Đề kiểm tra học kỳ 2 môn văn khối 7

doc6 trang | Chia sẻ: haohao | Lượt xem: 2844 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đề kiểm tra học kỳ 2 môn văn khối 7, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Phòng Giáo dục Bảo Lộc

 ĐỀ KIỂM TRA HỌC KỲ II LỚP 7
Thời gian 90 phút (không kể thời gian giao đề)

Trắc nghiệm (4 điểm, 16 câu, mỗi câu trả lời đúng 0,25 điểm).
Trả lời các câu hỏi bằng cách khoanh tròn vào một chữ cái trước câu trả lời đúng.
1. Nhận xét nào sau đây không đúng với tục ngữ ?
	A. Là một thể loại văn học dân gian
	B. Là những câu nói ngắn gọn, ổn định, có nhịp điệu, hình ảnh
	C. Là kho tàng kinh nghiệm của nhân dân về mọi mặt
	D. Là những câu nói giãi bày đời sống tình cảm phong phú của nhân dân
2. Dòng nào dưới đây không phải là tục ngữ ?
	A. Người đẹp vì lụa, lúa tốt vì phân.
	B. Nuôi lợn ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng.
	C. Ếch ngồi đáy giếng. 
	D. Giấy rách phải giữ lấy lề.
3. Biện pháp nghệ thuật được sử dụng thành công nhất trong truyện ngắn “Sống chết mặc bay” là gì ?
	A. Tương phản
	B. Tăng cấp
	C. Tăng cấp và liệt kê
	D. Tương phản và tăng cấp 
4. Văn bản: “Đức tính giản dị của Bác Hồ” sử dụng phép lập luận gì ?
	A. Giải thích
	B. Chứng minh
	C. Giải thích và chứng minh 
D. Giải thích và bình luận
5. Trường hợp nào sau đây làm cho bài văn nghị luận không có tính thuyết phục cao?
A. Lý lẽ và dẫn chứng đã được thừa nhận
B. Lí lẽ và dẫn chứng chưa được thừa nhận 
C. Luận điểm tương đối rõ ràng, chính xác
	D. Lí lẽ và dẫn chứng phù hợp với luận điểm 
6. Câu tục ngữ: “Đói cho sạch, rách cho thơm” rút gọn thành phần nào ?
	A. Thành phần chủ ngữ 
	B. Thành phần vị ngữ
	C. Thành phần trạng ngữ
	D. Thành phần định ngữ
7. Câu nào dưới đây không phải câu đặc biệt ?
	A. Mùa xuân !
	B. Một hồi còi.
	C. Trời đang mưa. 
	D. Dòng sông quê anh.
8. Thế nào là câu chủ động ?
	A. Câu có chủ ngữ chỉ người, vật thực hiện một hành động, hướng vào người, vật khác. 
	B. Câu có chủ ngữ chỉ người, vật được hành động của một người khác hướng vào.
	C. Câu có thể rút gọn thành phần chủ ngữ.
	D. Câu có thể rút gọn thành phần vị ngữ.
* Đọc câu văn: “Cối xay tre nặng nề quay, từ ngàn đời nay, xay nắm thóc.” và trả lời các câu 9 và 10:
9. Trạng ngữ trong câu văn trên là:
	A. cối xay tre 
	B. nặng nề quay
	C. từ ngàn đời nay
	D. xay nắm thóc
10. Trạng ngữ trong câu trên thuộc loại nào ?
	A. Trạng ngữ chỉ thời gian
	B. Trạng ngữ chỉ phương tiện
	C. Trạng ngữ chỉ điều kiện
	D. Trạng ngữ chỉ mục đich
* Đọc câu văn “Tre là cánh tay của người nông dân” và trả lời câu hỏi 11, 12:
11. Vị ngữ của câu văn trên gồm từ “là” cộng với:
	A. một cụm danh từ 
	B. một cụm động từ
	C. một cụm tính từ
	D. một cụm chủ vị.
12. Mục đích của câu trần thuật trên là gì ?
	A. Giới thiệu
	B. Miêu tả
	C. Định nghĩa
	D. Đánh giá 
13. Câu “Dưới bóng tre của ngàn xưa, thấp thoáng mái chùa cổ kính.” thuộc câu gì ?
	A. Câu định nghĩa
	B. Câu miêu tả 
	C. Câu đánh giá
	D. Câu tồn tại
14. Từ “đã” trong cụm từ “đã từ lâu đời” là phó từ có ý nghĩa gì ?
	A. Chỉ quan hệ thời gian
	B. Chỉ sự tiếp diễn tương tự
	C. Chỉ mức độ
	D. Chỉ khả năng
15. Chèo là loại kịch hát múa dân gian kể chuyện diễn tích được phổ biến rộng rãi ở vùng Nam Bộ. Nhận xét này đúng hay sai ?
	A. Đúng B. Sai 
16. Điểm giống nhau giữa ca Huế và chèo là:
	A. Đều là những sinh hoạt văn hoá dân gian 
	B. Đều là loại hình sân khấu dân gian
	C. Đều có nguồn gốc từ nhạc dân gian và nhạc cung đình
	D. Đều biểu diễn về ban đêm trên thuyền

 Tự luận (6 điểm): Chọn một trong hai đề sau:
Đề 1. Truyện ngắn “Sống chết mặc bay” của Phạm Duy Tốn đã phản ánh cuộc sống khổ cực của người dân, đồng thời lên án thói vô trách nhiệm của bọn quan lại	phong kiến. Hãy chứng minh nhận định trên.
Đề 2. Nhân dân ta có câu: “Đói cho sạch, rách cho thơm”. Hãy làm rõ ý của người xưa qua câu tục ngữ này.

