Cổ học tinh hoa

pdf42 trang | Chia sẻ: dethi | Lượt xem: 1422 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem trước 20 trang mẫu tài liệu Cổ học tinh hoa, để tải tài liệu gốc về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Cổ Học Tinh Hoa 
 
 
Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc & 
Từ An Trần Lê Nhân 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Lời Tựa 
 
"Có mới, nới cũ" thường tình vẫn thế. Tân học mỗi ngày một tiến, tất Cựu học phải lùi và 
có khi sợ rồi mai một đi mất. 
Nhưng, Tân học mà hay, tất là Tân học có một nền tảng vững chắc. Nền tảng ấy tức là 
tinh hoa của Cựu học. Cựu học nước nhà là một thứ học trải qua bao nhiêu đời, đã làm 
cho ông cha ta phù thực được cương thường, chấn chỉnh được phong hóa, bảo tồn được 
quốc thể, duy trì được thế đạo nhân tâm, thật không phải là một cái Học không có giá trị 
đáng khinh rẻ hay quên bỏ được. Vả chăng: "Tri kim, nhi bất tri cổ, vị chi manh cổ; tri 
cổ, nhi bất tri kim, vị tri lục trầm" ta đã biết truyện đời nay, ta lại cần phải học truyện đời 
xưa, ta ôn lại việc đời xưa mà ta rõ được việc đời nay, có như thế, thì cái Học của ta mới 
không đến nỗi khiếm khuyết. Vì, tuy chia làm cổ, kim, nhưng chẳng qua cũng chỉ là buổi 
sớm, buổi chiều trong một ngày của trời đất, kẻ học giả mà câu nệ chấp nhất, chỉ biết cổ 
không muốn biết kim, hay chỉ biết kim không muốn biết cổ, thì sao gọi là "bác cổ thông 
kim" được! 
Cựu học của ta là gì? Cựu học của ta tức là Hán học nghĩa là một cái Học chung cho cả 
mấy dân tộc ở Á Đông đã chịu cái văn hóa của giống người Hán, tức là người Trung Hoa. 
Cựu học không phải là chỉ có Tứ Thư, Ngũ Kinh, xưa kia đa số quen dùng làm cái học cử 
nghiệp mà thôi. Ngoại giả, còn Bác gia chư tử thật là man mác rộng như bể, học thuyết 
đủ mọi mặt, lý tưởng rất xâu xa, muốn học cho tới nơi, phải mất bao nhiêu công phu, thời 
giờ mới được. 
Nay, chúng tôi biên tập quyển sách nầy, không phải là muốn chuyên tâm nghiên cứu 
riêng một phái nào hay một nhà nào. Chúng tôi chỉ góp nhặt một đôi chút lý tưởng trong 
Cổ học gọi là để cho người đọc thiệp liệp qua được một ít tinh hoa của lối học cũ mà thôi. 
Nên chúng tôi mới lạm dụng bốn chữ "Cổ Học Tinh Hoa" làm nhan sách. 
Chúng tôi có ý chọn những bài ngắn mà nghĩa lý hàm súc dồi dào. Những bài ấy tuy là 
truyện từ đời xưa bên Tàu, nhưng ứng dụng vào đời nào và ở đâu cũng được. Vì truyện 
tuy cổ, nhưng cái chân lý thì bao giờ cũng là một, mà bao giờ cũng như mới. Nào hiếu đệ, 
nào trung tín, nào lễ nghĩa, nào liêm sĩ, đến cả những việc kỳ quái, sinh tử; bài nầy chính 
giọng huấn giáo, bài kia rõ thể ngụ ngôn, truyện nầy nghiêm trang khắc khổ, truyện kia 
khôi hài lý thú; đức Khổng nói "Nhân" hồn nhiên như hóa công; ông Mạnh bàn "Nghĩa" 
chơm chởm như núi đá, Tuân Tử nói "Lễ" thật là đường bệ, Mặc Tử nói "Ái" thật là rộng 
rãi, hình danh như Hàn phi tử thật là nghiêm nghị khiến người mất bụng làm xằng, ngôn 
luận như Án Tử thật là thâm thiết khiến người dễ đường tỉnh ngộ, đến nói đạo đức như 
Lão Tử, bàn khoáng đạt như Trang Tử thật lại biến hóa như rồng, phấp phới như mây... 
các lý thuyết mỗi nhà một khác, có khi phản đối hẳn nhau, nhưng thực khiến cho người 
đọc vừa được vui, vừa phải đem tâm suy nghĩ. 
Dịch những bài văn như thế, chúng tôi lấy làm rất khó. Chẳng những chữ Hán dịch ra chữ 
Nam, lắm câu không hết được nghĩa, nhiều bài, chính nguyên văn cũng mỗi nơi chép một 
khác không lấy gì làm xác định. Nên khi dịch, chúng tôi phải châm chước cân nhắc từng 
bài, bài thì địch thẳng nguyên văn, bài thì chỉ dịch lấy đại ý, hoặc có bài phải rút bớt, hay 
thêm ra, hay đúc lại, cốt cho nó xuông tiếng Nam mà không hại đến nghĩa bài thì thôi. 
Dịch Hán văn ra quốc văn, tất phải dùng nhiều chữ Hán. Song chữ nào bất đắc dĩ phải 
dùng, thì ở dưới chúng tôi đã có "giải nghĩa" rõ ràng. Nghĩa ấy thường chỉ là nghĩa riêng 
trong bài, chớ không phải hết mọi nghĩa của từng chữ. 
Những tên người, tên đất, muốn cho tinh tường, đáng lẽ phải có một cái biểu liệt đủ tên 
những tác giả cùng những người nói trong chuyện và một bức địa đồ Trung Hoa trải qua 
các thời đại. Nhưng việc ấy xin để nhường những nhà chuyên về Bắc sử sau nầy, đây 
chúng tôi chỉ chua qua để cho độc giả đủ biết cái đại cương mà thôi. 
Đọc một bài văn hay, mà tư tưởng đã thấm thía vào tâm não, thì tất không sao để yên 
ngòi bút mà không phê bình được. Đó cũng là một cái thông bệnh của những người hâm 
mộ văn chương hay có cái thú ngâm nga và đưa ngòi bút khuyên liền, khuyên kín vậy. 
Chúng tôi cũng không tránh khỏi cái bệnh ấy. Nên dưới mỗi bài chúng tôi cũng góp "Lời 
Bàn", cốt là để giải rõ các đại ý trong bài hoặc lạm bình một, đôi câu ứng với cái thời 
buổi bây giờ. 
Chúng tôi mạo muội biên dịch quyển sách nầy là quyển đầu, có ý bảo tồn tinh hoa của cổ 
học và mong các bạn thiếu niên ta nhớ đến nguồn gốc từ bao nghiêu nghìn năm về trước, 
rõ các điển tích thường dẫn trong văn chương nước nhà, thêm trước được ít tài liệu có khi 
làm văn phải dùng đến, rộng được ít tri thức tuy thuộc về Cổ học mà thật khác nào "như 
thóc gạo, như vải lụa", thường cần đến hàng ngày. Nếu quyển sách này, giúp được một 
phần trong muôn phần ấy, thì chúng tôi lấy làm hoan hỷ lắm vậy. 
 
