Chuyên đề : Rèn kỹ năng sống trong một bài giảng

doc7 trang | Chia sẻ: dethi | Lượt xem: 1309 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Chuyên đề : Rèn kỹ năng sống trong một bài giảng, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
CHUYÊN ĐỀ:

RÈN KỸ NĂNG SỐNG TRONG MỘT BÀI GIẢNG

I. PHẦN MỞ ĐẦU

Lý do
Cổ ngôn Trung Quốc có nói: “Mỗi đứa trẻ như một tờ giấy trắng, ai đi qua cũng để lại dấu vết của mình”
Bước vào thế kỷ XXI, thiên niên kỷ thứ III, trẻ em được chúng ta chăm sóc, tạo điều kiện đặc biệt tối ưu, nên về vật chất lẫn tinh thần có phần đầy đủ hơn chúng ta. Song song đó là sự giao thoa của các nền văn hóa, sự hội nhập của các nền kinh tế khiến nhận thức, suy nghĩ, hành động của các em có phần khác so với thế hệ cha anh trước kia. Những quan niệm sống, những giá trị văn hóa, đạo đức thẩm mỹ được chúng ta cho là nền tảng, là bản sắc thì một số em đón nhận nó bằng sự thờ ơ, hành động lệch chuẩn vì thiếu hụt kỹ năng. Theo nghiên cứu của các nhà giáo dục thì có đến 95% học sinh chưa nhận thức đúng về kỹ năng sống, 77,7% chưa bao giờ được đào tạo, tập huấn về kỹ năng sống, 76,4% cho biết các em rất cần được tập huấn kiến thức về kỹ năng sống và hầu hết các em lúng túng khi trả lời hoặc chưa biết cách xử lý các tình huống thường gặp trong cuộc sống.
Sự thiếu hụt kỹ năng sống của giới trẻ trong đó có một bộ phận lớn vẫn đang được tiếp nhận sự giáo dục của nhà trường, còn được phản ánh ở khía cạnh khác. Tại một cuộc hội thảo, Tiến sĩ Phùng Khắc Bình đánh giá từ chỗ “Chưa có nhận thức và hành vi đúng đắn, lối sống ích kỷ, ham hưởng thụ, đua đòi chạy theo chủ nghĩa vật chất, từ những biểu hiện lệch lạc về đạo đức, lối sống dẫn đến một bộ phận học sinh, sinh viên sa đà vào tệ nạn xã hội và phạm tội”. Đã có rất nhiều trường hợp học sinh, sinh viên phạm pháp với nhiều hành vi đánh nhau gây rối trật tự công cộng, cướp tài sản, xâm hại sức khỏe, tính mạng cho đến tội phạm ma túy giết người.
Dẫn đến thực trạng này được nói đến bao gồm nhiều nguyên nhân từ xã hội, gia đình, nhà trường cho đến bản thân giới trẻ. Bên cạnh những nguyên nhân khách quan, rõ ràng về góc độ bản thân giới trẻ “sự thiếu hụt kiến thức” hiểu biết để giải quyết những vấn đề trong cuộc sống, sự lệch lạc trong hành vi và nhận thức dẫn đến các sai phạm, sống thiếu trách nhiệm với bản thân và cộng đồng. Chính lẽ hậu quả trực tiếp của việc thiếu kỹ năng sống cần thiết...
Trách nhiệm lấp đầy kỹ năng sống cho người vị thành niên là ai? Vì vậy mà hôm nay, Tổ Ngữ văn Trường THCS Võ Văn Tần, chúng tôi đã tổ chức buổi hội thảo chuyên đề “RÈN KỸ NĂNG SỐNG TRONG MỘT BÀI GIẢNG”.
Nội dung chuyên đề
Đề tài về quê hương đất nước, bản sắc văn hóa là một dòng chảy không ngừng của Văn học Việt Nam. Mỗi giai đoạn lịch sử các nhà văn, nhà thơ lại phản ánh vấn đề ở điểm nhìn và cách cảm nhận khác nhau. Ở mỗi một vùng miền, cũng thể hiện tình cảm, nhận thức khác nhau. Mỗi tác phẩm cũng có cách trình bày ở phong cách nghệ thuật khác nhau. Điều đó phản ánh sự trưởng thành hơn trong nhận thức, bút pháp thể hiện của các thế hệ cầm bút qua từng thời kỳ.
Đến với bài “Nói với con” chúng tôi sẽ giúp cho học sinh cảm nhận nét đặc trưng trong cách diễn đạt của ngưởi miền Núi khi thể hiện tình yêu gia đình, quê hương đất nước, lòng tự hào về truyền thống. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ không khai thác sâu vào nghệ thuật dùng từ; cách nói so sánh, cách diễn đạt hình tượng mà chúng tôi chỉ cố gắng cho học sinh lĩnh hội các quan niệm, ý tưởng, sự gợi mở, lòng mong mỏi của lớp người đi trước.

