Chủ đề 10: ngục trung nhật ký – đề tổng hợp

pdf6 trang | Chia sẻ: haohao | Lượt xem: 1354 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Chủ đề 10: ngục trung nhật ký – đề tổng hợp, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
 Chủ đề 10: NGỤC TRUNG NHẬT KÝ – ĐỀ TỔNG HỢP 
Đề 3: “Lại thương nỗi đọa đày thân Bác 
Mười bốn trăng tê tái gông cùm 
Ôi! Chân yếu mắt mờ tóc bạc 
Mà thơ bay … cánh hạc ung dung” 
(Tố Hữu) 
Từ những bài đã học và đã đọc trong “Nhật ký trong tù” của Hồ Chủ Tịch, hãy chứng minh 
nhận định trên. 
 
GỢI Ý: 
 Hồ Chủ tịch là nhà thơ lớn của dân tộc, là người đặt nền tảng đầu tiên cho thơ ca cách mạng 
vô sản Việt Nam. “Nhật ký trong tù” là những vầng dương chói ngời từ chốn ngục tù tối tăm của 
Tưởng Giới Thạch. “Nhật ký trong tù” là tiếng lòng yêu nước, thương dân yêu đời thương người, là 
nghị lực, niềm tin mãnh liệt của nhà thơ cộng sản trong cảnh cá chậu chim lồng của bọn thực dân đế 
quốc… Thế nên, khi đọc “Nhật ký trong tù”, trong trường ca “Theo chân Bác”, Tố Hữu đã nhắc tới 
tập thơ lớn của Bác – tập thơ mà Người sáng tác lúc: “Nhưng mà trong ngục biết làm chi đây” – với 
bốn câu thơ giản dị và cảm động, và chân thật: 
“Lại thương nỗi đọa đày thân Bác 
Mười bốn trăng tê tái gông cùm 
Ôi! Chân yếu mắt mờ tóc bạc 
Mà thơ bay… cánh hạc ung dung” 
 Trong cảnh lao tù khổ ải như vậy, mà vẫn: “thơ bay.. cánh hạc ung dung”. Phải chăng ở đây 
chính là cái kỳ diệu của tinh thần? Tinh thần của Bác ra sao? Theo những bước Người đi trong 
“Nhật ký trong tù” ta sẽ trả lời được câu hỏi đó… 
 Đọc “Nhật ký trong tù” chúng ta luôn luôn có cái cảm giác khoan khoái là mình đang gặp 
một nghệ sĩ, một tâm hồn nghệ sĩ, một con người yêu thiên nhiên, yêu con người, yêu cái đẹp của 
thiên nhiên và con người. Tình cảm thiên nhiên dạt dào lai láng trong tập thơ. Chế độ lao tù của bọn 
Tưởng có bao giờ dành cho người tù những giờ phút thoải mái để ngắm phong cảnh đâu. Ấy thế 
nhưng từ sau cánh cửa nặng chịch của buồng giam, qua một lỗ thông hơi nhỏ xíu, nhà thơ của 
chúng ta vẫn mở rộng tâm hồn để đón chào, để thu hút lấy những gì còn có thể gọi là nguồn vui mà 
cõi vật bên ngoài có thể cung cấp cho đời sống nội tâm của người lương thiện: 
“Đầu tường sớm sớm vầng dương mọc 
Chiếu cửa nhà lao, cửa vẫn cài 
Trong ngục giờ đây còn tối mịt 
Ánh hồng trước mắt đã bừng soi” 
(Buổi sớm) 
 Có gì đâu! Một tia sáng lúc ban mai, một luồng gió mát lẫn với mùi hoa từ ngoài sân thoảng 
tới, hay một tảng bóng đen thẫm của một lùm cây, hay chỉ cái nhấp nháy của sao Bắc Đẩu. Nhất là 
ánh trăng. Thơ cổ điển của Trung Quốc cũng như của nhiều dân tộc khác, vẫn dành phần trội hơn là 
khác. Đúng như Hoài Thanh đã nhận xét là: “Thơ của người đầy trăng”. Đúng, trong thơ Bác, trăng 
luôn luôn được trìu mến. Trăng là ánh sáng, là trong trắng, là mát mẻ, là thái bình, là hạnh phúc, là 
mơ ước của người, là niềm an ủi và cũng là tượng trưng cho tình chung thuỷ, lòng trung thành với 
hứa hẹn. Trong “Nhật ký trong tù” trăng đã đến với nhà thơ, và nhà thơ đã mượn trăng để nói lên 
những điều như thế: 
“Ngục trung vô tửu diệc vô hoa 
Đối thử lương tiêu nại nhược hà 
Nhân hướng song tiền khán minh nguyệt 
Nguyệt tòng song khích khán thi gia” 
và “Gà gáy một lần đêm chửa tan 
Chòm sao đưa nguyệt vượt lên ngàn” 
(Giải đi sớm) 
 hay: “Gương trăng vành vạnh giữa mùa thu 
Sáng khắp nhân gian bạc một màu…” 
(Trung thu) 
 Có hiểu được hình ảnh thiên nhiên ở đây ta đã bắt đầu hiểu được: “đọa đày… tê tái gông 
cùm” mà Người vẫn “thơ bay … cánh hạc ung dung”. 