Hà Nội, ngày 21 tháng 10 năm Ất Sửu (1925) 
Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc 
Từ An Trần Lê Nhân 
 
Không quên cái cũ 
 
 
Đức Khổng Tử ra chơi ngoài đồng, thấy một người đàn bà đứng khóc nỉ non ở chỗ bờ 
đầm. Đức Khổng Tử lấy làm lạ, bảo học trò hỏi vì cớ gì mà khóc. 
Người đàn bà nói: "Độ trước tôi cắt cỏ thi, tôi đánh mất cái trâm cài đầu bằng cỏ thi, cho 
nên tôi khóc." 
- Đức Khổng Tử hỏi: Đi cắt cỏ thi, mà mất cái trâm bằng cỏ, thì việc gì mà phải khóc? 
- Người đàn bà nói: Không phải vì tôi đánh mất cái trâm cỏ thi mà tôi khóc; tôi sở dĩ 
khóc, là tôi thương tiếc một vật cũ, dùng đã lâu, mà ngày nay không sao thấy được nữa. 
 
Lời Bàn: 
- Cái gì đã là của mình, mình có bụng yêu, mà lỡ khi mất, thì về sau dù có được cái khác 
giống như thế, hay hơn thế, mình cũng không thể sao yêu cho bằng. Thường, lại chỉ vì 
thấy cái mới mà hồi nhớ đến cái cũ, sinh ra chạnh lòng, nên câu ta thán, có khi ngậm ngùi 
thương khóc nỉ non. Tại sao vậy? Tại đối với mình, cái của mất không chỉ có giá của mà 
thôi, lại hình như còn có một phần tâm hồn mình hay tâm hồn người để lại cho mình ngụ 
ở trong nữa. Sự cảm động đầu tiên bao giờ cũng là sự cảm động hay nhất, bền nhất. Ôi! 
Cáo chết ba năm quay đầu về núi, con người ta, dù cho lông bông xiêu bạt đến thế nào, 
còn có chút tâm tình cũng không sao quên được gốc tích xứ sở mình. "Hồ mã tê bắc 
phong, Việt điểu sào nam chi". Con ngựa rợ Hồ (phía bắc nước Tàu) thấy gió bắc còn cất 
tiếng kêu, con chim đất Việt (phía nam nước Tàu) chọn cành nam mới chịu làm tổ, huống 
chi là người mà lại quên được nguồn gốc ư. 
Chú thích: 
Khổng Tử Tập Ngữ: sách chép những lời nói, những truyện về đức Khổng Tử. - Khổng 
Tử tên là Khưa, tên tự là Trọng Ni, người nước Lỗ, thời Xuân Thu nhà Chu, học về Lễ, 
Nhạc, Văn chương đời cỗ, đi nhiều nước chư hầu không được dụng bỏ về làm kinh Xuân 
Thu, san định các kinh Thi, Thư, Dịch, Lễ, Nhạc và dạy học trò được ba nghìn người, có 
bảy mươi hai người giỏi. Nước Tàu xưng làm Tổ đạo Nho. 
 
