Đề kiểm tra cuối học kì I Tiếng việt Lớp 4,5 - Phòng GD&ĐT Lập Thạch

doc10 trang | Chia sẻ: thuongnguyen92 | Lượt xem: 340 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đề kiểm tra cuối học kì I Tiếng việt Lớp 4,5 - Phòng GD&ĐT Lập Thạch, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
 Phòng GD&ĐT lập thạch
 ------------o0o-------------
đề kiểm tra định kì cuối học kì I
Môn: Tiếng Việt Lớp 4
Bài: Đọc – Hiểu
Thời gian làm bài: 35 phút
A.Đọc thầm:
Cây âm nhạc
	Đầu mùa hè là những nốt nhạc xanh viết vào mây trắng ngổn ngang.
	Sang thu, trời cao ngất, chỉ còn thưa thớt những nốt nhạc màu vàng sẫm của nắng hè.
	Tiếc là những nốt nhạc ấy không viết vào khuông nhạc cho nên không một nhạc công nào, dù tài giỏi đến đâu, tấu nổi bản nhạc của thiên nhiên ấy, chỉ trừ những nhạc sĩ tài ba của mùa hè là những chú ve sầu râm ran trong tán lá xanh nồng nàn bằng những chiếc vĩ cầm vô hình.
Cây sấu là cây âm nhạc đó, với cái gốc có vè có bạnh và tán lá tròn um tùm óng biếc sau cơn mưa, mà mỗi quả sấu là một nốt nhạc rung rinh trong gió trong trời 
(Theo Băng Sơn)
B.Dựa vào nội dung bài đọc, khoanh tròn chữ cái trước câu trả lời đúng:
1.Tại sao tác giả lại gọi cây sấu là “cây âm nhạc”?
a.Vì cây sấu thổi xào xạc, vi vu rất hay.
b.Vì gỗ của cây làm đàn đánh rất hay.
c.Vì hình dáng của gốc cây, tán lá và quả giống như khoá nhạc và nốt nhạc.
2.Vì sao tác giả cho rằng “đầu mùa hè là những nốt nhạc xanh viết vào mây trắng ngổn ngang” ?
a.Vì đầu mùa hè, lá cây xanh um tùm.
b.Vì đầu mùa hè, quả sấu – những nốt nhạc – còn xanh.
c.Vì đầu mùa hè, cây sấu xanh nổi bật trên nền mây trắng.
3.Vì sao tác giả cho rằng “Sang thu, chỉ còn thưa thớt những nốt nhạc màu vàng sẫm của nắng hè” ?
a.Vì sang thu, quả sấu – những nốt nhạc - đã chuyển sang màu vàng sẫm.
b.Vì sang thu, lá sấu chuyển màu vàng sẫm.
c.Vì sang thu, cây sấu rụng bớt lá.
4.Vì sao tác giả cho rằng chỉ có nhạc sĩ ve sầu mới tấu nổi bản nhạc của thiên nhiên trên cây sấu?
a.Vì nhạc sĩ ve sầu rất tài giỏi, nổi tiếng.
b.Vì nhạc sĩ ve sầu có cây vĩ cầm vô hình.
c.Vì những nốt nhạc của cây sấu không viết vào khuông nhạc.
5.Từ nào sau đây có đủ ba bộ phận của tiếng?
 a.âm	b.nhạc	c.óng
6.Nhóm nào sau đây gồm toàn từ láy?
a.thưa thớt, rung rinh, nồng nàn, thiên nhiên.
b.thưa thớt, râm ran, nồng nàn, rung rinh.
c.vàng sẫm, thưa thớt, râm ran, nồng nàn.
7.Từ “thưa thớt” thuộc loại từ nào?
 a.Danh từ	b.Động từ	c.Tính từ
8.Câu “Mỗi quả sấu là một nốt nhạc rung rinh trong gió trong trời” thuộc kiểu câu nào?
 a.Câu kể	b.câu hỏi	c.câu khiến
 Phòng GD&ĐT lập thạch
 ------------o0o-------------
Hướng dẫn đánh giá, cho điểm
Môn: Tiếng Việt Lớp 4
Bài: Đọc – Hiểu
Câu
Đáp án
Điểm
1
 c
0.5
2
b
0.5
3
a
0.5
4
b
1
5
b
0.5
6
b
1
7
c
0.5
8
a
0.5
 Phòng GD&ĐT lập thạch
 ------------o0o-------------
đề kiểm tra định kì cuối học kì I
Môn: Tiếng Việt Lớp 4
Bài kiểm tra viết
Thời gian làm bài: 40 phút
I-Chính tả ( nghe – viết):
Ông trạng thả diều
Vào đời vua Trần Thái Tông, có một gia đình nghèo sinh được cậu con trai đặt tên là Nguyễn Hiền. Chú bé rất ham thả diều. Lúc còn bé, chú đã biết làm lấy diều để chơi.
Lên sáu tuổi, chú học ông thầy trong làng. Thầy phải kinh ngạc vì chú học đến đâu hiểu ngay đến đó và có trí nhớ lạ thường. Có hôm, chú thuộc hai mươi trang sách mà vẫn có thì giờ chơi diều.
