Đề kiểm tra học kỳ I -Năm học 2006 -2007 thành phố Thái Bình môn: ngữ văn lớp 6

doc4 trang | Chia sẻ: haohao | Lượt xem: 1313 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đề kiểm tra học kỳ I -Năm học 2006 -2007 thành phố Thái Bình môn: ngữ văn lớp 6, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
 
 Phòng giáo dục Đề kiểm tra học kỳ I -Năm học 2006 -2007
Thành phố Thái Bình Môn: Ngữ văn lớp 6
 ---------- Thời gian: 90 phút ( không kể giao đề)
 ---------------------------------------------

I. Trắc nghiệm ( 4 điểm)
Dựa vào văn bản "Thạch Sanh" đã được học trong chương trình Ngữ văn 6- tập một, em hãy suy nghĩ, chọn câu trả lời bằng cách ghi vào tờ giấy thi chữ cái A,B,C... trước mỗi phương án đúng (ví dụ: câu1- A, câu 2- B…).

Câu 1: Văn bản "Thạch Sanh" thuộc loại truyện:
A. Thần thoại B. Ngụ ngôn C. Cổ tích
Câu 2: Phương thức biểu đạt chính của văn bản?
 A. Tự sự B. Biểu cảm C. Miêu tả
Câu 3: Thạch Sanh là kiểu nhân vật nào?
 A. Người dũng sĩ B. Người có tài năng kỳ lạ C. Nhân vật thông minh
Câu 4: ý nghĩa mà câu chuỵện hướng đến là gì?
 A. Khẳng định giá trị chân chính của con người, thể hiện tình yêu thương đối với những con 
 người bất hạnh. 
B. Thể hiện mơ ước, niềm tin về đạo đức, công lý xã hội và lý tưởng nhân đạo, yêu chuộng 
 hoà bình của nhân dân lao động.
C. Ca ngợi tấm lòng ân nghĩa của những con người nhân hậu, lên án kẻ tham lam bội bạc. 
Câu 5: Từ " ấy" trong câu " Năm ấy đến lượt Lý Thông nộp mình" là:
 A. Chỉ từ B. Số từ C. Lượng từ
Câu 6: Chi tiết: niêu cơm thần kỳ của Thạch Sanh thể hiện ý nghĩa:
 A. Quan niệm và mơ ước, khát vọng của nhân dân về công lý.
 B. Tấm lòng nhân đạo, yêu chuộng hoà bình của nhân dân lao động.
 C. Cả A,B đúng.
Câu 7: Trong các câu văn sau, từ "ăn" ở câu nào được dùng theo nghĩa chuyển?
 A. Bấy giờ trong vùng có con chằn tinh có nhiều phép lạ, thường ăn thịt người.
 B. Chúng vào kho của nhà vua ăn trộm của cải mang tới giấu ở gốc đa để vu vạ cho Thạch 
 Sanh.
 C. Quân sĩ mười tám nước ăn mãi, ăn mãi nhưng niêu cơm bé xíu cứ ăn hết lại đầy.
Câu 8: " Huy động quân đội chuẩn bị chiến tranh" là nghĩa của từ nào?
 A. Động binh B. Động thủ C. Động thổ
II. Tự luận: ( 6 điểm) 
Trên đất nước Việt Nam, có biết bao trẻ thơ phải rơi vào cảnh sống bất hạnh do hậu quả thiên tai nghiệt ngã, nhưng đã biết vượt lên số phận, tiếp tục học tập, tu dưỡng, để vươn tới ước mơ cao đẹp của mình. Em hãy kể về một tấm gương như thế.

