Đề 7 thi chọn học sinh giỏi môn ngữ văn 9

doc4 trang | Chia sẻ: haohao | Lượt xem: 1809 | Lượt tải: 2download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đề 7 thi chọn học sinh giỏi môn ngữ văn 9, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
UBND HUYỆN THUỶ NGUYÊN
PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
----------------

ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI 


MÔN: NGỮ VĂN 9
Thời gian: 120 phút (Không kể thời gian giao đề)

Câu 1 ( 2 điểm)
Ngòi bút tinh diệu của bậc thầy Nguyễn Du được thể hiện như thế nào ở hai câu thơ sau : 
 “ Cỏ non xanh tận chân trời 
 Cành lê trắng điểm một vài bông hoa ” 
Câu 2 (3 điểm)
 Nói về lòng ghen tỵ có người cho rằng: “giữa lòng ghen tỵ và sự thi đua có một khoảng xa cách như giữa xấu xa và đức hạnh ” còn Et-môn- đô- đơ khuyên : “Đừng để con rắn ghen tỵ luồn vào trong tim. Đó là con rắn độc làm gặm mòn khối óc và đồi bại con tim”.Hãy phát biểu những suy nghĩ của em về vấn đề nêu trên bằng một bài văn ngắn không quá một trang giấy thi. 
Câu 3 (5 điểm)
“Tác phẩm nghệ thuật nào cũng xây dựng bằng những vật liệu mượn ở thực tại. Nhưng nghệ sĩ không ghi lại cái đã có rồi mà còn muốn nói một điều gì mới mẻ.”
 (Tiếng nói của văn nghệ –Nguyễn Đình Thi )
Em hiểu nhận định trên như thế nào ? Hãy phân tích Bài thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật để làm rõ nhận định trên .

--------------- HẾT ---------------












UBND HUYỆN THUỶ NGUYÊN
PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
----------------

HƯỚNG DẪN CHẤM THI CHỌN HSG
MÔN: NGỮ VĂN 9

Câu 1 ( 2.0điểm)
1 .Yêu cầu về hình thức (0,25đ)
-Học sinh có thể trình bày dưới dạng một đoạn văn hoặc một cụm đoạn văn 
-Trình bày sạch đẹp, diễn đạt truyền cảm ,ngôn từ trau chuốt 
2. Yêu cầu về nội dung (1,75 đ)
Học sinh đảm bảo các ý sau đây:
-Hai câu thơ không hoàn toàn là sáng tạo của Nguyễn Du mà ông đã tiếp thu và đổi mới từ 2 câu thơ cổ Trung Quốc : “Phương thảo liên thiên bích
 Lê chi sổ điểm hoa” (0,25đ)
-Nhà thơ vẫn kế thừa hình ảnh về các sự vật để dệt lên bức tranh mùa xuân : cỏ ,trời và hoa lê nhưng ông không lặp lại một cách dễ dãi mà có những sáng tạo rất tài hoa :((0,25đ)
+ ông đã thay đổi một số từ ngữ : cỏ thơm ->thành cỏ non xanh khiến cho người đọc không chỉ thấy được sắc xanh mơn mởn tươi non mà con cảm nhận được hương thơm ngào ngạt và sức sống mãnh liệt của thảm cỏ ; liền -> tận đã khiến cho màu xanh của cỏ và trời không có đường biên giới hạn tạo thành một biển xanh ngút ngàn bất tận . Điểm xuyết trong không gian xanh mát ấy là sắc trắng tinh khôi của hoa lê trên cành làm cho bức tranh mùa xuân có màu sắc hài hoà tuyệt diệu(0,5đ)
- Nhà thơ còn đảo ngược cách dùng từ thông dụng :biến “điểm hoa ” thành “trắng điểm”
đã tạo nên một yếu tố bất ngờ,một sự chủ động thật dễ thương –cành lê đang dần hé nở như tự đem màu trắng rắc lên cái nền xanh vô tận của cỏ...sự đảo ngược tinh tế ấy đã khiến cho cảnh vật mùa xuân không tĩnh tại mà thât sống động có hồn và đồng thời cũng làm tăng thêm sự tinh khôi thanh khiết cho khung cảnh ngày xuân . (0,5đ)
->Những sự thay đổi như vậy đã dệt lên một bức tranh mùa xuân tuyệt diệu : hài hoà ,khoáng đạt ,trong trẻo,mới mẻ tinh khôi ,dào dạt sức sống,sinh động hữu tình mà ở hai câu thơ cổ TQ không có được . Vì vậy nó đã được đánh giá là hai câu thơ tuyệt bút khi tả cảnh ngày xuân (0,5đ).

