện, đôi bạn cùng vượt khó học giỏi, chị lao công, người thổi tù và, một tấm gương ngày đêm phải chiến đấu với bệnh tật mà vẫn lạc quan, sống có ích… b. Dự kiến cốt truyện: - Câu chuyện được mở đầu như thế nào? (Trực tiếp hay bắt đầu bằng một sự kiện nào đó) - Diễn biến câu chuyện: Bắt đầu bằng hình ảnh hay sự kiện gì? Diễn tiến ra sao? - Hư cấu một số nhân vật, sự kiện, đặc biệt là mối quan hệ giữa các nhân vật, sự việc đó. c. Yêu cầu của bài viết: -Kết cấu phải chặt chẽ, hợp lí. -Nên đế qua hình tượng nhân vật, người đọc tự rút ra ý nghĩa của truyện; không nên nói suông trong phần kết thúc tác phẩm. BÀI VIẾT SỐ 3 (Bài viết ở nhà) A. ĐỀ Câu 1 (2 điểm): Cảm nhận của anh (chị) về bài ca dao: Ước gì sông rộng một gang Bắc cầu dải yếm để chàng sang chơi. Câu 2 (8 điểm): “Tôi tên là Oanh Liệt. Cái tên này cậu chủ đặt cho tôi nhờ những trận đấu oanh liệt của tôi trên các sới chọi trong làng. Vậy mà giờ đây, cậu chủ bỏ rơi tôi để chạy theo các trò chơi mới…” Dựa theo những lời tâm sự trên, em hãy viết một truyện ngắn theo ngôi kể thứ nhất, kể về số phận và nỗi niềm của một con gà chọi bị bỏ rơi. B. HƯỚNG DẪN LÀM BÀI: Câu 1: Học sinh viết đoạn văn về vấn đề văn học, cần đáp ứng các yêu cầu sau: 1. Về kĩ năng: Viết văn bản ngắn, các câu liên kết chặt chẽ, có cảm xúc, không mắc lỗi chính tả, ngữ pháp. 2. Về nội dung: Học sinh trình bày cảm nhận riêng của mình. Tuy vậy, cần thể hiện được các ý cơ bản: -Trong ca dao tình yêu, cái cầu là một chi tiết nghệ thuật quen thuộc và đặc sắc, là biểu tượng để chỉ nơi gặp gỡ hẹn hò của những đôi lứa yêu nhau. -Chiếc cầu dải yếm được tạo nên từ cuộc đời và trái tim rạo rực yêu đương của những người con gái làng quê. - Cái cầu người con gái chủ động bắc cho người mình yêu, mời mọc người mình yêu trong sự ràng buộc, tỏa chiết của lễ giáo phong kiến- một ước muốn táo bạo, mãnh liệt nhưng cũng trữ tình, đằm thắm và đầy nữ tính. Câu 2: 1. Yêu cầu về kĩ năng: Bài văn yêu cầu kể chuyện tưởng tượng, sáng tạo. -Kể chuyện theo ngôi thứ nhất; ngôn ngữ, đối thoại phù hợp với bối cảnh câu chuyện; có kết hợp các yếu tố miêu tả và biểu cảm. -Bài làm có bố cục rõ ràng, hợp lí. 2. Yêu cầu về nội dung: - Đặt nhan đề phù hợp cho câu chuyện. - Câu chuyện phải có các sự việc sau: +Những chiến công oanh liệt của tôi đã đem lại niềm kiêu hãnh cho cậu chủ. +Tôi đã từng được cậu chủ yêu thương, chăm sóc chu đáo. +Tôi bị cậu chủ bỏ rơi để chạy theo những trò chơi mới. - Chọn chi tiết và kết cấu hợp lí để làm rõ số phận và nỗi niềm của Oanh Liệt, làm rõ ý nghĩa của truyện. 