Bộ đề thi trắc nghiệm môn Lịch sử Lớp 4 (Có đáp án)

doc5 trang | Chia sẻ: thuongnguyen92 | Lượt xem: 452 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Bộ đề thi trắc nghiệm môn Lịch sử Lớp 4 (Có đáp án), để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Bộ đề thi trắc nghiệm
Môn lịch sử Lớp 4
Câu 1: Điền tên còn thiếu vào chổ chấm (..):
"Hình ảnh cờ lau tập trận gắn liền với thời niên thiếu của ..... người đã có công dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất giang sơn, lên ngôi Hoàng Đế".
Đáp án: Đinh Bộ Lĩnh:
Đinh Bộ Lĩnh là người động Hoa Lư (Gia Viễn - Ninh Bình) con trai Đinh Công Trứ, một nha tướng của Dương Đình Nghệ, Thuở nhỏ ông sống với mẹ ở quê nhà, thường cùng lũ trẻ chăn trâu chơi trò tập trận, khiêng kiệu, lấy bông lau làm cờ. Lớn lên, nhờ thông minh, có khí phách và có tài thao lược, thấy nhân dân cực khổ vì loạn 12 sứ quân, ông dựng cờ khởi nghĩa, tập hợp nhân dân dẹp loạn, thống nhất lại đất nước và lên ngôi Hoàng Đế (năm 968).
Câu 2: Năm 981 chiến thắng Bạch Đằng - Chi Lăng đã chặn đứng âm mưu xâm lược của nhà Tống lần thứ nhất. Chiến thắng này gắn liền với tên tuổi của ai? (Hãy chọn câu trả lời đúng).
a. Ngô Quyền 	b. Lê Hoàn 	c. Lê Lợi 
Đáp án: b. Lê Hoàn
Ngô Quyền - Chiến thắng Bạch Đằng năm 938 chống quân Nam Hán 
Lê Lợi - Chiến thắng Chi Lăng đánh tan quân Minh năm 1428.
Đầu năm 981, quân Tống theo hai đường thuỷ, bộ ồ ạt tiến vào xâm lược nước ta. Quân thuỷ tiến vào theo cửa sông Bạch Đằng, quân bộ theo đường Lạng Sơn. Được Thái Hậu Dương Vân Nga trao áo long cổn trong tiếng tung hô "vạn tuế" của quân sỹ, Lê Hoàn lên ngôi Vua. Ông đã tái tạo một Bạch Đằng, sáng tạo một Chi Lăng thắng lớn trên cả 2 mặt trận thuỷ bộ, giết tướng giặc Hầu Nhân Bảo, diệt quá nửa quân Tống, buộc Vua Tống phải xuống chiếu lui quân.
Câu 3: "Thành Đại La ở vào nơi trung tâm trời đất, được cái thế rồng cuộn, hổ ngồi. Đã đúng ngôi nam bắc đông tây, lại tiện hướng nhìn sông lựa núi. Địa thế rộng mà bằng, đất đai cao mà thoáng. Dân cư khỏi chịu cảnh khốn khổ ngập lụt, muôn vật cũng rất mực phong phú tốt tươi.... Trẫm muốn dựa vào sự thuận lợi của đất ấy để định chổ ở, các khanh nghĩ thế nào?".
	Đọc đoạn trích trên đây em liên tưởng đến sự kiện nào trong lịch sử nước ta. Hãy chọn câu đúng và ghi thêm năm diễn ra sự kiện đó:
a. Vua Hàm Nghi dời lên rừng núi Quảng Trị, ra "Chiếu Cần Vương".
b. Vua Quang Trung ban bố "Chiếu khuyến nông".
c. Vua Lý Thái Tổ dời đô ra Thăng Long.
Đáp án: c. Năm 1010 Vua Lý Thái Tổ dời đô ra Thăng Long. 
