Đề kiểm tra chất lượng ôn thi đại học lần I năm học 2013-2014 môn: ngữ văn – khối d

doc5 trang | Chia sẻ: haohao | Lượt xem: 1431 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đề kiểm tra chất lượng ôn thi đại học lần I năm học 2013-2014 môn: ngữ văn – khối d, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
SỞ GD&ĐT VĨNH PHÚC


ĐỀ KTCL ÔN THI ĐẠI HỌC LẦN I NĂM HỌC 2013-2014
Môn: NGỮ VĂN – KHỐI D
Thời gian làm bài: 180 phút, không kể thời gian phát đề

I. PHẦN CHUNG CHO TẤT CẢ THÍ SINH (5,0 điểm)
Câu 1. (2,0 điểm)
Trong Hạnh phúc của một tang gia (trích Số đỏ - Vũ Trọng Phụng), ở cảnh hạ huyệt, ông Phán mọc sừng đã có những cử chỉ, hành động nào? Ý nghĩa của những cử chỉ, hành động đó.
Câu 2. (3,0 điểm)
 Ngạn ngữ có câu: Cuộc đời ngắn ngủi không cho phép ta ước vọng quá nhiều. Nhà văn Nga M. Pris-vin lại cho rằng: Phải ước mơ nhiều hơn nữa, phải thiết tha hơn nữa để biến tương lai thành hiện tại. 
 Viết một bài văn (khoảng 600 từ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về những quan niệm trên. 

II. PHẦN RIÊNG (5,0 điểm)
Thí sinh chỉ được làm một trong hai câu (câu 3.a hoặc câu 3.b)
Câu 3.a. Theo chương trình Chuẩn (5,0 điểm)
	Về nhân vật Liên trong truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam, có ý kiến cho rằng: Nét nổi bật ở Liên là sự hồn nhiên, ngây thơ và trong trẻo. Ý kiến khác lại nhấn mạnh: Liên chín chắn và điềm đạm, có tâm hồn phong phú và nhân hậu.
	Từ cảm nhận về nhân vật Liên, anh/chị hãy bình luận những ý kiến trên.
Câu 3.b. Theo chương trình Nâng cao (5,0 điểm)
	Bàn về đặc điểm cái tôi trong bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh, có ý kiến cho rằng: Đó là cái tôi có khát vọng sống, khát vọng yêu chân thành mãnh liệt. Lại có ý kiến khẳng định: Bài thơ đã thể hiện một cái tôi nhạy cảm, day dứt về giới hạn của tình yêu và sự hữu hạn của kiếp người.
	Từ cảm nhận về cái tôi trong bài thơ, anh/chị hãy bình luận những ý kiến trên.
	
--------- Hết ---------

Thí sinh không được sử dụng tài liệu. Cán bộ coi thi không được giải thích gì thêm.

Họ và tên thí sinh....................................................; SBD .............................................


SỞ GD&ĐT VĨNH PHÚC
(Đáp án có 04 trang)


ĐÁP ÁN KTCL ÔN THI ĐẠI HỌC LẦN I NĂM HỌC 2013-2014
Môn: NGỮ VĂN – KHỐI D

I. Hướng dẫn chung
- Giám khảo cần nắm vững yêu cầu của Hướng dẫn chấm để đánh giá tổng quát bài làm của thí sinh, tránh cách chấm đếm ý cho điểm.
	- Do đặc trưng của bộ môn Ngữ văn nên giám khảo cần chủ động, linh hoạt trong việc vận dụng đáp án và thang điểm; khuyến khích những bài viết có tư duy khoa học, lập luận sắc sảo, có khả năng cảm thụ văn học và tính sáng tạo cao.
	- Sau khi chấm xong, điểm toàn bài làm tròn đến 0,25 điểm.
II.Đáp án và thang điểm
 
Câu
Ý
 Nội dung trình bày
Điểm

1

 Trong Hạnh phúc của một tang gia (trích Số đỏ - Vũ Trọng Phụng), ở cảnh hạ huyệt, ông Phán mọc sừng đã có những cử chỉ, hành động nào? Ý nghĩa của những cử chỉ, hành động đó.