3. Biểu điểm: - Điểm 8: Hiểu rõ và đáp ứng tốt yêu cầu của đề bài, lời kể sáng tạo, đặc sắc; bố cục rõ ràng; diễn đạt mạch lạc, có cảm xúc, không mắc lỗi chính tả, ngữ pháp. - Điểm 6-7: Hiểu rõ và đáp ứng tốt các yêu cầu của đề; lời kể sáng tạo; bố cục rõ ràng, hợp lí, diễn đạt mạch lạc, có cảm xúc, không mắc nhiều lỗi chính tả, ngữ pháp. - Điểm 4-5:Hiểu và đáp ứng được yêu cầu của đề nhưng chưa sâu sắc; lời kể đôi chỗ có sơ sài, thiếu chi tiết; bố cục tương đối rõ ràng, diễn đạt được; có thể mắc một số lỗi chình tả, ngữ pháp. - Điểm 2-3: Hiểu đề, lời kể chung chung; bố cục chưa rõ, diễn đạt còn lúng túng, ý rời rạc, mắc nhiều lỗi chính tả, ngữ pháp. - Điểm 1:Chưa hiểu rõ đề hoặc viết lan man. - Điểm 0: Bỏ giấy trắng hoặc không viết được gì. HƯỚNG DẪN ÔN TẬP HKI - NĂM HỌC 2008- 2009 MÔN: VĂN - LỚP 10 (Chương trình chuẩn) A. VĂN HỌC PHẦN VĂN HỌC VIỆT NAM I. Kiến thức khái quát: 1. Các bộ phận hợp thành văn học Việt Nam? + Văn học dân gian + Văn học viết 2. Quá trình hình thành phát triển của văn học viết Việt Nam? + Văn học trung đại (từ TK X đến hết TK XIX): . VH chữ Hán: tiếp nhận một phần quan trọng hệ thống thể loại và thi pháp văn học cổ- trung đại Trung Quốc, để lại nhiều thành tựu lớn: các tác phẩm của Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du, Cao Bá Quát... . VH chữ Nôm: bắt đầu phát triển mạnh từ TK XV, đạt đỉnh cao cuối TKXVIII- đầu TK XIX, gắn với những truyền thống lớn của VHTĐ đồng thời phản ánh quá trình dân tộc hóa và dân chủ hóa của VHTĐ. + VHHĐ (từ đầu TK XX đến hết thế kỉ XX): chủ yếu viết bằng chữ quốc ngữ, hiện đại hóa, khác biệt với VHTĐ về tác giả, thể loại, thi pháp và đời sống văn học. 3. Nêu những đặc trưng cơ bản về VHDG? + Tính truyền miệng + Tính tập thể + Tính thực hành 4. Hãy kể tên những tác phẩm VHDG đã học ở lớp 10 theo từng thể loại, đặc trưng cơ bản của các thể loại đó? 5. VHTĐ VN phát triển qua mấy giai đoạn? Kể tên những tác phẩm tiêu biểu ở từng giai đoạn? + Giai đoạn từ TK X đến hết thế kỉ XIV. + Giai đoạn từ TK XV đến hết TK XVII + Giai đoạn từ TK XVIII đến nửa đầu TK XIX + Giai đoạn nửa cuối TK XIX 6. Những nội dung lớn của VHTĐ VN? + Chủ nghĩa yêu nước. + Chủ nghĩa nhân đạo + Cảm hứng thế sự. 7. Những đặc điểm lớn về nghệ thuật của VHTĐ VN? + Tính quy pham và sự phá vỡ tính quy phạm. + Khuynh hướng trang nhã và xu hướng bình dị. + Tiếp thu và dân tộc hóa tinh hoa văn học nước ngoài. II. Tác phẩm cụ thể 1. Sử thi “Đăm Săn” - Đoạn trích “chiến thắng Mtao-Mxây” - Nắm chắc cốt truyện, các sự kiện, chi tiết liên quan đến nhân vật chính, nhất là đoạn trích. - Hình tượng anh hùng Đăm Săn: + Sức mạnh phi thường, dũng mãnh. + Trọng danh dự, gắn bó với hạnh phúc gia đình. + Thiết tha với cuộc sống bình yên, phồn vinh của thị tộc. + Quyền lợi, khát vọng của cá nhân thống nhất với quyền lợi, khát vọng của cộng đồng... - Nghệ thuật đặc sắc