Đề kiểm tra chất lượng ôn thi đại học lần 1 năm học 2013-2014 môn: ngữ văn - khối c

doc6 trang | Chia sẻ: haohao | Lượt xem: 1195 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đề kiểm tra chất lượng ôn thi đại học lần 1 năm học 2013-2014 môn: ngữ văn - khối c, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
SỞ GD & ĐT VĨNH PHÚC

ĐỀ KTCL ÔN THI ĐẠI HỌC LẦN 1 NĂM HỌC 2013-2014
Môn: NGỮ VĂN - KHỐI C
 
Thời gian làm bài: 180 phút, không kể thời gian phát đề

I. PHẦN CHUNG CHO TẤT CẢ THÍ SINH (5,0 điểm)
Câu 1. (2,0 điểm) 
Trong bài kí Ai đã đặt tên cho dòng sông? của Hoàng Phủ Ngọc Tường, tên gọi sông Hương được lí giải như thế nào? Trình bày ý nghĩa của cách lí giải đó.
Câu 2. (3,0 điểm)
	Điều gì phải thì cố làm cho kì được, dù là điều phải nhỏ. Điều gì trái thì hết sức tránh, dù là điều trái nhỏ.
	Viết bài văn (khoảng 600 từ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

II. PHẦN RIÊNG (5,0 điểm)
Thí sinh chỉ được làm một trong hai câu ( Câu 3.a hoặc Câu 3.b)
Câu 3.a. Theo chương trình Chuẩn (5,0 điểm)
	Nói về đoạn đời của Chí Phèo sau đêm gặp thị Nở, nhà nghiên cứu văn học Chu Văn Sơn cho rằng: Tuy chỉ có năm ngày ngắn ngủi, nhưng nó thật sự là một quãng đời khác: Chí được sống rồi chết như một con người.
	(Chu Văn Sơn- Bình giảng tác phẩm văn học 11, Nxb Giáo dục, 1999).
	Từ cảm nhận của anh/chị về nhân vật Chí Phèo trong truyện ngắn cùng tên của Nam Cao, hãy làm sáng tỏ ý kiến trên.
Câu 3.b. Theo chương trình Nâng cao (5,0 điểm)
	Về bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh, có ý kiến cho rằng: Bài thơ thể hiện quan niệm rất mới mẻ, hiện đại của Xuân Quỳnh về tình yêu. Lại có ý kiến khác cho rằng: Bài thơ thể hiện quan niệm về tình yêu mang tính truyền thống.
	Từ cảm nhận về bài thơ, anh/chị hãy bình luận những ý kiến trên.
---------- Hết ----------
Thí sinh không được sử dụng tài liệu. Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm.

Họ và tên thí sinh: .............................................; Số báo danh: ...................................






SỞ GD -ĐT VĨNH PHÚC
ĐÁP ÁN KTCL ÔN THI ĐẠI HỌC LẦN 1 NĂM 2013-2014
Môn: NGỮ VĂN - KHỐI C

(Đáp án có 05 trang)
 
 I. Hướng dẫn chung
- Giám khảo cần nắm vững yêu cầu của Hướng dẫn chấm để đánh giá tổng quát bài làm của thí sinh, tránh cách chấm đếm ý cho điểm.
	- Do đặc trưng của bộ môn Ngữ văn nên giám khảo cần chủ động, linh hoạt trong việc vận dụng đáp án và thang điểm; khuyến khích những bài viết có tư duy khoa học, lập luận sắc sảo, có khả năng cảm thụ văn học và tính sáng tạo cao.
	- Sau khi chấm xong, điểm toàn bài làm tròn đến 0,25 điểm
 II. Đáp án và thang điểm

Câu
Ý
Nội dung
Điểm
1

Trong bài kí Ai đã đặt tên cho dòng sông? của Hoàng Phủ Ngọc Tường, tên gọi sông Hương được lí giải như thế nào? Trình bày ý nghĩa của cách lí giải đó.
2,0

1.
Lí giải tên gọi sông Hương (0,5 điểm)



 Trong bài kí, tên gọi sông Hương được lí giải bằng một huyền thoại: Người làng Thành Trung có nghề trồng rau thơm. Vì yêu quý con sông xinh đẹp, nhân dân hai bờ sông Hương đã nấu nước của trăm loài hoa đổ xuống dòng sông cho làn nước thơm tho mãi mãi.