Mùa xuân năm 1010, một lần từ Kinh đô Hoa Lư trở lại thăm quê nhà ở Cổ Pháp (Bắc Ninh), Vua Lý Thái Tổ ghé qua thành Đại La (Hà Nội ngày nay). Vua thấy đây là vùng đất ở trung tâm đất nước, đất rộng lại bằng phẳng, dân cư không khổ vì ngập lụt, muôn vật phong phú tốt tươi. Vua bèn xuống "Chiếu dời đô". Mùa thu năm ấy Kinh đô được dời ra Thành Đại La. Lý Thái Tổ phán truyền đổi tên Đại La thành Thăng Long (Rồng bay lên). Đoạn trích trên đây trích trong "Chiếu dời đô" của Vua Lý Thái Tổ.
Câu 4: Hiện nay cả nước ta mà đặc biệt là nhân dân Hà Nội đang ra sức chuẩn bị cho lễ kỷ niệm "1000 năm Thăng Long - Hà Nội" lễ kỷ niệm ấy sẽ đưổc tổ chức vào năm nào trong các năm dưới đây?
a. 2008	b. 2009	 	c. 2010
Đáp án: c. 2010
Câu 5: 	"Sông núi nước Nam Vua Nam ở
	Rành rành định phận ở sách trời
	Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm
	Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời" 
Đây là bài thơ thần đã vang lên bên bờ Sông Như Nguyệt, bài thơ được xem là Bản tuyên ngôn độc lập lần thứ nhất của nước ta. Bản tuyên ngôn đó được tuyên bố trước "lũ giặc" nào ? Hãy chọn câu trả lời đúng.
a. Giặc Tống 	b. Giặc Minh 	c. Giặc Thanh
Đáp án: 	a. Giặc Tống.
Sau thất bại lần thứ nhất năm 981, Nhà Tống vẫn nuôi mộng xâm lược nước ta. Cuối năm 1076, nhà Tống đem quân xâm lược nước ta lần thứ hai. Bằng trí thông minh và lòng dũng cảm, nhân dân ta dưới sự chỉ huy tài tình của Thái uý Lý Thường Kiệt đã đập tan âm mưu xâm lược của Nhà Tống. Tương truyền để khích lệ động viên tinh thần của quân sỹ và để áp đảo nhuệ khí của quân giặc, đêm đêm Lý Thường Kiệt đã cho người vào một ngôi đền bên bờ sông Như Nguyệt ngân vang bài thơ thần bất hủ:
 Nam quốc sơn hà Nam đế cư
 Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
 Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
 Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư
Dịch nghĩa:
	 "Sông núi nước Nam Vua Nam ở
	Rành rành định phận ở sách trời
	Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm
	Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời" 
Câu 6: Điền số và tên người còn thiếu vào chỗ trống:
Đầu năm (1) Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng là (2). Nhà Trần được thành lập
Đáp án: 	(1) 1226
	(2) Trần Cảnh 
Câu 7: Ranh giới phân tranh giữa 2 dòng họ Trịnh - Nguyễn là:
a. Sông Bến Hải 	b. Sông Nhật Lệ	 c. Sông Gianh
Đáp án: c. Sông Gianh.
Từ đầu thế kỷ XVI chính quyền Nhà Lê suy yếu, các tập đoàn phong kiến tranh nhau ngai vàng. Trong khoảng 50 năm Họ Trịnh và Họ Nguyễn đánh nhau 7 lần, vùng đất miền Trung trở thành chiến trường ác liệt, cuối cùng hai bên phải lấy Sông Gianh (Quảng Bình) làm ranh giới phân chia lãnh thổ. 
Câu 8: Điền tên địa danh còn thiếu vào chổ chấm (..).
Vào thế kỷ XVI - XVII một số thành thị ở nước ta trở nên phồn thịnh, Phố cổ .. là một trong những thành thị nổi tiếng thời đó đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hoá Thế giới.
Đáp án: Hội An.
Hội An là thành phố Cảng lớn nhất ở Đàng trong, năm 1618 một số giáo sỹ người Pháp đã nhận xét Hội An "là Hải cảng đẹp nhất, nơi mà thương nhân ngoại quốc thường lui tới buôn bán". Ngày nay Hội An (Quảng Nam) đang là điểm đến hấp dẫn thu hút nhiều du khách quốc tế.