của đoạn trích? + Ngôn ngữ trang trọng, giàu hình ảnh. + Biện pháp so sánh, phóng đại. 2. Truyền thuyết An Dương Vương và Mị Châu Trọng Thủy - Nắm chắc cốt truyện, các sự kiện, chi tiết liên quan đến nhân vật chính. - Thái độ của nhân dân đối với các nhân vật lịch sử? + Đối với An Dương Vương: vừa phê phán vừa tôn vinh, ngưỡng mộ, ngợi ca. + Đối với Mị Châu: vừa thương cảm vừa trách cứ - Bài học lịch sử rút ra từ câu chuyện? + Tinh thần cảnh giác với kẻ thù. + Cần xử lí đúng đắn mối quan hệ riêng- chung, nước- nhà. 3. Truyện cổ tích “Tấm Cám” - Nắm chắc cốt truyện, các sự kiện, chi tiết liên quan đến nhân vật chính. - Quá trình biến hóa của Tấm nói lên ý nghĩa gì? + Sự chủ động, tích cực bước vào cuộc đấu tranh. + Sức sống, sự trỗi dậy mãnh liệt của con người trước sự vùi dập của cái ác. - Đặc sắc nghệ thuật của truyện? + Sử dụng yếu tố kì ảo- đặc trưng quan trọng nhất của cổ tích thần kì. + Chuyển biến trong hình tượng nhân vật Tấm: từ yếu đuối, thụ động sang chủ động, kiên quyết đấu tranh. 4. Ý nghĩa của truyện cười: Tam đại con gà, Nhưng nó phải bằng hai mày - Truyện “Tam đại con gà”: + Phê phán thói dấu dốt, cái dốt không thể che đậy, càng che đậy càng lộ rõ. + Ngầm khuyên răn con người: không nên dấu dốt, phải không ngừng học hỏi, vươn lên. - Truyện “Nhưng nó phải bằng hai mày”: + Vạch trần lối xử kiện vì tiền của quan lại. + Nêu lên tình cảnh bi, hài của người lao động trong xã hội nông thôn Việt Nam xưa. 5. Ca dao: - Ca dao than thân, yêu thương tình nghĩa. + Nội dung: diễn tả đời sống tâm hồn, tư tưởng tình cảm của nhân dân trong các mối quan hệ. + Nghệ thuật: thể lục bát hay lục bát biến thể, ngôn ngữ gần gũi với đời sống hằng ngày, giàu hình ảnh so sánh, ẩn dụ, lối diễn đạt bằng một số công thức mang đậm sắc thái dân gian. - Ca dao hài hước. + Nội dung: Tiếng cười đặc sắc, nhiều cung bậc: tiếng cười giải trí, tiếng cười tự trào, tiếng cười châm biếm, phê phán. Qua đó, thể hiện tâm hồn lạc quan, yêu đời và triết lí nhân sinh lành mạnh trong cuộc sống còn nhiều lo toan, vất vả của người bình dân. + Nghệ thuật: Nghệ thuật trào lộng thông minh, hóm hỉnh: cường điệu, hư cấu, đối lập... 6. Tỏ lòng - Phạm Ngũ Lão - Vẻ đẹp hình tượng người anh hùng vệ quốc hiên ngang, lẫm liệt với lí tưởng và nhân cách lớn lao; vẻ đẹp của thời đại với sức mạnh và khí thế hào hùng. - Nghệ thuật của bài thơ: ngắn gọn, đạt tới độ súc tích cao; hình ảnh hoành tráng, giàu sức biểu cảm. 7. Cảnh ngày hè - Nguyễn Trãi - Vẻ đẹp độc đáo của bức tranh ngày hè với hình ảnh, màu sắc, âm thanh, con người và cảnh vật. - Tâm hồn yêu thiên nhiên, cuộc sống, yêu nhân dân, đất nước của Ức Trai. - Đặc sắc nghệ thuật thơ Nôm Nguyễn Trãi: bình dị, tự nhiên, đan xen