Đáp án thi thử đại học lần 2 năm học 2008 - 2009 Môn: ngữ văn. Khối C, D

doc4 trang | Chia sẻ: dethi | Lượt xem: 2446 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đáp án thi thử đại học lần 2 năm học 2008 - 2009 Môn: ngữ văn. Khối C, D, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
SỞ GD&ĐT BẮC GIANG
Trường THPT Lạng Giang số 2
ĐÁP ÁN THI THỬ ĐẠI HỌC LẦN 2 NĂM HỌC 2008 - 2009
Môn: Ngữ văn. Khối C, D

I.PHẦN CHUNG CHO TẤT CẢ CÁC THÍ SINH (5.0 điểm)
Câu I (2.0 điểm): Giá trị lịch sử và giá trị văn học của bản “Tuyên ngôn Độc lập”
1.Giá trị lịch sử (1.0 điểm)
	Ngày 2/9/1945, thay mặt Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản “Tuyên ngôn Độc lập” trước hàng chục vạn đồng bào ở quảng trường Ba Đình, Hà Nội.
- “Tuyên ngôn Độc lập” là một văn kiện có ý nghĩa lịch sử lớn lao, trọng đại, đúc kết nguyện vọng sâu xa của Dân tộc Việt Nam về quyền độc lập, tự do; đồng thời cũng là kết quả tất yêú của quá trình đấu tranh cách mạng gần 100 năm của dân tộc để giành và được hưởng quyền thiêng liêng đó.
	- Bản tuyên ngôn đã tuyên bố chấm dứt chế độ thực dân tồn tại suốt 80 năm qua và chế độ phong kiến tồn tại hàng nghìn năm ở Việt Nam, mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc: kỷ nguyên độc lập, tự do, dân chủ, kỷ nguyên dân ta làm chủ đất nước.
2. Giá trị văn học (1.0 điểm)
	- Về mặt nội dung: “Tuyên ngôn Độc lập” là một áng văn yêu nước lớn của thời đại. Tác phẩm khẳng định mạnh mẽ quyền độc lập của dân tộc, gắn độc lập dân tộc với quyền sống thiêng liêng của con người. Đồng thời tác phẩm kế thừa và phát huy xuất sắc, nêu cao truyền thống yêu nước và truyền thống nhân đạo tốt đẹp tự ngàn đời của dân tộc Việt Nam.
	- Về mặt nghệ thuật: “Tuyên ngôn Độc lập” là một áng văn chính luận mẫu mực: dung lượng ngắn, cô đọng, gây ấn tượng sâu sắc. Kết cấu mạch lạc, chặt chẽ, chứng cứ cụ thể xác thực; lập luận sắc bén; lời lẽ vừa đanh thép, vừa thiết tha, giàu sức thuyết phục. Ngôn ngữ chính xác, gợi cảm, giàu hình ảnh, tác động mạnh mẽ đến tình cảm và nhận thức của người đọc, người nghe.
Câu II (3.0 điểm): 
II.1. Yêu cầu chung: Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau song cần đảm bảo những yêu cầu sau:
Về kỹ năng: 
Biết kết hợp các thao tác lập luận để làm một bài văn nghị luận xã hội.
Bố cục chặt chẽ, ý kiến rõ ràng, thuyết phục.
Diễn đạt lưu loát, văn giàu hình ảnh, có cảm xúc.
Không mắc lỗi diễn đạt.
Về kiến thức 
a/ Hiểu được ý kiến của A. Lincoln: Lincoln đề nghị nhà trường dạy cho con mình, cũng là dạy cho học sinh nói chung: 
- Biết thu nhận những kiến thức phong phú từ sách vở.
- Đặc biệt, còn phải có một tâm hồn nhạy cảm, biết rung động, biết tự mình khám phá ý nghĩa của cuộc sống và vẻ đẹp của thế giới tự nhiên.
b/ Nêu suy nghĩ của bản thân: Quan niệm giá dục của A. Lincoln đến nay vẫn còn nguyên giá trị:
- Không phủ nhận vai trò quan trọng của kiến thức sách vở vì ở đó có cả một “thế giới kỳ diệu”.
	- Nhưng kiến thức từ thực tế cuộc sống cũng quan trọng không kém.
	- Vai trò của việc tự học, tự chiêm nghiệm, “lặng lẽ suy tư”… là rất lớn.