Câu 9: Lịch sử Việt Nam lưu danh người anh hùng áo vải đã có công lật đổ chính quyền Họ Nguyễn tiêu diệt chính quyền Họ Trịnh, thống nhất lại đất nước sau hơn 200 năm bị chia cắt, ông là ai ?
	a. Nguyễn Trãi.
	b. Nguyễn Huệ
	c. Lê Lợi
Đáp án: b. Nguyễn Huệ
Mùa xuân năm 1771, ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ, Nguyễn Huệ lên vùng Tây Sơn lập căn cứ dựng cờ khởi nghĩa chống chính quyền Họ Nguyễn ở đàng trong. Sau khi lật đổ chính quyền Họ Nguyễn, Nguyễn Huệ (sau này là Vua Quang Trung) đã tiến ra Thăng Long tiêu diệt Họ Trịnh, thống nhất giang sơn, đó là năm 1786.
Câu 10: Các địa danh: Hà Hồi, Ngọc Hồi, Đống Đa gợi nhắc cho em sự kiện lịch sử nào ở cuối thế kỷ 18 
	a. Quang Trung đại phá quân Thanh
	b. Chiến thắng Chi Lăng.
	c. Cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Mông Nguyên
Đáp án: 	a. Quang Trung đại phá quân Thanh.
	Cuối năm 1788, mượn cớ giúp Nhà Lê, quân Thanh sang chiếm nước ta, Nguyễn Huệ liền lên ngôi Hoàng Đế, hiệu là Quang Trung, kéo quân ra bắc đánh quân Thanh. ở Hà Hội, Ngọc Hồi, Đống Đa ta thắng lớn. Quân Thanh ở Thăng Long hoảng loạn bỏ chạy về nước.
Câu 11: Em hãy nối các mối thời gian ở cột A với các sự kiện tương ứng ở cột B phù hợp với sự kiện Quang Trung đại phá quân Thanh năm 1789.
	A 	B
a. Đêm mồng 3 Tết Kỷ Dậu 1789 	1. Quân ta đánh đồn Ngọc Hồi
b. Ngày Mồng 4 Tết Kỷ Dậu 	 	2. Quân ta tấn công đồn Hà Hồi
c. Mờ sáng mồng 5 Tết Kỷ Dậu	3. Quân ta đánh đồn Đống Đa
Đáp án: 	a - 2 	c - 1	c - 3 
Câu 12: Hãy nối ý ở cột A với ý ở cột B cho phù hợp với những chính sách kinh tế và văn hoá của Vua Quang Trung để phát triển đất nước.
	A 	B
1. Ban bố "Chiếu khuyến nông"	a. Phát triển giáo dục 
2. Mở cửa biển, mở cửa biên giới 	b. Phát triển nông nghiệp 
3. Ban bố "Chiếu lập học" 	c. Phát triển buôn bán 
Đáp án: 	1 - b 	2 - c 	3 - a 
Câu 13: Để phát triển kinh tế và văn hoá, Vua Quang Trung đã ban bố "Chiếu cần vương" đúng hay sai ?
Đáp án: Sai
"Chiếu cần vương" là do Tôn Thất Thuyết thay mặt Vua Hàm Nghi kêu gọi toàn dân đứng lên giúp Vua cứu nước, còn để phát triển kinh tế và văn hoá Vua Quang Trung đã ban bố chiếu "Khuyến nông" ; chiếu "Lập học" và mở cửa biên giới, đề cao chữ Nôm.
Câu 14: Chọn mốc thời gian đúng:
Nhà Nguyễn thành lập năm:
	a. 1858 	b. 1802	c. 1792
Đáp án: 	b. 1802.
	Sau khi Vua Quang Trung qua đời, Triều đại Tây Sơn suy yếu dần, lợi dụng thời cơ đó Nguyễn ánh đã huy động lực lượng tấn công nhà Tây Sơn. Năm 1802 Triều Tây Sơn bị lật đổ, Nguyễn ánh lên ngôi Hoàng Đế lấy hiệu là Gia Long, mở đầu triều đại Nhà Nguyễn.
