Đề ôn luyện thi tốt nghiệp trung học phổ thông môn ngữ văn 12 thời gian làm bài: 150 phút

doc4 trang | Chia sẻ: haohao | Lượt xem: 1154 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đề ôn luyện thi tốt nghiệp trung học phổ thông môn ngữ văn 12 thời gian làm bài: 150 phút, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
TRƯỜNG THPT AN MỸ 

ĐỀ ÔN LUYỆN THI TỐT NGHIỆP THPT
MÔN NGỮ VĂN 12
Thời gian làm bài: 150 phút 


 I/ PHẦN CHUNG: (5 đ)
 Câu 1. (2 điểm): Anh (chị) hãy trình bày hoàn cảnh ra đời và mục đích sáng tác bản Tuyên ngôn Độc lập của Hồ Chí Minh.
 Câu 2 ( 3 điểm ) : Nhân vật PaVen Cooc - Sa- Ghin trong tác phẩm " Thép đã tôi thế đấy " đã từng nói : " Đời người chỉ sống có một lần phải sống sao cho khởi ân hận xót xa vì những năm sống hoài sống phí..."
Anh ( chị ) có suy nghĩ gì về quan niệm trên ?

 II/ PHẦN TỰ CHỌN:( 5đ)
 Câu 3a ( dành cho học sinh học sách chuẩn)
 Anh ( chị) hãy phân tích đoạn thơ sau trong bài thơ “Đất Nước” ( trích trường ca “ Mặt đường khát vọng” của Nguyễn Khoa Điềm:
 “ Trong anh và em hôm nay
 Đều có một phần Đất Nước
 Khi hai đứa cầm tay
 Đât Nước trong chúng ta hài hòa nồng thắm
 Khi chúng ta cầm tay mọi người
 Đất Nước vẹn tròn, to lớn
 Mai này con ta lớn lên
 Con sẽ mang Đất nước đi xa
 Đến những tháng ngày mơ mộng
 Em ơi em Đất Nước là máu xương của mình
 Phải biết gắn bó và san sẻ
 Phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở
 Làm nên Đất Nước muôn đời”
 ( Ngữ văn 12, tập 1, Nxb giáo dục, 2008, trang 119)
 CÂU 3b( dành cho học sinh học sách nâng cao)
 Một đặc điểm lớn của văn học Việt Nam giai đoạn 1945-1975 là khuynh hướng sử thi. Hãy phân tích truyện ngắn “ Rừng xà nu” của Nguyễn Trung Thành để khẳng định điều đó.


 ------------------------------------------------------------






Đáp án và biểu điểm:
 Câu 1. Hoàn cảnh ra đời (1,0 điểm)
- Ngày 19-8-1945, chính quyền ở Hà Nội về tay nhân dân. Ngày 26-8-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ chiến khu cách mạng Việt Bắc về tới Hà Nội. Người soạn thảo bản Tuyên ngôn Độc lập tại căn nhà số 48 phố Hàng Ngang. Ngày 2-9-1945, tại quảng trường Ba Đình, Hà Nội, trước hàng vạn đồng bào, Người thay mặt Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đọc bản Tuyên ngôn Độc lập.
- Lúc này cũng là thời điểm bọn đế quốc, thực dân nấp sau quân Đồng minh vào tước khí giới quân đội Nhật, đang âm mưu chiếm lại nước ta. Thực dân Pháp tuyên bố Đông Dương là thuộc địa của Pháp bị Nhật xâm chiếm, nay Nhật đầu hàng nên Đông Dương phải thuộc quyền của Pháp.
 Mục đích sáng tác (1,0 điểm)
	- Chính thức tuyên bố trước quốc dân, trước thế giới sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, khẳng định quyền độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam.
- Tố cáo tội ác của thực dân Pháp đối với nhân dân ta suốt 80 năm qua và tuyên bố chấm dứt chế độ thực dân, xoá bỏ mọi đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam.
- Khẳng định ý chí của cả dân tộc Việt Nam kiên quyết bảo vệ nền độc lập, tự do của Tổ quốc.
 Câu 2: (3điểm) 
I/ Phân tích đề :
- Thao tác chính : Bình luận
- Nội dung trọng tâm : + Nói lên lí tưởng sống có ích cho đời
 + Phê phán lối sống buông thả, không mục đích ,không chí hướng.
II/ Lập dàn ý : 
- Mở bài : Dẫn dắt, giới thiệu luận điểm ( đã nêu trên đề ) 
- Thân bài : + Sử dụng các thao tác lập luận đã học để giải thích , bày tỏ quan điểm của mình về quan niệm trên . Biết vận dụng những dẫn chứng trong cuộc sống để chứng minh. 
 + Đưa ra cách hiểu đúng và phê phán những thói hư tật xấu trong quan niệm sống của giới trẻ hiện nay.
- