Đề kiểm tra chất lượng giữa học kỳ I môn ngữ văn lớp 9 thời gian: 90 phút

doc15 trang | Chia sẻ: haohao | Lượt xem: 1707 | Lượt tải: 2download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đề kiểm tra chất lượng giữa học kỳ I môn ngữ văn lớp 9 thời gian: 90 phút, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
ĐỀ KIỂM TRA CHẤT LƯỢNG GIỮA HỌC KỲ I
MÔN NGỮ VĂN LỚP 9
THỜI GIAN: 90 PHÚT

Câu 1 (2 điểm):
Thế nào là cách dẫn trực tiếp lời nói hay ý nghĩ của nhân vật? Tìm lời dẫn trong đoạn thơ sau và cho biết đó là lời dẫn trực tiếp hay lời dẫn gián tiếp? Vì sao?
Gần miền có một mụ nào
Đưa người tiễn khách tìm vào vấn danh
Hỏi tên, rằng: “Mã Giám Sinh”
Hỏi quê, rằng: “Huyện Lâm Thanh cũng gần”.
(Trích Truyện Kiều – Nguyễn Du)
Câu 2 (3 điểm):
Trình bày cảm nhận của em về 4 câu thơ sau:
Ngày xuân con én đưa thoi
Thiều quang chín trục đã ngoài sáu mươi
Cỏ non xanh tận chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa
(Trích Truyện Kiều – Nguyễn Du)
Câu 3 (5 điểm):
Em hãy viết một bài văn giới thiệu về hình ảnh con trâu ở làng quê Việt Nam.
HƯỚNG DẪN CHẤM BÀI KIỂM TRA GIỮA HỌC KỲ I
MÔN NGỮ VĂN LỚP 9
Câu 1 (2 điểm):
- Nêu khái niệm về cách dẫn trực tiếp (như trong SGK Ngữ văn 9 tập 1) (1 điểm)
- Chỉ ra lời dẫn trong đoạn thơ là: “Mã Giám Sinh, huyện Lâm Thanh cũng gần” (0,25 điểm)
- Khẳng định đây là lời dẫn trực tiếp (0,25 điểm)
- Giải thích: Vì đây là lời nói của Mã Giám Sinh, tác giả đã nhắc lại nguyên văn (0,25 điểm); lời dẫn này được đặt trong dấu ngoặc kép (0,25 điểm)
Câu 2 (3 điểm):
1. Yêu cầu về kỹ năng: Học sinh có thể viết một đoạn văn hoặc bài văn, viết văn trôi chảy, lập luận chặt chẽ, không mắc lỗi diễn đạt và chính tả.
2. Yêu cầu về kiến thức: Cảm nhận được cái hay của đoạn thơ:
- Đây là đoạn thơ giới thiệu khung cảnh thiên nhiên với vẻ đẹp riêng của mùa xuân.
+ Hai câu thơ đầu vừa nói được thời gian, vừa gợi không gian. Ngày xuân thấm thoát trôi mau tiết trời đã chuyển sang tháng ba – tháng cuối của mùa xuân, những con chim én bay lượn như thoi dệt cửi trao qua đảo lại giữa bầu trời trong sáng, ngoài việc tả cảnh ý thơ còn ngụ ý tiếc ngày xuân đi qua nhanh quá. 
+ Hai câu thơ sau với màu xanh cỏ non trải rộng mênh mông đến tận chân trời, trên cái nền màu xanh điểm vài bông hoa lê trắng làm cho cảnh vật trở nên hài hòa, khoáng đạt.
+ Chỉ với 4 câu thơ chi tiết chọn lọc tác giả đã vẽ được cái hồn của bức tranh xuân tràn đầy sức sống.
Điểm 2,5 – 3,0: đủ ý cơ bản, cảm nhận tinh tế sâu sắc.
Điểm 1,5 – 2,25: cảm nhận khá đủ ý, có chỗ diễn đạt mắc một vài lỗi chính tả và lỗi diễn đạt thông thường.