Câu 15: Hãy chọn ý đúng nhất chứng minh các vua Triều Nguyễn không muốn chia sẻ quyền hành cho ai?
	a. Vua không đặt ngôi Hoàng Hậu, bỏ chức Tể tướng.
	b. Vua tự đặt ra luật pháp
	c. Vua tự điều hành các quan đứng đầu tỉnh
	d. Cả 3 việc làm trên
Đáp án: 	d. Cả 3 việc làm trên
Câu 16: Vua Gia Long cho soạn Bộ luật Hồng Đức. Đúng hay sai?
Đáp án: 	Sai
Bộ luật Hồng Đức là của Vua Lê Thánh Tông. Đây là bộ luật đầu tiên của nước ta và có nhiều điểm tiến bộ như: Bảo vệ chủ quyền quốc gia, khuyến khích phát triển kinh tế, giữ gìn truyền thống dân tộc, bảo vệ một số quyền lợi của phụ nữ. Còn Vua Gia Long là vị Vua đầu triều Nguyễn. Nhà Nguyễn ban hành bộ luật Gia Long là bộ luật bảo vệ quyền hành tuyệt đối của Nhà vua, đề cao địa vị của quan lại, trừng trị tàn bạo kẻ chống đối.
Câu 17: Trong phong trào Cần Vương, người được coi là linh hồn của cuộc khởi nghĩa Hương Khê là:
	a. Đinh Công Tráng
	b. Nguyễn Thiện Thuật
	c. Phan Đình Phùng
Đáp án: 	c.Phan Đình Phùng.
Phan Đình Phùng người làng Đông Thái - Đức Thọ - Hà Tĩnh. Hưởng ứng Chiếu Cần Vương, dựa vào địa thế núi non hiểm trở ông đã chiêu mộ nghĩa quân xây dựng căn cứ ở vùng Hương Khê - Hà Tĩnh chiến đấu dũng cảm với Quân Pháp suốt 11 năm liền. Ông là niềm tự hào của nhân dân Hà Tĩnh chúng ta.
Câu 18: Trường THPT Phan Đình Phùng - Thị xã Hà Tĩnh vinh dự được mang tên vị thủ lĩnh của một cuộc khởi nghĩa trong phong trào Cần Vương. Đó là cuộc khởi nghĩa nào?
a. Khởi nghĩa Hương Khê	
b. Khởi nghĩa Yên Thế
c. Khởi nghĩa Ba Đình
Đáp án: a. Khởi nghĩa Hương Khê	
Câu 19: Kìa Bến Thuỷ đứng đầu dậy trước
Nọ Thanh Chương tiếp bước tiến lên
Nam Đàn, Nghi Lộc, Hưng Nguyên
Anh Sơn, Hà Tĩnh một phen dậy rồi
 Nội dung đoạn thơ là lời ca ngợi 1 phong trào cách mạng của nhân dân ta ngay khi có Đảng lãnh đạo. Đó là phong trào cách mạng nào?
a. Đồng khởi Bến Tre
b. Xô viết Nghệ Tĩnh
c. Cách mạng tháng Tám
Đáp án: 	b. Xô viết Nghệ Tĩnh
Đây là phong trào đấu tranh của liên minh công nông của hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh trong những năm 1930 - 1931, nhân dân Nghệ Tĩnh đấu tranh quyết liệt giành được quyền làm chủ, xây dựng cuộc sống mới văn minh tiến bộ ở nhiều vùng nông thôn rộng lớn. 
Câu 20: " Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do độc lập và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do độc lập ấy". Hãy cho biết đoạn văn trên được trích trong văn bản nào của Chủ tịch Hồ Chí Minh?
a. Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến
b. Bản tuyên ngôn độc lập.
c. Thư gửi đồng bào Nam Bộ
Đáp án: 	b. Bản tuyên ngôn độc lập
Đó là lời khẳng định cuối bản tuyên ngôn độc lập được Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc trước quốc dân đồng bào ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, tuyên bố sự ra đời của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà và quyền tự do độc lập của dân tộc Việt Nam.

File đính kèm:

  • docDe on luyen Lich su 4.doc