	3. Rút ra bài học
	- Phải học trong sách vở và học từ cuộc sống.
	- Phải làm cho tâm hồn mình phong phú, biết yêu cuộc sống, nhận ra vẻ đẹp từ những gì bình dị nhất của vạn vật xung quanh mình.
II.2. Biểu điểm:
- Điểm 3: Đáp ứng tốt các yêu cầu trên, khuyến khích những bài văn viết có sáng tạo, có chủ kiến và kiến giải riêng.
	- Điểm 2: Đáp ứng phần lớn các yêu cầu trên, mắc một vài lỗi diễn đạt, hành văn không đáng kể.
	- Điểm 1: Đáp ứng khoảng một nửa yêu cầu, bài viết lan man, mắc nhiều lỗi diễn đạt.
	- Điểm 0: Để giấy trắng, viết hoàn toàn lạc đề.
II. PHẦN RIÊNG (5.0 điểm)
Câu III.a. Theo chương trình chuẩn: Giá trị nhân đạo sâu sắc, mới mẻ trong truyện ngắn “Vợ nhặt” của Kim Lân
1. Giới thiệu tác giả và tác phẩm (0.5 điểm)
- “Vợ nhặt” là một trong những truyện ngắn hay nhất của Kim Lân và của văn học sau 1945. Truyện được in trong tập “Con chó xấu xí” (1962).
- Tác phẩm có giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo sâu sắc. Thông qua tình huống “nhặt vợ” ngồ ngộ mà đầy bi thương, tác giả đã cho người đọc thấy được bao điều về cuộc sống tối tăm của những người lao động tron nạn đói 1945 cũng như khát vọng sống mãnh liệt và ý thức sâu sắc về nhân phẩm của họ.
2. Giải thích khái niệm giá trị nhân đạo (0.5 điểm)
Giá trị nhân đạo là một giá trị cơ bản của tác phẩm văn học chân chính. Giá trị ấy được tạo nên bởi niềm cảm thông sâu sắc đối với nỗi đau của con người, sự nâng niu, trân trọng những nét đẹp trong tâm hồn con người và lòng tin vào khả năng vươn dậy của họ.
3. Phân tích giá trị nhân đạo sâu sắc, mới mẻ của truyện ngắn “Vợ nhặt” qua các biểu hiện:
a/ Tác phẩm bộc lộ niềm xót xa, thương cảm đối với cuộc sống của người nông dân nghèo trong nạn đói, qua đó tố cáo tội ác tày trời của bọn thực dân, phát xít và phong kiến tay sai đối với nhân dân ta (Phân tích các chi tiết miêu tả xóm ngụ cư trong nạn đói) (0.5 điểm)
b/ Tác phẩm đi sâu khám phá, trân trọng và nâng niu khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc của con người (1.5 điểm). Cần làm rõ:
- Khát vọng hạnh phúc cháy bỏng của Tràng: cái tặc lưỡi “Chậc, kệ!”, việc Tràng “hoang phí” mua hai hào dầu, sự thay đổi kỳ diệu của Tràng khi có được tình yêu, hạnh phúc: từ một chàng trai xấu xí, đần đù, Tràng trở thành con người tế nhị, biết lễ phép, có trách nhiệm với gia đình, với vợ con. 	
- Ý thức bám lấy sự sống mạnh mẽ, khẩn thiết của người vợ nhặt (chấp nhận theo Tràng, một người đàn ông xa lạ, bỏ qua mọi lễ nghi và lòng tự trọng để được sống).
- Ý thức hướng về sự sống, vun đắp cho tương lai với một niềm tin mãnh liệt, niềm lạc quan tha thiết (cảnh dọn dẹp nhà cửa, tâm trạng lạc quan của bà cụ Tứ trong bữa cơm đón nàng dâu mới…)
	c/ Lòng tin tưởng sâu sắc vào phẩm giá, lòng nhân hậu và tình người của con người (1.5 điểm)
- Cái đẹp tiềm ẩn của Tràng: Sự thông cảm, lòng thương người, tính cách hào phóng, chu đáo (đãi thi bốn bát bánh đúc, mua cho một cái thúng con, mua hai hào dầu cho đêm tân hôn…); tình nghĩa và thái độ có trách nhiệm với gia đình ( phân tích sự biến đổi trong tâm trạng của Tràng ở buổi sáng hôm sau).