Điểm 0,5 – 1,25: cảm nhận được một vài ý đúng, chữ viết cẩu thả, mắc nhiều lỗi chính tả, lỗi diễn đạt.
Điểm 0: thiếu hoặc sai hoàn toàn.
Câu 3 (5 điểm):
1. Yêu cầu về kỹ năng: văn thuyết minh có đủ 3 phần: mở bài, thân bài, kết bài, câu văn đúng, lời văn trong sáng, dễ hiểu, vận dụng yếu tố miêu tả hợp lý để bài văn sâu sắc.
2. Yêu cầu về kiến thức: đề bài văn giới thiệu được hình ảnh con trâu trong đời sống của người dân Việt Nam nên nội dung bài cần đảm bảo giới thiệu được: nguồn gốc của con trâu Việt Nam, vai trò của con trâu trong nghề làm ruộng (là sức kéo cầy, bừa, kéo xe...), con trâu trong các lễ hội đình đám, con trâu với việc cung cấp nguồn thực phẩm: trâu là tài sản lớn của người nông dân Việt Nam, con trâu với hình ảnh đứa trẻ chăn trâu gợi nên sự bình yên của làng quê Việt Nam, con trâu trong thơ ca, nhạc họa...
Điểm 4,0 – 5,0: nội dung thuyết minh đầy đủ sâu sắc, lời văn thuyết minh chính xác, sinh động, hấp dẫn.
Điểm 2,5 – 3,75: đủ ý cơ bản, đôi chỗ thuyết minh chưa chính xác, sử dụng yếu tố miêu tả một số chỗ chưa hợp lý, lời văn chưa sinh động hấp dẫn.
Điểm 1,25 – 2,25: bài làm còn thiếu một vài ý vận dụng yếu tố miêu tả, nhiều chỗ chưa phù hợp, mắc một vài lỗi chính tả, lỗi diễn đạt.
Điểm 1,0: thuyết minh được một vài ý, chưa vận dụng được một số yếu tố miêu tả trong bài văn, chữ viết cẩu thả, mắc vài lỗi diễn đạt.
Điểm 0: thiếu hoặc sai hoàn toàn.

ĐỀ KIỂM TRA CHẤT LƯỢNG HỌC KỲ I
MÔN NGỮ VĂN LỚP 9
THỜI GIAN: 90 PHÚT
Câu 1 (1,5 điểm):
Cho hai câu thơ sau:
“Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi
Mặt trời của mẹ, em nằm trên lưng”.
(Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ - Nguyễn Khoa Điềm)
a. Từ “mặt trời” trong câu thơ thứ hai sử dụng biện pháp tu từ nào? Phân tích cái hay của biện pháp tu từ đó trong việc diễn đạt ý nghĩa câu thơ.
b. Có thể coi đây là hiện tượng chuyển nghĩa làm xuất hiện từ nhiều nghĩa được không? Vì sao?
Câu 2 (1,5 điểm):
So sánh sự việc xảy ra sau:
“Năm giặc đốt làng cháy tàn cháy rụi
Hàng xóm bốn bên trở về lầm lụi
Đỡ đần bà dựng lại túp lều tranh”.
Với lời người bà dặn cháu, trong bài thơ “Bếp lửa” của Bằng Việt:
“Cứ bảo nhà vẫn được bình yên”
Ta thấy có một phương châm hội thoại không được tuân thủ. Đó là phương châm nào? Lý giải nguyên nhân và nêu ý nghĩa sự không tuân thủ phương châm hội thoại đó.
Câu 3 (2,5 điểm):
“Ruộng nương anh gửi bạn thân cày
Gian nhà không, mặc kệ gió lung lay
Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính.”
a. Đoạn thơ trên trích trong tác phẩm nào, của ai? Em hãy nêu những nét chính về hoàn cảnh sáng tác của bài thơ.
b. Đoạn thơ giúp em hiểu thêm về những vẻ đẹp nào của người lính cách mạng?
Câu 4 (4,5 điểm):
Tưởng tượng 1 lần em được đi thăm quan Sa Pa và có cuộc gặp gỡ, trò chuyện với anh thanh niên làm công tác khí tượng, nhân vật trong tác phẩm “Lặng lẽ Sa Pa” của Nguyễn Thành Long. Hãy kể lại cuộc gặp gỡ và trò chuyện đó.