 Trong thời gian bị bọn Tưởng giam cầm 14 tháng hồi ấy, Bác đã bị giải tới giải lui khắp 13 
phần đất trong tỉnh Quảng Tây. 
“Quảng Tây giải khắp 13 huyện 
18 nhà lao đã ở qua” 
 Bước đường lưu ly của người tù bị giải cũng chả có gì có thể nói là “lỏng lẻo” hơn chế độ 
“tù ngồi”. Phương tiện di chuyển: đi bộ là chính. Qua tập thơ, chỉ thấy một lần đi tàu thuỷ và một 
lần đi tàu hỏa. Bác đã ghi vào thơ cả hai chuyến đi “cơ giới” ấy. Chắc cũng chính vì đây là hai “dịp 
hiếm hoi”. Nhưng đi tàu hỏa thì ngồi toa than và trên tàu thủy, người tù cũng bị trói giò lơ lửng, 
lủng lẳng vào cột buồm. Những ngày đi bộ cố nhiên còn vất vả hơn. Có ngày đi tới năm mươi cây 
số. Đi với xiềng xích, đi với hai cánh tay bị trói “giật cánh khuỷu” lại đằng sau! Nhưng không hề 
chi! “Nhà thơ tù” vẫn “tự do” ngắm nhìn đường xá, núi non, sông nước và làng mạc chung quanh, 
cảnh nắng, cảnh mưa, cảnh trưa, cảnh chiều, cảnh tối của tạo vật bao la… lại thêm một lần nữa nhà 
thơ chứng tỏ “cánh hạc ung dung” trong cảnh “gông cùm”, “tê tái”… 
 Ở bài “Trên đường đi” nhà thơ đã viết: 
“Mặc dù bị trói chân tay 
Chim ca rộn núi, hương bay ngát rừng 
Vui say ai cấm ta đừng 
Đường xa âu cũng bớt phần quạnh hiu” 
 Đọc câu thơ đầu “mặc dù… chân tay”, phải chăng người đọc chờ đợi một tiếng thở dài, một 
lời than não nuột như kiểu: “Ngậm một khối căm hờn trong tủ sắt – ta nằm dài trông ngày tháng 
dần qua…”(Thế Lữ). Nhưng không hề có tiếng thở dài trong thơ, trong tâm hồn của người cộng 
sản. Câu thơ thứ hai bay bổng bất ngờ, cái bất ngờ thú vị: “Chim ca rộn núi, hương bay ngát rừng”. 