Câu 2 (3.0 điểm).
Yêu cầu chung 
* Về kỹ năng :
-Học sinh biết cách làm một bài văn nghị luận xã hội dung lượng không quá một trang giấy viết 
-Bố cục bài viết mạch lạc ,diễn đạt lưu loát ,văn viết có cảm xúc chân thành .
 * Về kiến thức ;
- Học sinh hiểu đúng nghĩa của nhận định trên : khuyên con người ta trong cuộc sống không nên ghen tị.
 2 .Yêu cầu cụ thể 
Bài làm cần đảm bảo những ý sau 



Mở bài : (0,25đ)
 -Dẫn dắt giới thiệu 2 ý kiến trên khái quát được ý nghĩa của cả 2 câu nói không nên để cho lòng ghen tỵ tồn tại dù chỉ là trong suy nghĩ mỗi người .(0,25đ)
Thân bài :(2,5đ)
-Nêu khái niệm về ghen tỵ và những biểu hiện của lòng ghen tỵ (0,75đ)
-Phân biệt giữa ghen tỵ và thi đua: giữa ghen tỵ và thi đua có một khoảng xa cách như giữa xấu xa và đức hạnh ( 1đ)
-Tác hại của lòng ghen tỵ :đừng để cho con rắn ghen tỵ luồn vào trong tim ......(0,5đ)
- Từ đó nhắc nhở mọi người ý thức sống đúng đắn .(0,25đ)
Kết bài : (0,25đ)
-Khẳng định lại giữa ghen tỵ và thi đua là một khoảng cách và giá trị lời khuyên của Et- môn -đô -đơ 
-Nêu ý thức của mình trong việc trau dồi đạo đức 
Câu 3 (5điểm)
I .Yêu cầu chung :
1. Về kỹ năng .
 + Học sinh biết cách làm một bài văn nghị luận tổng hợp về một vấn đề văn học và vận dụng vào việc tìm hiểu một tác phẩm cụ thể 
 + Bố cục bài viết mạch lạc ,diễn đạt lưu loát ,văn viết có hình ảnh có cảm xúc 
2 .Về kiến thức 
+ Học sinh hiểu đúng ý nghĩa của nhận định 
+Phân tích bài thơ để làm nổi bật vấn đề cần nghị luận .
II . Yêu cầu cụ thể .
Bài làm cần đảm bảo những yêu cầu sau :
1 Giải thích nhận định .(1.5đ)
-Tác phẩm văn học bao giờ cũng lấy chất liệu từ cuộc sống thực tại:đó là những con người ,những số phận ,những cuộc đời ,những mảng đời sống gia đình,xã hội được tác giả dùng làm dề tài cho những sáng tác của mình .văn học đã trở thành tấm gương phản chiếu hiện thực ,qua tác phẩm người đọc có thể hình dung được “ cuộc sống muôn hình vạn trạng”.
- Nhưng nghệ sỹ không chỉ ghi lại những cái đã có rồi, không chỉ tái hiện cuộc sống mà còn muốn gửi gắm những tư tưởng tình cảm ,thái độ về cuộc sống .Hơn thế nữa nhiều tác phẩm văn học có giá trị còn thể hiện những khao khát những ý tưởng mới mẻ ,những điều chiêm nghiệm và những suy ngẫm sâu sắc của nghệ sĩ về cuộc đời ,về con người .Đó chính là những điều mới mẻ nghệ sĩ muốn nói qua tác phẩm của mình .
2 Phân tích bài thơ để làm sáng tỏ nhận định (3.5đ)
-giới thiệu tác phẩm Bài thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật (hoàn cảnh ra đời ,nội dung chủ yếu )
-Khẳng định bài thơ đã sử dụng những chất liệu của thực tại :
+Tái hiện chân thực hiện thực khốc liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta qua việc khắc hoạ hình ảnh những chiếc xe không kính .
+Miêu tả chân thực và sinh động hình ảnh người lính lái xe với những phẩm chất nổi bật: yêu nước ,dũng cảm ,lạc quan,hồn nhiên ,trẻ trung,ngang tàng nghịch ngợm ,thắm thiết tình đồng đội (tái hiện bằng những hình ảnh độc đáo với ngôn ngữ ,giọng điệu tự nhiên khoẻ khoắn ,giàu tính khẩu ngữ )
-Điều mới mẻ có thể cảm nhận từ bài thơ đó là :
+ Niềm tự hào ngợi ca vẻ đẹp người lính nói riêng và vẻ đẹp của thế hệ trẻ Việt Nam nói chung trong cuộc kháng chiến 
+ Khám phá khẳng định sức sống mãnh liệt của con người Việt Nam ,dân tộc Việt Nam trong cuộc chiến tranh tàn khốc và ác liệt.Dường như không có một kẻ thù nào có thể huỷ diệt được sức sống ,niềm tin của con người Việt Nam(tư thế ngang tàng bất khuất của người lính lái xe )
+Thể hiện một chiều sâu triết lí :Sức mạnh của dân tộc ta không phải ở vũ khí tối tân hiện đại mà ở tinh thần lạc quan ,dũng cảm ,ý chí quyết tâm vì đồng bào miền Nam ruột thịt.
3 Đánh giá :
+Khẳng định sự đúng đắn của nhận định .
+Liên hệ rút ra bài học 
Cho điểm :
-Viết chặt chẽ thuyết phục với vốn hiểu biết sâu sắc về ý nghĩa nhận định và tác phẩm làm rõ các ý theo trình tự sắp xếp đã nêu trên .Giọng văn có nét riêng vừa sáng sủa chặt chẽ ,vừa giàu cảm xúc (5đ)
-Nừu thiếu các ý như trên và kỹ năng chưa đạt đến mức độ nào đó thì giám khảo tuỳ từng trường hợp cho điểm .

---------------------------------------


File đính kèm:

  • docvan 9_hsg_7.doc