0,5

2.
Ý nghĩa của cách lí giải (1,5 điểm)



- Việc lí giải tên gọi sông Hương bằng một huyền thoại giúp người đọc hiểu nguồn gốc tên gọi con sông, tạo chất thơ ngọt ngào, say đắm, bâng khuâng cho bài kí, thể hiện cái tôi của Hoàng Phủ Ngọc Tường: lịch lãm, tài hoa, uyên bác; đồng thời tạo sự hô ứng trong kết cấu bài kí.
- Cách lí giải ấy tăng thêm vẻ đẹp thơ mộng, trữ tình của sông Hương. Con sông không chỉ đẹp ở tên gọi dịu dàng mà còn đẹp ở chiều sâu văn hóa, tâm hồn, cảnh sắc và hương vị Huế. 
- Việc lí giải tên gọi sông Hương còn ca ngợi đời sống tâm hồn và công lao của nhân dân với mảnh đất quê hương.

0,5




0,5


0,5
2

Điều gì phải thì cố làm cho kì được, dù là điều phải nhỏ. Điều gì trái thì hết sức tránh, dù là điều trái nhỏ.
Viết bài văn trình bày suy nghĩ về lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
3,0

1.
Giải thích (1,0 điểm)



- Điều phải là những điều đúng, điều tốt, hợp với lẽ phải, hợp với qui luật, chuẩn mực xã hội, có ích lợi cho bản thân, gia đình, xã hội, Tổ quốc và nhân loại. Điều phải nhỏ là những điều đúng, điều tốt,... đem lại lợi ích không đáng kể mà nhiều khi con người thường không để ý, quan tâm.
- Điều trái là những điều sai trái, đi ngược lại với quy luật, chuẩn mực xã hội và gây ra hậu quả xấu cho bản thân, gia đình, xã hội, Tổ quốc, nhân loại. Điều trái nhỏ là những điều sai trái tưởng như không đáng kể, không đáng quan tâm trong đời sống xã hội và con người nhưng lại có tác hại khôn lường.
 Ý chung: Câu nói đề cập đến thái độ của con người trước những điều đúng, sai, phải, trái, tốt, xấu trong cuộc sống. Đối với điều phải, dù nhỏ, ta cũng phải cố làm cho kì được, tuyệt đối không được coi thường những điều nhỏ. Đối với điều trái, dù nhỏ, cũng phải hết sức tránh và tuyệt đối không được làm.
0,25





0,25





0,5

2.
Bình luận (1,0 điểm)



- Đối với điều phải, ta phải cố làm cho được, vì việc làm phản ánh đạo đức con người. Khi ta làm những việc phải, dù nhỏ nhất cũng thể hiện lương tâm, ý thức trách nhiệm, sự cố gắng, nỗ lực bền bỉ không ngừng của bản thân vì cuộc sống tốt đẹp của mình và mọi người. Hơn nữa, nhiều việc nhỏ hợp lại sẽ thành việc lớn. Sự cố gắng hết sức để thực hiện những điều phải nhỏ sẽ góp phần hình thành nhân cách, phẩm giá cao đẹp của con người.
- Đối với điều trái, ta phải hết sức tránh, vì những điều trái, dù nhỏ nhất đều có hại cho bản thân và mọi người; làm nhiều việc trái là vô lương tâm, vô trách nhiệm. Hơn nữa, làm nhiều điều trái, điều xấu sẽ trở thành thói quen, dần dần sẽ bị tha hóa về đạo đức và nhân phẩm.

0,5






0,5

3.
Mở rộng, nâng cao vấn đề (0,5 điểm)



- Lời căn dặn được đúc rút từ chính cuộc đời và sự trải nghiệm của Bác. Cách nói giản dị mà mang ý nghĩa triết lí sâu sắc, có tính định hướng trong nhận thức và hành động của mỗi người.
- Trong cuộc sống, có những người không đủ kiên nhẫn để làm những việc phải nhỏ vì cho rằng đó là việc tầm thường, không có ý nghĩa. Lại có những người cho rằng việc trái nhỏ là không đáng kể nên vẫn làm. Đó đều là những biểu hiện đáng chê trách, phê phán.
0,25