ĐÁP ÁN CHẤM NGỮ VĂN 9 HỌC KỲ I
Câu 1 (1,5 điểm):
a. (1 điểm):
- Sử dụng biện pháp tu từ ẩn dụ: từ “mặt trời” là để chỉ em bé trên lưng mẹ (0,5 điểm). Nếu chỉ nêu tên biện pháp tu từ thì cho 0,25 điểm.
- Tác dụng: ví em bé như mặt trời của mẹ cũng có nghĩa: với mẹ con là nguồn sáng ấm áp sưởi ấm cuộc đời mẹ, con đem đến cho mẹ sự sống, niềm hạnh phúc, niềm tin yêu và hi vọng. Sử dụng biện pháp tu từ ẩn dụ tác giả đã thể hiện một cách độc đáo và sâu sắc tình yêu thương tha thiết của mẹ dành cho con (0,5 điểm).
b. (0,5 điểm):
- Không thể coi đây là hiện tượng chuyển nghĩa làm xuất hiện từ nhiều nghĩa (0,25 điểm)
Vì: nghĩa chuyển này của từ mặt trời chỉ là nghĩa chuyển lâm thời, nó chưa làm thay đổi nghĩa của từ, chưa thể đưa vào từ điển (0,25 điểm)
Câu 2 (1,5 điểm):
- Phương châm hội thoại không được tuân thủ: là phương châm về chất (0,5 điểm)
- Nguyên nhân: sự không tuân thủ phương châm hội thoại này bắt nguồn từ chỗ bà không muốn con trai của mình đang chiến đấu nơi xa phải bận tâm lo lắng cho những khó khăn của hai bà cháu ở nhà (0,5 điểm)
- Ý nghĩa: bà đã một mình lặng lẽ vượt qua những nhọc nhằn cơ cực, làm tròn nhiệm vụ của người hậu phương để người đi công tác xa được yên lòng. Điều đó đã làm sáng lên phẩm chất của người bà, người mẹ, người phụ nữ Việt Nam trong chiến tranh giàu tình yêu thương và giàu đức hi sinh. (0,5 điểm)
Câu 3 (2,5 điểm):
a. (1 điểm)
- Đoạn thơ trích trong tác phẩm Đồng chí – Chính Hữu (0,5 điểm)
Mỗi ý đúng cho 0,25 điểm
- Bài thơ được sáng tác đầu năm 1948, sau khi tác giả đã cùng đồng đội tham gia chiến đấu trong chiến dịch Việt Bắc (Thu đông 1947) (0,5 điểm)
- Nếu chỉ nêu được năm sáng tác thì cho 0,25 điểm.
b. (1,5 điểm)
Đoạn thơ đã thể hiện được vẻ đẹp của người lính cách mạng:
- Vẻ đẹp của tình đồng chí đồng đội sâu sắc: đây là những câu thơ người lính nói về người bạn, người đồng chí, đồng đội của mình. Các anh đã cảm thông và thấu hiểu hoàn cảnh cũng như nỗi lòng, tâm tư tình cảm của nhau (0,5 điểm)
- Vẻ đẹp của lòng yêu nước, ý chí quyết tâm tham gia chiến đấu để bảo vệ tổ quốc: ruộng nương, nhà cửa là những thứ quý giá thân thiết của cuộc sống nơi làng quê nhưng các anh vẫn sẵn sàng bỏ lại để ra đi theo tiếng gọi thiêng liêng của tổ quốc. Hai chữ “mặc kệ” nói lên được cái dứt khoát mạnh mẽ, dứt tình riêng ra đi vì nghĩa lớn (0,5 điểm)
- Vẻ đẹp của tình yêu quê hương sâu nặng: câu thơ “Giếng nước ... lính” có cách viết hết sức gợi cảm và tinh tế. Tác giả đã khéo léo kết hợp nhiều biện pháp tu từ đồng thời mượn cả cách nói của thành ngữ, ca dao để diễn tả kín đáo mà sâu sắc tình cảm của quê hương với người lính và của người lính với quê hương. Bởi ra đi mà vẫn biết được sau lưng của quê hương đang hướng theo mình thì chắc hẳn trong tâm chí các anh cũng luôn thường trực nỗi niềm nhớ thương đối với quê hương (0,5 điểm)