2,0 

1. 
Cử chỉ, hành động của ông Phán mọc sừng (0,75 điểm)



+ Khóc to Hứt!...Hứt!...Hứt!..., khóc quá, muốn lặng đi, may có Xuân đỡ cho khỏi ngã.
+ Dưới cái khăn trắng to tướng, cái áo thụng trắng loè xoè, ông Phán cứ oặt người đi, khóc mãi không thôi.
+ Dúi vào tay Xuân Tóc Đỏ một cái giấy bạc năm đồng gấp tư.
0,25

0,25

0,25

2.
Ý nghĩa (1,25 điểm)



- Ông Phán đang cố gắng cho thiên hạ thấy mình là đứa cháu chí hiếu, đau đớn trước cái chết của cụ cố tổ. Đồng thời nhanh chóng trả công cho Xuân- kẻ đã gây nên cái chết kia. Điều này cho thấy bản chất giả nhân giả nghĩa, hám của và cạn tình người của nhân vật Phán mọc sừng.
- Thể hiện thái độ mỉa mai, phê phán của Vũ Trọng Phụng với xã hội thượng lưu giả tạo.
- Đây là những chi tiết nghệ thuật đắt giá thể hiện sự sắc sảo của một ngòi bút trào phúng bậc thầy.
0,5



0,5

0,25

2

Ngạn ngữ có câu: Cuộc đời ngắn ngủi không cho phép ta ước vọng quá nhiều. Nhà văn Nga M. Pris-vin lại cho rằng: Phải ước mơ nhiều hơn nữa, phải thiết tha hơn nữa để biến tương lai thành hiện tại. Viết một bài văn (khoảng 600 từ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về những quan niệm trên.

3,0

1.
 Giải thích ý kiến (1,0 điểm)



- Ý kiến thứ nhất: 
+ Cuộc đời ngắn ngủi: Thời gian con người sống, tồn tại không dài.
+ Ước vọng: Mơ ước, mong muốn, khát vọng
+ Ước vọng quá nhiều: Ước mong quá lớn, quá cao xa, không thực hiện được sẽ dẫn đến bất hạnh.
 Ý cả câu: Vì cuộc đời con người ngắn ngủi nên mỗi người không đủ thời gian thực hiện nhiều mơ ước, mong muốn, nhất là những mơ ước, mong muốn xa rời thực tế. 
- Ý kiến thứ hai:
+Phải ước mơ nhiều hơn nữa, phải thiết tha hơn nữa : Cấu trúc tăng tiến, nhấn mạnh việc con người cần phải biết ước mơ, khát vọng.
+ Tương lai: Những điều chưa đến, con người đang mong chờ.
+ Hiện tại: Những cái đang diễn ra.
 Ý cả câu: Con người cần mơ ước nhiều hơn, khao khát mãnh liệt hơn để biến những điều mơ ước thành hiện thực.
- Hai ý kiến tuy trái ngược nhau song đều đưa ra những lời khuyên bổ ích, giúp con người có những định hướng đúng đắn trong cuộc sống vốn dĩ nhiều khó khăn và phức tạp.

0,25






0,25






0,5

2.
Bàn luận ý kiến (1,5 điểm)



- Nếu không biết mơ ước, không có những ước mơ cao xa, con người không thể vượt lên thực tại để thực hiện những điều tốt đẹp, kì diệu.
- Tuy nhiên, không phải cứ ước mơ thật nhiều, khát khao mãnh liệt thì tất cả đều trở thành hiện thực, vì có những ước mơ viễn vông, lãng mạn, xa rời thực tế khiến con người dễ bị rơi vào ảo tưởng, thất vọng.
- Do vậy, cần biết kết hợp giữa ước mơ và thực tại, phải theo đuổi ước mơ nhưng không được mơ ước viển vông. Trong xã hội, có những kẻ sống quá thực dụng, không dám mơ ước và những kẻ mơ tưởng hão huyền, tất cả đều đáng phê phán.
0,5

0,5


0,5

3.
Bài học nhận thức và hành động (0,5 điểm)



- Phải có những hành động tích cực để biến ước mơ thành hiện thực, phải nỗ lực hết mình để thành công.
- Luôn tự tin vào năng lực của bản thân để tránh những biểu hiện của tư tưởng an phận và mơ ước viển vông.
0,25

0,25
3.a

Cảm nhận về nhân vật Liên trong Hai đứa trẻ (Thạch Lam) và bình luận hai ý kiến (5,0 điểm)
5,0

1.
Vài nét về tác giả, tác phẩm (0,5 điểm)



 - Thạch Lam là nhà văn tiêu biểu của văn học Việt Nam giai đoạn 1930 -1945. Ông có sở trường viết những truyện không có chuyện, chủ yếu khai thác thế giới nội tâm nhân vật với những cảm xúc mong manh, mơ hồ. 
- Hai đứa trẻ (in trong tập Nắng trong vườn) là một trong những tác phẩm xuất sắc, đã xây dựng thành công nhân vật Liên.


