Cảm nhạn về bài Đàn ghita của Lorca

doc4 trang | Chia sẻ: haohao | Lượt xem: 1341 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Cảm nhạn về bài Đàn ghita của Lorca, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Thanh Thảo 
ĐÀN GHI TA CỦA LORCA
                        Khi tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn ghita
                                                * F.G. Lorca
những tiếng đàn bọt nước
Tây-Ban-Nha áo choàng đỏ gắt
li-la li-la li-la
đi lang thang về miền đơn độc
với vầng trăng chếnh choáng
trên yên ngựa mỏi mòn
Tây-Ban-Nha
hát nghêu ngao
bỗng kinh hoàng
áo choàng bê bết đỏ
Lorca bị điệu về bãi bắn
chàng đi như người mộng du
tiếng ghi-ta nâu
bầu trời cô gái ấy
tiếng ghi-ta lá xanh biết mấy
tiếng ghi-ta tròn bọt nước vỡ tan
tiếng ghi-ta ròng ròng
máu chảy
không ai chôn cất tiếng đàn
tiếng đàn như cỏ mọc hoang
giọt nước mắt vầng trăng
long lanh trong đáy giếng
đường chỉ tay đã đứt
dòng sông rộng vô cùng
Lorca bơi sang ngang
trên chiếc ghi-ta màu bạc
chàng ném lá bùa cô gái di-gan
vào xoáy nước
chàng ném trái tim mình
vào lặng yên bất chợt
li-la li-la li-la...
                        (Khối vuông Rubic – NXB TPM – 1985)
Đất nước Tây Ban Nha xinh đẹp với những trận đấu bò rực lửa, với tiếng ghi ta say lòng đã đi vào trong thơ của Garcia Lorca, nhà thơ nhân dân, người chiến sĩ chống phát xít. Sự hy sinh anh dũng của ông trước họng súng của bọn phát xít Franco đã để lại nhiều tiếc thương cho nhân dân Tây Ban Nha. Sức ám ảnh của những bài thơ đầy chất lãng tử của người nghệ sĩ Tây Ban Nha ấy đã gặp gỡ với hồn thơ Thanh Thảo làm nên bài thơ độc đáo Đàn ghi ta của Lorca trong tập thơ Khối vuông rubic.
             Trước hết cần phải thấy không phải ngẫu nhiên mà Thanh Thảo lại chọn hình tượng đàn ghi ta gắn với giây phút cuối cùng của F.G.Lorca. Bởi lẽ người chiến sĩ này đã dùng tiếng ghi ta cất lên lời ca tranh đấu chống lại chủ nghĩa phát xít. Đàn ghi ta là tâm hồn Lorca, là khí phách kiên cường của những người chiến sĩ yêu tự do hòa nhịp trái tim mình với quần chúng nhân dân. Bởi vậy, nỗi xúc động của Thanh Thảo làm nên cảm hứng của bài thơ cũng bắt đầu từ câu thơ của Lorca: “Khi tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn ghi ta”.
            Viết về một nhà thơ hiện đại, một người con của đất nước Tây Ban Nha, Thanh Thảo đã dựng nên một chân dung bằng thơ sống động. Không gian mở đầu bài thơ là những biểu tượng đặc trưng của văn hóa xứ sở những trận đấu bò, hiện hữu tất cả chất say phóng cuồng nghệ sĩ:
những tiếng đàn bọt nước
Tây Ban Nha áo choàng đỏ gắt
li-la li-la li-la
đi lang thang về miền đơn độc
với vầng trăng chếnh choáng
trên yên ngựa mỏi mòn...
Cái độc đáo của bài thơ này chính là ở những thủ pháp hiện đại mà hình ảnh không hề cầu kỳ xa lạ vẫn giúp người đọc hình dung chất Tây Ban Nha không trộn lẫn. Thanh Thảo có lối diễn đạt câu thơ không viết hoa đầu dòng, tạo mạch thơ liên tục, xâu chuỗi với nhau để nối kết các biểu tượng đầy sức ám ảnh : đất nước của những làn điệu ghi ta – Tây Ban cầm, của áo choàng matador - đấu sĩ, của những giấc mơ hiệp sĩ của chàng Đôn Kihôtê đã cuốn hút người đọc bằng chất men say chếnh choáng cả vầng trăng. Không chỉ có thế, ghi ta của chàng nghệ sĩ còn vang những âm điệu rất lạ « li-la li-la li-la » gọi về sắc tím của hoa tử đinh hương, âm thanh và màu sắc hoà quyện, dìu dịu vẻ đẹp của một nỗi buồn trữ tình. Bài thơ cuốn người đọc vào cái âm hưởng li-la ngân mãi không dứt ấy. Đó cũng là những gì đã xuất hiện trong thơ Lorca, ca ngợi một đất nước Tây Ban Nha tươi đẹp và hào hiệp với khát vọng công lý, tự do.