(Nếu chỉ nêu được tên của từng vẻ đẹp mà không phân tích lý giải thì cho mỗi ý đúng 0,25 điểm)
Câu 4 (4,5 điểm):
a. Mở bài (0,25 điểm)
Giới thiệu chuyến đi thăm quan Sa Pa và cuộc gặp gỡ thú vị với anh thanh niên
b. Thân bài (4 điểm)
Yêu cầu:
- Kể lại cuộc gặp gỡ tưởng tượng theo một trình tự nhất định với sự cụ thể về thời gian, địa điểm, không gian và nội dung cuộc gặp gỡ: từ những cảm nhận ban đầu khi gặp mặt đến cuộc trò chuyện của mình với anh thanh niên. Qua đó dần dần làm nổi bật hình ảnh anh thanh niên, một con người biết vượt lên trên hoàn cảnh sống đặc biệt để cống hiến cho đất nước bằng tình yêu nghề, tinh thần trách nhiệm và sự ý thức được ý nghĩa công việc của mình; biết tổ chức sắp xếp cuộc sống chủ động và khoa học, quý trọng tình cảm của mọi người, biết quan tâm đến người khác, khiêm tốn.
- Nêu được những cảm nghĩ của cá nhân về anh thanh niên và công việc của anh, ý nghĩa của cuộc gặp gỡ đó với chính mình.
- Chủ yếu dùng phương thức biểu đạt tự sự, biết kết hợp sử dụng các yếu tố miêu tả, biểu cảm, nghị luận làm sáng tỏ chủ đề tư tưởng và làm tăng sức hấp dẫn.
c. Kết bài (0,25 điểm)
Yêu cầu: Bộc lộ ấn tượng sâu đậm nhất về câu chuyện được kể.
Cách cho điểm:
Điểm từ 3,5 – 4,0 điểm: chuyện kể hợp lý, sâu sắc, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu nêu trên.
Điểm từ 2,75 – 3,25 điểm: chuyện kể hợp lý, đáp ứng khá đầy đủ các yêu cầu nên trên.
Điểm từ 2,0 – 2,5 điểm: đúng kiểu loại văn bản, kể đúng nội dung nhưng còn có phần sơ sài, diễn đạt còn non vụng.
Điểm từ 0,25 – 1,75: đúng nội dung nhưng quá sơ sài hoặc kể lan man, xa đà, không đi vào chủ đề chính, diễn đạt quá yếu.
Điểm 0: thiếu hoặc sai hoàn toàn
ĐỀ KIỂM TRA CHẤT LƯỢNG GIỮA HỌC KỲ II
MÔN NGỮ VĂN LỚP 9
THỜI GIAN: 90 PHÚT

Câu 1 (2 điểm):
Trên cơ sở đã học văn bản: “Chuẩn bị hành trang vào thế kỷ mới” của Vũ Khoan, em hãy viết một đoạn văn (khoảng 10 – 15 câu) trình bày những suy nghĩ về hành trang của thanh niên trong thời đại ngày nay, trong đó có câu chứa thành phần phụ chú. Gạch chân thành phần phụ chú đó.
Câu 2 (1 điểm):
“Mùa xuân nho nhỏ” - Một bài thơ đã để lại trong lòng người đọc nhiều cảm xúc sâu sắc. Bằng sự hiểu biết của mình, em hãy giải thích vì sao Thanh Hải lại lấy nhan đề bài thơ là: "Mùa xuân nho nhỏ".
Câu 3: (2 điểm)
Đọc đoạn thơ:
“Mai về miền Nam thương trào nước mắt
Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác
Muốn làm đóa hoa tỏa hương đâu đây
Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này.