Lúc Đi Trắng, Lúc Về Đen 
 
Một hôm trời nắng Dương Bố đi chơi. Khi ở nhà ra, thì mặc áo trắng, đi được nửa đường, 
gặp trời mưa, quần áo ướt hết, mới vào ẩn mưa ở nhà bà con. Người ấy thấy Dương Bố 
ướt cả cho mượn cái áo thâm. 
Một lúc trời tạnh, Dương Bố mặc áo thâm về nhà. Con chó trông thấy, vừa cắn vừa xua 
đuổi. Dương Bố giận toan cầm gậy đánh. 
Anh là Dương Chu chạy ra bảo: 
"Đừng đánh nó làm gì! Nó đuổi như thế cũng phải. Giả sử con chó trắng nhà ta, lúc đi, thì 
trắng, lúc về thì đen, phỏng em có không lấy làm lạ mà không ngờ được không?" 
Lời Bàn: 
Lúc đi mặc áo trắng, lúc về mặc áo thâm, chính mình không biết mình thay đổi, con chó 
thấy khác thì xua đuổi. Mình đánh nó chẳng hóa ra lầm lắm ru! Lỗi tại mình thay đổi 
không tại con chó cắn xằng. Vậy nên ở đời khi mình làm điều gì khác thường, mà người 
ta không rõ, thì tất nhiên người ta bàn trái bàn phải. Nếu mình không tự xét mình thay đổi 
hay dở, chỉ biết trách người nghị luận nọ kia, thì chẳng khác nào như Dương Bố đánh chó 
trong truyện này. 
Liệt Tử: sách của Liệt Ngữ Khấu hay người truyền học thuyết của Liệt Ngữ Khấu soạn 
ra, có tám quyển, sau nhà Đường, nhà Tống đặt tên là Sung Hư Chân Kinh, hay Sung Hu 
chí đức chân kinh. 
 
Lợi Mê Lòng Người 
 
Nước Tống có kẻ mất cái áo thâm. Anh ta ra đường tìm. Thấy người đàn bà mặc áo thâm, 
níu lại đòi rằng: "Tôi vừa mất cái áo thâm, chị phải đền trả tôi cái nầy". Rồi cứ giữ chặt 
cái áo không buông ra nữa. Người đàn bà cãi: 
"Ông mất áo thâm, tôi biết đấy là đâu? Áo tôi mặc đây là áo của tôi, chính tay tôi may 
ra". Anh kia nói: "Chị cứ phải đền trả áo cho tôi. Cái áo thâm tôi mất dầy, cái áo thâm chị 
mặc mỏng. Lấy áo thâm mỏng của chị đền cho áo thâm dầy cho tôi, còn phải nói gì lôi 
thôi nữa! 
Lời Bàn: 
Mất áo trong nhà mà ra đường tìm, đã là chuyện bật cười. Mất áo đàn ông mà đòi áo đàn 
bà lại là chuyện bật cười. Mất áo thâm dầy bắt đền áo thâm mỏng mà cho là phải, lại là 
chuyện bật cười nữa. Ôi cái lợi nó làm cho lòng người mê muội, chỉ biết có mình không 
biết có ai, chỉ vụ lợi cho mình mà quên cả phải trái. Kẻ nào đã vụ lợi như thế, thì cái gì 
mà chẳng dám làm, cái gì mà chả dám nói! Than ôi! Cái đời kim tiền bây giờ biết bao 
nhiêu phường đòi áo như người nói trong chuyện này. 
 
Nước Tống: một nước chư hầu thời Xuân Thu sau phải nước Tề lấy mất, ở vào huyện 
Thượng Khưu tỉnh Hà Nam bây giờ. 
-------------- 
Áo thâm: áo sắc đen 
Lấy Của Ban Ngày 
 
Nước Tấn có kẻ hiếu lợi một hôm ra chợ gặp cái gì cũng lấy. Anh ta nói rằng: "Cái nầy 
tôi ăn được, cái nầy tôi mặc được, cái nầy tôi tiêu được, cái nầy tôi dùng được." Lấy rồi 
đem đi. Người ta theo đòi tiền. Anh ta nói: 
"Lửa tham nó bốc lên mờ cả hai con mắt. Bao nhiêu hàng hóa trong chợ tôi cứ tưởng của 
tôi cả, không còn trông thấy ai nữa. Thôi, các người cứ cho tôi, sau nầy tôi giàu có, tôi sẽ 
đem tiền trả lại". 
Người coi chợ thấy càn dỡ, đánh cho mấy roi, bắt của ai phải trả lại cho người ấy. Cả chợ 
cười ồ. Anh ta mắng: 
"Thế gian còn nhiều kẻ hiếu lợi hơn ta, thường dụng thiên phương, bách kế ngấm ngầm 
lấy của của người. Ta đây tuy thế, song lấy giữa ban ngày so với những kẻ ấy thì lại 
chẳng hơn ư? Các ngươi cười ta là các người chưa nghĩ kỹ!" 
Lời Bàn: 
Đã là kẻ thấy của tối mắt, tham vàng bỏ nghĩa, thì dù ít, dù nhiều cũng là đáng khinh cả, 
song đem những kẻ mặt to, tai lớn, vì ham mê phú quý mà lường thầy, phản bạn, hại 
ngầm đồng bào so với những quân cắp đường, cắp chợ giữa ban ngày để nuôi miệng thì 
tội đến nặng hơn biết bao nhiêu. Thế mà trách đời chỉ biết chê cười những quân trộm 
cướp vặt chớ không biết trừng trị những kẻ đại gian đại ác. 
----------- 
Long Môn Tử: tức là Tư Mã Thiên làm quan Thái Sư nhà Hán là một nhà sử ký có danh. 
Hiếu lợi: ham tiền của quên cả phải trái. 
Lửa tham: lòng tham muốn bốc lên làm ngốt người. 
Mờ cả hai con mắt: chỉ để cả vào của muốn lấy, ngoài ra không trông thấy gì nữa. 
Thế gian: cõi đời người ta ở. 
Thiên phương bách kế: mưu nầy, chước khác xoay đủ trăm nghìn cấp 
Ban ngày: lúc sáng sủa dễ trông thấy. 
 
 
 
Khổ Thân Làm Việc Nghĩa 
 
Mặc Tử ở nước Lỗ sang nước Tề, qua nhà người bạn cũ, vào chơi. Người bạn nói chuyện 
với Mặc Tử rằng: "Bây giờ thiên hạ ai còn thiết đến việc "nghĩa", một mình ông tự khổ 
thân để làm việc nghĩa, thì có thấm vào đâu! Chẳng thà thôi đi có hơn không? 
- Mặc Tử nói: "Bây giờ có người ở đây, nhà mười đứa con, một đứa cày, chín đứa ngồi 
ăn không, thì đứa cày chẳng nên càng chăm cày hơn lên ư? Tại sao thế? Tại đứa ăn không 
nhiều, đứa đi cày ít. Bây giờ thiên hạ chẳng ai chịu làm việc nghĩa, thì ông phải biết 
khuyên tôi càng làm lắm mới phải, có đâu lại ngăn tôi như thế!" 
Lời Bàn: 
Trong khi nhân tâm thế đạo suy đồi, mình là người còn đứng vững được, thì sao lại chịu 
suy đồi với thiên hạ cho cùng trôi một loạt. Vì nếu ai cũng như thế cả, thì còn đâu là 
người cảnh tỉnh được kẻ u mê để duy trì lấy nhân tâm thế đạo nữa? Cho nên những người 
thức thời, có chí, dù ở vào cái đời biến loạn đến đâu, cũng không chịu đắm đuối vào cái 
bất nghĩa, khác nào như: cây tòng, cây bách, mùa đông sương tuyết, mà vẫn xanh, như 
con gà trống, mưa gió tối tăm mà vẫn gáy. Những bậc ấy chẳng những thế mà thôi, lại 
còn đem bao nhiêu tinh lực tâm trí ra, cố gắng giữ lấy phong hóa mà dìu dắt, mà đưa 
đường cho những kẻ u mê đắm đuối. Như Mặc Tử đây, cho là đời là suy biến, coi sự làm 
việc "Nghĩa", sự cổ động việc nghĩa như cái chức vụ của mình phải làm, thực là người có 
công với loài người vậy. 
------------- 
Mặc Tử: tên sách của Mặc Địch soạn, chủ nghĩa là kiêm ái yêu người như yêu mình cũng 
gần giống chủ nghĩa của đạo Cơ Đốc và đạo Thích Ca. 
Tề: một nước chư hầu lớn, thời Xuân Thu Chiến Quốc, cũng ở vào địa phận tỉnh Sơn 
Đông bây giờ. 
Nghĩa: việc phải, việc hay mà người ta nên làm. 
Tự khổ thân: tự mình làm cho mình khóc nhọc vất vả. 
 
Cách Cư Xử Ở Đời 
 
Thầy Nhan Uyên, hỏi Đức Khổng Tử: "Hồi nầy muốn nghèo mà cũng được như giàu, hèn 
mà cũng được như sang, không phải khỏe mà có oai, chơi bời với người ta suốt đời 
không lo sợ gì, muốn như vậy, có nên không?" 
Đức Khổng Tử nói: 
"Người hỏi thể phải lắm. Nghèo, mà muốn cũng như giàu, thế là biết bằng lòng số phận 
không ham mê gì. Hèn, mà cũng muốn như sang, thế là biết nhún nhường và có lễ độ. 
Không khỏe, mà muốn có oai, thế là biết thận trọng, cung kính không lầm lỗi gì. Chơi bời 
với mọi người mà muốn suốt đời không lo sợ, thế là biết chọn lời rồi mới nói. 
Lời Bàn: 
Không cần công danh phú quí thế là biết giữ thiên tước hơn là nhân tước, không để ai 
khinh lờn được, thế là biết trọng phẩm giá mình, không muốn đeo cái lo vào mình, thế là 
biết giữ thân không phiền lụy đến ai. Ở đời mà giữ trọn vẹn được mấy điều như thế, 
tưởng thật là một cách vui thú rất cao thượng vậy. 
---------------- 
Khổng Tử Tập Ngữ: sách chép những lời nói, những truyện về đức Khổng Tử. - Khổng 
Tử tên là Khưa, tên tự là Trọng Ni, người nước Lỗ, thời Xuân Thu nhà Chu, học về Lễ, 
Nhạc, Văn chương đời cỗ, đi nhiều nước chư hầu không được dụng bỏ về làm kinh Xuân 
Thu, san định các kinh Thi, Thư, Dịch, Lễ, Nhạc và dạy học trò được ba nghìn người, có 
bảy mươi hai người giỏi. Nước Tàu xưng làm Tổ đạo Nho. 
Nhan Uyên: tên là Hồi, người nước Lỗ, thời Xuân Thu, học trò giỏi nhất của Đức Khổng 
Tử. 
Hồi: theo lễ xưa, hầu chuyện những bậc trên, như vua, cha, thầy học, thường hay xưng 
tên. 
Lễ độ: phép tắc mực thước. 
Thận trọng: cẩn thận, trọng hậu. 
 
Tu Thân 
 
Thấy người hay, thì phải cố mà bắt chước; thấy người dở thì phải tự xét xem có dở như 
thế không để mà sửa đổi. 
Chính mình có điều hay, thì phải cố mà giữ lấy; chính mình có điều dở, thì phải cố mà trừ 
đi. 
Người chê ta, mà chê phải, tức là thầy ta; người khen ta, mà khen phải, tức là bạn ta; còn 
người nịnh hót ta lại là người cừu địch hại ta vậy. 
Cho nên người quân tử trọng thầy, quí bạn và rất ghét cừu địch, thích điều phải mà không 
chán, nghe lời can mà biết răn... như thế dù muốn không hay cũng không được. 
Kẻ tiểu nhân thì không thế. Cực bậy, mà lại ghét người chê mình; rất dở, mà lại thích 
người khen mình; bụng dạ như hổ lang, ăn ở như cầm thú, mà thấy người ta không phục, 
lại không bằng lòng; thân với kẻ siểm nịnh, xa cách kẻ can ngăn, thấy người chính trực 
thì cười, thấy người trung tín thì chê... Như thế thì dù muốn không dở cũng không được. 
 
Lời Bàn: 
Cái đạo tu thân rút lại chỉ có biết theo điều hay, biết tránh điều dở. Mà muốn tới cái mục 
đích ấy, thì không những là tự mình phải xét mình lại còn phải xét cái cách người ở với 
mình nữa. Đối với người, cần phải biết hai điều: Ai khen chê phải, khuyên răn hay, thì 
phục, thì bắt chước; ai chiều lòng nịnh hót, thì tránh cho xa, coi như quân cừu địch. "Nên 
ưa người ta khuyên mình hơn người ta khen mình" có như thế, thì mới tu thân được. 
 