0,25

4.
Bài học nhận thức và hành động (0,5 điểm)



- Mỗi người cần nhận thức đúng đắn về ý nghĩa cao đẹp của những việc làm đúng, dù đó là việc nhỏ, cũng như tác hại khôn lường của những việc làm sai trái, dù nhỏ nhặt, bình thường.
- Cần có những hành động thiết thực trong cuộc sống để thực hiện những việc làm đúng, ngăn chặn những việc làm sai trái, có hại cho bản thân và xã hội.
0,25



0,25


3.a


 Nói về đoạn đời của Chí Phèo sau đêm gặp thị Nở, nhà nghiên cứu văn học Chu Văn Sơn cho rằng: Tuy chỉ có năm ngày ngắn ngủi, nhưng nó thật sự là một quãng đời khác: Chí được sống rồi chết như một con người.
	Từ cảm nhận về nhân vật Chí Phèo trong truyện ngắn cùng tên của Nam Cao, hãy làm sáng tỏ ý kiến trên.

5,0

1.
Vài nét về tác giả, tác phẩm (0,5 điểm)



- Nam Cao là một nhà nhân đạo lớn, một ngòi bút hiện thực xuất sắc, một bậc thầy về nghệ thuật truyện ngắn; các tác phẩm của ông mang ý nghĩa triết lí nhân sinh sâu sắc.
- Chí Phèo (1941) là đỉnh cao trong sự nghiệp của Nam Cao. Qua tác phẩm, nhà văn không chỉ thể hiện sâu sắc bi kịch tha hóa của người nông dân mà còn thể hiện xúc động quá trình thức tỉnh về nhân phẩm và quyền sống của họ.



0,5


2.
Giải thích ý kiến (0,5 điểm)



- Tuy chỉ có năm ngày ngắn ngủi là nhận xét về mối tình giữa Chí Phèo với thị Nở diễn ra trong một thời gian ngắn so với quãng đời dằng dặc bóng tối, tội ác mà Chí Phèo đã sống.
- Nhưng nó thật sự là một quãng đời khác là đánh giá về ý nghĩa của mối tình Chí Phèo với thị Nở. Mặc dù, mối tình ấy diễn ra trong một thời gian ngắn, nhưng chính tình yêu thương mộc mạc, chân thành của người đàn bà khốn khổ đã giúp Chí Phèo thức tỉnh, được sống với những cảm xúc nhân tính và chết như một con người có ý thức về nhân phẩm, giá trị, quyền sống, quyền làm người.

0,25


0,25

3.
Cảm nhận về nhân vật Chí Phèo để làm sáng tỏ ý kiến (3,5 điểm)



- Trước khi gặp thị Nở: Chí Phèo là người nông dân hiền lành, lương thiện nhưng đã bị tha hóa trở thành quỷ dữ, sống triền miên trong bóng tối, tội ác.
- Ý nghĩa mối tình giữa Chí Phèo với thị Nở: 
+ Chí Phèo được sống như một con người: Chí Phèo nhận ra những âm thanh quen thuộc của cuộc sống thường nhật; nhớ lại quá khứ, suy nghĩ về hiện tại và lo lắng cho tương lai. Được thị Nở chăm sóc, Chí Phèo khao khát hạnh phúc gia đình, khao khát được hoàn lương.
+ Chí Phèo được chết như một con người: Bị thị Nở cự tuyệt, Chí Phèo hiểu ra nguyên nhân sâu xa dẫn đến bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người. Chí nhận ra kẻ thù thực sự của đời mình, dõng dạc đòi quyền sống, kết liễu kẻ thù và tự sát vì bản tính lương thiện trong con người đã trở lại và Chí không thể tiếp tục sống cuộc đời thú vật như trước đây. 

0,5





1,5



1,5



4.
Đánh giá (0,5 điểm)



 - Diễn tả quá trình thức tỉnh của Chí Phèo, Nam Cao đã đi sâu vào thế giới tâm hồn nhân vật với những diễn biến tinh tế, phong phú. Ngôn ngữ đa thanh, đa giọng điệu, chi tiết giàu kịch tính.
- Xây dựng chi tiết mối tình Chí Phèo, thị Nở, Nam Cao thể hiện lòng yêu thương trân trọng con người và niềm tin vào bản chất tốt đẹp của người nông dân Việt Nam.
0,25


0,25

3.b

Về bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh, có ý kiến cho rằng: Bài thơ thể hiện quan niệm rất mới mẻ, hiện đại của Xuân Quỳnh về tình yêu. Lại có ý kiến khác cho rằng: Bài thơ thể hiện quan niệm về tình yêu mang tính truyền thống.
 Từ cảm nhận về bài thơ, hãy bình luận những ý kiến trên.