 --------------------------------------------------------------------------------------
 
 

 






 Phòng giáo dục Đề kiểm tra học kỳ I - Năm học 2006-2007
Thành phố Thái Bình Môn: Ngữ văn lớp 7
 ---------- Thời gian: 90 phút ( không kể giao đề)
 ---------------------------------------------

I. Trắc nghiệm( 3,5 điểm)
Đọc kỹ văn bản sau và trả lời câu hỏi bằng cách ghi vào tờ giấy thi chữ cái A,B,C... trước mỗi ý đúng ( ví dụ: câu 1- A, câu 2- B…):

"Khi đi trẻ, lúc về già
Giọng quê vẫn thế, tóc đà khác bao.
Trẻ con nhìn lạ không chào
Hỏi rằng: Khách ở chốn nào lại chơi?"
 ( Ngữ văn 7, tập một- NXBGD 2006)

Câu 1: Đây là bản dịch thơ của tác phẩm:
A. Tĩnh dạ tứ B. Phong Kiều dạ bạc C. Hồi hương ngẫu thư
Câu 2: Ai là tác giả bài thơ?
A. Lý Bạch B. Trương Kế C. Hạ Tri Chương
Câu 3: Trong phiên âm chữ Hán, thể thơ nào đã được tác giả sử dụng?
A. Lục bát B. Thất ngôn tứ tuyệt C. Thất ngôn bát cú
Câu 4: Phương thức biểu đạt chính của văn bản?
A. Biểu cảm, tự sự B. Biểu cảm, miêu tả C. Tự sự, miêu tả
Câu 5: Từ nào không đồng nghĩa với "li" trong văn bản?
A. Xa B. Rời C. Nhớ
Câu 6: Nghệ thuật nổi bật được sử dụng trong hai câu đầu của bài thơ là:
A. Thủ pháp đối B. Thành ngữ C. Chơi chữ
Câu 7: Chữ " khách" và câu hỏi kết thúc bài thơ diễn tả cảm xúc gì?
A. Lưu luyến, nhớ nhung B. Ngậm ngùi, chua chát C. Vui mừng, hồ hởi 
II. Tự luận ( 6,5 điểm)
Câu 1: ( 1,5 điểm) Em đã được học văn bản " Mẹ tôi" của nhà văn A-mi-xi ( trích tác phẩm " Những tấm lòng cao cả" ). Hãy lý giải: tại sao đây là một bức thư của người bố gửi cho con nhưng tác giả lại lấy nhan đề " Mẹ tôi".
Câu 2: ( 5 điểm) Hãy viết một văn bản bày tỏ những cảm xúc của mình trước vẻ đẹp tâm hồn nhà thơ Nguyễn Trãi được thể hiện trong " Bài ca Côn Sơn" - Ngữ văn 7 , tập một.
 
 ------------------------------------------------------------------------











 Phòng giáo dục Đề kiểm tra học kỳ I -Năm học 2006 -2007
Thành phố Thái Bình Môn: Ngữ văn lớp 8
 ---------- Thời gian: 90 phút ( không kể giao đề)
 ---------------------------------------------


