Chuyên đề Một vài khía cạnh về hình thức và ngôn ngữ của thơ mới
Bạn đang xem nội dung tài liệu Chuyên đề Một vài khía cạnh về hình thức và ngôn ngữ của thơ mới, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
MỘT VÀI KHÍA CẠNH VỀ HÌNH THỨC VÀ NGÔN NGỮ CỦA THƠ MỚI Tiếp tục thơ ca truyền thống, thơ ca hiện đại Việt Nam mấy chục năm đầu thế kỉ XX có nhiều bước tiến đáng kể. Trong tất cả những sự thay đổi lớn lao đó phải kể đến sự thay đổi về ngôn ngữ. Nói đến sự phát triển của ngôn ngữn thơ hiện đại Việt Nam là nói tới bước nhảy vọt và cách mạng của toàn bộ hệ thống ngôn ngữ thơ. Thực hiện bước ngoặt đầu tiên chính là đóng góp của phong trào thơ mới. Vào những năm 30 của thế kỉ này, ở nước ta hình thành một trào lưu thơ ca, gọi là phong trào Thơ mới. Tiêu biểu là các nhà thơ như Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Huy Thông, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Hàn Mạc Tử, Tế Hanh… 1. Phong trào Thơ mới ra đời là một bước cách tân đáng ghi nhận so với thơ ca truyền thống về mọi phương diện: nội dung và hình thức biểu hiện. Phát huy tích cực những biểu hiện có tính truyền thống của thơ ca Việt Nam, đồng thời tiếp thu một cách sáng tạo những hình thức thơ ca nước ngoài, phong trào thơ mới đem đến một tiếng nói mới cho nền thơ ca Việt Nam. Nhờ có các hình thức diễn đạt mới, các nhà thơ đã thoát ra khỏi khuôn khổ ngôn ngữ chật hẹp của những câu thơ cũ, đồng thời cũng vượt qua những quy luật nghiêm ngặt về vần luật của các loại thơ niêm luật trước đây. Với sự phát triển đa dạng của các thể thơ, với những cách tạo câu ghép chữ một cách phóng túng, các nhà thơ mới đã trở nên thực sự tự do trong công việc lao động sáng tạo của mình . Chúng ta thử xem xét một vài bài thơ của phong trào thơ mới: Tiếng địch thổi đâu đây Cớ sao nghe réo rắt? Lơ lửng cao đưa tận lưng trời xanhngắt Mây bay, gió cuốn mây bay… Tiếng vi vút như khuyên van như dìu dặt Như hắt hiu cùng hơi gió heo may Ánh chiều thu Lướt mặt hồ thu Sương hồng lam nhẹ lan trên sóng biếc Rặng lau già xao xác tiếng reo khô Như khua động nỗi nhớ nhung thương tiếc Trong lòng người đứng bên hồ (Tiếng trúc tuyệt vời -Thế Lữ) Bài thơ trên là sự phối hợp phức thể của nhiều thể thơ khác nhau với số chữ ngắn dài khác nhau trên mỗi dòng thơ. Ở đây nhà thơ không lệ thuộc vào bất cứ thể thơ nào, niêm luật nào. Toàn bài được cấu tạo theo cảm hứng tự nhiên của nhà thơ trên cơ sở của tiềt tấu có tính nhạc. Sự xen kẽ giữa các câu thơ 5 chữ , câu thơ 9 chữ , câu thơ 6 chữ , câu thơ 8 chữ , câu thơ 3 chữ, câu thơ 4 chữ có tác dụng làm cho nhạc điệu bài thơ trở nên phong phú, nhiều vẻ. Âm điệu của bài thơ khi vút lên, bay bổng, khi dìu dặt, thiết tha, khi lại lắng xuống