câu lục ngôn vào bài thơ thất ngôn. 8. Nhàn - Nguyễn Bỉnh Khiêm - Quan niệm sống tích cực: sống ung dung, tự tại,nhàn nhã; hòa hợp với thiên nhiên; xa chốn công danh,vụ lợi, hãm hại lẫn nhau; thể hiện nhân cách thanh cao của một nhà nho chân chính. - Nghệ thuật: ngôn ngữ bình dị, tự nhiên, ngắt nhịp đều đặn, phép đối cân xứng, cách nói ẩn ý thâm trầm và sâu sắc. 9. Đọc Tiểu Thanh kí- Nguyễn Du - Những cảm xúc, tâm sự của Nguyễn Du khi nói về số phận bất hạnh của nàng Tiểu Thanh- một người con gái có thực ở Trung Quốc - Giá trị nhân đạo của bài thơ: + Thông cảm, đồng cảm với người phụ nữ tài sắc bị vùi dập và qua họ, ông gửi gắm niềm tâm sự riêng. + Xót xa cho những giá trị tinh thần bị chà đạp, gián tiếp nêu ra vấn đề cần thiết phải tôn vinh những người đã tạo ra giá trị tinh thần cho XH. 10. Các bài đọc thêm: + “Tiễn dặn người yêu” - Đoạn trích “Lời tiễn dặn” truyện thơ dân tộc Thái:. + “Vận nước” (Đỗ Pháp Thuận): + “Cáo bệnh bảo mọi người”: + Hứng trở về: => khái quát ND, NT của các tác phẩm. PHẦN VĂN HỌC NƯỚC NGOÀI 1. Ba thiên sử thi: Đăm Săn (VN), Ô đi xê (Hilạp), Ramayana (Ấn Độ). Có gì giống và khác về nội dung và nghệ thuật? 2. Tại lầu Hoàng Hạc tiễn Mạnh Hạo Nhiên đi Quảng Lăng (Lí Bạch) - Thuộc lòng bài thơ. (kể cả phần dịch nghĩa) - Tình bạn chân thành, trong sáng của tác giả. - Đặc trưng phong cách thơ tuyệt cú của Lí Bạch (ngôn ngữ giản dị, hình ảnh tươi sáng, gợi cảm) 3. Cảm xúc mùa thu (Đỗ Phủ) + Bức tranh mùa thu hiu hắt cũng là bức tranh tâm trạng buồn lo của nhà thơ trong cảnh lọan li.(nỗi lo âu cho đất nước, nỗi buồn nhớ quê hương và nỗi ngậm ngùi, xót xa cho thân phận mình...) + Hiểu thêm đặc điểm thơ Đường luật. B. TIẾNG VIỆT 1. Hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ:: Hoạt động giao tiếp là gì? Hai quá trình của hoạt động giao tiếp? Các nhân tố? 2. Đặc điểm của ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết: 3.Phong cách ngôn ngữ sinh hoạt - Khái niệm phong cách ngôn ngữ sinh hoạt? Các dạng biểu hiện? - Ba đặc trưng cơ bản - Phân tích một đoạn hội thoại để làm rõ ba đặc trưng 4.Thực hành phép tu từ ẩn dụ, hoán dụ: - Nhận diện và phân tích tác dụng của một biện pháp tu từ nào đó trong một đoạn văn, thơ cụ thể. (chú ý các dạng bài ở phần luyện tập) C. LÀM VĂN - Chú ý đến các kiến thức và kĩ năng để viết một bài văn tự sự. (Cụ thể: Lập dàn ý, chọn sự việc và chi tiết tiêu biểu, yếu tố miêu tả và biểu cảm, đoạn văn tự sự; khái niệm, cách thức tiến hành, tác dụng và hiệu quả) - Viết mở bài, hoặc kết bài cho một đề văn cụ thể. D. MỘT SỐ ĐỀ THAM KHẢO 1. Cô Tấm tự kể về mình 2. Về vẻ đẹp con người và thời đại qua bài thơ “Tỏ lòng - Phạm Ngũ Lão” 3. Vẻ đẹp tâm hồn Nguyễn Trãi qua “Cảnh ngày