I. Trắc nghiệm: ( 3 điểm)
 " Không! Cuộc đời chưa hẳn đã đáng buồn, hay vẫn đáng buồn nhưng lại đáng buồn theo một nghĩa khác. Tôi ở nhà Binh Tư về được một lúc lâu thì thấy những tiếng nhốn nháo ở bên nhà lão Hạc. Tôi mải mốt chạy sang. Mấy người hàng xóm đến trước tôi đang xôn xao ở trong nhà. Tôi xồng xộc chạy vào. Lão Hạc đang vật vã ở trên giường, đầu tóc rũ rượi, quần áo xộc xệch, hai mắt long sòng sọc. Lão tru tréo, bọt mép sùi ra, khắp người chốc chốc lại bị giật mạnh một cái, nảy lên. Lão vật vã đến hai giờ đồng hồ rồi mới chết. Cái chết thật là dữ dội. Chẳng ai hiểu lão chết vì bệnh gì mà đau đớn và bất thình lình như vậy. Chỉ có tôi với Binh Tư hiểu."
 ( Lão Hạc - Nam Cao- Ngữ văn 8, tập một- NXBGD 2006)
Em hãy đọc kỹ đoạn văn trên và trả lời các câu hỏi bằng cách ghi vào tờ giấy thi chữ cái A,B,C... trước mỗi ý trả lời đúng ( ví dụ: câu 1- A, câu 2- B…)
Câu 1: Phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn văn:
 A. Tự sự, miêu tả, lập luận C.Tự sự, miêu tả 
 B. Miêu tả, tự sự, biểu cảm D. Tự sự, biểu cảm 
Câu 2: Dòng nào không phải là nét nghệ thuật được nhà văn thể hiện trong đoạn trích?
 A. Nhịp điệu lời kể chậm rãi, những hình ảnh giàu chất biểu tượng. 
 B. Nhịp điệu lời văn gấp gáp, dồn dập. 
 C. Triết lý sâu sắc, tình huống truyện bất ngờ, hợp lý.
 D. Ngôn ngữ sinh động, ấn tượng, giàu chất tạo hình và sức gợi cảm. 
Câu 3:Vì sao, khi lão Hạc chết, ông giáo lại có suy nghĩ: cuộc đời đáng buồn theo một nghĩa khác?
 A. Lão Hạc không thể gặp lại con trai khi anh trở về.
 B. Lão chết trong cô đơn không người thân thích.
 C. Ông giáo sẽ không còn nơi để bầu bạn.
 D. Phải tìm đến cái chết- con đường nghiệt ngã nhất, người nông dân như lão Hạc mới có thể 
 giữ được nhân phẩm của mình trong xã hội đương thời.
Câu 4: Trong các từ sau, từ nào là thán từ ?
 A. Không B. Mải mốt C. Vật vã D. Thật là
Câu 5: Cái chết của lão Hạc nói lên ý nghĩa sâu sắc nào?
 A. Số phận bi thảm của người nông dân Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám.
 B. Khẳng định tâm hồn, phẩm chất cao đẹp của người nông dân trong bước đường cùng.
 C. Niềm tin của nhà văn về sức sống mãnh liệt của nhân phẩm người dân lao động.
 D. Cả 3 ý trên. 
Câu 6: Những từ đặc tả cái chết của lão Hạc:" rũ rượi", "xộc xệch", "long sòng sọc", "tru tréo" là:
 A. Từ tượng thanh. C. Từ tượng thanh, tượng hình.
 B. Từ tượng hình. D. Không phải các phương án trên.
II. Tự luận :(7 điểm)
Câu 1:( 2 điểm) 
 Bằng hiểu biết của mình về văn bản " Trong lòng mẹ" ( trích "Những ngày thơ ấu" - Nguyên Hồng), hãy thuyết minh về đặc điểm chính của thể hồi kí.
Câu 2: (5 điểm). Em hãy kể lại một cuộc chia tay cảm động mà mình đã trải qua hoặc được chứng kiến.
 --------------------------------------------------------------------------