hoặc trải ra một cách êm ả nhờ nhịp điệu, bước đi của các câu thơ và nhờ một loạt các từ láy dễ gây ấn tượng : réo rắt, lơ lửng, xanh ngắt, vi vút, hắt hiu, xao xác… 2. Giao lưu văn hoá Đông Tây và quá trình thay đổi hình thức biểu đạt của ngôn ngữ thơ. Sống trong hàng ngàn năm ảnh hưởng của văn hoá TQ, thơ ca Việt Nam vẫn giữ được bản sắc của mình. Mặc dù vậy, qúa trình tiếp xúc ngôn ngữ vẫn đễ lại trong lòng thơ ca dân tộc những dấu ấn đậm nét của truyền thống thi ca phương Đông. Đó là hình thức diễn đạt của lối thơ từ chương, thơ ngâm vịnh, thơ hoạ, thơ tĩnh vật…cùng với những lối dùng điển cố ít nhiều mang màu sắc phong cách bác học. Thơ kiểu này đã tạo ra một khoảng cách với đời thường. Vì thế, ngay cả những kiệt tác như Truyện Kiều được nhiều thế hệ nghiên cứu đánh giá là một tác phẩm giàu tính đại chúng vẫn không tránh khỏi những chỗ khó hiểu. Nhất là những câu thơ có dùng điển tích, điển cố. Chỉ một câu thơ “Đài gương soi đến dấu bèo cho chăng” đã tạo ra bao nhiêu cuộc tranh cãi thú vị với nhiều ý kiến , có khi đối lập nhau. Ấy là ta mới chỉ tính đến phương diện chữ và nghĩa chứ chưa kể đến sự phức tạp ở bậc văn bản trong sự biến hoá của mối quan hệ giữa hình thức và nội dung, trong các kiểu xây dựng hình tượng mang tính cách nghệ sĩ. Đến giữa thế kỉ XIX, cuộc xâm lăng của thực dân Pháp vào Đông dương đã từng bước làm thay đổi nền tảng kinh tế-cơ sở hạ tầng ở Việt Nam. Từ một xã hội phong kiến lạc hậu, nước Việt Nam chuyển dần sang nền kinh tế dưới chế độ thực dân nửa phong kiến. Trong mối quan hệ biện chứng với nó, kiến trúc thượng tầng xã hội cũng từng bước biến chuyển. Chế độ vua cai trị lãnh địa dần dần nhường chỗ cho chế độ cai trị của bộ máy toàn quyền của thực dân. Để phục vụ đắc lực cho bộ máy hành chính các cấp, tiếng Pháp được đưa vào thay thế cho tiếng Hán trước kia được dùng ở công sở và những nơi giao tiếp chính thức mang tính Nhà nước. Một cách tự nhiên, cuộc tiếp xúc văn hoá Đông- Tây đã xảy ra trên đất nước Việt Nam ngàn năm văn hiến Vốn là một đất nước có nền văn hoá truyền thống quá lâu đời với bốn ngàn năm lịch sử oanh liệt, Việt Nam trong giai đoạn này nằm trong điểm giao thoa của giao lưu văn hoá Đông –Tây, không dễ gì bỏ đi bản sắc của mình. Nó vẫn kiên trì bảo tồn những sản phẩm vốn là tinh hoa của các thời đại. Ở lĩnh vực thơ ca phải gấn một thế kỉ sau (1858-1930) cuộc tiếp xúc về văn hoá và ngôn ngữ mới tạo ra một cái mốc lịch sử về sự ra đời của phong trào Thơ mới. Nhưng sẽ tỏ ra phiến diện nếu cho rằng, phong trào thơ mới ra đời do ảnh hưởng trực tiếp của các trào lưu thơ ca Pháp. Một khi nói đến sự tiếp xúc về văn hoá và ngôn ngữ người ta không thể không nói đến những tác động và ảnh hưởng qua