hè” 4. Hãy tưởng tượng mình là nhân vật Đăm Săn, kể lại câu chuyện chiến thắng Mơ-tao Mơ-xây. 5. Hãy là nhân vật An Dương Vương kể lại chuyện An Dương Vương và Mị Châu Trọng Thủy. Gợi ý: Đề 1: Cô Tấm tự kể về mình Mở bài: Nhân vật Tấm xưng tôi tự giới thiệu. Thân bài: Một số sự việc chính và diễn biến qua lời kể của tôi. - Mẹ chết cha lấy mẹ khác không bao lâu cha tôi cũng qua đời, từ đó tôi sống cùng mẹ con em Cám. Tôi bị mẹ con Cám bắt làm đủ mọi việc và còn bị lừa gạt nữa, từ câu chuyện chiếc yếm đỏ → con cá bống → xem hội thử giày...đoạn truyện này tôi chỉ biết khóc mà thôi, cũng may cho tôi được Bụt giúp đỡ nhiều lần. - Nhờ câu chuyện mất giày và thử giày tôi trở thành hoàng hậu sống hạnh phúc bên cạnh nhà vua, nhưng tôi vẫn nhớ ngày về quê dỗ bố. Mẹ con Cám do quá ghen tị với tôi nên nhân cơ hội đó tôi đã bị sát hại do ghì ghẻ đẵn gốc cau mà chết. - Tôi vì chết oan uổng nên không ngừng biến hóa trở về răn đe Cám, mẹ con Cám cũng thật ghê gớm tìm mọi cách tiêu diệt tôi. Cuối cùng tôi đã ẩn mình trong quả thị và được trở lại làm người, được vua rước về cung. Cuối cùng việc gì xảy ra với mẹ con Cám –các bạn cũng đã biết rồi đấy... Kết bài: Nhân vật Tấm trở lại câu chuyện, nêu một vài lời có tính nhắn nhủ ! Trên đây là dàn bài có tính chất gợi ý về bố cục 3 phần cho kiểu bài văn tự sự - kể chuyện sáng tạo. Để làm tốt kiểu bài này các em cần chú ý: - Nắm vững cốt truyện, các sự kiện, chi tiết tiêu biểu liên quan đến nhân vật chính. - Biết cách vào đề tạo không khí và cách kết bài có ấn tượng. - Ngôn ngữ kể phải phù hợp với câu chuyện đang kể, linh hoạt các yếu tố Miêu tả và Biểu cảm trong quá trình kể để câu chuyện thêm phần sinh động. ( như vậy kiến thức về làm văn, đọc hiểu và cả tiếng Việt rất cần được ôn tập kĩ) SỞ GD&ĐT QUẢNG NAM ĐỀ KIỂM TRA HỌC KÌ I-NĂM HỌC 2008-2009 TRƯỜNG THPT ……………. MÔN: NGỮ VĂN 10 Thời gian: 90 phút (không tính thời gian phát đề) Câu 1 (1 điểm):. Nội dung văn học giai đoạn từ thế kỉ X đến hết thế kỉ XIV là gì? Nêu tên 3 tác phẩm tiêu biểu. Câu 2 (1 điểm): Cho biết ý nghĩa hình tượng cành mai trong bài thơ Cáo bệnh bảo mọi người của Mãn Giác Thiền sư. Câu 3 (1 điểm): “Bài thơ là nỗi lòng riêng tư của tác giả nhưng cũng chan chứa tâm sự yêu nước, thương đời. Nghệ thuật thơ Đường ở đây đã đạt tới trình độ mẫu mực”. Đó là nhận xét về giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm, tác giả nào ở phần thơ Đường mà em được học trong chương trình lớp 10? Câu 4 (2 điểm): Nêu những đặc trưng cơ bản của phong cách ngôn ngữ sinh hoạt. Chỉ ra tính cảm xúc qua đoạn hội thoại sau đây: Chị Chiến lại nói, giọng còn rành rọt hơn cả hồi nãy: - Bây giờ chị Hai ở xa. Chị em mình đi thì thằng Út sang ở với chú