	- Sự biến đổi tốt đẹp của người vợ nhặt sau khi theo Tràng về nhà: Vẻ cong cớn, chao chát, chỏng lỏn biến mất; thay vào đó là sự hiền hậu, đảm đang trong việc làm, đúng mực trong cách cư xử.
	- Tấm lòng yêu thương, nhân hậu của bà cụ Tứ: Thương con trai và cảm thông với tình cảnh của con dâu, trăn trở về bổn phận của người làm mẹ, tạo ra không khí vui vẻ, đầm ấm trong bữa cơm…
	d/ Tác phẩm hướng nhân vật đến một con đường để thay đổi cuộc đời, thay đổi số phận với một tương lai tốt đẹp, tươi sáng: Hình ảnh lá cờ đỏ bay phấp phới và đoàn người đi cướp kho thóc Nhật chia cho người đói ở cuối tác phẩm báo trước rồi những con người này sẽ đến với cách mạng như một tất yếu (0.5 điểm)
Đánh giá chung về giá trị nhân đạo của tác phẩm
Điểm dáng chú ý nhất về giá trị nhân đạo của tác phẩm này là niềm tin tưởng sâu sắc vào con người lao động, vào bản năng sống, khát vọng mạnh mẽ của họ. Tình cảm nhân đạo ở đây rõ ràng có nét mới mẻ so với tình cảm nhân đạo được thể hiện trong nhiều tác phẩm của văn học hiện thực trước Cách mạng. 
Câu III.b. Theo chương trình nâng cao:
	Phân tích bài thơ “Tràng giang” của Huy Cận để làm sáng tỏ nhận định: “Tràng giang” đã nối tiếp mạch thi cảm truyền thống với sự cách tân đích thực.
1. Giới thiệu chung về tác giả và tác phẩm (0.5 điểm)
- Huy Cận là một nhà thơ xuất sắc, tiêu biểu trong phong trào Thơ mới 1932 – 1945.
- “Tràng giang” (sáng tác 1939, in trong tập “Lửa thiêng”) là bài thơ nổi tiếng và tiêu biểu nhất của Huy Cận trước Cách mạng tháng Tám. “Tràng giang” đã tiếp nối mạch thi cảm truyền thống với sự cách tân đích thực.
2. Giải thích nhận định (0.5 điểm)
- Mạch thi cảm truyền thống: cảm hứng sáng tác của văn học truyền thống thường thiên về nỗi buồn: Nỗi buồn về thế thái nhân tình; buồn về cái nhỏ bé hữu hạn của đời người trước cái vô hạn, vô biên của đất trời – “nỗi sầu vũ trụ”; buồn về quê hương đất nước, về thân phận người lữ khách xa quê, cái buồn biệt ly, xa cách…
	- Sự cách tân đích thực: Đó là sự đổi mới trong thi ca hiện đại ở cách nhìn, cách cảm, quan niệm thẩm mỹ và những phương thức biểu đạt rất mới.
	3. Phân tích bài thơ “Tràng giang” để làm nổi bật nhận định:
	a/ Sự tiếp nối mạch thi cảm truyền thống trong bài thơ “Tràng giang” (1.5 điểm)
- Cảm hứng sáng tạo trong thơ Huy Cận thiên về thẩm mỹ không gian nên dù đưa trái tim đi vào nỗi buồn hay hát lên khúc ru tình yêu nhà thơ cũng lấy không gian làm nền nhạc đệm. Và ý vị cổ điển ấy thể hiện trong “Tràng giang” là hình ảnh con người một mình đối diện với vũ trụ để cảm nhận cái vô cùng, vô tận của đất trời và cái cô đơn, nhỏ bé của kiếp người:
“Nắng xuống, trời lên, sâu chót vót
Sông dài, trời rộng, bến cô liêu”
- Cảm hứng trong thơ Huy Cận còn là cảm hứng buồn bã. Sắc thái cảm hứng ấy được đặc biệt biểu hiện rõ rệt trong bài thơ “Tràng giang”:
“Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp
…
Củi một cành khô lạc mấy dòng”
	Phải chăng đó là khúc ca trữ tình của “Một chiếc linh hồn nhỏ mang mang thiên cổ sầu”. Chính nỗi buồn, nỗi sầu ấy đã chi phối cách nhìn cảnh vật thiên nhiên trong “Tràng giang”:
+ Màu sắc nhạt nhoà (“Lặng bờ xanh tiếp bãi vàng”) lẽ làm ta liên tưởng đến câu thơ của Nguyễn Khuyến: “Mấy chùm trước dậu hoa năm ngoái”(Thu vịnh).