lại giữa hai phía. Tuy nhiên khi xem xét bản chất của nó lại không thể chỉ đứng trên một phương diện nhất định. Trên thực tế, sự thay đổi về hình thức của thơ ca ở giai đoạn này có nguyên nhân sâu xa. Nguồn gốc đầu tiên phải kể đến là những biến cố của thực tế đời sống và sự phát triển nhận thức ở cấp độ tư duy dân tộc. Trong cảnh lầm than của nhân dân một đất nước bị giày xéo dưới gót dày sắt nô lệ…Thơ ca, một hình thức thể loại nhạy bén với các vấn đề của cuộc sống đã cất lên tiếng nói của mình. Không còn thích hợp với lối thơ từ chương, ngâm vịnh khi nỗi đau của người dân mất nước đang hằng ngày hàng giờ làm nhức nhối trái tim của thi nhân. Môt Nguyễn Khuyến thâm trầm trong đau xót. Một Tú Xương ngông nghênh trong tính cách với những vần thơ mang dáng dấp của sự phá phách đầu tiên…Đến thi sĩ Tản Đà, Nguyễn Khắc Hiếu, người đọc thấy rõ một bước chuyển về hình thức trong thơ ca. Quá trình ấy là một qúa trình tiệm tiến, từ từ xảy ra trong sự tác động từng bước của nội dung tới hình thức. Theo Hêghen đó là một quá trình biện chứng. Một nội dung mới sẽ tìm đến một hình thức mới. Tản Đà được giới nghiên cứu coi là dấu gạch nối giữa Thơ cũ và phong trào Thơ mới. Những thuật ngữ này chủ yếu hàm chỉ sự khác nhau về phương pháp sáng tác hơn là sự khác nhau về hình thức biểu hiện của thơ ca. Ai cũng nhận thấy rằng các tác giả cự phách nhất của phong trào Thơ mới dù háo hức tìm tòi những hình thức diễn đạt cách tân vẫn không thoát li khỏi sự ràng buộc với truyền thống thơ cổ truyền trong việc sử dụng thể thơ, cách dùng nhịp điệu, ngữ điệu tiết tấu, hình thức gieo vần, đối ứng v.v…Ở bài này, bài kia, ở tác giả này, tác giả nọ, dù biến cách hay phá thể, âm hưởng thơ vẫn lưu lại trong ấn tượng của người đọc thứ âm hưởng của thơ truyền thống. Tất nhiên, trong quá trình tiếp xúc văn hoá và tiếp xúc lẫn nhau giữa các nền văn học nói riêng không tránh khỏi được các hiện tượng mô phỏng. Chúng ta quan sát một số bài thơ của Nguyễn Vĩ: HOÀNG HÔN Một đàn Cò con Trắng nõn Trắng non Bay về Sườn non Gió giục, Mây dồn, Tiếng gọi Hoàng hôn Buồn bã Nỉ non Từ giã Cô thôn… Còn con Cò con Trắng non Nào kia Lạc bầy, Lai bay Vào mây Ô kìa! Ở đây tác giả đã dùng hình ảnh thay cho hình tượng thơ. Bài thơ không chứa đựng “tư tưởng” kiểu như “Nhớ rừng” của Thế Lữ hay “Tiếng thu” của Lưu Trọng Lư. Toàn bài thơ như là hình thức mô phỏng của cánh cò bay lúc chiều tà trên nền trời xanh của buổi hoàng hôn sắp tắt. Cũng như vậy, trong bài thơ “Tiếng chuông chùa” ông dùng hình tượng của âm thanh để mô phỏng tiếng ngân nga vọng ra từ đỉnh tháp chuông trong bầu không khí im lặng khơi dây ở người đọc cảm giác bâng khuâng nhung nhớ. TIẾNG CHUÔNG CHÙA Bốn phương trời Sương sa