 Chân tay bị trói như thế mà tai vẫn nghe được lời chim hót, mũi vẫn cảm nhận được mùi 
hương trong khoảng mênh mông… Có hiểu được hoàn cảnh lúc đó ta mới hiểu được thế nào là thái 
độ ung dung, tự tại đến mức độ phi thường của Bác. Hiểu được ý thơ này thì ta mới hiểu được hai 
câu thơ sau cùng là tất yếu: “Vui say… quạnh hiu”. Khi con người nắm được quy luật tự do thì bất 
kỳ trong hoàn cảnh nào họ cũng hưởng được tự do, giả dụ bỏ câu một, đọc ba câu còn lại ai nghĩ 
rằng đây là những câu thơ của một người “trói chân tay” mà sẽ nghĩ đây là một vần thơ của một kẻ 
đang ngao du sơn thuỷ. Đúng là: 
“Đế quốc tù ta, ta chẳng tù” (Xuân Thuỷ) 
 hay như ngay trong bài thơ mở đầu của tập thơ: 
“Thân thể ở trong lao 
Tinh thần ở ngoài lao 
Muốn nên sự nghiệp lớn 
Tinh thần càng phải cao” 
 Nghị lực đó lại một lần nữa toả lên sáng ngời trong: “giữa đường, đáp thuyền đi huyện 
Ung” 
“Đáp thuyền thẳng xuống huyện Ung Ninh 
Lủng lẳng chân treo tựa giảo hình 
Làng xóm ven sông đông đúc thế 
Thuyền câu rẽ sóng nhẹ tênh tênh” 
 Và chân lí trên ta còn tìm được một cách bất ngờ thú vị qua bài “Cái cùm”: 
“Dữ tựa hung thần miệng chực nhai 
Đêm đêm há hốc nuốt chân người 
Mọi người bị nuốt chân bên phải 
Co duỗi còn chân bên trái thôi” 
 Bằng phương pháp nhân hóa, tác giả đã miêu tả cái cùm như một hung thần. Người vẽ có cái 
cùm một chân dung vô cùng dữ tợn, dữ tợn như bản chất của bọn Tưởng… như sang đoạn sau: 
“Nghĩ việc trên đời kỳ lạ thật 
Cùm chân sau trước cũng tranh nhau 
Được cùm chân mới yên bề ngủ 
Không được cùm chân biết ngủ đâu” 
 Mới đọc đoạn thơ ta tưởng vô lý nhưng mà có thật. Cái cùm thật là dữ tợn như những người 
tù lại tranh nhau đến trước để được chùm chân. Tại sao có câu chuyện ngược đời như thế? Ấy là vì 
nếu cùm chân rồi thì được ngủ yên, chưa được cùm chân thì chưa được ngủ yên. Bằng cách nói trái 
ngược, bài thơ làm cho người đọc càng thêm thấm thía thấy rõ sự bất nhân của giặc Tưởng đối với 
người tù, nhưng đồng thời lại nêu bật được nghị lực phi thường, phong thái ung dung của một con 
người khi đã làm chủ được bản thân, làm chủ được hoàn cảnh. Họ là người chiến thắng. Bọn thống 
trị muốn dùng cái cùm để uy hiếp người tù. Nhưng người tù đã nắm được quy luật nên họ không hề 
sợ cùm, trái lại họ còn tranh thủ được cùm trước để ngủ. Như vậy, âm mưu khủng bố tinh thần của 
bọn thống trị đã bị thất bại. Khi người ta nắm được quy luật thì dù ở địa vị bị trị vẫn có cách chiến 
thắng kẻ thống trị là thế bởi: 
“Đi đường mới biết gian lao 
Núi cao rồi lại núi cao chập chùng 
Núi cao lên đến tận cùng 
Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non” 
(Đi Đường) 
 Đúng. Lên càng cao thì tầm mắt nhìn càng xa, đó là điều tất nhiên. Từ cái sự thật hiển nhiên, 
dễ nhận thấy đó; Hồ Chí Minh đã rút ra được bài học về nhân sinh quan cách mạng. Đừng vì gian 
khổ mà ngại ngần lùi bước, muốn đạt được những thành quả cách mạng lớn lao thì phải kiên trì 
