Đề kiểm tra năng lực hội thi giáo viên dạy giỏi huyện châu thành lần thứ hai - Năm học 2012-2013
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đề kiểm tra năng lực hội thi giáo viên dạy giỏi huyện châu thành lần thứ hai - Năm học 2012-2013, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO HUYỆN CHÂU THÀNH Đề chính thức ĐỀ KIỂM TRA NĂNG LỰC Hội thi Giáo viên dạy giỏi Huyện Châu Thành Lần thứ hai - Năm học 2012-2013 Thời gian:150 phút (không kể phát đề) (Dành cho giáo viên Trung học cơ sở) Câu 1 (3 điểm) Để thực hiện nhiệm vụ năm học 2012-2013, anh (chị) phải làm gì? Câu 2 (2 điểm) Anh (chị) hãy nêu trách nhiệm của tổ chuyên môn trong việc đổi mới phương pháp dạy học? Hãy trình bày ngắn gọn về những ưu điểm và hạn chế của việc sinh hoạt chuyên môn tại nơi anh (chị) đang công tác. Đề xuất các giải pháp để khắc phục những hạn chế vừa nêu. Câu 3 (2,5 điểm) Anh (chị) hãy trình bày các bước xây dựng kế hoạch bài học theo phương pháp dạy học tích cực. Hãy xây dựng kế hoạch bài học cho 1 tiết trong chương trình giảng dạy của anh (chị). Câu 4 (2,5 điểm) Anh (chị) hiểu như thế nào về phương pháp dạy học truyền thống và phương pháp dạy học tích cực? Theo anh (chị) phải thực hiện phương pháp nào để nâng cao hiệu quả dạy học. Hãy nêu 5 đặc trưng của các phương pháp dạy học tích cực và những dấu hiệu về đổi mới phương pháp dạy học. Trình bày một số biện pháp cơ bản nhằm nâng cao hiệu quả dạy học. – Hết – HƯỚNG DẪN CHẤM Thi kiểm tra năng lực Hội thi Giáo viên dạy giỏi Huyện Châu Thành Lần thứ hai - Năm học 2012-2013 Trung học cơ sở Câu 1 (3 điểm) 1. Thực hiện nghiêm túc, linh hoạt, sáng tạo chương trình, kế hoạch giáo dục, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giáo dục. Thực hiện hướng dẫn dạy học các bộ môn trong trường THCS. Thực hiện nội dung dạy học Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý địa phương cấp THCS. Lồng ghép và tích hợp giáo dục đạo đức, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; giáo dục pháp luật; giáo dục phòng chống tham nhũng; sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; bảo vệ môi trường; đa dạng sinh học và bảo tồn thiên nhiên; giáo dục về tài nguyên và môi trường biển, hải đảo;…ở một số nội dung môn học và các hoạt động giáo dục. Chú trọng giáo dục giá trị, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh. 2. Đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá: * Thực hiện đổi mới phương pháp dạy học. - Chú trọng tổ chức dạy học phân hoá theo năng lực của học sinh dựa theo chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS. Thiết kế bài giảng linh hoạt, khoa học; phối hợp tốt giữa làm việc cá nhân và theo nhóm; hướng dẫn học sinh rèn luyện kỹ năng tự học. Chú trọng công tác phụ đạo học sinh yếu. - Đẩy mạnh việc vận dụng các phương pháp thực hành trong các môn học; bảo đảm cân đối giữa việc truyền thụ kiến thức và rèn luyện kỹ năng cho học sinh; tích cực ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp với nội dung bài học. - Tăng cường tổ chức các hoạt động ngoại khóa, hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp gắn với phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” nhằm đảm bảo tính linh hoạt về hình thức dạy học, hình thức kiểm tra, đánh giá, rèn luyện kỹ năng sống và kỹ năng hoạt động xã hội của học sinh. * Tăng cường đổi mới kiểm tra, đánh giá. - Đánh giá kết quả học tập của học sinh theo Thông tư số 58/2011/TT-BGD&ĐT ngày 12/12/2011 ban hành Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh THCS và học sinh THPT. - Nâng cao chất lượng các bài kiểm tra thường xuyên, định kỳ, kiểm tra học kỳ cả lý thuyết và thực hành; kết hợp một cách hợp lý, phù hợp giữa hình thức trắc nghiệm tự luận với trắc nghiệm khách quan. Thực hiện nghiêm túc việc xây dựng ma trận đề kiểm tra cho mỗi chương và cả chương trình môn học, đáp ứng chuẩn KT-KN của chương trình giáo dục phổ thông, bám sát nội dung sách giáo khoa. Khi chấm bài kiểm tra phải có phần nhận xét, động viên sự cố gắng tiến bộ của học sinh. Việc cho điểm có thể kết hợp giữa đánh giá kết quả bài làm với theo dõi sự cố gắng, tiến bộ của học sinh. Chú ý hướng dẫn học sinh đánh giá lẫn nhau và biết tự đánh giá năng lực của mình. Thực hiện nghiêm túc công tác kiểm tra, đánh giá học sinh khách quan, trung thực, công bằng, đúng năng lực thực chất của học sinh. 3. Sinh hoạt tổ chuyên môn theo hướng tăng cường các hoạt động trao đổi, thảo luận theo các chuyên đề, nội dung giảng dạy, dự giờ, rút kinh