Đề luyện thi học sinh giỏi lớp 9 năm học: 2013 – 2014 môn: ngữ văn

doc7 trang | Chia sẻ: haohao | Lượt xem: 2272 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đề luyện thi học sinh giỏi lớp 9 năm học: 2013 – 2014 môn: ngữ văn, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO HUYỆN THANH OAI

 ĐỀ THI HỌC SINH GIỎI LỚP 9
	( Vòng 2)
 Năm học: 2013 – 2014
	 Môn: Ngữ văn 	 Thời gian: 150 phút (không kể thời gian giao đề)
Câu 1 (4.0 điểm) Trong Truyện Kiều, đại thi hào Nguyễn Du đã viết:
“Thiện căn ở tại lòng ta
 Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”.
Em hiểu thế nào về “chữ tâm” và “chữ tài” của nhà thơ trong tác phẩm này? (Yêu cầu: chỉ viết ngắn gọn khoảng 02 trang giấy thi).
Câu 2 (2.0 điểm) “Không có khả năng tự học, chúng ta sẽ không tiến xa được trên con đường học vấn và sự nghiệp của mình”.
Coi câu trên là câu chốt (câu chủ đề), hãy viết tiếp thành đoạn văn khoảng 8 đến 10 câu văn theo lập luận Tổng hợp – Phân tích – Tổng hợp trong đó có sử dụng một câu hỏi tu từ. (Hãy gạch chân câu hỏi này và đánh số thứ tự các câu văn trong đoạn văn).
Câu 3 (4.0 điểm) 	Mẹ sẽ đưa con đến trường, cầm tay con dắt qua cánh cổng, rồi buông tay mà nói: “Đi đi con, hãy can đảm lên, thế giới này là của con,…”
	(Theo Lí Lan, Cổng trường mở ra)
	Từ việc người mẹ không “cầm tay” dắt con đi tiếp mà “buông tay” để con tự đi, hãy viết một bài văn ngắn (khoảng 01 trang giấy thi) bàn về tính tự lập.
Câu 4 (10 điểm) Hình tượng người cha trong hai tác phẩm “Lão Hạc” của Nam Cao và “Chiếc lược ngà” của Nguyễn Quang Sáng.








PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO HUYỆN THANH OAI
HƯỚNG DẪN CHẤM THI HỌC SINH GIỎI LỚP 9
( Vòng 2)
 Năm học: 2013 – 2014
	 Môn: Ngữ văn 
Câu 1: (4 điểm) 
- Giới thiệu khái quát về Nguyễn Du và Truyện Kiều (0,5đ).
 	- “Chữ tâm” (1đ, mỗi ý đúng 0,25đ): 
Tấm lòng, tư tưởng sâu sắc, lớn lao nhà thơ đã gửi gắm trong tác phẩm. Đó chính là tư tưởng nhân đạo, một trong những yếu tố quan trọng nhất khiến “Truyện Kiều” trở thành kiệt tác của nhân loại.
Biểu hiện:
+ Sự đồng cảm với nỗi khổ đau, bất hạnh của con người, nhất là người phụ nữ.
+ Sự căm phẫn với xã hội tàn ác, bất nhân gây khổ đau cho con người.
+ Sự nâng niu, trân trọng, tôn vinh vẻ đẹp con người; sự đồng tình với những khát vọng chính đáng của họ (tình yêu và khát vọng tự do, công bằng).
- “Chữ tài” ( tối đa1đ, mỗi ý đúng 0,25đ):
 Đó chính là ngòi bút nghệ thuật xuất chúng tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt cho tác phẩm.
Những nét chính:
+ Sáng tạo về thể loại (tiểu thuyết bằng thơ).
+ Đưa thể thơ ca dao của dân tộc lên đỉnh cao.
+ Nghệ thuật xây dựng nhân vật chính diện ( tượng trưng ước lệ) và phản diện ( tả thực).
+ Nghệ thuật miêu tả thiên nhiên ( tả cảnh ngụ tình…).
+ Ngôn từ đạt tới độ trong sáng, tinh tế…
Mở rộng ( 1,5đ): 
Đặt “Chữ tâm” lên trước “Chữ tài”, “Chữ tâm” “bằng ba chữ tài”, nhà thơ coi trọng tấm lòng, tư tưởng của người nghệ sỹ. Nhưng ông không hề phủ nhận tài năng, “tâm” và “tài” gắn bó, quyện hòa mới tạo nên kiệt tác vừa có nội dung, tư tưởng sâu sắc, vừa có sức cuốn hút mãnh liệt với nhiều thế hệ độc giả. Có thể coi đây là một bài học về sự sáng tạo hết sức sâu sắc với người cầm bút. ( 0,5đ)
“ Chữ tâm” và “chữ tài” ấy được biểu hiện sâu sắc trong “Truyên Kiều” nói riêng và các sáng tác của Nguyễn Du nói chung ( HS nêu dẫn chứng chứng minh) (1,0đ).
Câu 2. (2.0 điểm): 
Đây là câu hỏi cùng lúc đặt ra nhiều yêu cầu với thí sinh: kỹ năng viết văn nghị luận xã hội, kỹ năng viết đoạn văn, viết câu hỏi tu từ, thể hiện kiến thức xã hội.
Đoạn văn dù viết thế nào cũng phải bám vào vấn đề nghị luận (vấn đề tự học): khái niệm tự học/các hình thức tự học/giá trị của tự học/thực trạng/ giải pháp tự học…)
- Viết không đủ số câu (quá ngắn hoặc quá dài mà không sát đề): trừ 0.5 điểm.
- Không đúng về kiểu lập luận của đoạn văn/sai quy cách đoạn văn: trừ 1.0 điểm.
- Thiếu câu hỏi tu từ: trừ 0.5 điểm.
- Đảm bảo những yêu cầu hình thức, nhưng nội dung không có sức thuyết phục: trừ 1.5 điểm.
Câu 3 (4 điểm). 
Mở bài: ( 0,5 đ)Nêu lại câu văn trên đề bài để dẫn đến tính tự lập
Khi còn nhỏ, chúng ta sống trong sự bao bọc của ông bà, cha mẹ nhưng không phải lúc nào người thân yêu cũng ở bên cạnh chúng ta. Bàn tay dìu dắt của cha mẹ, đến một lúc nào đó cũng phải buông ra để chúng ta độc lập bước vào đời. Hai chữ “buông tay” trong câu văn của Lý Lan như một bước ngoặt của hai trạng thái được bao bọc, chở che và phải một mình bước đi. Việc phải bước đi một mình trên đoạn đường còn lại chính là một cách thể hiện tính tự lập.
Thân bài:
+ Giải thích: tự lập là gì? ( nghĩa đen: tự đứng một mình, không có sự giúp đỡ của người khác. Tự lập là tự mình làm lấy mọi việc, không dựa vào người khác).
	Người có tính tự lập là người biết tự lo liệu, tạo dựng cuộc sống cho mình mà không ỷ lại, phụ thuộc vào mọi người xung quanh ( 0,5 đ).
+ Phân tích: 
- Tự lập là đức tính cần có đối với mỗi con người khi bước vào đời.
- Trong cuộc sống không phải lúc nào chúng ta cũng có cha mẹ ở bên để dìu dắt, giúp đỡ ta mỗi khi gặp khó khăn. Vì vậy, cần phải tập tính tự lập để có thể tự mình lo liệu cuộc đời bản thân. 
- Người có tính tự lập sẽ dễ đạt được thành công, được mọi người yêu mến, kính trọng ( 0,5 đ).
- Chứng minh bằng dẫn chứng thực tế ( 0,5 đ).
- Luận mở rộng vấn đề:
+ Phê phán: Trái với tự lập là dựa dẫm. Tự lập là một phẩm chất để khẳng định nhân cách, bản lĩnh và khả năng của một con người. Ngược lại chỉ biết dựa dẫm vào người khác sẽ trở thành một gánh nặng cho người thân và cuộc sống sẽ trở nên vô nghĩa. Những người không có tính tự lập, cứ dựa vào người khác thì khó có được thành công thật sự. Cho nên ngay cả trong thế giới động vật, có những con thú đã biết sống tự lập sau vài tháng tuổi( 0,5 đ).
+ Tự lập không có nghĩa là tự tách mình ra khỏi cộng đồng. Có những việc chúng ta phải biết đoàn kết và dựa vào đồng loại để tạo nên sức mạnh tổng hợp( 0,5 đ).