vượt khó. Cũng ví như người leo núi, nếu không nản lòng, cố gắng leo đến đỉnh cao của dãy núi thì 
sẽ thu vào tầm mắt “muôn trùng nước non” và điều này phải thế chăng cũng đã được người thể hiện 
ở: 
“Ví không có cảnh đông tàn 
Thì đâu có cảnh huy hoàng ngày xuân 
Nghĩ mình trong bước gian truân 
Tai ương rèn luyện tinh thần thêm hăng” 
(Tự khuyên mình) 
 - Giặc dùng bạo lực, dùng mọi cực hình đến mức dã man, tàn bạo để hòng tiêu diệt nghị lực, 
tinh thần người chiến sĩ cộng sản qua sự tổn hao về thể xác: 
“Bốn tháng cơm không no 
Bốn tháng đêm thiếu ngủ 
Bốn tháng áo không thay 
Bốn tháng không giặt giũ 
… 
Răng rụng mất một chiếc 
Tóc bạc thêm mấy phần 
Gầy đen như quỷ đói 
Ghẻ lở mọc đầy thân…” 
 Chế độ đối với người tù, nhất là đối với người tù chính trị của bọn thống trị phản động là 
một chế độ hà khắc. Người tù bị đối đãi và bị sống như một sinh vật. Nhắc đi nhắc lại “bốn tháng”, 
người đọc có cảm tưởng nặng nề về quãng thời gian dài dằng dặc ấy. Nhưng đối với người cách 
mạng thì bất kỳ bằng cách nào chúng cũng không thể khuất phục được. Qua bốn tháng bị giam giữ, 
về mặt vật chất thân thể Hồ Chí Minh bị ảnh hưởng nghiêm trọng… nhưng về mặt tinh thần thì 
không hề bị giảm sút. Vì người có một ý chí cách mạng vững vàng không gì có thể lay chuyển 
được: 
“Kiên trì và nhẫn nại 
Không chịu lùi một chân 
Vật chất trong đau khổ 
Không nao núng tinh thần” 
 Lời thơ ngắn gọn dứt khoát đã thể hiện được trọn vẹn ý chí ấy, hai tiếng “Không” đặt ở đầu 
câu, ý rất mạnh. 
 Tấm gương kiên trì và nhẫn nại của Hồ chủ tịch thành một bài học lớn cho những người 
cách mạng Việt Nam mà cuộc chiến tranh bất khuất của đồng chí Nguyễn Đức Thuận ròng rã tám 
năm trời trong các nhà tù của bọn Mỹ – Diệm là một ví dụ. Để cưỡng bức người cộng sản từ bỏ ý 
tưởng cách mạng ly khai tổ chức Đảng, bọn Mỹ – Diệm đã bắt đồng chí Thuận và một số đồng chí 
khác trải qua một số cực hình man rợ. Kết quả là sau tám năm các đồng chí chỉ còn là “những bộ 
xương thoi thói bọc trong làn da cóc đen đủi, ghẻ lở… râu dài đến ngực, tóc dài đến vai, mặt vàng 
khè như sáp ong. Chỉ nhìn con mắt mới biết còn sống”. Tuy nhiên các đồng chí vẫn giữ được khí 
tiết của người cộng sản. Đúng là tấm gương kiên trì và nhẫn nại của người có một tác dụng thật sâu 
sắc, mênh mông, những lời thơ bình dị, nhưng tinh khí cứng cỏi, nội dung quý báu biết chừng nào: 
“Gạo đem vào giã bao đau đớn 
Gạo giã xong rồi trắng tựa bông 
Sống ở trên đời người cũng vậy 
Gian lao rèn luyện mới thành công” 
 * Yêu nước – không ngủ được là một tứ thơ quen thuộc xưa nay nhưng lòng yêu nước của 
nhà thơ chiến sĩ cộng sản lại có những điểm khác với ông cha ngày trước: 
“Một canh… Hai canh… Lại ba canh 
Trằn trọc bâng khuâng giấc chẳng thành” 
 Câu thơ vang lên đứt quãng, nặng nề như một tiếng đếm, một tấm lòng lo lắng bao điều của 
nhà thơ trong đêm không ngủ. 