 Phòng giáo dục Đề kiểm tra học kỳ I -Năm học 2006 -2007
Thành phố Thái Bình Môn: Ngữ văn lớp 9
 ---------- Thời gian: 120 phút ( không kể giao đề)
 ----------------------------------------------
I. Trắc nghiệm: ( 3 điểm) 
 Hãy đọc kỹ đoạn văn sau và trả lời các câu hỏi bằng cách ghi vào giấy thi chữ cái A,B,C... trước mỗi phương án đúng ( ví dụ: câu 1- A, câu 2- B…).
"... Nước mắt ông lão giàn ra, chảy ròng ròng trên hai má. Ông nói thủ thỉ:
- ừ đúng rồi, ủng hộ Cụ Hồ con nhỉ.
Mấy hôm nay ru rú ở xó nhà, những lúc buồn khổ quá chẳng biết nói cùng ai, ông lão lại thủ thỉ với con như vậy. Ông nói như để ngỏ lòng mình, như để mình lại minh oan cho mình nữa. 
Anh em đồng chí biết cho bố con ông.
Cụ Hồ trên đầu trên cổ xét soi cho bố con ông.
Cái lòng bố con ông là như thế đấy, có bao giờ dám đơn sai.Chết thì chết có bao giờ dám đơn sai. Mỗi lần nói ra được đôi câu như vậy nỗi khổ trong lòng ông cũng vợi đi được đôi phần."
 (Ngữ văn 9, tập một- NXBGD 2006)
Câu 1: Tác giả của đoạn văn là:
A. Nguyễn Quang Sáng B. Kim Lân C. Nguyễn Thành Long D. Lỗ Tấn
Câu 2: Đoạn trích nằm trong tác phẩm:
A. Chiếc lược ngà B. Làng C. Lặng lẽ Sa Pa D. Cả A,B,C sai
Câu 3: Tác phẩm được sáng tác vào năm:
 A. 1948 B. 1966 C. 1970 D. 1978
Câu 4: Phương thức biểu đạt chính của đoạn gần gũi với văn bản nào sau đây?
A. Phong cách Hồ Chí Minh C. Lặng lẽ Sa Pa
B. Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh D. Đồng chí 
Câu 5: Người kể chuyện trong đoạn văn trên?
A. Ông Hai B. Bà Hai C. Đứa con út ông Hai D. Người kể dấu mình
Câu 6: Ngôi kể đã được tác giả sử dụng?
A. Ngôi thứ nhất số ít C. Ngôi thứ ba số ít
B. Ngôi thứ nhất số nhiều D. Ngôi thứ ba số nhiều
Câu 7: Nét tâm trạng nào của nhân vật được diễn tả qua đoạn trích?
 A. Bàng hoàng, ngỡ ngàng C. Buồn khổ, đau đớn 
 B. Căm giận, phẫn uất D. Mong mỏi, nhớ nhung
Câu 8: Tâm trạng nhân vật đã được diễn tả qua các yếu tố:
 	A. Đối thoại, độc thoại nội tâm. C. Miêu tả ngoại hình, đối thoại, độc thoại. 
 	B. Đối thoại, độc thoại. D. Miêu tả ngoại hình, đối thoại, độc thoại nội tâm.
Câu 9: Diễn biến tâm lý của nhân vật trong đoạn trích đã làm nổi bật lên vẻ đẹp:
A. Lòng căm thù giặc sâu sắc. C. Lòng tự hào về làng quê.
B. Lòng thuỷ chung với cách mạng, kháng chiến. D.Tất cả các ý trên.
Câu 10: Trong đoạn văn, từ "ngỏ" được dùng theo:
A. Nghĩa gốc. C. Chuyển nghĩa theo phương thức ẩn dụ.
B. Mượn từ. D. Chuyển nghĩa theo phương thức hoán dụ.
Câu 11: Dựa theo cấu tạo và ý nghĩa, các từ "ru rú", "thủ thỉ" được xếp vào:
A. Từ phức; từ láy; từ tượng hình. C. Từ phức; từ ghép; từ tượng thanh, tượng hình.
B. Từ phức; từ láy; từ tượng thanh. D. Từ phức; từ láy; từ tượng thanh, tượng hình.
Câu 12: Từ nào không cùng trường từ vựng ( chỉ hoạt động của con người) với từ " xét soi "?
A. Minh oan B. Chết C. ủng hộ D. Nói
 II. Tự luận: ( 7 điểm)
Câu 1 (2 điểm): Bằng một văn bản thuyết minh ngắn (không quá một trang giấy), em hãy giới thiệu khái quát những nét đặc sắc trong tác phẩm " Truyện Kiều" của Nguyễn Du. 
Câu 2 ( 5 điểm): Từ những dòng hồi ức đầy xúc động của nhân vật trữ tình, bài thơ "Bếp lửa" của Bằng Việt đã làm hiện lên hình ảnh người bà tảo tần, giàu tình yêu thương và đức hy sinh.
 Hãy viết một văn bản nghị luận trình bày sự hiểu biết của em về vấn đề trên.

File đính kèm:

  • docDe thi van HK I.doc