Đề khảo sát học sinh giỏi cấp huyện năm học 2013-2014 môn: ngữ văn 6

doc5 trang | Chia sẻ: dethi | Lượt xem: 3271 | Lượt tải: 3download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đề khảo sát học sinh giỏi cấp huyện năm học 2013-2014 môn: ngữ văn 6, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
ĐỀ CHÍNH THỨC
THÁI THỤY
ĐỀ KHẢO SÁT HỌC SINH GIỎI CẤP HUYỆN
NĂM HỌC 2013-2014
Môn: Ngữ văn 6

Thời gian: 120 phút 
(Không kể thời gian giao đề)


Câu 1. (5 điểm)
 Em đã được học văn bản “Bài học đường đời đầu tiên” (Sách Ngữ văn 6 tập hai - Nhà xuất bản Giáo dục).
 Qua việc đọc hiểu văn bản, hãy trả lời các câu hỏi sau:
 a) Em có nhận xét gì về cách miêu tả hình dáng, tính cách Dế Mèn của tác giả ?
 b) Qua thái độ với Dế Choắt, qua việc bày trò trêu chọc chị Cốc gây ra cái chết thảm thương cho Dế Choắt, Dế Mèn đã hối hận và rút ra cho mình bài học gì ?
 c) Từ bài học của Dế Mèn, em hãy nêu ngắn gọn cảm nhận, suy nghĩ của mình về lòng nhân ái, về tình cảm bạn bè của mỗi học sinh chúng ta hôm nay.
	
Câu 2. (3 điểm) 
	“Đêm nay Bác ngồi đó
	Đêm nay Bác không ngủ
	Vì một lẽ thường tình
	Bác là Hồ Chí Minh”
 	(Trích bài thơ “Đêm nay Bác không ngủ” - Minh Huệ)
 	Em hãy nêu ý nghĩa của khổ thơ trên.

Câu 3. (12 điểm)

Tủ sách của một bạn học sinh giỏi tự kể chuyện mình.




Họ và tên: …………………………………………… ; Số báo danh: …………



PHÒNG GD&ĐT
THÁI THỤY
HƯỚNG DẪN CHẤM
BÀI KHẢO SÁT HỌC SINH GIỎI CẤP HUYỆN
NĂM HỌC 2013-2014

Môn: Ngữ văn 6

I. Hướng dẫn chung
- Giáo viên cần nắm vững yêu cầu của hướng dẫn chấm để đánh giá tổng quát bài làm của học sinh, tránh trường hợp đếm ý cho điểm hoặc bỏ sót ý trong bài làm của học sinh.
- Do đặc trưng của môn Ngữ văn nên giáo viên cần chủ động, linh hoạt trong việc vận dụng đáp án và thang điểm; khuyến khích những bài viết có sáng tạo, có ý tưởng riêng và giàu chất văn.
- Giáo viên cần vận dụng đầy đủ các thang điểm. Điểm toàn bài tính đến 0,25 điểm (không làm tròn).
 
II. Đáp án và thang điểm

Câu 1. 5 điểm 
a) Nhận xét về cách miêu tả hình dáng, tính cách Dế Mèn của tác giả: 	 3 điểm
 - Tác giả đã chuyển vai để Dế Mèn tự kể chuyện, trong đó có tự miêu tả hình dáng và tính cách thông qua lối viết đồng thoại, sử dụng biện pháp nhân hóa (Dế Mèn biết nói năng, suy nghĩ, hành động như một nhân vật…)	1 điểm
 - Việc miêu tả hình dáng Dế Mèn: tác giả đã miêu tả khá kĩ ngoại hình Dế Mèn, tập trung làm nổi bật vẻ đẹp cường tráng của Dế Mèn; vẻ đẹp cường tráng của Dế Mèn còn được thể hiện ở sức mạnh, điệu bộ, động tác…	1 điểm
 - Việc miêu tả ngoại hình, điệu bộ, động tác làm bộ lộ rõ tính cách của Dế Mèn: đó là một chàng Dế mới lớn, hung hăng, xốc nổi, kiêu căng, tự phụ, xem thường mọi người…	1 điểm	
b) Bài học Dế Mèn hối hận và rút ra cho mình qua thái độ với Dế Choắt, qua việc bày trò trêu chọc chị Cốc gây ra cái chết thảm thương cho Dế Choắt: 1 điểm
 - Hung hăng, hống hách láo chỉ tổ đem thân mà trả nợ cho những cử chỉ ngu dại của mình…	0,5 điểm	
 - Nếu đã trót không suy tính, lỡ xảy ra những việc dại dột dù về sau có hối cũng không thể làm lại được.	0,5 điểm
c) Từ bài học của Dế Mèn, hs nêu ngắn gọn cảm nhận, suy nghĩ của mình về lòng nhân ái, về tình cảm bạn bè 	 1 điểm
 - Phải suy nghĩ trước khi làm một việc nào đó xem có đúng không, có được mọi người đồng tình không…	0,5 điểm
 - Khiêm tốn, có lòng nhân ái, biết thương yêu giúp đỡ bạn bè…	0,5 điểm
(Nếu hs chỉ làm ý 2, nhưng nêu cụ thể bài học về tình thương yêu, giúp đỡ mọi người, về tình cảm bạn bè, chống những biểu hiện tiêu cực, bạo lực học đường… vẫn có thể cho điểm tối đa ý c (1 điểm).