5,0

1.
Vài nét về tác giả, tác phẩm (0,5 điểm)



- Xuân Quỳnh (1942 – 1988) là một trong những gương mặt tiêu biểu của thế hệ thơ trẻ thời chống Mĩ cứu nước. Thơ Xuân Quỳnh in đậm vẻ đẹp nữ tính, thể hiện vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ nhiều trắc ẩn, vừa hồn nhiên, tươi tắn, vừa chân thành, đắm thắm và luôn da diết trong khát vọng về hạnh phúc đời thường.
- Sóng được sáng tác năm 1967 trong chuyến đi thực tế ở vùng biển Diêm Điền, là bài thơ đặc sắc viết về tình yêu, rất tiêu biểu cho phong cách thơ Xuân Quỳnh. Bài thơ in trong tập Hoa dọc chiến hào (1968).




0,5

2.
Giải thích ý kiến (0,5 điểm)



- Quan niệm mới mẻ, hiện đại là quan niệm ngày nay, quan niệm của những người có đời sống văn hóa, tinh thần tự do, dân chủ và không bị ràng buộc ý thức hệ tư tưởng phong kiến.
- Quan niệm truyền thống là quan niệm có từ xưa, được bảo tồn trong cuộc sống hiện đại, trở thành nét đặc trưng về tư tưởng, văn hóa của một cộng đồng dân tộc.

0,25


0,25


3.
Cảm nhận về bài thơ và bình luận hai ý kiến (4,0 điểm)



* Cảm nhận về bài thơ (3,0 điểm)



- Quan niệm mới mẻ, hiện đại của Xuân Quỳnh về tình yêu 
+ Tình yêu là trạng thái tâm lí phong phú, đa dạng, luôn chứa đựng những biến động thao thức, bất thường; vừa nồng nàn, táo bạo, tha thiết; vừa tỉnh táo, đắm say.
+ Trong tình yêu, người phụ nữ không cam chịu, nhẫn nhục mà luôn chủ động, khao khát kiếm tìm một tình yêu mãnh liệt, đồng cảm, bao dung; dám sống hết mình cho tình yêu, hòa nhập tình yêu cá nhân vào tình yêu rộng lớn của cuộc đời.
- Quan niệm mang tính truyền thống 
+ Tình yêu gắn liền với nỗi nhớ khi xa cách. 
+ Tình yêu gắn liền với lòng chung thủy và khát vọng về một mái ấm gia đình hạnh phúc.
- Nghệ thuật 
+ Bài thơ có âm hưởng vừa dạt dào sôi nổi vừa êm dịu, lắng sâu. Kết cấu song trùng hai hình tượng sóng và em giúp người phụ nữ biểu hiện vẻ đẹp tâm hồn và những quan niệm về tình yêu vừa mới mẻ, hiện đại, vừa sâu sắc mang tính truyền thống.
+ Ngôn ngữ giản dị, trong sáng, cách ngắt nhịp linh hoạt, nghệ thuật so sánh, nhân hóa, ẩn dụ được sử dụng sáng tạo, tài hoa.



0,5



1,0



0,5
0,5



0,25



0,25


* Bình luận hai ý kiến (1,0 điểm)



- Cả hai ý kiến đều đúng. Bài thơ Sóng thể hiện rất rõ những quan niệm mang tính mới mẻ, hiện đại, thậm chí táo bạo, chân thực, nồng nàn, đắm say, mãnh liệt của Xuân Quỳnh về tình yêu. Nhưng mặt khác, quan niệm về tình yêu của Xuân Quỳnh có gốc rễ sâu xa trong tâm thức dân tộc. Vì thế thơ Xuân Quỳnh nói chung và bài thơ Sóng tạo được sự đồng điệu tâm hồn của nhiều thế hệ độc giả.
- Hai ý kiến không đối lập mà bổ sung cho nhau, giúp người đọc cảm nhận thi phẩm ở cả bề mặt lẫn chiều sâu và có những phát hiện thú vị trong mĩ cảm.

0,5





0,5

-----------------Hết-------------------

File đính kèm:

  • docDe DA VanC1VP2014.doc