3.Phạm vi truyền đạt chuyên đề
Phân tích văn bản qua đó chúng tôi rèn kỹ năng sống qua hai nội dung:
a.Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
b.Tình cảm gia đình.

4.Phương pháp giảng dạy truyền thụ kiến thức cho học sinh
-Phương pháp phân tích tổng hợp: 
Phương pháp này giúp cho học sinh tiếp cận với những đặc điểm cơ bản của bài “Nói với con”. Từ đó rút ra những giá trị nội dung, nghệ thuật của tác phẩm.
-Phương pháp so sánh: 
Trong quá trình dạy chúng tôi sử dụng phương pháp này dựa trên các bài học: Chiếc lược ngà, Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ để làm nổi bật nội dung bài “Nói với con”.
-Phương pháp hệ thống: 
Sử dụng phương pháp hệ thống nhằm xem xét những bình diện, những yếu tố và mối quan hệ cơ bản tạo nên diện mạo thơ viết về tình cảm gia đình, tình yêu quê hương đất nước.
5.Mục đích của chuyên đề
-Góp phần làm rõ diện mạo thơ ca viết về gia đình, quê hương qua cách sử dụng của người miền Núi.
-Rèn kỹ năng nhận thức của học sinh về tình cảm gia đình, tình yêu quê hương đất nước, thái độ trân trọng, giữ gìn bản sắc dân tộc.
-Giúp quý đồng nghiệp cùng nhau trao đổi kinh nghiệm về việc dạy học Văn trong trường phổ thông bằng phương pháp tích hợp rèn kỹ năng sống vào trong bài học sao cho học sinh đi từ nhận thức đến tư duy, vận dụng trong từng hoàn cảnh cụ thể và hoàn thiện dần nhân cách cho các em từ bài giảng của thầy cô.
II. PHẦN NỘI DUNG CỤ THỂ

Rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh được tích hợp trong tất cả các môn học không riêng gì môn Ngữ văn; phạm vi nội dung để rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh thì rất phong phú. Vì vậy, ở đây chúng tôi chỉ đề cập đến hai nội dung:
Giáo dục học sinh giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc
Trong 13 di sản thế giới của Việt Nam thì những di sản văn hóa sau đây đã được UNESCO công nhận:
1. Nhã nhạc cung đình Huế: “Kiệt tác di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại”
2. Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên: “Kiệt tác di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại”
3. Quan họ Bắc Ninh: “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”.
4. Hội Gióng (tại Phù Đổng, Sóc Sơn, Hà nội): “ Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại”.
5. Ca trù: Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp.
6.Khu di tích hoàn thành Thăng Long (Hà Nội): “ Di sản văn hóa thế giới”.
7.82 bia đá tiến sĩ Văn Miếu- Quốc Tử Giám (Hà Nội): “ Di sản tư liệu thế giới”
Điều đó đã nói lên điều gì? Bên cạnh dân tộc Kinh thì các dân tộc anh em khác đã kề vai sát cánh cùng chúng ta đã làm nên một bản sắc văn hóa dân tộc độc đáo. Đó là niềm tự hào to lớn đối với người dân đất Việt. Làm sao để tuổi trẻ hiểu rằng “Của gia bảo mà tổ tiên để lại có giá trị trường tồn cùng sự phát triển đất nước”. Nỗi trăn trở đó sẽ được giáo viên tích hợp qua các bài giảng trong trường phổ thông. Với Nhã nhạc cung đình Huế, chúng ta sẽ giáo dục lòng tự hào di sản văn hóa qua bài “Ca Huế trên sông Hương”ở lớp 7. Với Hội Gióng, chúng ta sẽ nhắc nhở các em ý thức về truyền thống giữ nước của dân tộc qua bài “Thánh Gióng” ở lớp 6. Với Quan họ Bắc Ninh, chúng ta động viên các em ý thức yêu quý âm nhạc dân tộc qua bài “Trò chơi ngày xuân” chương trình lớp 9. Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, chúng tôi sẽ nhắc nhở các em qua “Phong cách Hồ Chí Minh”, “Nói với con”, “Ông Đồ”,...
Bản thân giáo viên phải là người truyền tải được ý thức trách nhiệm của thế hệ tương lai trong quá trình giữ gìn di sản ấy. Vẻ đẹp của văn hóa dân tộc cũng vận động theo sự phát triển của lịch sử, có cái sẽ tàn phai, sẽ nhạt nhòa trong xu thế mới, và cũng sẽ có những nét văn hóa mới cũng sẽ hình thành. Vì vậy chúng ta phải giáo dục các em ý thức trước tương lai văn hóa dân tộc để chúng ta hội nhập, hòa nhập chứ không hòa tan, đừng để rồi sau đó buon tiếng thở dài như Vũ Đình Liên:
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ.
Bản sắc văn hóa Việt phong phú trong từng vùng, từng miền. Chẳng hạn như trong âm nhạc có các hình thức hát lượn, hát theo có đàn môi, đàn tính, sáo mèo của các dân tộc thiểu số thì người Kinh chúng ta có hát ghẹo, hát xoan, đờn ca tài tử, đàn nhị, đàn tranh, đàn bầu,... Trong trang phục dân tộc: áo dài người Kinh khoe sắc cùng các trang phục thổ cẩm người Thượng. Trong ẩm thực cơm lam của miền sơn cước không kém cạnh so với cơm niêu người đồng bằng; và còn các lễ hội: Hội đền Hùng nhắc nhở ta ý thức con Rồng, cháu Tiên. Trò bách nghệ khôi hài giúp ta liên tưởng đến Truyền thuyết Sơn Tinh, Thủy Tinh, Hội làng Gióng đề cao chủ nghĩa yêu nước sức mạnh đoàn kết dân tộc; Hát trống quân gắn liền với chiến thắng Mùa xuân Kỷ Dậu 1789 - Quang Trung đại phá quân Thanh.
Trong khi giảng dạy, chúng ta giáo dục các em từ chỗ nhận biết đến hành động hiệu quả trong quá trình giữ gìn bản sắc dân tộc, văn hóa dân tộc qua cách giao việc, đặt câu hỏi cho em phát huy được tư duy độc lập hoặc làm việc theo nhóm.
B. Giáo dục học sinh lòng yêu quê hương, đất nước, tình cảm gia đình, lòng yêu thiên nhiên
Cái đẹp là niềm vui của cuộc đời chúng ta, con người muốn trở thành Con Người vì đã trông thấy vẻ đẹp của tự nhiên, biết cảm nhận cái đẹp của cuộc sống. Bầu trời xanh thăm thẳm, những ngôi sao lấp lánh màu đỏ của ráng chiều, màn sương mỏng trên thảo nguyên bao la, buổi hoàng hôn đỏ rực trong một ngày đầy gió, ảo ảnh lung linh ở chân trời, tuổi thơ con người lớn lên trong sự huyền ảo mà thiên nhiên ban tặng.
Chừng nào chúng ta chưa biết thưởng thức cái đẹp bình dị của cuộc đời, con người chưa thể là con người đúng nghĩa.
Nếu ca dao có câu:
Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Thiên Mụ canh gà Thọ Xương
Mịt mù khói tỏ cành sương
Nhịp chày Yên Thế mặt gương Tây Hồ.
Thì Vũ Bằng có “Mùa xuân của tôi - Mùa xuân Bắc Việt, mùa xuân của Hà Nội- là mùa xuân có mưa riêu riêu, gió lành lạnh, có tiếng nhạn kêu trong đêm xanh, có tiếng trống chèo vọng lên từ những thôn xóm xa xa có câu hát huê tình của cô gái đẹp như thơ mộng” (Mùa xuân của tôi – Lớp 7)
Vẻ đẹp của tiết trời mùa xuân với không khí lạnh, âm thanh vạn vật và cuộc sống con người tuy không sôi động rực rỡ mà như đang cựa mình đang tích tụ sức sống mùa xuân để tiếp nối cuộc tuần hoàn kỳ diệu trong đời sống con người và cảnh vật ,vẻ đẹp mùa xuân khiến lòng người không ghìm được xúc động phải thốt lên: “...Đẹp quá đi mùa xuân ơi –mùa xuân của Hà Nội thân yêu, của Bắc Việt thương yêu”