Phòng Giáo dục Bảo Lộc


HƯỚNG DẪN CHẤM 
Đề kiểm tra học kì 2 -Môn ngữ văn lớp 7 

Trắc nghiệm:(4 điểm, 16 câu, mỗi câu đúng được 0,25 điểm)
Câu
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
Đáp án
D
C
D
C
B
A
C
A
C
A
A
D
D
A
B
A

Tự luận (6 điểm)
Đề 1:
* Yêu cầu chung:
- Học sinh trình bày được bài nghị luận chứng minh. Nêu được luận điểm, đưa ra các luận cứ và lập luận chặt chẽ.
- Bố cục đủ 3 phần, rõ ràng, cân đối.
- Diễn đạt lưu loát, chính tả.
* Gợi ý dàn bài:
1. Mở bài (0,5 bài): 
	Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm. Giới thiệu được luận điểm cần chứng minh.
2. Thân bài (4 điểm) có các ý sau:
- Cuộc sống khổ cực của người dân, tình cảnh trong lúc hộ đê (thời gian, cảnh làm việc, vật chất và tinh thần của họ…); cảnh đê bị vỡ.
- Thái độ vô trách nhiệm của quan lại phong kiến: Khung cảnh nơi quan hộ đê đến làm việc. Cảnh sinh hoạt vui chơi giải trí, thái độ, cách cư xử khi có người báo tin đê sắp vỡ. Thái độ của quan hộ đê khi đê vỡ.
	(Học sinh đưa được các dẫn chứng để làm sáng tỏ các ý trên).
3. Kết bài (0,5 điểm): Ý nghĩa của truyện. Khẳng định luận điểm, suy nghĩ của bản thân.
* Hình thức (1 điểm):
+ Bài văn đảm bảo đúng yêu cầu thể loại văn chứng minh.
+ Bố cục đầy đủ 3 phần; hợp lý và chặt chẽ.
+ Không mắc các lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
Đề 2:
* Yêu cầu chung:
- Học sinh trình bày được bài nghị luận. Nêu được luận điểm, đưa ra các luận cứ và lập luận chặt chẽ.
- Bố cục đủ 3 phần, rõ ràng, cân đối.
- Diễn đạt lưu loát, chính tả.
* Gợi ý dàn bài:
a. Mở bài (0,5 điểm):
	Đạo lí của nhân dân ta thường được gửi gắm trong ca dao, tục ngữ. Có nhiều câu thể hiện quan niệm sống trong sáng, lành mạnh như câu: “Đói cho sạch, rách cho thơm.”
b. Thân bài (4 điểm):
	* Giải thích ý nghĩa câu tục ngữ:
- Người xưa mượn chuyện ăn và mặc là hai chuyện gần gũi, thiết thực nhất đối với con người để bày tỏ quan niệm sống trong sáng, lành mạnh như câu: “Đói cho sạch, rách cho thơm.”
+ Dù đói cũng phải ăn miếng ăn sạch sẽ; dù rách cũng phải giữ cho quần áo thơm tho (nghĩa đen).

+ Đói và rách tượng trưng cho cuộc sống nghèo nàn, vất vả. Trong hoàn cảnh đói rách khốn cùng, nhân cách dễ bị tha hoá. Bởi vậy, con người càng phải giữ gìn phẩm giá, đạo đức, bản chất lương thiện của mình (nghĩa bóng - có thể dùng dẫn chứng).
- Quan niệm sống tốt đẹp này đối lập với lối sống tha hoá mà nhân dân ta lên án: Bần cùng sinh đạo tặc hoặc Đói ăn vụng, túng làm càn.
+ Câu tục ngữ thể hiện quan niệm sống trong sạch, lương thiện của người lao động trong mọi hoàn cảnh. Đó cũng là sự tự khẳng định và đề cao phẩm giá người lao động.
c. Kết bài (0,5 điểm):
Quan niệm sống như câu tục ngữ đã nêu lên là một quan niệm sống đúng đắn, đẹp đẽ mà mỗi người phải học tập, kế thừa và phát huy để duy trì và bảo vệ đạo lí dân tộc.
* Hình thức (1 điểm):
- Bố cục chặt chẽ, đủ ba phần: mở bài, thân bài và kết bài.
- Diễn đạt mạch lạc, không sai lỗi chính tả.
- Câu văn giàu hình ảnh, cảm xúc.

NHÓM TUYỂN CHỌN, BIÊN TẬP, SỬA CHỮA:
1. Lê Thị Mỹ Hà
Viện CL&CT GD
2. Nguyễn Thuý Hồng
Viện CL&CT GD
3. Nguyễn Thị Hồng Vân
Viện CL&CT GD
4. Tạ Hồng Xoan
Trường THCS Phan Chu Trinh - Quận Ba Đình - Hà Nội


File đính kèm:

  • docDe kiem tra Ngu Van 7 so 5(1).doc
Đề thi liên quan