Năm, chú nuôi. Còn cái nhà này ba má làm ra đó thì cho các anh ở xã mượn mở trường học. Chú Năm nói có con nít học ê a có gì nó quét dọn cho. Thằng Út cũng học ở đây. Mầy chịu không? Việt chụp một con đom đóm úp trong bàn tay: - Sao không chịu ? - Giường ván cũng cho xã mượn làm ghế học, nghen ? - Hồi đó má dặn chị làm sao, giờ chị cứ làm y vậy, tôi chịu hết. (Nguyễn Thi, Những đứa con trong gia đình) Câu 5 (5 điểm): Hãy là nhân vật Đăm Săn, kể lại câu chuyện “Chiến thắng Mtao Mxây” (dựa theo đoạn trích Chiến thắng Mtao Mxây - SGK NV 10 tập 1) để thể hiện ý thức của một tù trưởng mang tài năng và sức mạnh của cộng đồng. ------------- Hết ------------------ ĐỊNH HƯỚNG CHẤM Câu 1: (1 điểm) - Nêu được nội dung văn học giai đoạn từ thế kỉ X đến hết thế kỉ XIV: Chủ nghĩa yêu nước với âm hưởng hào hùng. (0,5 điểm) - Kể tên được 3 tác phẩm tiêu biểu. (0,5 điểm) Câu 2: (1 điểm) Ý nghĩa khái quát của hình tượng cành mai trong bài thơ Cáo bệnh bảo mọi người của Mãn Giác Thiền sư: - Biểu tượng cho niềm tin về sự sống bất diệt của thiên nhiên, của con người (0,5đ) - Thể hiện tinh thần lạc quan yêu đời của nhà sư trong cảnh đau yếu bệnh tật (0,5đ). Câu 3: (1 điểm) Bài thơ Cảm xúc mùa thu (Thu hứng) của Đỗ Phủ. Câu 4: (2 điểm) - Đặc trưng cơ bản: Tính cụ thể; Tính cảm xúc; Tính cá thể (Nêu được 2 đặc trưng cho 0,5 điểm, nêu được 3 đặc trưng cho 1 điểm) - Tính cảm xúc của đoạn trích biểu hiện: + Giọng điệu thân mật, gần gũi (0,5 điểm) + Cách dùng từ ngữ nôm na: mầy chịu không, nghen... (0,5 điểm) Câu 5: (5 đ) a. Kĩ năng: Đây thuộc kiểu bài tự sự. Yêu cầu: - Người kể nhập vai nhân vật Đăm Săn theo ngôi thứ nhất kể lại câu chuyện; ngôn ngữ phù hợp với bối cảnh câu chuyện; vận dụng linh hoạt các yếu tố miêu tả, biểu cảm để tạo tính sinh động, hấp dẫn. - Bố cục rõ ràng, hợp lí, văn viết có cảm xúc. b. Kiến thức: Bám sát đoạn trích “Chiến thắng Mtao Mxây” trong quá trình tự sự. Chú ý các chi tiết tiêu biểu liên quan đến tài năng, sức mạnh của nhân vật Đăm Săn như: Cảnh Đăm Săn đến tận nhà Mtao Mxây thách đấu, cảnh múa khiên, đuổi nhau, cảnh ăn mừng chiến thắng... c. Biểu điểm: - Điểm 5: Đáp ứng tốt các yêu cầu trên, bài viết có cảm xúc, không mắc lỗi diễn đạt. - Điểm 4: Đạt khá tốt các yêu cầu của đề, bố cục rõ ràng, còn vài sai sót về lỗi diễn đạt hoặc dùng từ. - Điểm 2 - 3: Tỏ ra có hiểu đề, chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu nhưng không sai lệch, văn theo dõi được, không mắc quá nhiều lỗi diễn đạt. - Điểm 1: Bài viết sơ sài, diễn đạt yếu. - Điểm 0: Xa đề, lạc ý. (Giám khảo cho điểm lẻ đến 0,25 ở mỗi câu. Chỉ làm tròn số sau khi cộng điểm toàn bài. Điểm lẻ của bài đến 0,5 điểm).
File đính kèm:
- ON TAP VA CAC BAI LV 10 KI.doc