(Theo Trinh Đường)
II-Tập làm văn:
 Tả một đồ chơi mà em yêu thích.
 --------------------------------
 Phòng GD&ĐT lập thạch
 ------------o0o-------------
Hướng dẫn đánh giá, cho điểm
Môn: Tiếng Việt Lớp 4
Bài kiểm tra viết
I.Chính tả: (5 điểm)
-Bài viết không mắc lỗi chính tả, chữ viết rõ ràng, trình bày đúng đoạn văn : 5 điểm.
-Mỗi lỗi chính tả trong bài viết (sai – lẫn phụ âm đầu hoặc vần, thanh; không viết hoa đúng qui định) trừ 0.5 điểm.
-Nếu chữ viết không rõ ràng, sai về độ cao, khoảng cách, kiểu chữ hoặc trình bày bẩn,  trừ 1 điểm toàn bài.
II.Tập làm văn: (5 điểm)
Đảm bảo các yêu cầu sau, được 5 điểm:
-Viết được bài văn miêu tả đồ vật đủ ba phần (mở bài, thân bài, kết bài) theo yêu cầu đã học ( độ dài bài viết khoảng 10 câu trở lên)
-Câu viết đúng ngữ pháp, dùng từ đúng, không mắc lỗi chính tả.
-chữ viết rõ ràng, trình bày sạch.
Tuỳ theo mức độ sai sót về ý, về lỗi diễn đạt và chữ viết có thể cho các mức điểm: 4.5 – 4 – 3.5 – 3 – 2.5 – 2 – 1.5 -1 - 0.5.
 Phòng GD&ĐT lập thạch
 ------------o0o-------------
đề kiểm tra định kì cuối học kì I
Môn: Tiếng Việt Lớp 5
Bài: Đọc – Hiểu
Thời gian làm bài: 35 phút
A.Đọc thầm:
Triền đề tuổi thơ
Tuổi thơ tôi với con đề sông Hồng gắn liền như hình với bóng, tựa hai người bạn thân thiết suốt ngày quấn quýt bên nhau. Từ lúc chập chững biết đi, mẹ đã dắt tôi men theo bờ cỏ chân đê. Con đê thân thuộc đã nâng bước, dìu dắt và tôi luyện cho những bước chân của tôi ngày một chắc chắn để tự tin lớn lên, tự tin bước vào đời. Chẳng riêng gì tôi, mà hầu hết những đứa nhỏ sinh ra ở trong làng đều coi con đê là bạn. Chúng cũng nô đùa, chơi trò đuổi bắt, chơi ô ăn quan trên đê mỗi khi bố mẹ vắng nhà ra đồng, ra bãi làm việc. Tuổi học trò, cứ sáng cắp sách tới trường, chiều về cả hội lại lùa tất cả trâu, bò lên đê cho chúng gặm cỏ và tha hồ vui chơi đợi khi hoàng hôn xuống trở về làng. Tôi nhớ nhất là những đêm Trung thu, người lớn trong làng tổ chức bày cỗ cho thiếu nhi trên mặt đê rất vui và không khí của lễ hội trẻ em kéo dài tưởng như bất tận.
Đời người ai cũng có nhiều đổi thay qua thời gian, song con đê vẫn gần như nguyên vẹn, vẫn sừng sững chở che bao bọc lấy dân làng tôi cũng như cả một vùng rộng lớn. Những trận lũ đỏ ngầu phù sa hung dữ, con đê lại gồng mình lên để không chỉ bảo vệ tính mạng con người, gia súc mà còn bảo vệ cả mùa màng 
(Theo Nguyễn Hoàng Đại)
B.Dựa vào nội dung bài đọc, khoanh tròn chữ cái cho câu trả lời đúng:
1.Hình ảnh nào ở làng quê gắn bó thân thiết với tác giả “như hình với bóng” ?
a.Con đê	b. Đêm trăng thanh gió mát	c.Đêm Trung thu
2.Tại sao các bạn nhỏ coi con đê là bạn?
a.Vì trên con đê này các bạn nhỏ đã nô đùa, đuổi bắt, chơi ô ăn quan, chăn trâu, nằm đếm sao trời, bày cỗ Trung thu.
b.Vì con đê đã ngăn nước lũ cho dân làng.
c.Vì ai vào làng cũng phải đi qua con đê.
3.Hình ảnh con đê được tác giả tả như thế nào?
a.Sừng sững chở che bao bọc lấy dân làng, phủ một màu xanh của cỏ mượt mà.
b.Quanh co uốn lượn theo sườn núi.
c.Tạo thành một đường viền như sợi chỉ mỏng mảnh quanh làng.
4.Tại sao tác giả cho rằng con đê “chở che, bao bọc lấy dân làng tôi cũng như cả một vùng rộng lớn” ?
a.Vì con đên đã nâng bước, dìu dắt, tôi luyện cho những bước chân của tác giả ngày một chắc chắn để tự tin lớn lên, tự tin bước vào đời.
b.Vì những đêm Tết Trung thu, người lớn trong làng tổ chức bày cỗ cho thiếu nhi trên mặt đê rất vui.
c.Vì trong những trận lũ lớn đỏ ngầu phù sa hung dữ, con đê đã bảo vệ tính mạng con người, gia súc, mùa màng.
