Đề 2 và gợi ý tham khảo cách làm đề 2 - Môn ngữ văn

doc4 trang | Chia sẻ: haohao | Lượt xem: 1313 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đề 2 và gợi ý tham khảo cách làm đề 2 - Môn ngữ văn, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
ĐỀ 2 VÀ GỢI Ý THAM KHẢO CÁCH LÀM ĐỀ 2 - MÔN NGỮ VĂN 
Câu 1 (2 điểm): Nêu ngắn gọn quá trình sáng tác và các đề tài chính của nhà văn Nguyễn Tuân. 
Câu 2 (3 điểm): Anh/chị hiểu như thế nào về tâm sự của Nguyễn Khoa Điềm trong đoạn thơ sau:
  Em ơi em Đất Nước là máu xương của mình  Phải biết gắn bó và san sẻ  Phải biết hóa thân cho dáng hình xứ xở  Làm nên Đất Nước muôn đời ... (Đất Nước - trích Mặt đường khát vọng, theo Văn học 12, tập một, tr.249, NXB Giáo dục - 2006)
Câu 3 (5 điểm): Phân tích diễn biến tâm trạng nhân vật bà cụ Tứ trong tác phẩm Vợ nhặt của Kim Lân. 
BÀI GIẢI GỢI Ý 
Câu 1: Quá trình sáng tác và các đề tài chính của nhà văn Nguyễn Tuân:
a) Trước Cách Mạng tháng Tám:
- Là cây bút tiêu biểu cho làng văn xuôi lãng mạn thời kỳ phát triển cuối cùng.
- Tác phẩm tiêu biểu: Vang bóng một thời (1940); Tùy bút I (1941); Chiếc lư đồng mắt cua (1941), Một chuyến đi (1941); Tóc chị Hoài (1943); Tùy bút II (1943)… Ông viết về những điều tâm huyết, về những nét đẹp trong truyền thống văn hóa của dân tộc mà nay còn vang bóng, bên cạnh đó là những cảnh đẹp trên quê hương qua quá trình di chuyển, xê dịch đầy lãng mạn tài hoa của ông.
Trước cách mạng, nhiều lần ông tuyên bố bênh vực quan điểm nghệ thuật vị nghệ thuật, nhưng trong những tác phẩm tiêu biểu nhất của mình, ông luôn thể hiện niềm tự hào dân tộc sâu sắc, sự tôn trọng, khâm phuc những giá trị văn hoá cổ truyền của quê hương.
b) Sau Cách Mạng tháng Tám:
- Nguyễn Tuân đã sống những ngày đổi đời của dân tộc nên cũng như nhiều nhà văn khác, ông đã quyết tâm “lột xác” hòa mình vào cuộc sống rộng lớn của nhân dân.
- Năm 1946, chuyến đi đầu tiên của ông trong cuộc đời mới là tham gia đoàn sáng tác văn nghệ đi vào mặt trận Nam Trung bộ đánh Pháp.
- Năm 1948 lên đường ra Việt Bắc dự Đại hội văn hóa và Hội nghị văn nghệ toàn quốc. Ông được bầu làm Tổng thư ký đầu tiên của Hội Văn nghệ Việt Nam.
- Trong kháng chiến chống Pháp, ông đã dự nhiều chiến dịch với bộ đội ở Tây Bắc, Đông Bắc, vào vùng sâu địch hậu Bắc Ninh để viết về du kích chống càn.
- Tác phẩm tiêu biểu: Đường vui (1949), Tình chiến dịch (1950); Tùy bút kháng chiến (1955)…
- Trong kháng chiến chống Mỹ, ông đã đặt chân đến nhiều nơi tuyến lửa: Vĩnh Linh, cầu Hiền Lương, Quảng Bình… ngược sông Đà hiểm trở và ngang dọc khắp các miền Than Uyên, Quỳnh Nhai, Sơn La… để liên tiếp cho ra đời những bài tùy bút, bút ký nóng hổi tính thời sự và mang dấu ấn nghệ thuật độc đáo. 
- Tác phẩm chính: Sông Đà (1960); Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi (1972); Ký (1976)…
Như vậy, đề tài của ông hướng về nhân dân, về kháng chiến, về cuộc sống mới và con người mới.
Câu 2: Đoạn thơ Đất Nước được trích trong trường ca Mặt đường khát vọng của Nguyễn Khoa Điềm, được sáng tác vào mùa đông năm 1971, nhà thơ bộc lộ tấm lòng yêu quê hương đất nước và ca ngơi truyền thống văn hóa lâu đời của dân tộc mình. Với đoạn thơ sau:
Em ơi em  Đất nước là máu xương của mìnhPhải biết gắn bó và san sẻPhải biết hoá thân cho dáng hình xứ sởLàm nên đất nước muôn đời…
Nhà thơ đã bộc lộ tâm sự của mình về vai trò, trách nhiệm của tuổi trẻ trong cuộc chiến đấu chống xâm lược và sự tự ý thức sâu sắc về Đất nước, về nhân dân qua những trải nghiệm của chính mình.
Đất nước có trong mỗi cá nhân, đất nước kết tinh trong mỗi con người. Bởi vì mỗi cá nhân không chỉ là riêng mình mà còn là của đất nước. Mỗi cuộc đời đều thừa hưởng được những giá trị vật chất và tinh thần của dân tộc. Cho nên tác giả nhắn nhủ chúng ta phải có trách nhiệm với đất nước. Lời nhắn nhủ ấy là với “em” nên nó có tính chất tâm sự riêng tư. Và đó là cả tấm lòng và ân tình của nhà thơ, là sự gắn bó sâu nặng với nhân dân đất nước trong quá trình chiến đấu gian khổ.