Đó là tình yêu mến say đắm rạo rực niềm vui khi xuân về. Đó cũng là tình yêu cuộc sống, yêu con người khao khát gắn bó với quê hương. Nguyễn Đình Thi có nói: “Cái tư tưởng trong nghệ thuật là một tư tưởng náo mình yên lặng”. Muốn đánh thức tư tưởng nghệ thuật mà người sáng tác gửi gắm vào đó thì bổn phận người giáo viên phải gợi mở để học sinh cảm nhận cái hay của người sáng tác của tác phẩm với mùa xuân của tôi, học sinh sẽ cảm thụ được giọng văn nhẹ nhàng tràn đầy cảm xúc, cách sử dụng từ ngữ, hình ảnh chọn lọc tiêu biểu, nghệ thuật so sánh mới lạ những câu văn dài...góp phần làm rõ vẻ đẹp của mùa xuân miền Bắc, khơi dậy lòng yêu thiên nhiên, lòng yêu quê hương, lòng yêu Tổ quốc.
Trong tác phẩm “Những tấm lòng cao cả” (của A-mi-xi) lá thư của người cha gửi cho con sao mà xúc động đến thế “Tại sao anh yêu sứ sở của anh? Câu hỏi đó chẳng làm nặng nổi trong các con biết bao câu trả lời hay sao? Tôi yêu xứ sở của tôi vì mẹ tôi sinh trưởng ở đó, vì nguồn máu trong mạch tôi là của người. Vì khu đất thánh kia chôn vùi tất cả những người mà mẹ tôi thương, cha tôi trọng. Vì cái đất nước mà tôi sinh ra, thứ tiếng nói mà tôi nói, quyển sách tôi học, các em tôi, chúng bạn tôi, và một dân tộc to lớn sống chung với tôi. Tóm lại, những sự vật mà tôi trông thấy, tất cả những gì mà tôi yêu quý, nhất nhất thuộc về xứ sở của tôi”. Giáo dục học sinh nhận thức được, chúng ta lớn lên trong sự đùm bọc của quê hương, vẻ đẹp của tự nhiên nuôi dưỡng tâm hồn, lối sống con người thì một tác phẩm nghệ thuật sẽ “không đứng ngoài trỏ vẽ cho chúng ta đường đi, sẽ đốt lửa bên trong tâm hồn chúng ta khiến chúng ta bước lên đường ấy” (Nguyễn Đình Thi)
Nếu Y Phương có:
Rừng cho hoa
Con đường cho những tấm lòng
Thì Tế Hanh tâm sự về nỗi nhớ quê hương da diết:
Nay xa cách lòng tôi luôn tưởng nhớ
Màu nước xanh cá bạc chiếc buồm vơi
Thoáng con thuyền rẽ sóng chạy ra khơi 
Tôi thấy nhớ cái mùi nồng mặn quá.
Để giáo dục lòng yêu quê hương, yêu đất nước thì hiệu quả bắt đầu bằng tình cảm gia đình, cũng bởi vì:
Ai hát bên triền sông
Câu hò nghe vấn vương
Uống nước thương hoài nguồn
Cù lao nghĩa nặng bằng non
Dạt dào như sóng trùng dương dạt dào.
Bước vào các lớp đầu cấp THCS các em đã thấm thía cảm xúc gia đình qua câu ca dao:
Ngày nào em bé cỏn con
Bây giờ em đã lớn khôn thế này.
Các em hiểu được tấm lòng cha mẹ qua tấm lòng của các bậc sinh thành: “ Dù đã lớn khôn khỏe mạnh thế nào đi chăng nữa, con sẽ vẫn tự thấy mình chỉ là đứa trẻ tội nghiệp, yếu đuối và không được chở che. Con sẽ cay đắng khi nhớ lại những lúc đã làm cho mẹ con đau lòng... Con sẽ không thể sống thanh thản, nếu làm cho mẹ buồn phiền. Dù có hối hận, có cầu xin linh hồn mẹ tha thứ...Tất cả chỉ vô ích mà thôi. Lương tâm con sẽ không một phút nào yên tĩnh. Hình ảnh dịu dàng và hiền hậu của mẹ sẽ làm tâm hồn con như bị khổ hình. Con hãy nhớ rằng, tình yêu thương kính trọng cha mẹ, là tình cảm thiêng liêng hơn cả. Thật đáng xấu hổ và nhục nhã cho kẻ nào chà đạp lên tình yêu thương đó” (Mẹ tôi - A-mi-xi)
Người giáo viên khi đứng lớp, chúng ta với tác phẩm sẽ là một sợi dây đồng điệu kỳ diệu giữa nhà văn với học sinh, thông qua những rung cảm mãnh liệt sâu xa từ trái tim để các em tự hoàn thiện nhân cách, tâm hồn trong cách ứng xử với cha mẹ.
Thương cha nhớ mẹ như kim đâm vào trong dạ
Nghĩ đến chừng nào lụy hạ tuôn rơi
Thuyền không bánh lái thuyền quày
Con không cha mẹ ai bày con nên. 
(Ca dao)
Bậc làm cha làm mẹ, ai mà không kỳ vọng cho con mình nên người. Vì vậy, trách nhiệm của người cha, người mẹ là phải dạy con những phẩm chất đạo đức cần thiết, để con có thể sống xứng đáng như một con người giữa cuộc đời này. Phần lớn hạnh phúc mà mỗi con người có thể thật sự cảm nhận được trong cuộc sống đều phụ thuộc vào phẩm chất đạo đức mà người đó có. Chỉ khi nào chúng ta quyết tâm sống với những phẩm chất đạo đức thật sự của mình thì chúng ta mới có thể trở thành người chân chính.
Mẹ ru ta từ trong nôi:
Con ơi muốn nên thân người,
Lắng tai nghe lấy những lời mẹ cha.
 (Ca dao)
Thơ ru ta trong nghĩa tình sâu nặng:
Con ơi tuy thô sơ da thịt
lên đường
Không bao giờ nhỏ bé
nghe con.
Từ những chiếc nôi ru ấy; đạo làm con cảm nhận được ý nghĩa lớn lao sâu sắc, nhắc nhở chúng ta biết nuôi dưỡng những tình cảm tốt đẹp, luôn bồi đắp tâm hồn con người trong suốt cuộc đời về những tình cảm thiêng liêng bền vững:
À ơi !
Một con cò thôi
Cũng là cuộc đời
Vỗ cánh qua nôi
Lời thơ tha thiết quá! những hình ảnh biểu cảm của ca dao, dân ca sử dụng nhuần nhuyển chứa chan tình cảm dễ đi vào lòng người mà mang tính chất triết lý suy ngẫm:
Cái cò...sung chát đao chua
Câu ca mẹ hát gió đưa về trời
Ta đi trọn kiếp con người
Cũng không đi hết mấy lời mẹ ru.
(Nguyễn Duy- Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa)
Ở một số trường học danh tiếng, học sinh được chào đón bằng câu:
“Vào đây để lớn lên trong sự thông thái, ra đi để phục vụ tốt hơn cho đất nước, đồng loại của bạn”
Trường học là nơi học sinh được học tập, vui chơi, được rèn luyện để tăng trí tuệ, kiến thức, khả năng ứng xử của mình. Vì vậy để khai trí, khai tâm học sinh - mỗi chúng ta cần cho học sinh nhận thức rõ: Nếu một con người không có kiến thức, không có sự hiểu biết thì không thể phục vụ, cống hiến; mỗi cá nhân phải nhận thức về trách nhiệm bản thân và gia đình, xã hội. Từ trình độ học vấn đến những hiểu biết về văn hóa là cả chặng đường dài. Có thể anh có địa vị học vấn cao, nhưng trong mối quan hệ cộng đồng, trong cư xử với bạn bè; với cha mẹ thì anh không có văn hóa. Bởi thế mà tác phẩm văn học đã đến với cuộc đời bằng ba chức năng: Phản ánh, nhận thức và thẩm mỹ. Để “Văn học là nhân học” (Mác xin Gorơ Ki) trong nhà trường phổ thông.
III- PHẦN KẾT THÚC