0,5

2.
Giải thích ý kiến (0,5 điểm)



- Hồn nhiên, ngây thơ và trong trẻo: là biểu hiện của một tâm hồn còn thơ dại, trong sáng, vô tư trong cách nhìn, cách cảm nhận cuộc sống, cách thể hiện bản thân.
- Chín chắn và điềm đạm, có tâm hồn phong phú và nhân hậu: là những biểu hiện của một con người trưởng thành trong suy nghĩ và nhận thức, có trách nhiệm với việc làm của bản thân; có những cảm nhận tinh tế về con người, cuộc sống, biết rung động và biết yêu thương.
0,25


0,25

3.
 Cảm nhận về nhân vật Liên và bình luận hai ý kiến (4,0 điểm)



a. Cảm nhận về nhân vật Liên (3,0 điểm)



- Sự hồn nhiên, ngây thơ và trong trẻo (1,0 điểm)
+ Liên tin vào sự tồn tại của một thế giới cổ tích với con vịt, ông Thần Nông, dòng sông Ngân Hà, muốn được chơi đùa cùng đám trẻ con ngoài phố; thích thể hiện mình như một người đã trưởng thành (hãnh diện về chiếc xà tích và cái khoá, vì nó tỏ ra chị là người con gái lớn và đảm đang).
+ Bị thu hút bởi những gì khác lạ, ồn ào sôi động. Đây cũng là một trong những lí do khiến Liên rất háo hức với chuyến tàu đêm đi qua phố huyện, thế giới đó hoàn toàn khác với thế giới xung quanh Liên: âm thanh của nó mạnh mẽ và sôi động, ánh sáng rực rỡ và đa dạng, con người sang trọng và sung sướng.
- Chín chắn và điềm đạm, có tâm hồn phong phú và nhân hậu (1,5 điểm)
+ Chín chắn và điềm đạm: Có trách nhiệm với công việc mẹ giao; yêu thương em; có dáng tảo tần, chăm chỉ, chịu thương chịu khó của những cô gái thôn quê.
+ Tâm hồn phong phú: Nhạy cảm với thế giới xung quanh (cảm nhận được mùi riêng của đất quê hương, không khí buồn lặng của buổi chiều, cảm nhận đêm sao, hoa bàng rụng...); hoài niệm về quá khứ ngọt ngào, êm đềm, hạnh phúc và mơ ước, hi vọng vào tương lai.
+ Nhân hậu: không chỉ yêu thương em, Liên còn dành tình thương và sự cảm thông cho những người sống quanh mình: động lòng thương những đứa trẻ nhà nghèo, rót đầy hơn vào cút rượu của cụ Thi, cảm thông với mẹ con chị Tí, hàng phở bác Siêu, gia đình bác xẩm.
- Nghệ thuật thể hiện (0,5 điểm)
+ Liên vừa là một nhân vật trong truyện, vừa là người quan sát, lời của người kể chuyện nhiều khi hoà nhập làm một với cảm nhận của Liên, vì thế, đời sống tâm trạng của Liên được miêu tả sinh động, vẻ đẹp tâm hồn Liên được bộc lộ tự nhiên và tinh tế.
+ Liên vừa được đặt trong cuộc sống hiện tại, vừa được thể hiện trong sự hoài niệm về quá khứ, đối diện với những sự tương phản của hai miền không gian, hai thế giới từ đó làm nổi bật những nét đẹp khác nhau trong tâm hồn.

0,5




0,5



0,5


0,5



0,5




0,25



0,25


b. Bình luận hai ý kiến (1,0 điểm)



- Hai ý kiến đề cập đến những đặc điểm khác nhau của tâm hồn Liên. Ý kiến thứ nhất nhấn mạnh đến sự ngây thơ, trong trẻo, ý kiến thứ hai khẳng định sự chín chắn, điềm đạm, nét tinh tế nhạy cảm và nhân hậu.
- Hai ý kiến tuy khác nhau nhưng không đối lập mà bổ sung cho nhau, hợp thành sự nhìn nhận toàn diện và thống nhất về nhân vật; giúp người đọc có cái nhìn sâu sắc và thấu đáo hơn về vẻ đẹp tâm hồn Liên.
0,5



0,5
 3.b

Cảm nhận về cái tôi trong bài thơ Sóng (Xuân Quỳnh) và bình luận hai ý kiến .
5,0

1
Vài nét về tác giả, tác phẩm (0,5 điểm)



- Xuân Quỳnh là một trong những gương mặt tiêu biểu của thế hệ các nhà thơ trẻ thời chống Mĩ. Thơ Xuân Quỳnh là tiếng lòng của một tâm hồn phụ nữ nhiều trắc ẩn, vừa hồn nhiên tươi tắn vừa chân thành, đằm thắm và luôn da diết trong khát vọng về hạnh phúc đời thường.
- Sóng là bài thơ tình đặc sắc được Xuân Quỳnh sáng tác nhân chuyến đi thực tế về vùng biển Diêm Điền. 



