Đề kiểm tra tổng hợp cuối năm lớp 7 môn: ngữ văn
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đề kiểm tra tổng hợp cuối năm lớp 7 môn: ngữ văn, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Trường THCS Đông Sơn đề kiểm tra tổng hợp cuối năm lớp 7 Môn: Ngữ Văn Thời gian làm bài 90 phút, không kể giao đề (Đề thi này gồm 3 câu, 1 trang) Câu 1(2.0 điểm): Phân biệt câu đặc biệt và câu rút gọn ? Xác định câu đặc biệt trong đoạn văn sau: Đêm trăng thu trên dòng sông quê tôi thật đẹp. Nước thu trải rộng mênh mông. Trăng toả sáng trên mọi nẻo đường rọi vào cả các đợt sóng lăn tăn. Đêm thanh. Cảnh vắng. Bốn bề lặng ngắt như tờ. Trong sự yên lặng của dòng sông, tôi nghe rõ cả tiếng thì thào của hàng tre xanh và lòng tôi tự cất lên hai tiếng: Tuyệt! Tuyệt! Câu 2(2.0 điểm): Trình bày cảm nhận của em về đoạn văn sau: Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước. (Hồ Chí Minh, Tinh thần yêu nước của nhân dân ta) Câu 3(6.0 điểm): Hãy giải thích ý nghĩa câu tục ngữ : Thất bại là mẹ thành công. ------------Hết------------ Đông Sơn ngày 8 tháng 5 năm 2009 Người ra đề Phạm Thị Huyền Trường THCS Đông Sơn Hướng dẫn chấm đề kiểm tra tổng hợp cuối năm lớp 7 Môn: Ngữ Văn Thời gian làm bài 90 phút, không kể giao đề (Hướng dẫn chấm gồm 3 câu, 2 trang) Câu 1(2.0 điểm): a) HS Phân biệt được sự khác nhau giữa câu đặc biệt và câu rút gọn cho (1,0 điểm) Câu đặc biệt: Câu đặc biệt là câu không có cấu tạo theo mô hình chủ ngữ - vị ngữ. Câu đặc biệt không thể xác định được chủ ngữ , vị ngữ. VD: Một đêm mùa xuân. Câu rút gọn: - Khi nói hoặc viết có thể lược bỏ một số thành phần câu, tạo thành câu rút gọn. - Câu rút gọn có thể khôi phục lại được thành phần bị lược bỏ. VD: Học ăn, học nói, học gói, học mở. b) HS xác định đúng các câu đặc biệt (1,0 điểm) - Đêm thanh. – Tuyệt! - Cảnh vắng. – Tuyệt! Câu 2(2.0 điểm): HS Có nhiều cách trình bày cảm nhận khác nhau nhưng cần đảm bảo các ý cơ bản sau: * Hình thức: trình bày rõ ràng sáng sủa, ít sai chính tả,biết viết đoạn văn nghị luận ngắn; bài viết có cảm xúc. * Nội dung: + Về nghệ thuật: - Đoạn văn sử dụng hình ảnh so sánh đặc sắc: Tinh thần yêu nước như một làn sóng vô cùng mãnh mẽ, to lớn, lướt qua mọi sự nguy hiểm. - Kết hợp với việc sử dụng hàng loạt các động từ nhằm thể hiện phép tăng cấp: sôi nổi, kết thành, mãnh mẽ, to lớn, lướt, nhấn chìm. + Về nội dung: Sử dụng nghệ thuật so sánh cùng các động từ có ý nghĩa khẳng định, nhấn mạnh khả năng, sức mạnh to lớn, kì diệu của tinh thần yêu nước đặc biệt khi Tổ quốc bị xâm lăng. Tinh thần yêu nước ấy có thể lướt qua mọi sự nguy hiểm, nhấn chìm tất cả bè lũ bán nước và cướp nước. Câu 3(6.0 điểm): *Về hình thức: - HS biết tạo lập kiểu bài lập luận giải thích. - Bố cục rõ ràng, không sai chính tả, diễn đạt và ngôn từ trong sáng. * Về nội dung: HS có nhiều cách trình bày khác nhau nhưng cần đảm bảo các nội dung cơ bản sau: * Mở bài: (1,0 điểm) - Dẫn dắt vào vấn đề nêu trong câu tục ngữ: Trong cuộc sống không phải lúc nào cũng thuần buồm xuôi gió. Có những lúc thành công hay thất bại. Có những người nản lòng thối chí khi thất bại, có những người lại tự rút ra được bài học qua những thất bại. - Giới thiệu câu tục ngữ: “Thất bại là mẹ thành công” là lời khuyên của ông cha về lòng kiên trì, ý chí vững vàng để có được thành công. * Thân bài: (4,0 điểm) + Giải thích ý nghĩa câu tục ngữ: - So sánh thất bại – không đạt được mục đích, với thành công- thực hiện được mục đích đề ra. - Hình ảnh “mẹ” mang đến cho sự so sánh đó ý nghĩa sâu sắc – Khẳng định từ thất bại có thể tạo ra thành công, thất bại sinh ra thành công. - Đó là lời khuyên để mọi người bền gan, vững chí, kiên trì không nản trước khó khăn, thất bại. + Đưa ra một vài câu tục ngữ có cùng nội dung ý nghĩa : - Chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo. - Có công mài sắt có ngày nên kim…. + Vì sao phải vững vàng trước khó khăn ?( Vì sao nói thất bại là mẹ thành công)? - Trong cuộc sống khó tránh khỏi những khó khăn trắc trở: việc lớn, khó khăn càng lớn. Khó khăn do chủ quan, khách quan gây nên. - Khi gặp khó khăn, thất bại mà ngã lòng thì sẽ thất bại hoàn toàn, mất hết ý chí, ảnh hưởng đến công việc, cuộc đời. - Ngược lại, nếu vững vàng, lấy thất bại làm bài học để rút ra kinh nghiệm thì ý chí vững vàng, kinh nghiệm dày dặn hơn, tiếp tục vươn lên và đạt được thành công. - Thực tế cuộc sống đã thể hiện điều đó ( Tìm một số dẫn chứng minh hoạ) + Nói: Thất bại là mẹ thành công chỉ đúng với những người biết nghiêm khắc đánh giá mình, không bảo thủ. * Kết bài: (1,0 điểm) - Lời khuyên giúp ta vững vàng hơn trong cuộc sống. - Cần phải rèn luyện ý chí, sự kiên trì ngay từ khi còn nhỏ, cả những việc bình thường trong cuộc sống. -------------------Hết------------------------ Đông Sơn ngày 8 tháng 5 năm 2009 Người ra đáp án Phạm Thị Huyền
File đính kèm:
- Dekiemtra.doc