Tuân Tử: tên thật là Huống, tên tự là Khanh, người nước Triệu, sinh ra sau Mạnh Tử độ 
50 năm, thấy đời bấy giờ cứ loạn luôn mãi và phong hóa suy đồi, làm sách nói về lễ 
nghĩa, lễ nhạc, cốt ý để chỉnh đức và hành đạo. 
Quân tử: Người có tài đức hơn người. 
Tiểu nhân: Kẻ bất chính, gian ác, tự tư, tự lợi. 
Cầm thú: cầm: giống có hai chân và hai cánh; thú: giống có bốn chân, hai chữ chỉ loài 
chim và loài muông. 
Chính trực: ngay thẳng. 
Trung tín: hết lòng, thật bụng. 
 
Ôm Cây Đợi Thỏ 
 
Một người nước Tống đang cày ruộng. Giữa ruộng có một cây to. Có con thỏ đồng ở đâu 
chạy lại, đâm vào gốc cây, đập đầu chết. 
Người cày ruộng thấy thế, bỏ cày, vội chạy đi bắt thỏ. Đoạn, cứ ngồi khư khư ôm gốc 
cây, mong lại được thỏ nữa. Nhưng đợi mãi chẳng thấy thỏ đâu, lại mất một buổi cày. 
Thiên hạ thấy vậy, ai cũng chê cười. 
Lời Bàn: 
Thấy mùi, quen mui làm mãi. Ở đời những kẻ ngẫu nhiên gặp may, mà ước ao được gặp 
may luôn như thế nữa, không biết sự may là tình cờ mới có, thì có khác gì người nước 
Tống ôm cây đợi thỏ nầy. Anh ôm cây đợi thỏ này lại còn là người cố chấp bất thông, 
không hiểu thời thế, không thấu tình cảnh, khư khư đười ươi giữ ống, cũng một phường 
với những hạng chơi đàn gắn chặt phím, khắc mạn thuyền để nhớ chỗ gươm rơi. 
 
Hàn Phi Tử: Công tử nước Hàn, học trò Tuân Tử chuyên về bình danh pháp luật, nước 
Hàn không dùng, sang ở nước Tần, được đại dụng, nhưng sau bị kẻ gièm pha, rồi tự tử. 
Sách của Hàn Phi Tử có 50 thiên, đặt tên Hàn Tử. Nhà Tống sau thêm chữ Phi để khỏi 
lầm lẫn với Hàn Dũ. 
Đoạn: nghĩa đen là đứt, việc nầy đứt đến việc khác. 
 
Đánh Dấu Thuyền Tìm Gươm 
 
Có người nước Sở đi đò qua sông. Khi ngồi đò, vô ý, đánh rơi thanh gươm xuống sông. 
Anh ta vội vàng đánh dấu vào mạn thuyền, nói rằng: "Gươm ta rơi ở chỗ nầy đây". 
Lúc thuyền đỗ vào bến, anh ta cứ theo chỗ đánh dấu, lặn xuống nước tìm gươm. Thuyền 
đã đi đến bến, chớ gươm rơi đâu thì vẫn ở đấy, có theo thuyền mà đi đâu? Tìm gươm như 
thế, chẳng khờ dại lắm ư! 
Lời Bàn: 
Thanh gươm rơi xuống sông, thì ở ngay chỗ rơi. Nếu muốn tìm thấy gươm, tất phải lặn 
ngay xuống chỗ rơi mà tìm. Chớ sao lại đánh dấu vào thuyền, đợi đến lúc thuyền đỗ vào 
bến, mới lặn xuống bến tìm? Người tìm gươm nầy có khác nào như người đánh đàn sắt 
đem gắn cả ngựa lại, tưởng ngựa không di dịch được là các âm vận tự nhiên điều hòa 
được đúng! Than ôi! người cố chấp bất thông, chỉ câu nệ biết giữ chặt một cái đã nắm 
chặt trong tay, chớ không hiểu nghĩa chờ "thời" là gì? 
Lã Thị Xuân Thu: Sách của Lã Bất Vi làm. Lã Bất Vi người đời nhà Tần thời Chiến 
quốc, trước là lái buôn to, sau làm tướng, chính là cha đẻ của Tần Thủy Hoàng. Khi làm 
quyển Lã Thị Xuân Thu xong, Bất Vi đem treo ở cửa Hàm Dương, nói rằng "Ai bớt 
được, hay thêm được một chữ, thì thưởng cho ngàn vàng". 
Sở: một nước lớn thời Xuân Thu ở vào vùng Hồ Bắc, Hồ Nam bây giờ. 
Thanh gươm: tục xưa người ta đi đâu cũng hay đeo gươm để thủ thân mà lại giữ lễ nữa. 
 