(Viếng lăng Bác - Viễn Phương)
a, Chỉ ra biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong khổ thơ trên? Nêu tác dụng của biện pháp nghệ thuật ấy? 
b, Hình ảnh nào trong khổ thơ đầu của bài thơ đã được nhà thơ nhắc lại trong khổ thơ trên? Việc tác giả nhắc lại hình ảnh ấy có ý nghĩa gì?
Câu 4: (5 điểm)
Em hãy viết một bài văn phát biểu trong buổi sinh hoạt lớp với chủ đề: "Học tập" để thuyết phục các bạn tin rằng: Tự học là cách học hiệu quả nhất, giúp ta có thể tiến bộ hơn trong học tập.
ĐÁP ÁN CHẤM MÔN NGỮ VĂN 9 GIỮA HỌC KỲ II

Câu 1 (2 điểm):
- Hình thức 0,25 điểm: viết đúng một đoạn văn nghị luận đạt yêu cầu tương đối về dung lượng (10 – 15 câu) diễn đạt mạch lạc, rõ ràng, không mắc lỗi chính tả.
- Nội dung: nêu được các ý cơ bản
+ Hành trang của thanh niên trong thời đại ngày nay là tri thức văn hóa, nghề nghiệp, sức khỏe... (0,5 điểm)
+ Nêu được lý do tại sao thanh niên trong thời đại ngày nay cần có hành trang đó: do yêu cầu của thời đại, xã hội, đất nước, gia đình, bản thân... (0,5 điểm)
+ Thái độ của học sinh: cần có thái độ tích cực học tập tự chuẩn bị hành trang cho mình. Tránh tư tưởng thụ động chờ sự giúp đỡ, may mắn... (0,5 điểm)
+ Tiếng Việt (0,25 điểm): viết và gạch chân đúng thành phần phụ chú.
Câu 2 (1 điểm):
Giải thích được nhan đề Mùa xuân nho nhỏ
- Từ cảm xúc trước vẻ đẹp của mùa xuân thiên nhiên, mùa xuân đất nước (0,25 điểm)
- Tác giả thể hiện khát vọng đẹp đẽ muốn dâng hiến sức mình cho dân tộc, cho đất nước góp một mùa xuân nhỏ vào mùa xuân lớn của đất nước... (0,75 điểm)
Câu 3 (2 điểm):
a. Biện pháp nghệ thuật: điệp ngữ “muốn làm” + phép liệt kê tác giả muốn hóa thân hòa nhập như con chim, đóa hoa, cây tre... (0,5 điểm)
Diễn tả tâm trạng lưu luyến muốn được ở mãi bên người đặc biệt muốn làm cây tre trung hiếu nghĩa là muốn sống đẹp trung thành với lý tưởng của bác Hồ của dân tộc (0,5 điểm)
b. Hình ảnh hàng tre bên lăng Bác ở đầu bài thơ được lặp lại ở cuối bài (0,5 điểm)
Với nét nghĩa bổ sung “Cây tre trung hiếu” tạo cho bài thơ có kết cấu đầu cuối tương ứng, làm đậm nét hình ảnh hàng tre gây ấn tượng sâu sắc, và dòng cảm xúc được trọn vẹn (0,5 điểm)
Câu 4 (5 điểm):
1. Văn nghị luận có đủ 3 phần: Mở bài, thân bài và kết bài.
- Lập luận chặt chẽ, dẫn chứng tiêu biểu, cụ thể tăng tính thuyết phục
- Sử dụng các kiểu câu hợp lý, linh hoạt làm tăng giá trị biểu cảm 
2. Yêu cầu về kiến thức
a. Mở bài (0,25 điểm)
Đưa dẫn vấn đề nghị luận tự học là cách học có hiệu quả để giúp chúng ta tiến bộ trong học tập.
b. Thân bài (4,5 điểm)
- Giải thích thế nào là học và tự học? 