Bản sắc dân tộc chính là những nét tâm hồn của quốc gia, của mỗi người trong cộng đồng dân tộc. Bản sắc dân tộc Việt Nam là một tâm hồn bình dị trong mối quan hệ người với người trên nền tảng tình nghĩa: Tình làng, nghĩa xóm, tình anh em, tình bạn bè, tình cảm gia đình, nghĩa đồng bào Tổ quốc. Đó là bản sắc nhân đạo cao cả, hơn 50 dân tộc anh em trên khắp mọi miền đất nước đã làm nên bản sắc văn hóa ấy. Bổn phận thế hệ sau phải biết tự hào, gìn giữ phát huy.
Nhưng tựu trung nhất, cái làm nên bản sắc văn hóa đẹp đẽ kia chính là văn hóa gia đình. Ai trong chúng ta không từng đã lớn lên bằng dòng sữa ngọt ngào của mẹ, bằng tình yêu thương của cha. Xin một lần lắng lòng lại để nghe lởi tâm sự của người cha trong bài “Nói với con” để thấy được tâm hồn mẹ, trái tim cha dạt dào suối nguồn yêu thương mong mõi con có bản lĩnh, chí khí, niềm tin bước vào đời. Và nếu “dạy chính là học hai lần” thì những bài học đạo lý làm người mà chúng ta đang truyền thụ cho học sinh, cũng là bài học nhắc nhở ta Cảm ơn cha một đời oằn vai gánh nặng, Cảm ơn mẹ một đời đôi dép lạc bàn chân nuôi dạy chúng ta nên người.






File đính kèm:

  • docchuyen de.doc