Đất nước không ở đâu xa mà kết tinh, hóa thân trong mỗi người. Sự sống mỗi cá nhân chỉ tồn tại và có ý nghĩa khi biết gắn bó và san sẻ cùng nhân dân và đất nước. Mỗi cá nhân phải có trách nhiệm gìn giữ, phát triển nó, truyền lại cho các thế hệ tiếp theo. Mỗi người phải biết hóa thân cho sự tồn tại về hình thức (dáng hình) và nội dung, truyền thống tình yêu và sự bất tử muôn đời.
Đoạn thơ như một lời nhắn nhủ với thế hệ trẻ về trách nhiệm với đất nước, tuy là đoạn thơ chính luận nhưng người đọc không cảm thấy là những lời “giáo huấn” mà chỉ như một lời tự nhủ, tự dặn mình, chân thành, tha thiết…
Câu 3: Vợ nhặt là truyện ngắn đặc sắc của Kim Lân, đã xây dựng hình tượng người mẹ với diễn biến tâm trạng thật là sinh động. Kim Lân đã bộc lộ quan điểm nhân đạo sâu sắc của mình. Ấy là khi nhà văn phát hiện ra vẻ đẹp kì diệu của người lao động trong sự túng đói quay quắt, trong bất kì hoàn cảnh khốn khổ nào, con người vẫn vượt lên cái chết, hướng về cuộc sống gia đình, vẫn yêu thương nhau và hi vọng vào ngày mai. 
Bà cụ Tứ vốn là một nông dân từng trải, trung hậu. Cụ hiểu rõ hoàn cảnh của gia đình mình; Con trai mình trong những ngày tháng bị cái đói hành hạ ghê ghớm.
Khi trông thấy người đàn bà ở trong nhà với con mình, bà cụ Tứ vô cùng ngạc nhiên “Quái, sao lại có người đàn bà nào ở trong nhà nhỉ? (…) Sao lại chào mình bằng u (…) Ai thế nhỉ? (…) Ô hay, thế là thế nào nhỉ?”. Đến lúc biết được người đàn bà kia chính là vợ của con trai mình, tâm trạng của bà cụ diễn biến khá phức tạp, phong phú.
Trước hết, nghĩ đến cảnh túng thiếu, đói khát của gia đình mình cụ Tứ thấy tủi thân, tủi phận. Cụ ý thức rất rõ lấy vợ cho con trai lẽ ra phải thế này, thế nọ; nhưng cái khó bó cái khôn nên chỉ còn cách nghĩ ngợi tủi thân, tủi phận. Rồi cụ thương con đẻ, thương đến cả con dâu. Cụ biết duyên cớ vì đâu người ta phải theo con mình (“Bà lão nhìn người đàn bà lòng đầy thương xót”, và cụ nói với vợ chồng Tràng “Chúng mày lấy nhau lúc này, u thương quá”).
Việc Tràng “nhặt” được vợ vừa là nỗi buồn rầu lo lắng, vừa là niềm vui mừng của bà lão tội nghiệp này. Mừng vì người con thô lậu, quê kệch đã có vợ. Lo vì đúng lúc đói khát, chết chóc này, liệu lấy gì mà nuôi nhau. Tuy vậy, dẫu sao niềm vui vẫn nhiều hơn. Bà lão “tươi tỉnh khác hẳn ngày thường, cái mặt bủng beo u ám của bà rạng rỡ hẳn lên. Bà lão xăn xắn thu dọn quét tước nhà cửa”. Đến bữa ăn, bà cụ Tứ nói toàn chuyện vui, chuyện sung sướng về sau này. Cụ cố giấu cái lo, động viên các con “nhà ta thì còn nghèo con ạ. Vợ chồng chúng mày liệu mà bảo nhau làm ăn. Rồi ra may mà ông trời cho khá… Biết thế nào hở con, ai giàu ba họ,  ai khó ba đời? Có ra thì con cái chúng mày về sau”. 
Nhưng “nghĩ ngợi mãi”, “bà cụ nghẹn lời không nói được nữa, nước mắt chảy xuống ròng ròng”. Bởi bà cụ nghĩ đến ông lão, nghĩ đến đứa con gái út, nghĩ đến cuộc đời khổ cực của mình, nghĩ đến tương lai của con trai và con dâu… và chẳng thể thoát ra khỏi không khí chết chóc đang bủa vây xung quanh.
Qua diễn biến tâm trạng của bà cụ Tứ, chúng ta có thể nhận thấy biệt tài phát hiện và miêu tả tâm lí một cách chân thật và sắc sảo của Kim Lân. Điều này có tác dụng to lớn, khắc hoạ rõ nét chủ đề của tác phẩm: cho dù phải sống trong một tình thế hết sức bi đát, bà cụ Tứ nói riêng và những người lao động nói chung vẫn hướng tới tương lai, vẫn khao khát một mái ấm gia đình. 
TS TRẦN NGỌC KHÁNH(Trung tâm Bồi dưỡng văn hóa và luyện thi đại học Vĩnh Viễn)

File đính kèm:

  • docGiai De Thi Mon Van - De 2.doc