Học là quá trình con người thu nhận kiến thức, luyện tập kỹ năng do người khác truyền lại (0,5 điểm)
Tự học là việc con người học tập bằng chính sức lực, khả năng của riêng mình (0,5 điểm)
- Khẳng định tự học là rất quan trọng, là điều kiện giúp chúng ta thành công trong học tập (2,5 điểm)
- Tự học giúp con người có ý thức chủ động suy nghĩ, tìm tòi khám phá nghiên cứu để làm rõ bản chất của vấn đề...
- Tự học giúp chúng ta tiếp thu kiến thức từ nhiều nguồn khác nhau: sách báo, bài giảng, truyền hình, bạn bè... làm nội dung bài học sinh động phong phú dễ dàng tiếp thu.
- Tự học giúp chúng ta chủ động ghi nhớ bài giảng trên lớp, tiết kiệm thời gian...
- Từ lý thuyết chủ động luyện tập thực hành giúp chúng ta nhanh chóng hình thành kỹ năng củng cố và nâng cao kiến thức đã học.
- Chủ động tích cực học tập để giúp chúng ta tìm ra phương pháp học phù hợp đạt hiệu quả cao.
- Tự học là phương pháp học không mới có từ lâu nhưng lại có hiệu quả. Đây là phương pháp học tập tích cực...
- Phê phán thái độ ỷ lại thiếu tự lập trong học tập của học sinh ngày nay (1 điểm)
+ Phụ thuộc quá nhiều vào bài giảng của thầy cô giáo, thiếu chủ động sáng tạo...
+ Hậu quả: học vẹt, học thuộc nhưng không hiểu nội dung bài học dẫn đến tình trạng học xong lại quên ngay... (Trong phần này học sinh lấy ví dụ về một số tấm gương tự tìm tòi và sáng tạo trong học tập như bác Hồ và một số nhà khoa học trong nước và trên thế giới...)
c. Kết bài (0,25 điểm)
Khẳng định tự học là cách học có hiệu quả để giúp chúng ta thành công trong học tập và đưa ra hành động đúng cho bản thân.
Cách cho điểm:
Điểm từ 4,0 – 5,0 điểm: đáp ứng các yêu cầu cơ bản về nội dung và hình thức diễn đạt tốt.
Điểm từ 2,5 – 3,75 điểm: đáp ứng các yêu cầu cơ bản về nội dung và hình thức diễn đạt khá.
Điểm từ 1,25 – 2,25 điểm: đáp ứng được một số các yêu cầu cơ bản về nội dung và hình thức diễn đạt bình thường, còn mắc một vài lỗi chính tả.
Điểm 1,0: đáp ứng được một số yêu cầu của đề nhưng nội dung hời hợt, lý lẽ thiếu chặt chẽ, diễn đạt yếu, mắc nhiều lỗi chính tả.
Điểm 0: thiếu hoặc sai hoàn toàn
ĐỀ KIỂM TRA CHẤT LƯỢNG HỌC KỲ II
MÔN NGỮ VĂN LỚP 9
THỜI GIAN: 90 PHÚT

Câu 1 (2 điểm):
a. Xét về mục đích giao tiếp các câu được gạch chân trong đoạn văn sau đây thuộc kiểu câu nào?
“Đứa con lớn gồng đôi thúng không bước vào(1). Ông cất tiếng hỏi:
- Ở ngoài ấy làm gì mà lâu thế mày?(2)
Không để đứa con kịp trả lời, ông lão nhỏm dậy, vơ lấy cái nón:
- Ở nhà trông em nhá!(3). Đừng có đi đâu đấy.(4)”
(Làng – Kim Lân)
b. Chỉ ra các thành phần biệt lập trong các câu sau, cho biết tên gọi các thành phần biệt lập đó.
1. Lão không hiểu tôi, tôi nghĩ vậy và tôi cũng buồn lắm. (Lão Hạc – Nam Cao)
2. 	Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về
(Sang thu – Hữu Thịnh)
Câu 2 (3,5 điểm):
a. Nêu hoàn cảnh sáng tác của bài thơ “Đoàn thiền đánh cá” của Huy Cận
b. Khổ thơ đầu và khổ thơ cuối của bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá” có những hình ảnh thơ nào được lặp lại. Việc lặp lại những hình ảnh ấy có tác dụng gì?
c. Viết về cái hay của khổ thơ đầu bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá”
Câu 3: (4,5 điểm)
Hãy phân tích và phát biểu cảm nghĩ của em về những con người bình dị đang thầm lặng lao động để xây dựng tổ quốc qua nhân vật anh thanh niên trong chuyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” của Nguyễn Thành Long.