5.Nội dung bài văn là gì?
a.Kể về sự đổi mới của quê hương.
b.Tả con đê và kể về những kỉ niệm gắn bó với con đê, gắn bó với quê hương.
c.Kể về những kỉ niệm những ngày đến trường.
6.Tác giả đã sử dụng biện pháp nghệ thuật gì trong câu văn sau “Những trận lũ đỏ ngầu phù sa hung dữ, con đê lại gồng mình lên để không chỉ bảo vệ tính mạng con người, gia súc mà còn bảo vệ cả mùa màng ”
a.Nhân hoá	b.So sánh	c.Cả hai ý trên.
7.Từ nào sau đây đồng nghĩa với từ tuổi thơ?
a.Trẻ em	b.Thời thơ ấu	c.Trẻ con
8.Từ nào trong câu văn ở câu 6 phải hiểu theo nghĩa chuyển?
a.Con người	b.Tính mạng	c.Gồng mình.
9.Từ chúng trong câu “Chúng nô đùa, chơi trò đuổi bắt, chơi ô ăn quan trên đê mỗi khi bố mẹ vắng nhà ra đồng, ra bãi làm việc” chỉ những ai?
a.Trẻ em trong làng	b.Tác giả	c.Trẻ em trong làng và tác giả
10.Câu “Con đê thân thuộc đã nâng bước, dìu dắt và tôi luyện cho những bước chân của tôi ngày một chắc chắn để tự tin lớn lên, tự tin bước vào đời” có mấy quan hệ từ?
a.Hai quan hệ từ	b.Ba quan hệ từ	c.Bốn quan hệ từ
------------------------------------
 Phòng GD&ĐT lập thạch
 ------------o0o-------------
Hướng dẫn đánh giá, cho điểm
Môn: Tiếng Việt Lớp 5
Bài: Đọc – Hiểu
Câu
Đáp án
Điểm
1
 a
0.5
2
a
0.5
3
a
0.5
4
c
0.5
5
b
0.5
6
a
0.5
7
b
0.5
8
c
0.5
9
a
0.5
10
b
0.5
 Phòng GD&ĐT lập thạch
 ------------o0o-------------
đề kiểm tra định kì cuối học kì I
Môn: Tiếng Việt Lớp 5
Bài kiểm tra viết
Thời gian làm bài: 40 phút
I.Chính tả:
Thầy thuốc như mẹ hiền
Hải Thượng Lãn Ông là một thầy thuốc giàu lòng nhân ái, không màng danh lợi.
Có lần, một người thuyền chài có đứa con bị bệnh đậu nặng, nhưng nhà nghèo, không có tiền chữa. Lãn Ông biết tin bèn đến thăm. Giữa mùa hè nóng nực cháu bé nằm trong chiếc thuyền nhỏ hẹp, người đầy mụn mủ, mùi hôi tanh bốc lên nồng nặc. Nhưng Lãn Ông vẫn không ngại khổ. Ông ân cần chăm sóc đứa bé suốt một tháng trời và chữa khỏi bệnh cho nó. Khi từ giã nhà thuyền chài, ông chẳng những không lấy tiền mà còn cho thêm gạo, củi.
(Theo Trần Phương Hạnh)
II.Tập làm văn:
Tả một người thân của em.
---------------------------------
 Phòng GD&ĐT lập thạch
 ------------o0o-------------
Hướng dẫn đánh giá, cho điểm
Môn: Tiếng Việt Lớp 5
Bài kiểm tra viết
I.Chính tả: (5 điểm)
-Bài viết không mắc lỗi chính tả, chữ viết rõ ràng, trình bày đúng đoạn văn : 5 điểm.
-Mỗi lỗi chính tả trong bài viết (sai – lẫn phụ âm đầu hoặc vần, thanh; không viết hoa đúng qui định) trừ 0.5 điểm.
-Nếu chữ viết không rõ ràng, sai về độ cao, khoảng cách, kiểu chữ hoặc trình bày bẩn,  trừ 1 điểm toàn bài.
II.Tập làm văn: (5 điểm)
Đảm bảo các yêu cầu sau, được 5 điểm:
-Viết được bài văn tả người đủ ba phần (mở bài, thân bài, kết bài) theo yêu cầu đã học ( độ dài bài viết khoảng 15 câu trở lên)
-Câu viết đúng ngữ pháp, dùng từ phù hợp , không mắc lỗi chính tả.
-chữ viết rõ ràng, trình bày sạch.
Tuỳ theo mức độ sai sót về ý, về lỗi diễn đạt và chữ viết có thể cho các mức điểm: 4.5 – 4 – 3.5 – 3 – 2.5 – 2 – 1.5 -1 - 0.5.

File đính kèm:

  • docktdk cuoi ki 1.doc