Ba Con Rận Kiện Nhau 
 
Ban con rận hút máu một con lợn, tranh nhau ăn, đem nhau đi kiện. Một con rận khác 
gặp, hỏi: 
"Ba anh kiện nhau về việc gì thế? 
- Ba con rận đáp: Chúng tôi kiện nhau, vì tranh nhau một chỗ đất mầu mỡ. 
- Con rận kia nói: Tôi tưởng các anh chẳng nên tranh lẫn nhau thế làm gì. Các anh chỉ 
nên lo đến con dao của người đồ tể giết lợn, ngọn lửa của bó rơm thui lợn mà thôi." 
Ba con rận nghe ra, biết là dại, thôi không đi kiện nữa, cùng nhau quần tụ, làm ăn với 
nhau, dù no, dù đói, cũng không bỏ nhau. Con lợn thành mỗi ngày một gầy, người ta 
không làm thịt cứ để nuôi, ba con rận nhờ thế mà no đủ mãi. 
Lời Bàn: 
Nhân dân một xứ mà cứ tranh giành lẫn nhau cái lợi trước mắt, không nghĩ gì đến cái 
việc lâu dài cho cả toàn thể, thì trí khôn thật không bằng mấy con rận nói trong truyện 
nầy. 
Tranh nhau, cãi nhau, đánh nhau, kiện nhau, thì oan oan tương kết, lợi chẳng thấy đâu, 
chỉ thấy hại, hại cho một mình lại hại cho cả đàn, cả lũ nữa. Sao không biết: Sâu đục cây, 
cây đổ thì sâu cũng chẳng còn: trùng hại vật, vật chết thì trùng cũng hết kiếp. 
Quần tụ: quây quần ăn ở bao bọc lấy nhau. 
Đồ tể: người làm thịt các giống vật để bán. 
 
 
Đạo vợ chồng 
 
 
Tưởng mình sắp chết, thấy vợ trẻ trung, không muốn để cho ở vậy thế là quá yêu thương 
vợ, thể tất cho vợ lắm. Sợ chồng tiếc đẹp, chết đi không dứt, mà khoét mắt để tỏ ra thành 
tật cho yên lòng chồng, thế là chí tình và nhất tâm với chồng lắm. 
Lư phu nhân, vợ ông Phòng Huyền Linh là người tuyệt đẹp và có đức hạnh. 
 
Ông lúc tuổi trẻ hàn vi lắm. Một khi ốm nặng tưởng đã sắp chết, ông gọi Lưu thị đến bảo 
rằng: 
 
- Tôi bệnh nguy quá, nàng tuổi còn trẻ không nên ở vậy, liệu mà ăn ở cho tử tế với người 
chồng sau. 
 
Lư thị nghe nói, nức nở khóc. Đoạn vào trong màn khoét một mắt bỏ đi, có ý tỏ cho 
chồng biết rằng dù chồng bất hạnh có chết, cũng không lấy ai nữa. 
 
Không bao lâu, ông Huyền Linh khỏi bệnh. 
 
Sau ông thi đỗ, làm quan đến chức Tể tướng. Ông một niềm yêu mến, kính trọng Lư thị 
vô cùng, không hề lấy người tì thiếp nào nữa. 
 
Người ngoài cho thế là tại ông sợ Lư thị có tính hay ghen. 
 
Chính vua Đường Thái Tôn, muốn thử Lư phu nhân, một hôm cho hoàng hậu gọi vào 
bảo: 
 
- Theo phép thường, các quan to vẫn có tì thiếp. Quan nhà ta tuổi đã cao, vua muốn ban 
cho một người mỹ nhân. 
 
Lư thị nhất quyết không nghe. Vua nổi giận mắng rằng: 
 
- Nhà ngươi không ghen thì sống, mà ghen thì chết. 
 
Rồi sai người đưa cho một chén rượu, giả làm chén thuốc độc, phán rằng: 
 
- Đã vậy thì phải uống chén thuốc độc này. 
 
Lư thị không ngần ngại chút nào, cầm chén, uống hết ngay. 
 
Vua thấy thế, nói: 
 
- Ta cũng phải sợ, nữa là Huyền Linh. 
 
 
Lư Phu Nhân truyện 
 
 
Lời bàn: 
 
Tưởng mình sắp chết, thấy vợ trẻ trung, không muốn để cho ở vậy thế là quá yêu thương 
vợ, thể tất cho vợ lắm. Sợ chồng tiếc đẹp, chết đi không dứt, mà khoét mắt để tỏ ra thành 
tật cho yên lòng chồng, thế là chí tình và nhất tâm với chồng lắm. 
 