ĐÁP ÁN CHẤM MÔN NGỮ VĂN 9 HỌC KỲ II

Câu 1 (2 điểm):
a. (1 điểm)
Các câu thuộc kiểu câu:
Câu (1): Câu trần thuật
Câu (2): Câu nghi vấn
Câu (3): Câu cầu khiến
Câu (4): Câu cầu khiến
b. (1 điểm)
Thành phần biệt lập: “tôi nghĩ vậy” – thành phần phụ chú; “hình như” – thành phần tình thái (mỗi ý đúng cho 0,5 điểm)
Câu 2 (3,5 điểm):
Học sinh nêu được:
a. Hoàn cảnh sáng tác bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá” – năm 1958 là kết quả của chuyến đi thực tế dài ngày ở vùng mỏ Quảng Ninh của tác giả (0,5 điểm)
b. Khổ đầu và khổ cuối hình ảnh “Câu hát căng buồm” và hình ảnh “Mặt trời” được lặp lại (0,25 điểm)
- Việc lặp lại thể hiện không khí sôi nổi vui tươi của đoàn thuyền đánh cá... (0,25 điểm)
c. Học sinh cảm nhận đượccái hay của đoạn thơ cuối qua các biện pháp nghệ thuật: so sánh, nhân hóa, ẩn dụ... (1 điểm)
- Nội dung: thiên nhiên trong khổ thơ thật hùng vĩ lớn lao, mặt trời như hòn lửa lặn vào đại dương như một ngôi nhà lớn mà màn đêm là cánh cửa còn con sóng là then cài cửa... (1,5 điểm)
Câu 3 (4,5 điểm):
1. Văn nghị luận có đủ 3 phần: Mở bài, thân bài và kết bài.
- Lập luận chặt chẽ, dẫn chứng tiêu biểu, cụ thể tăng tính thuyết phục
- Sử dụng các kiểu câu hợp lý, linh hoạt làm tăng giá trị biểu cảm 
2. Yêu cầu về kiến thức
a. Mở bài (0,25 điểm)
Giới thiệu được tác giả, tác phẩm, thời điểm, nhân vật anh thanh niên xuất hiện trong tác phẩm.
b. Thân bài (4 điểm)
Học sinh chỉ ra được các luận điểm:
- Anh thanh niên là người yêu nghề, say mê với công việc...
- Anh thanh niên là người ham học hỏi, biết tự sắp xếp cuộc sống ngăn nắp...
- Anh thanh niên biết quý trọng tình cảm của người khác có thái độ chân thành cởi mở và rất khiêm tốn...
- Học sinh đánh giá được về nhân vật và về nghệ thuật...
c. Kết bài (0,25 điểm)
Khẳng định lại nhân vật anh thanh niên là đại diện tiêu biểu cho thế hệ trẻ Việt Nam có phẩm chất cao đẹp... cảm nghĩ của em.
Cách cho điểm:
Điểm từ 4,0 – 4,5 điểm: đáp ứng các yêu cầu cơ bản về nội dung và hình thức diễn đạt tốt.
Điểm từ 2,5 – 3,75 điểm: đáp ứng các yêu cầu cơ bản về nội dung và hình thức diễn đạt khá.
Điểm từ 1,25 – 2,25 điểm: đáp ứng được một số các yêu cầu cơ bản về nội dung và hình thức diễn đạt bình thường, còn mắc một vài lỗi chính tả.
Điểm 1,0: đáp ứng được một số yêu cầu của đề nhưng nội dung hời hợt, lý lẽ thiếu chặt chẽ, diễn đạt yếu, mắc nhiều lỗi chính tả.
Điểm 0: thiếu hoặc sai hoàn toàn

File đính kèm:

  • docBo de thi Van 9 cac ky.doc