Tây Ban Nha của thời Lorca còn là đất nước sôi sục những cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít , ghi ta của Lorca cất lên lời ca tranh đấu :  «Ghi ta bần bật khóc – Không thể nào - dập tắt » (thơ Lorca). Bởi vậy diễn tả khoảnh khắc người chiến sĩ ấy bị bọn phát xít sát hại,  Thanh Thảo cũng đã dựng nên bầu không gian kinh hoàng những ấn tượng chết chóc : Tây Ban Nha hát nghêu ngao - bỗng kinh hoàng –áo choàng bê bết đỏ-Lorca bị điệu về bãi bắn – chàng đi như người mộng du…Những câu thơ tiếp nối diễn tả tột cùng cho cảm giác đau đớn uất nghẹn trước sự tàn bạo của bọn độc tài phát xít :
tiếng ghi ta nâu
bầu trời cô gái ấy
tiếng ghi ta lá xanh biết mấy
tiếng ghi ta tròn bọt nước vỡ tan
tiếng ghi ta
ròng ròng máu chảy…
Điệp khúc dồn dập qua nhịp thơ Thanh Thảo như đã lột tả được cái bàng hoàng căm phẫn trong bản ghi ta bi tráng! Màu nâu của đất, của làn da rám nắng, màu xanh của lá của bầu trời như tương phản gay gắt và dữ dội với màu đỏ ròng ròng máu chảy. Cảm giác vỡ oà đau đớn uất nghẹn trong tiếng ghi ta tròn bọt nước vỡ tan. Nỗi kinh hoàng trong cảm giác mất mát cũng nhân lên gấp bội, nỗi đau như xé lòng khi hình dung ra cảnh kẻ thù sát hại người nghệ sĩ tranh đấu cho tự do.
Những câu thơ tiếp theo như đặc tả cho một sự sống khác, mãnh liệt, âm thầm mà bất tử :
không ai chôn cất tiếng đàn
tiếng đàn như cỏ mọc hoang
giọt nước mắt vầng trăng
long lanh trong đáy giếng
Đoạn thơ tái hiện khoảnh khắc kẻ thù của Lorca hèn hạ thủ tiêu chàng, ném xác xuống giếng,  nhưng qua hình tượng âm thanh tiếng đàn ta nhận ra một sức sống mãnh liệt vẫn tiếp tục. Cảm giác bi tráng hiện hữu qua những liên tưởng về cỏ mọc hoang, giọt nước mắt vầng trăng, đáy giếng tạo cảm giác trống vắng sau sự hy sinh anh dũng của Lorca. Thanh Thảo rất có ý thức khi so sánh tiếng đàn với cỏ mọc hoang để cảm nhận về sức lan toả của sự sống mãnh liệt không gì có thể hủy hoại được. Có khoảng lặng sau ánh sáng vầng trăng nhưng đủ diễn tả nỗi tiếc thương long lanh trong đáy giếng, nơi kẻ thù tưởng có thể vùi chôn tinh thần tự do bất tử của Lorca.
Vì lẽ đó, những câu thơ Thanh Thảo đã tái hiện sự sống của Lorca thật kỳ diệu và xúc động, con người đã hoá thân vào âm thanh của đàn ghi ta, tan chảy hoà cùng dòng sông bất tận:
Lorca bơi sang ngang
Trên chiếc ghi ta màu bạc
Chàng ném lá bùa cô gái di gan
Vào xoáy nước
Chàng ném trái tim mình
Vào lặng yên bất chợt
li-la li-la li-la...
Những câu thơ diễn tả một hành trình đối mặt với định mệnh của người nghệ sĩ tài hoa người Tây Ban Nha, như một thái độ bình thản trước số phận. Lá bùa - định mệnh, trái tim lặng yên để làm nên một sự sống trường tồn vượt qua và vút lên vang động khắp không gian. Khúc đàn tự do ấy lại vang lên : li-la li-la li-la... Tiếng đàn mang tên loài hoa theo tiếng Tây Ban Nha như một sự sống lặng lẽ toả hương, hiện hữu giữa cuộc đời. Hai lần Thanh Thảo dùng động từ ném để diễn tả nhằm làm nổi bật lên vẻ đẹp của con người từ lâu dám coi khinh cái chết, bởi cái chết do kẻ thù gây ra cũng không thể ngăn cản tư tưởng, tâm hồn Lorca hoà vào với sự sống bất tử của nhân dân.
Đàn ghi ta của Lorca là một bài thơ hay của Thanh Thảo, không chỉ đã tạo dựng chân dung người nghệ sĩ - chiến sĩ Garcia Lorca một cách trung thực, mà còn khiến người đọc cảm nhận rõ vẻ đẹp tâm hồn, tính cách đậm chất Tây Ban Nha của Lorca. Bài thơ giàu nhạc điệu, ngỡ như chính tác giả đã để lòng mình đồng điệu với sự sống Lorca trong giờ phút đối mặt với họng súng quân thù.
Tiếng đàn ấy, sức sống ấy vẫn ngân vang những tiếng li-la li-la li-la để hiện hữu sống động hình ảnh một Lorca với chiếc ghi ta màu bạc, vẫn rong ruổi trên hành trình dân tộc Tây Ban Nha, hát lên bài ca tranh đấu, bài ca tình yêu sự sống. Phút gặp gỡ của nhà thơ Việt Nam Thanh Thảo với Lorca đã làm nên một bài thơ còn nóng hổi hơi thở cuộc sống hiện đại, ca ngợi người chiến sĩ trong đội ngũ đấu tranh vì tự do công lý, quyết không cúi đầu trước các thế lực bạo tàn./.
 TRẦN VĂN HIỂU

File đính kèm:

  • docCAM NHAN VE BAI DAN GHI TA CUA LO R CA.doc