“Năm canh thao thức không nằm 
Thơ tù ta viết hơn trăm bài rồi” 
 Phải xa nứơc, xa dân trong cảnh dầu sôi lửa bỏng, lúc con thuyền cách mạng còn tròng trành 
giữa bão táp phong ba thì thử hỏi nhà thơ làm sao ăn ngon, ngủ yên được. Ta hiểu vì sao nhà thơ 
thao thức, ta hiểu tại sao: 
“Trằn trọc, bâng khuâng giấc chẳng thành” 
 Làm sao ngủ được khi: 
“Năm tròn cố quốc tăm hơi vắng 
Tin tức bên nhà bữa bữa trông” 
 Những điểm đặc biệt của nhà thơ, điểm khác của người cộng sản và ông cha ta ngàn năm 
trước là ở chỗ diển tả lòng lo lắng việc nước trong hai trường hợp: thức và ngủ. Thức quá nửa đêm 
bởi lo việc nước. Đến khi chợp mắt thì lại mơ thấy làm việc nước chứ không phải ngủ là quên mối 
lo. Người cộng sản còn sống là còn nghĩ đến đất nước. Nhưng điểm đặc biệt nữa ở đây là không 
phải mơ thấy Tổ quốc của những ngày máu và nước mắt như trong hiện thực, một Tổ quốc: “Nước 
là xứ thuộc địa, dân ta là vong quốc nô. Tổ quốc bị giày xéo dưới gót sắt của kẻ thù hung ác”mà là 
hình ảnh của Tổ quốc ngày rực rỡ màu cờ chiến thắng. 
“Canh bốn, canh năm vừa chợp mắt 
Sao vàng năm cánh mộng hồn quanh” 
 Có hiểu được hình ảnh lịch sử của dân tộc, của thế giới lúc bấy giờ (1942-1943) ta mới cảm 
nhận hết được thế nào là tinh thần lạc quan phi thường, thế nào là cái nhìn xuyên suốt sâu rộng của 
người lãnh tụ cộng sản một khi đã nắm được quy luật phát triển của lịch sử Việt Nam, của cách 
mạng vô sản trên toàn thế giới… Hình ảnh lá cờ bay trong giấc ngủ – giấc ngủ của người tù hai, ba 
năm sau đã trở thành hiện thực trên Tổ quốc Việt Nam: 
“Cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió 
Tiếng kèn kháng chiến vang dội non sông” 
(Thơ kháng chiến) 
Khi Bác nói về chuyện nằm mơ, những giấc mơ trong tù bao giờ cũng đẹp: “mơ thấy cỡi 
rồng lên thượng giới”… Những giấc mơ đẹp ấy đã nói lên sự bình tĩnh về niềm lạc quan hy vọng 
lúc nào cũng tươi tắn trong lòng, trong tâm trí của Hồ chủ tịch. 
Hình ảnh lãnh tụ trong những vần thơ, bình dị như hạt gạo, ngọn lao, nuôi sống ta hàng ngày 
mà đồng thời cũng vòi vọi như non cao, bao la như biển rộng. Những vần thơ Bác để lại cho chúng 
ta, càng nghĩ càng thấy quý vô cùng. Lỗ Tấn nói: “Từ trong mạch nước phun ra đều là nước, từ 
trong mạch máu phun ra đều là máu”. Mỗi bài thơ trong Nhật ký kia, dù chỉ là sản phẩm bất đắc dĩ 
– “Nhân vị tù trong sở vi” – Chẳng phải vẫn là máu thịt tâm hồn của Bác còn lưu lại muôn đời sau. 
Tố Hữu đã nhận xét mặt đúng, thật hay, thật hết sức sâu sắc về tâm hồn Bác, thơ Bác trong những 
ngày tháng “tê tái gông hùm”, nhưng ngẫm cho cùng những điều nhận xét của Tố Hữu, hay bất cứ 
người nào về thơ Bác, về Bác vẫn chưa phản ánh đầy đủ về Bác. Bởi cuộc sống và tâm hồn Người 
mênh mông vô tận như trời đất vô tận mênh mông trong khi ngôn từ và cảm nhận của chúng ta thì 
giới hạn. 
* * * 
 

File đính kèm:

  • pdfvantap10-de3.pdf
Đề thi liên quan