May khỏi bệnh, sau lại làm đến Tể tướng, ông chỉ biết có bà mắt khoét, không thiết gì 
đến tì thiếp xinh đẹp, thế là ông muốn giữ cho được trọn vẹn cái tình đối với bà. Còn bà 
không muốn để cho ông có tì thiếp, tuy gọi là thói ghen thường tình, nhưng cũng là vì 
chung tình với ông, không muốn cùng ai san sẻ mối tình nữa. Quý thay! Đôi vợ chồng 
này, chân tình và chí tình, suốt đời kính yêu nhau, vợ chỉ biết có chồng, chồng cũng chỉ 
biết có vợ, chồng một vợ một, không những thoát khỏi cái nạn “đa nhân duyên nhiều 
đường phiền não” mà còn gây được cái hạnh phúc lâu dài cho thân, cho gia đình, cho con 
cháu sau nữa. 
 
Mong làm điều phải 
 
 
Mong làm điều rất phải không bắt chước cách làm, rồi mà làm được, thế mới thật là khôn 
 
Nước Lỗ có người ở một mình một nhà. Bên láng giềng có người đàn bà góa cũng ở một 
mình một nhà. 
 
Một đêm, mưa to, gió lớn, nhà người đàn bà đổ, người đàn bà sang xin ngủ nhờ nhà 
người láng giếng. Người láng giềng đóng cửa, không cho vào. Người đàn bà đứng trước 
cửa sổ, nói rằng: 
 
- Ngươi sao bất nhân thế! Không cho ta vào ư? 
 
Người láng giềng đáp: 
 
- Ta nghe đàn ông, đàn bà sáu mươi tuổi trở lên mới ở chung được. Nay ngươi còn trẻ, 
mà ta cũng còn trẻ, cho nên ta không cho ngươi vào ngủ nhờ được. 
 
Người đàn bà nói: 
 
- Ngươi sao không làm như ông Liễu Hạ Huệ ủ người con gái ngồi vào lòng mà không tai 
tiếng gì? 
 
- Ông Liễu Hạ Huệ thì thế được, ta đây thật chưa thế được. Ví ta cho ngươi vào mà ta 
không được như ông Liễu Hạ Huệ thì thà rằng, ta không cho ngươi vào, mà ta cũng giữ 
không tai tiếng gì được như ông Liễu Hạ Huệ. Thế chẳng là ta không làm theo như Liễu 
Hạ Huệ mà cũng được như Liễu Hạ Huệ ư? 
 
Khổng Tử nghe chuyện, nói: 
 
- Phải lắm! Kẻ muốn học ông Liễu Hạ Huệ chưa ai giống được như người nước Lỗ này: 
Mong làm điều rất phải không bắt chước cách làm, rồi mà làm được, thế mới thật là 
khôn”. 
 
 
 
 
 
Lã Thị Xuân Thu 
 
Lời bàn: 
 
Cái tình cảnh éo le khó xử thật!. Đêm khuya trời mưa gió, một người đàn ông trẻ tuổi có 
nên tiếp một người đàn bà trẻ tuổi vào nhà không? Không tiếp thì là bất nhân, vì không 
chịu cứu giúp một kẻ yếu đuối đang gặp lúc mưa gió khổ thân. Tiếp, thì là bất nghĩa và 
không khỏi cái tiếng trai gái có tình ý, mang cái tội tà dâm bất chính. Một đằng bất nhân, 
một đằng bất nghĩa, chọn đàng nào vì cái tình cảnh không sao giữ trọn vẹn được cả đôi 
đàng? Dễ chỉ có làm như ông Vân Trường đốt đuốc cầm suốt đêm chỗ trước cửa cho hai 
chị dâu ngủ, họa mới rõ là người nghĩa sĩ mà thôi. Như người nước Lỗ đây đành là bất 
nhân, cố giữ lấy cái “nghĩa” là theo lý tưởng rất nghiêm bên Á Đông ta là: “Nam nữ hữu 
biệt”. 
 
 
Yêu nên tốt, ghét nên xấu 
 
 
Cái thói thường: yêu thì nên tốt, ghét thì nên xấu, khen chanh thì chanh ngọt, chê hồng thì 
hồng chua. Trong bụng đã thế, thì cư xử chắc cũng theo như thế, lúc yêu hậu bao nhiêu, 
thì đến lúc ghét lại bạc bấy nhiêu.Yêu nhau cau bảy bổ ba, ghét nhau cau bảy bổ ra làm 
mười. 
 
Trước, vua nước Vệ rất yêu Di Tử Hà(1). Phép nước Vệ ai đi trộm xe của vua, thì phải tội 
chặt chân(2). Mẹ Di Tử Hà ốm nặng. Đêm khuya có người đến gọi, Di Tử Hà vội vàng 
lấy xe vua ra đi. Vua

File đính kèm:

  • pdfco hoc tinh hoa.pdf
Đề thi liên quan