Đề kiểm tra chất lượng học kì I lớp 9 năm học 2008 - 2009 môn: Ngữ văn 9

doc6 trang | Chia sẻ: minhhong95 | Lượt xem: 754 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đề kiểm tra chất lượng học kì I lớp 9 năm học 2008 - 2009 môn: Ngữ văn 9, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Mã kí hiệu
Đ01V-09-KTHK1L9
 ĐỀ KIỂM TRA CHẤT LƯỢNG HỌC KÌ I LỚP 9 
 Năm học 2008-2009
 Môn: Ngữ Văn 9.
 Thời gian làm bài: 60 phút. 
 ( Đề này gồm 03 câu 01 trang)
Câu 1(2 điểm): Đọc đoạn hội thoại sau và trả lời câu hỏi:
 Nam đi chơi nhà bạn về nói với mẹ:
 - Con đói quá!
 -Từ sáng tới giờ mất điện.- Mẹ trả lời.
 a.Theo em câu trả lời của người mẹ có vi phạm phương châm hội thoại quan hệ không? Vì sao?
 b. Nêu nguyên nhân của các trường hợp không tuân thủ phương châm hội thoại mà vẫn được chấp nhận.
Câu 2 ( 3 điểm ): Tóm tắt văn bản “ Chuyện người con gái Nam Xương”, Trích Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ, (khoảng 15 dòng )
Câu 3 : ( 5 điểm ): Sau khi học xong truyện ngắn “Chiếc lược ngà” của Nguyễn Quang Sáng em có những cảm xúc và suy nghĩ gì về nhân vật Bé Thu và tình cảm cha con trong chiến tranh?
..Hết..
Mã kí hiệu
HD01V-09-KTHK1L9
 HƯỚNG DẪN CHẤM BÀI KIỂM TRA CHẤT LƯỢNG 
 HỌC KÌ I LỚP 9
 Năm học 2008-2009
 Môn: Ngữ Văn 9
 (Bản hướng dẫn này gồm 03 câu 03 trang) 
Câu 1: (2điểm)
 a. Câu trả lời của bà mẹ không vi phạm phương châm hội thoại quan hệ vì: Người mẹ muốn con hiểu theo một hàm ý rằng: cả ngày mất điện nên không có gì ăn cả. (1đ)
 b. Học sinh nêu được 3 nguyên nhân của những trường hợp không tuân thủ phương châm hội thoại. (1đ)
Câu 2: ( 3 điểm ):
* Bám sát các sự kiện chính làm phát triển cốt truyện, bộc lộ tính cách, số phận nhân vật và chủ đề tác phẩm:
- Giới thiệu khái quát cuộc tình duyên của Vũ Nương và Trương Sinh: (0,25đ) 
 + Trương Sinh: con một của một gia đình hào phú, ít học, đã đem trăm lượng bạc để cưới Vũ Nương về làm vợ.
 + Vũ Nương: con nhà nghèo “thiếp vốn con kẻ khó được nương tựa nhà giàu”.
- Cuộc sống của Vũ Nương khi mới về nhà chồng: lúc nào cũng giữ cho cuộc sống vợ chồng êm ấp, hòa thuận, không để thất hòa. (0,25đ)
- Cuộc sống của Vũ Nương khi chồng đi lính: (0,25đ)
+ Sinh con, nuôi dạy con trẻ, thường chỉ bóng mình trên tường để dỗ con và nuôi dưỡng tình yêu cha cho con.
 + Chăm sóc mẹ chống lúc ốm đau, ma chay tế lễ cho mẹ chồng lúc bà qua đời giống như tình cảm của người con dành cho mẹ đẻ.
- Khi Trương Sinh đi lính trở về:
+ Vì đau lòng khi mẹ già qua đời, lại ít hiểu biết nên không hiểu câu nói con trẻ lại sẵn có tính đa nghi, cả ghen nên một mực nghi oan cho vợ hư hỏng và đánh đuổi nàng ra khỏi nhà. (0,25đ)
 + Nàng không thể tự minh oan cho mình nên đã phải tự vẫn với lời thể nguyền. (0,25đ)
- Vũ Nương dưới thủy cung: + Gặp người cùng làng ở cung nước rùa thần, Vũ Nương giãi bầy tâm sự và gửi chiếc thoa vàng làm tin. (0,25đ)
 + Hiểu sự tình, chàng Trương lập đàn giải oan cho nàng.(0,25đ)
 + Vũ Nương hiện trên một chiếc kiệu  đa tạ tình chàng, rồi chốc lát biến mất. (0,25đ) 