Tiếng chuông chùa ngân nga… Trời lặng êm Nghe rêm Tiếng chuông Rơi Thảnh thơi Êm đềm… Hồi chuông Trôi, Êm ru, Vô âm u Hồn tôi… Hồi chuông Vang bốn phương… Mùi trầm hương Vang trong sương Lòng tôi… Nghe tiếng chuông Trong Trong Hồi hộp Bâng khuâng… Hồn lâng lâng Lên vút Cao xanh Thanh. Thanh… Tiếng chuông chùa Khoan thai, Kêu ai Lòng nhớ thương Quê hương… Tiếng chuông chùa Khoan thai, Kêu ai, Lòng nhớ thương Tê mê Trong sương… (Nguyễn Vĩ) Trước ông chưa có ai cắt nhịp, gieo vần và ngắt dòng thơ như vậy. Ông không lấy nghĩa làm trọng mà lấy âm hưởng của câu thơ làm nền tảng chính. Nói một cách khác là ông lấy mặt hình thức của hình thức để biểu đạt nội dung. Thành thử nhịp điệu của câu thơ có cái gì tương tự với nhịp đánh của tiếng chuông chùa; Bính-boong, bính-boong…bính boong, boong, boong…bính, boong boong… Trong bài Sương rơi, Nguyễn Vĩ dùng lối thơ hai chân để mô phỏng hiện tượng thiên nhiên vốn rất quen thuộc. Mỗi dòng thơ của ông chỉ có hai từ tựa hồ như từng giọt sương đang thong thả rơi xuống: tí…tách, tí…tách…Nó gợi cho người đọc hình ảnh của sự vật mang tính ấn tượng hơn là tư tưởng. SƯƠNG RƠI Sương rơi Nặng trĩu Trên cành Dương liễu Những hơi Gió bấc Lạnh lùng Hiu hắt Thấm vào Em ơi Trong lòng Hạt sương Thành một Vết thương Rồi hạt Sương trong Tan tác Trong lòng Tả tơi Em ơi Từng giọt Thánnh thót, Từng giọt Điêu tàn Trên nấm Mồ hoang Rơi sương Cành dương Liễu ngả Gió mưa Tơi tả, Từng giọt Thánh thót Từng giọt Tơi bời Mưa rơi, Gió rơi. Lá rơi. Em ơi. (Nguyễn Vĩ) Chúng ta thấy Nguyễn Vĩ chịu ảnh hưởng khá rõ rệt kiểu thơ mô phỏng, tượng trưng của một số nhà thơ Pháp mà chúng ta thường gặp, như Victor Huy gô chẳng hạn. Thủ pháp của trường phái này là tập trung khai thác triệt để mặt hình thức của hình thức ngôn ngữ thơ. Người đọc đã gặp trên thi đàn những bài thơ hình quả trám, hình nút chai, hình tam giác, hình bậc thang…Cái mấu chốt của những bài thơ này chính là sự phô diễn tính độc đáo ở cách thức sử dụng ngôn ngữ. Bài thơ Tối của Trần Huấn Chương được tổ chức theo hình dạng của một hình tam giác mà đỉnh của nó là một từ: Tối Đi hoài Chân mỏi Trăng ló ngàn Chim về núi Muôn dặm mịt mù Một mình lặn lội. Đèo ai bước gập ghềnh Cảnh tình lòng bối rối Đường xa gánh nặng ngại ngùng Quãng vắng canh trường vời vợi. Ơ hay gai góc quãng đường đời Vất vả thâu đêm đi chưa khỏi. (Tối-Trần Huấn Chương) Mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề của chủ nghĩa hình thức, các tác giả như Nguyễn Vĩ và Trần Huấn Chương vẫn chưa thoát li hẳn được sự ràng buộc của lối thơ truyền thống. Trong bài Tối có một loạt các âm tiết cuối dòng như “mỏi”,’Lội”, rối”, “vội”, khỏi”, đều mang thanh trắc được bố trí ở quãng cách theo thể vần của