nghiệm, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong giảng dạy; đổi mới hình thức và nội dung sinh hoạt chuyên môn liên trường, cụm trường, nâng cao năng lực nghề nghiệp. Tự bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ theo chuẩn nghề nghiệp giáo viên do Bộ GD&ĐT quy định. Câu 2 (2 điểm) * Trách nhiệm của tổ chuyên môn trong việc đổi mới PPDH: - Phải xây dựng GV cốt cán về đổi mới PPDH. - Thường xuyên tổ chức dự giờ thăm lớp và nghiêm túc rút kinh nghiệm, tổ chức sinh hoạt chuyên môn theo định kỳ với nội dung phong phú, thiết thực, động viên tinh thần cầu thị trong tự bồi dưỡng của GV, giáo dục ý thức khiêm tốn học hỏi kinh nghiệm và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với đồng nghiệp. - Đánh giá đúng đắn và đề xuất khen thưởng những giáo viên tích cực đổi mới PPDH và thực hiện đởi mới PPDH có hiệu quả. * Những ưu điểm và hạn chế của việc sinh hoạt chuyên môn. Các giải pháp để khắc phục hạn chế trên. Trình bày được ưu điểm, hạn chế và các giải pháp khắc phục hạn chế. Câu 3 (2,5 điểm) * Các bước xây dựng kế hoạch bài học bao gồm: - Xác định mục tiêu của bài học, căn cứ vào chuẩn kiến thức kỹ năng và yêu cầu về thái độ trong chương trình. - Nghiên cứu sách giáo khoa và các tài liệu liên quan để: + Hiểu chính xác, đầy đủ những nội dung của bài học. + Xác định những kiến thức, kỹ năng, thái độ cơ bản cần hình thành và phát triển ở học sinh. + Xác định trình tự logic của bài học. - Xác định khả năng đáp ứng các nhiệm vụ nhận thức của hoc sinh. + Xác định những kiến thức, kỹ năng mà học sinh đã có và cần có. + Dự kiến những khó khăn, những tình huống có thể nảy sinh và các phương án giải quyết. - Lựa chọn phương pháp, phương tiện thiết bị; hình thức tổ chức dạy học và cách thức đánh giá thích hợp nhằm giúp học sinh học tập tích cực, chủ động sáng tạo, phát triển năng lực tự học. - Xây dựng kế hoạch bài học: Xác định mục tiêu, thiết kế nội dung, nhiệm vụ, cách thức hoạt động, thời gian và yêu cầu cần đạt cho từng hoạt động dạy của giáo viên và hoạt động học tập của học sinh. * Xây dựng được kế hoạch bài học cho 1 tiết trong chương trình giảng dạy. Câu 4 (2,5 điểm) * Phương pháp dạy học truyền thống và phương pháp dạy học tích cực: - Phương pháp dạy học truyền thống: Là mô hình dạy học lấy giáo viên làm trung tâm, giáo viên là người cung cấp kiến thức, phần lớn thời gian trên lớp dùng cho giáo viên giảng, học sinh nghe và ghi lại lời giảng của giáo viên. Năng lực của học sinh trong hoạt động nhận thức ít được phát huy ... - Phương pháp dạy học tích cực: Là mô hình dạy học nhằm phát huy tính tích cực, chủ động sáng tạo của học sinh. Ngoài bài giảng của giáo viên, học sinh được tiếp xúc với nhiều nguồn kiến thức khác nhau: SGK, tài liệu tham khảo, đồ dùng trực quan, thực tế cuộc sống... Năng lực của học sinh trong hoạt động nhận thức được phát huy ... - Để nâng cao hiệu quả dạy học phải chuyển từ dạy học lấy "giáo viên làm trung tâm" sang dạy học "phát huy tính tích cực, chủ động sáng tạo của học sinh". Tuy nhiên dạy học tích cực không có nghĩa là gạt bỏ phương pháp dạy học truyền thống mà phải tiếp tục tận dụng các ưu điểm của phương pháp này. Cần kế thừa những giá trị của phương pháp dạy học truyền thống, kết hợp với việc áp dụng phương pháp dạy học tích cực. * 5 đặc trưng của các phương pháp dạy học tích cực. - Dạy học tăng cường phát huy tính tự tin, tích cực, chủ động, sáng tạo thông qua tổ chức thực hiện các hoạt động học tập của học sinh. - Dạy học chú trọng rèn luyện phương pháp và phát huy năng lực tự học của học sinh - Dạy học phân hóa kết hợp với học tập hợp tác - Kết hợp đánh giá của thầy với đánh giá của bạn và với tự đánh giá - Tăng cường khả năng, kỹ năng vận dụng vào thực tế * Những dấu hiệu về đổi mới phương pháp dạy học: - Học sinh được hoạt động, được suy nghĩ, được nói nhiều hơn… - Vai trò của giáo viên: Thiết kế, tổ chức, định hướng, định chuẩn. - Quan hệ đánh giá: Thầy – trò, trò – trò, tự đánh giá. - Không khí lớp học sôi nổi, học sinh hứng thú, tích cực học tập… * Một số biện pháp cơ bản nhằm nâng cao hiệu quả dạy học: - Thực hiện đổi mới việc sử dụng SGK, bám sát chuẩn kiến thức, kĩ năng... - Đổi mới thiết kế bài học, phát huy tính tích cực của học sinh... - Sử dụng lời nói sinh động và vận dụng nguyên tắc dạy học liên môn... - Đổi mới việc sử dụng thiết bị dạy học và sử dụng thành tựu công nghệ thông tin... - Đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh. – Hết –
File đính kèm:
- De thi GVDG nam 20122013 De 2.doc