+ Âm thanh thì xa vời chơi vơi (“Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều”). Nghệ thuật lấy động tả tĩnh được sử dụng rất thành công càng tạo cảm giác về âm thanh hư ảo, như có như không, giống như Nguyễn Khuyến đã viết: “Một tiếng trên không ngỗng nước nào” (Thu vịnh).
+ Có chuyển động đấy nhưng lặng lẽ, mơ màng, nhẹ nhàng quá khiến người đọc có cảm giác cả không gian chìm trong sự tĩnh mịch, lặng tờ: Sóng gợn, con thuyền xuôi mái, bèo dạt, chim nghiêng cánh nhỏ, bóng chiều sa…
- Song, hơn hết thơ Huy Cận vẫn là dòng chảy nối tiếp mạch nguồn tình cảm với quê hương đất nước:
“Lòng quê dợn dợn vời con nước
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà”
Huy Cận đã muợn tứ thơ hay bậc nhất thời Đường để nói lên nỗi lòng của người lữ khách tha hương (“Nhật mộ hương quan hà xứ thị/ Yên ba giang thượng sử nhân sầu” – Thôi Hiệu) và cũng sử dụng môtíp quen thuộc trong thơ cổ: nhìn hoàng hôn nhớ nhà (“Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi/ Dặm liễu sương sa khách bước dồn” – Bà Huyện Thanh Quan).
	 Những tín hiệu thẩm mỹ trên chứng tỏ nhà thơ mới Huy Cận đã tiếp nối sâu sắc “mạch thi cảm truyền thống”.
	b/ Sự cách tân đích thực của Huy Cận trong bài thơ (2.0 điểm)
- Huy Cận đến với không gian truyền thống nhưng lại mở rộng không gian ấy ra ba chiều tít tắp, vô tận đến mênh mông (dài, rộng, cao):
“Nắng xuống, trời lên, sâu chót vót
Sông dài, trời rộng, bến cô liêu”
Đó là không gian ta thường thấy trong những bức hoạ Phục hưng phương Tây hay trong những bài thơ lãng mạn Pháp.
- “Tràng giang” còn là sự cách tân trong cách thể hiện cảm xúc. Khi đến với nỗi cô đơn bé nhỏ của con người, Huy Cận đưa nỗi buồn từ xa về gần, là cõi con người bằng hình ảnh cụ thể, dung dị, sáng tạo: “Củi một cành khô”, “bèo dạt hàng nối hàng”, “bến cô liêu”… Đó là nỗi niềm, là tâm sự của cả một thế hệ trước thời đại.
- Sự cách tân còn thể hiện ở việc sáng tạo, đưa vào những cảm xúc mới khi muợn tứ thơ của Thôi Hiệu:
 Xưa Thôi Hiệu nhìn khói, nhìn sóng trên sông mà chạnh nỗi nhớ nhà; nhưng đến Huy Cận nỗi nhớ ấy được dâng lên cao độ hơn, cùng cách diễn đạt cũng tân kỳ, sáng tạo hơn: “Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà”.
- Thể thơ bảy chữ với nhạc điệu phong phú, từ ngữ hàm súc, tinh tế đã đem lại cho “Tràng giang” một sự hài hoà giữa ý và tình, gữa cổ kính và hiện đại.
4. Nêu những suy nghĩ và cảm nhận của bản thân về giá trị và sự đóng góp tích cực của Huy Cận trong phong trào Thơ mới nói riêng và cho thơ ca Việt Nam nói chung qua bài thơ “Tràng giang” (0.5 điểm).
Lưu ý: 
Thí sinh có thể sắp xếp bài làm theo cách khác, nhưng phải đảm bảo kiến thức và thể hiện được năng lực cảm thụ, phân tích tác phẩm văn chương.
Có thể cho điểm khuyến khích với những bài làm sáng tạo, có những cảm nhận và kiến giải mới mẻ, độc đáo, tinh tế.

File đính kèm:

  • docdap an thi thu dai hoc.doc