Câu 2. 3 điểm
Nêu ý nghĩa của khổ thơ:
	“Đêm nay Bác ngồi đó
	Đêm nay Bác không ngủ
	Vì một lẽ thường tình
	Bác là Hồ Chí Minh”
 	(Trích bài thơ “Đêm nay Bác không ngủ” - Minh Huệ)
 - Đêm Bác không ngủ miêu tả trong bài thơ là một trong vô vàn những đêm không ngủ của Bác Hồ. 	1 điểm
 - Bác không ngủ vì lo việc nước, vì thương bộ đội, dân công đã là một “lẽ thường tình” của Bác, vì Bác là vị lãnh tụ của dân tộc, là người Cha thân yêu của quân đội ta…	1 điểm
 - Khổ thơ đã nâng ý nghĩa của câu chuyện lên tầm khái quát lớn, làm người đọc hiểu một chân lý giản đơn mà rất lớn lao đó là tình thương yêu của Bác Hồ với nhân dân ta nói chung, với anh bộ đội, chị dân công nói riêng…	1 điểm

 Câu 3. 12 điểm 
Tủ sách của một bạn học sinh giỏi tự kể chuyện mình.
 Học sinh thực hiện các yêu cầu sau:
1. Về kĩ năng:
 - Bài văn có bố cục đầy đủ, hợp lý, chữ viết đúng chính tả, trình bày đẹp.
 - Vận dụng đúng phương pháp làm văn tự sự (Mượn lời một đồ vật gần gũi để kể chuyện tưởng tượng).
 - Bài văn có cảm xúc, có lời kể, đúng ngôi kể, thứ tự kể hợp lí và sáng tạo.
2. Về kiến thức: 
 - Đây là một đề văn mở, yêu cầu học sinh biết vận dụng tốt văn tự sự để chuyển vai kể một câu chuyện tưởng tượng, vì thế nên sự sáng tạo của học sinh trong việc vận dụng kiến thức đã học với thực tế rất quan trọng. 
 - Yêu cầu hs nhập vai vào nhân vật của câu chuyện (Tủ sách của một bạn học sinh giỏi) để kể lại câu chuyện và nói lên cảm nghĩ, tâm trạng của nhận vật. Tâm trạng đó được biểu hiện qua suy nghĩ, cử chỉ, thái độ, lời nói …
3. Yêu cầu cụ thể: 
Mở bài:	2 điểm 
- Giới thiệu hoàn cảnh xảy ra câu chuyện. HS có thể sáng tạo ra một tình huống để nhân vật tôi ( tủ sách) tự kể về mình.

Thân bài:	8 điểm 
 - Tủ sách tự giới thiệu về mình (sự ra đời của Tủ sách, tự miêu tả hình dáng, trang phục, tên, tuổi, vị trí đứng trong nhà…) 	2 điểm 
 - Tủ sách tự kể lại chuyện về mình: công việc hàng ngày, sự gắn bó, tình cảm với bạn học sinh... 	2 điểm
 - Kể lại tâm trạng, suy nghĩ, cử chỉ, thái độ, lời nói, tâm sự, lời nhắn nhủ của Tủ sách với bạn học sinh giỏi…	2 điểm
 - Khuyến khích những bài làm sáng tạo: ngoài các ý lớn trên, trong bài làm, hs biết tạo ra một câu chuyện cụ thể, sinh động, ấn tượng…	2 điểm
Kết bài:	2 điểm 
 - Tình cảm, lời nhắn nhủ của Tủ sách với các bạn học sinh nói chung, với bạn học sinh giỏi – người bạn thân của Tủ sách nói riêng…
 
4) Vận dụng cho điểm:
Điểm 11 -12: Hiểu đề sâu sắc. Đáp ứng được hầu hết các yêu cầu về nội dung và phương pháp. Vận dụng tốt văn kể chuyện để kể lại câu chuyện theo trí tưởng tượng, có kết hợp với miêu tả. Trình bày và diễn đạt tốt, bố cục rõ, chữ viết đẹp, bài làm có cảm xúc và sáng tạo.

Điểm 9 - 10: Hiểu đề. Cơ bản đáp ứng được các yêu cầu của đề. Biết vận dụng văn kể chuyện để kể lại câu chuyện theo trí tưởng tượng, có kết hợp với miêu tả. Trình bày và diễn đạt tương đối tốt, bố cục rõ, bài làm có cảm xúc nhưng còn đôi chỗ kể chưa sáng tạo… Có thể mắc một số lỗi nhỏ về chính tả và diễn đạt.

Điểm 7 - 8: Tỏ ra hiểu đề. Đáp ứng được các yêu cầu về nội dung và phương pháp. Vận dụng văn kể chuyện tưởng tượng chưa tốt, có miêu tả các nhân vật và khung cảnh nhưng chưa rõ, đôi chỗ còn lan man. Có thể mắc lỗi về chính tả và diễn đạt.
Điểm 5 - 6: Chưa hiểu yêu cầu của đề bài, vận dụng văn kể chuyện để kể lại một câu chuyện theo trí tưởng tượng chưa tốt, có nhiều đoạn lạc sang kể lể lan man, lủng củng…Còn mắc lỗi về chính tả và diễn đạt.
Điểm 3 - 4: Chưa hiểu yêu cầu của đề bài, chưa biết vận dụng văn kể chuyện để kể lại một câu chuyện theo trí tưởng tượng, có nhiều đoạn lạc sang kể lể lan man, lủng củng, hoặc lạc đề…Còn mắc nhiều lỗi về chính tả và diễn đạt.

Điểm 1 - 2: Chưa hiểu yêu cầu của đề bài, không biết vận dụng văn kể chuyện để kể lại một câu chuyện theo trí tưởng tượng, có nhiều đoạn lạc đề, lủng củng …

Điểm 0: Bài để giấy trắng.	




File đính kèm:

  • docDe thi HSG Ngu van 6(2).doc