0,5

2
Giải thích ý kiến (0,5 điểm)



- Cái tôi là cái bản ngã, là tâm trạng, cảm xúc, là thế giới tâm hồn riêng của nhà thơ trước hiện thực khách quan. Qua cái tôi, ta có thể thấy được những suy nghĩ, thái độ, tư tưởng... của nhà thơ trước cuộc đời.
- Khát vọng sống, khát vọng yêu chân thành mãnh liệt: là những mong muốn, khát khao trong cuộc sống và tình yêu được đẩy lên đến cao độ, nồng nàn.
- Cái tôi nhạy cảm, day dứt về giới hạn của tình yêu và sự hữu hạn của kiếp người: là cái tôi tinh tế trong cảm nhận, giàu trăn trở suy tư khi nhận ra sự ngắn ngủi của tình yêu và sự mong manh của đời người.




0,5

3.
Cảm nhận về cái tôi trong bài Sóng và bình luận hai ý kiến ( 4,0 điểm)



a. Cảm nhận về cái tôi trong bài Sóng (3,0 điểm)



- Cái tôi có khát vọng sống, khát vọng yêu chân thành mãnh liệt (1,5 điểm)
+ Cái tôi khát vọng được sống đúng với cá tính của mình, được thấu hiểu và được yêu thương nên đã dấn thân vào hành trình gian truân tìm kiếm hạnh phúc. Cái tôi còn khát vọng khám phá bản chất, nguồn gốc của tình yêu, để rồi nhận ra rằng tình yêu là bí ẩn, thiêng liêng và không thể nào lí giải.
+ Cái tôi mang nỗi nhớ nồng nàn da diết, nỗi nhớ ấy vượt qua mọi khoảng cách không gian, mọi giới hạn thời gian, không chỉ tồn tại trong ý thức mà còn len lỏi cả vào trong tiềm thức, xâm nhập cả vào những giấc mơ. 
+ Cái tôi khát vọng và tin tưởng tình yêu chung thuỷ sẽ vượt qua những biến động của cuộc sống, những thăng trầm của cuộc đời để đến được bến bờ hạnh phúc.
- Cái tôi nhạy cảm day dứt về giới hạn của tình yêu và sự hữu hạn của kiếp người (1,0 điểm)
+ Bằng sự chiêm nghiệm của một trái tim đa cảm và sự từng trải, nhà thơ đã sớm nhận ra nghịch lý: đời người là ngắn ngủi so với thời gian vô thuỷ vô chung; khát vọng tình yêu là khôn cùng mà kiếp sống của mỗi người là hữu hạn.
+ Cái tôi tìm cách hoá giải nghịch lý và nỗi day dứt ấy bằng khát vọng hoá thân vào sóng, hoà nhập vào biển lớn tình yêu để mãi mãi được yêu thương và dâng hiến, để tình yêu vượt qua sự hữu hạn của phận người.
- Nghệ thuật thể hiện (0,5 điểm)
+ Cái tôi trong Sóng được thể hiện bằng thể thơ ngũ ngôn với nhịp thơ linh hoạt, giọng điệu chân thành, da diết, riêng khổ 5 là khổ duy nhất trong bài gồm 6 câu thơ, như một sự phá cách để thể hiện một trái tim yêu tha thiết, nồng nàn.
+ Ngôn ngữ bình dị với thủ pháp nhân hoá, ẩn dụ, các cặp từ tương phản, đối lập, các điệp từ; cặp hình tượng sóng và em vừa sóng đôi, vừa bổ sung hoà quyện vào nhau cùng diễn tả vẻ đẹp tâm hồn của cái tôi thi sĩ.

0,5




0,5

0,5



0,5


0,5



0,25




0,25


b. Bình luận hai ý kiến (1,0 điểm)



- Hai ý kiến đề cập đến những đặc điểm khác nhau của cái tôi Xuân Quỳnh trong bài thơ Sóng. Ý kiến thứ nhất nhất mạnh đến khát vọng sống, khát vọng yêu, ý kiến thứ hai khẳng định sự nhạy cảm, nỗi day dứt của cái tôi về giới hạn tình yêu và sự hữu hạn của kiếp người.
- Hai ý kiến tuy khác nhau nhưng không đối lập mà bổ sung cho nhau, hợp thành sự nhìn nhận toàn diện về cái tôi của thi sĩ; giúp người đọc có cái nhìn sâu sắc và thấu đáo hơn về vẻ đẹp của tâm hồn người phụ nữ trong tình yêu.

0,5



0,5

………………………HẾT……………………..

File đính kèm:

  • docDe DA Van D1VP2014.doc