+ Liên hệ bản thân: cần phải rèn luyện khả năng tự lập một cách bền bỉ, đều đặn. Để có thể tự lập, bản thân mỗi người phải có sự nỗ lực, cố gắng và ý chí mạnh mẽ để vươn lên, vượt qua thử thách, khó khăn, để trau dồi, rèn luyện năng lực, phẩm chất( 0,5 đ).
Kết bài: Nếu mọi người đều biết sống tự lập kết hợp với tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau thì xã hội sẽ trở nên tốt đẹp hơn và cuộc sống mỗi người sẽ được hạnh phúc( 0,5 đ).
Câu 4 (10 điểm)
1. Yêu cầu chung:
- Thấy được những nét chung và những đặc sắc riêng của hình tượng người cha qua một tác phẩm hiện thực phê phán của Nam Cao và tác phẩm văn học Cách mạng của Nguyễn Quang Sáng.
- Không chỉ thấy nét riêng ở nội dung tư tưởng, mà cả ở cả bút pháp nghệ thuật của mỗi tác phẩm.
II. Yêu cầu cụ thể:
HS có thể có nhiều cách triển khai bài làm, nhưng cuối cùng hướng tới các ý cơ bản sau:
1 . Nét chung (1,0 điểm, mỗi ý đúng 0,5đ):
- Hai tác phẩm cùng hướng tới một đề tài: thể hiện vẻ đẹp tình phụ tử của con người Việt Nam. Lão Hạc (Lão Hạc) và ông Sáu (“Chiếc lược ngà”) đều là những người cha yêu con hết mực, hết lòng hi sinh cho con.
- Đều thể hiện bằng thể loại truyện ngắn, xúc động, hấp dẫn, chân thực…
2. Nét riêng: mỗi tác phẩm gắn với một giai đoạn lịch sử, một khuynh hướng sáng tác, một cá tính sáng tạo…nên có những phát hiện, thể hiện riêng.
a. Hình tượng người cha trong “Lão Hạc” của Nam Cao (4 điểm).
- Truyện ngắn “Lão Hạc” ra đời trước cách mạng tháng Tám, tiêu biểu cho phong cách Nam Cao ở giai đoạn này.
- Lão Hạc là một người nông dân lương thiện, người cha nhân hậu, có trách nhiệm, dành hết yêu thương cho con, sẵn sàng hi sinh cả tính mạng cho con (day dứt khi con không có tiền cưới vợ, chăm con chó - kỉ vật của con, chuẩn bị cái chết để không ảnh hưởng đến tương lai của con…).
- Sống trong xã hội cũ, người cha ấy thương con, nhưng bế tắc vì quá nghèo khổ, một người cha đáng trọng nhưng cũng rất đáng thương. Cái chết của lão thật cao thượng, nhưng xót xa, tương lai của đứa con lão cũng mịt mờ, bế tắc.
- Nam Cao đã khắc họa thành công người cha bằng bút pháp hiện thực đẫm chất nhân đạo: tạo tình huống bất ngờ, miêu tả ngoại hình, phân tích nội tâm ngôn ngữ vừa giàu chất trữ tình, vừa có chất triết lí…
b. Hình tượng người cha trong “Chiếc lược ngà” của Nguyễn Quang Sáng. ( 4 điểm)
- Truyện viết giữa lúc chiến tranh chống Mỹ diễn ra ác liệt (1966), từ đó làm hiện lên vẻ đẹp của người cha-người chiến sĩ Cách mạng.
- Ông Sáu là người cha yêu con tha thiết (phân tích chi tiết ông trở về với tâm trạng mong mỏi gặp con, sự hụt hẫng khi con không nhận mình, ông làm chiếc lược ngà cho con…).
- Hết lòng yêu thương con, nhưng ông cũng không quên nhiệm vụ chiến đấu cho tổ quốc. Ông hi sinh, nhưng trước khi chết ông dùng tất cả sức lực để trao lại chiếc lược, nhờ đồng đội gửi lại cho con . Cái chết của ông không phải là biểu hiện của sự bế tắc, mà là cái chết vinh quang, cho con, cho đất nước. Bé Thu sau này đã trở thành một giao liên, một chiến sĩ, tiếp bước con đường của cha. Ông Sáu là người cha, người chiến sỹ đáng khâm phục tự hào.
- Nguyễn Quang Sáng xây dựng hình tượng ông Sáu bằng lối viết riêng. Nhà văn tạo được tình huống kịch tính, miêu tả tính cách người cha Nam Bộ mạnh mẽ mà đằm thắm, chọn được những chi tiết đắt giá. Đặc biệt, ngôn ngữ truyện đậm chất Nam Bộ… Truyện tuy buồn nhưng không bi thương, vẫn có một niềm lạc quan Cách mạng.
3. Đánh giá chung ( 1điểm): tình phụ tử là đề tài quen thuộc, nhưng bằng tài năng và tấm lòng của mình, Nam Cao và Nguyễn Quang Sáng đã có những đóng góp riêng, góp phần làm phong phú cho nền văn học dân tộc, góp phần tôn vinh một vẻ đẹp nhân cách con người (1 điểm).
THANG ĐIỂM 
● Điểm 9-10: Đảm bảo ý cơ bản, bố cục hợp lí, luận điểm rõ ràng, văn phong trong sáng, chữ viết rõ ràng, không mắc lỗi ngữ pháp, chính tả, diễn đạt, bộc lộ năng lực cảm thụ, biết tổ chức bài văn nghị luận.
● Điểm 7-8: Đảm bảo phần lớn ý cơ bản, ít mắc lỗi diễn đạt, chính tả…
● Điểm 5-6: Đảm bảo ý cơ bản, ít mắc lỗi diễn đạt, chính tả…
● Điểm 3-4: Bài sơ sài, diễn đạt vụng, nhiều lỗi chính tả, ngữ pháp, diễn đạt…
● Điểm dưới 3: Bài quá sơ sài/lạc đề, cẩu thả, mắc lỗi trầm trọng về chính tả, ngữ pháp, không biết viết bài văn nghị luận.
Lưu ý: Đây là bài thi phát hiện HS năng khiếu nên khuyến khích các em trên cơ sở ý cơ bản, có những phát hiện riêng, độc đáo. Tuy nhiên sự sáng tạo phải có logic, có sức thuyết phục…

File đính kèm:

  • docDe dap an thi HSG van 9 20132014KA.doc
Đề thi liên quan