thơ truyền thống. Bài thơ “Sương rơi” của Nguyễn Vĩ gò theo bóng dáng của thơ phương Tây vẫn lộ ra cái âm hưởng của thơ 4 chữ và 5 chữ vốn rất thịnh hành ở Việt Nam kể cả việc tổ chức các âm tiết có liên quan về thanh điệu trên những quy tắc hiệp vần. Nói gọn hơn, dù mô phỏng theo thơ phương Tây mỗi bài thơ vẫn thò ra cái đuôi của âm-vận thơ truyền thống. Rõ nhất là bài Mưa. Bài thơ này của Nguyễn Vĩ có hình thức giống quả trám. Nó diễn tả một cơn mưa từ lúc bắt đầu còn lưa thưa vài ba giọt qua phút ào ào rồi ngớt dần, ngớt dần cho đến lúc tạnh hẳn. Đỉnh của bài thơ là một dòng có một từ. Kết thúc bài thơ cũng vậy. Nhưng khác với bài thơ Tối của Trần Huấn Chương vẫn sử dụng hình thức sóng đôi với tính cách là một thủ pháp được sử dụng khá phổ biến trong thơ truyền thống. Ở bài này, số âm tiết ở mỗi dòng tăng lên đều đặn theo công thức n+1. Đến giữa bài thơ, độ dài của câu thơ lên tới 12 âm tiết lại giảm dần theo công thức n-1. Chỗ câu thơ có độ dài nhất là tương ứng với trận mưa ở thời điểm ào ạt nhất. Mưa Lưa thưa Vài ba giọt Ai khóc tả tơi Giọt lệ tình đau xót? Nhưng mây mờ mịt gió đưa Cây lá rung xạc xào giữa trưa Mưa đổ xuống ào ạt mưa, mưa, mưa! Thời gian trôi tan tác theo tiếng mưa cười. Không gian dập vùi tan tác theo tiếng mưa trôi Đàn em thơ chạy ra đường giỡn hớt chạy rầm mưa. Cỏ hoa mừng nên vận hội nghiêng ngả tắm gội say sưa. Nhưng ta không vui không mừng không ca không hát Ta đưa tay ra trời xin giông mưa tắm mát Tước vết thương lòng héo hắt tự năm xưa Như ô kìa! Mưa rụng chóng tàn chưa? Trời xanh mây bay tan tác Ai còn ươm hạt mưa rào Lóng lánh trong tim ta Ai ươm mơ sầu Ôi mong manh Trong tim ta. (Nguyễn Vĩ) Bài thơ hình tam giác của Trần Huấn Chuương có hình thức như bài thơ Mưa được cắt đôi, nhưng số âm tiết ở mỗi dòng lại không tăng lên một cách đều đặn mà cứ sau hai dòng sóng đôi với nhau thì dòng tiếp theo sau đó mới tăng lên một âm tiết. Như vậy, dù có phát triển tối đa thủ pháp của chủ nghĩa hình thức, Trần Huấn Chương vẫn chưa thoát li hoàn toàn khỏi một đặc điểm quan trọng đó là tính cân xứng và đối xứng của thơ ca Á Đông. Trong khi đó, ở bài thơ Mưa của Nguyễn Vĩ lại hết sức cố gắng để thoát khỏi sự ràng buộc đó. Tuy nhiên, dù chủ động vượt qua vòng vây của thủ pháp ngôn ngữ cổ truyền, nhà thơ vẫn không thể đoạn tuyệt hoàn toàn với những quy tắc về thanh vận của tiếng Việt với tư cách là một ngôn ngữ có thanh điệu. Không thể phủ định sự cố gắng tìm tòi về diện mạo hình thức thơ của các thi sĩ nói trên. Nhưng phải thừa nhận cái áp lực về cấu trúc thơ truyền thống vô cùng mạnh mẽ và tính bền vững của nó dường như được bắt rễ từ một cội nguồn văn hoá lâu đời. Cho nên, mãi đến những năm cuối của thế kỉ XX, những thể thơ cổ truyền của dân tộc như: lục bát, song thất lục bát, tứ tuyệt, ngũ ngôn, thất ngôn bát cú…vẫn được duy trì và có sức sống rất bền bỉ. Những bài thơ dù có hình thức rất độc đáo như vừa phân tích ở trên vẫn chưa đủ sức đánh bật được cái áp lực của cấu trúc thơ truyền thống. Nó chỉ xuất hiện một thời rồi lại biến mất trên thi đàn. Điều này gợi cho ta một vấn đề: Khi bàn đến ngôn ngữ thơ với tính cách là một phong cách nghệ thuật, không thể tách rời nó với cội nguồn văn hoá, tới cảm thức ngôn ngữ của những người nói tiếng mẹ đẻ Điều đáng ghi nhận ở sự đóng góp của phong trào Thơ mới trước hết là sự làm phong phú các hình thức biểu hiện của ngôn ngữ thơ Việt Nam. Có thể khẳng định rằng: tới phong trào thơ mới- bộ mặt ngôn ngữ thơ Việt Nam đã hoàn toàn thay đổi. Sự thay đổi đó trước hết là về cách cấu tạo câu thơ, dòng thơ và bài thơ. Sau nữa là bảng từ, ngữ được nhà thơ đem ra sử dụng cũng như những kiểu kết hợp từ mới in đậm dấu vết của những phong cách sáng tạo. Cụ thể là một loạt các từ ngữ trong thơ cũ nay đã trở thành khuôn sáo lập tức được các nhà thơ của phong trào Thơ mới loại bỏ. Thay vào đó là một loạt những từ ngữ mới có khả năng diễn tả được những cảm xúc mới đa dạng trong tâm hồn con người và những vẻ đẹp của thiên nhiên. Trước đây các nhà thơ khi nói về tình yêu thường không dám nói trực tiếp mà chỉ dám nói bóng gío xa xôi: Nàng rằng khoảng vắng canh trường Vì hoa nên phải đánh đường tìm hoa (Nguyễn Du) Hoặc: Dù khi là thắm chỉ hồng Nên chăng thì cũngtại lòng mẹ cha (Nguyễn Du) Hay: Ra sân bắc ghế kêu trời Ở dưới hạ giới có người tương tư Trời cao gọi mãi không thưa Biết ai ra ngẩn vào ngơ canh chầy (Tản Đà) Trong khi các nhà thơ mới lại dám dùng những từ ngữ hết sức cụ thể, mạnh dạn để nói trực tiếp về tình yêu và những sự khao khát yêu đương của con người. Ví dụ: K…hỡi, người yêu của tôi ơi (Thâm Tâm) Lá rụng không tin hoa rụng không ngờ Tình yêu đến tình yêu đi ai biết Trong gặp gỡ đã có mầm li biệt (Xuân Diệu) Anh nhớ tiếng, anh nhớ hình, anh nhớ ảnh Anh nhớ em anh nhớ lắm em ơi! (Xuân Diệu) Anh đã nói từ khi vừa gặp gỡ Anh rất ngoan anh chẳng dám mong nhiều Em bằng lòng cho anh được phép yêu Anh sung sướng với chút tình vụn ấy. (Xuân Diệu) Ở giai đoạn này, các từ ngữ: Yêu, yêu em, anh yêu em, người yêu …đã trở thành phổ biến. Các từ ngữ với nghĩa hình tượng nói về con người, về tình cảm yêu đương như: hoa, ong, bướm, lá thắm, chỉ hồng…dần dần lui vào vũ đài lịch sử của thơ ca truyền thống. Với môt khối lượng các từ ngữ mới được đưa vào trong thơ ca, những cách diễn đạt cũ cũng từng bứơc được cách tân cho phù hợp với cách cảm, cách nghĩ của người hiện đại. Trong ca dao, diễn tả nỗi nhớ của người đang