* Chữ sạch đẹp, sai chính tả không quá 2 lỗi. (0,5đ)
* Giữ được linh hồn tác phẩm: sử dụng được một số từ ngữ, hình ảnh của nguyên tác. Độ dài khoảng 15 dòng. (0,5đ) 
Câu 3: (5 điểm.)
1. Yêu cầu:
* Hình thức:
- Bài viết có bố cục 3 phần.
- Lời văn rõ ràng, trong sáng, biểu cảm, triết lí.
- Làm đúng thể loại nghị luận.
* Nội dung
a/ Về nhân vật bé Thu.
- Là một đứa trẻ hồn nhiên, đáng yêu, tuy có phần bướng bỉnh và ương ngạnh:
+ Sự ương ngạnh của bé Thu thể hiện ở việc dứt khoát không chịu nhận ông Sáu là cha: Hốt hoảng, mặt tái đi, rồi vụt chạy và kêu thét lên khi mới gặp ông Sáu, chỉ gọi trống không với ông Sáu mà không chịu gọi “ba”, nhất định không chịu nhờ ông chắt giúp nước cơm. Hắt miếng trứng cá mà ông Sáu gắp cho khiến cho cơm tung toé khắp mâm. Cuối cùng, khi bị cha tức giận đánh cho một cái thì bỏ sang nhà bà ngoại. Khi xuống thuyền còn cố ý khua dây cột xuồng kêu rộn ràng thật to. Đang nằm cũng giẫy lên khi bà ngoại hỏi “Ba con, sao con không nhận?”
+ Sự ương ngạnh của bé Thu không hề đáng trách mà còn có phần đáng yêu. Trong hoàn cảnh xa cách của chiến tranh, nó còn quá nhỏ để có thể hiểu được những tình thế khắc nghiệt, éo le của đời sống và người lớn cũng không ai kịp chuẩn bị cho nó đón nhận những khả năng bất thường, nên nó không tin ông Sáu là ba nó chỉ vì trên mặt ông có thêm vết thẹo, khác với tấm ảnh người ba chụp chung với má mà nó được biết.
+ Phản ứng tâm lý của bé Thu là hoàn toàn tự nhiên, chứng tỏ một cá tính mạnh mẽ, một tình yêu sâu sắc, chân thật và đầy kiêu hãnh dành cho người cha.
- Tình cảm mãnh liệt mà bé Thu dành cho người cha trước lúc lên đường nó kêu lên một tiếng như xé “ba” rồi chạy xô tới “dang hai tay ôm lấy cổ ba nó, rồi nó hôn ba nó, hôn cả cái vết thẹo, hai tay nó siết chặt lấy cổ, chắc nó nghĩ hai tay chưa đủ nó dang cả hai chân ôm chặt lấy ba nó, đôi vai nhỏ bé của nó run run’’.
- Hình ảnh bé Thu và tình yêu cha sâu sắc của Thu đã gây xúc động mạnh trong lòng người đọc, để lại những ấn tượng sâu sắc.
b/ Về tình cảm cha con trong chiến tranh.
- Tình cảm cha con trong chiến tranh có những xa cách, trắc trở nhưng rất thiêng liêng và sâu sắc.
- Người đọc thật xúc động về tình cảm của họ nhưng không khỏi có những trăn trở, suy ngẫm.
2. Cách cho điểm:
- Điểm 5:
+ Có đủ kết cấu 3 phần, nội dung đầy đủ, sâu sắc, có những phát hiện và xử lí vấn đề một cách hợp lí.
+ Lập luận chặt chẽ, dẫn chứng chính xác, văn viết mạch lạc, có cảm xúc, châm trước một vài lỗi chính tả.
+ Bài viết khoa học, sạch đẹp.
Điểm 4: 
+ Có đủ kết cấu 3 phần, nội dung đầy đủ, sâu sắc. Có thể có một vài sai sót nhỏ nhưng không làm ảnh hưởng tới bài viết, không làm sai lệch ý người viết.
Điểm 3: 
+ Đảm bảo 2/3 nội dung trên, diễn đạt chưa được trôi chảy.
Điểm 2: 
+ Trình bày còn thiếu ý, diễn đạt lủng củng, thiếu logic, mắc nhiều lỗi chính tả.
Điểm 1: Trường hợp còn lại.
..Hết..
Người ra đề
( Kí, ghi rõ họ tên)
Người duyệt đề
( Kí, ghi rõ họ tên)
Xác nhận của nhà trường
( Kí tên, đóng dấu)

File đính kèm:

  • docĐề thi chất lượng kì I. Môn Văn 9.doc