yêu, nhà nghệ sĩ dân gian nói: Nhớ ai bổi hổi bồi hồi Như đứng đống lửa như ngồi đống than. Từ “ai” vẫn là một từ trừu tượng, chưa xác định cụ thể. Còn trong thơ mới, người đang yêu được xác định cụ thể hơn. Và tình cảm nhớ nhung yêu thương cũng được miêu tả một cách dữ dội hơn: Nhớ em như một vết thương Trong lòngnhư vỡ mảnh gương trong lòng Tay cầm cốc thuỷ tinh trong. Trong tay bóp nát máu ròng ròng sa (Xuân Diệu) Chúng ta gặp không ít những cách diễn đạt, những cách kết hợp từ mới lạ: Em không nghe mua thu Dưới trăng mờ thổn thức Em không nghe rạo rực Hình ảnh kẻ chinh phu… (Lưu Trọng Lư) Người đọc cảm thấy có sự khác thường khi tiếp xúc với những kiểu diễn đạt như vậy. “Mùa thu” và “cảm giác rạo rực” ở đây không được chúng ta cảm nhận, lĩnh hội bằng cảm giác bình thường mà được cảm nhận thông qua thính giác với động từ “nghe”. Cũng như Xuân Diệu và nhiều thi sĩ khác đã không “ngửi” mà “sờ” thấy hương thơm, không nhìn mà “sờ” hoặc “ngửi” thấy sắc đẹp. Đó là loại thơ mà cách diễn đạt chịu nhiều ảnh hưởng của trường phái thơ tượng trưng Pháp. Phong trào Thơ mới ra đời đánh dấu một chặng đường mới về sự phát triển của thơ ca Việt Nam. Tuy nhiên, nó lại nhanh chóng vấp phải những bế tắc. Một số nhà thơ sa vào chủ nghĩa hình thức, một số khác không thoát khỏi những đề tài chật hẹp, quẩn quanh, trong khi xã hội Việt Nam đầy biến động với nhiều cuộc đấu tranh giành độc lập tự do của quảng đại quần chúng nhân dân. Vì thế, giai đoạn này, phongtrào Thơ mới bị lạc lõng trước dòng thời cuộc. Số lượng các từ ngữ được dùng trong thơ dần dần bị lặp đi lặp lại và bị nghèo nàn hoá. Nó trở thành tiếng nói buồn thương của một lớp trí thức bị bỏ rơi. Từ ngữ trong thơ ít có màu sắc khoẻ khoắn, hi vọng. Nhà thơ nhìn xã hội trong cảnh mù mịt, tối tăm: một Nguyễn Bính với màu trắng khăn tang, của “chiếc quan tài trắng”. Một Lưu Trọng Lư với sự ngẩn ngơ, ngơ ngác giữa cuộc đời ”con nai vàng ngơ ngác”. Một Chế Lan Viên với màu tối của sự hãi hùng đầy bí hiểm và những “đầu lâu xương trắng” hiện về từ kinh thành của nước Chàm xưa. Một Hàn Mạc Tử đầy tài năng, quằn quại trong khao khát. Bảng từ ngữ được sử dụng ở giai đoạn này mang nhiều ấn tượng về tâm trạng cô đơn, thất vọng trong hoàn cảnh hoàn toàn không có lối thoát, đúng như GS.Hà Minh Đức đã nhận xét. Dù sao phong trào Thơ mới cũng là một trào lưu thơ ca có những yếu tố mới về nội dung cũng như hình thức. Về nội dung, thơ mới là tiếng nói của một lớp công chúng mới có những yêu cầu mới về tư tưởng, tình cảm, thị hiếu, thẩm mĩ. Về hình thức, thơ mới mang lại nhiều khả năng biểu hiện cho thơ ca và do đó thúc đẩy sự phát triển của thơ ca thời kì hiện đại. ---------
File đính kèm:
- CHUYEN DE THO MOI.doc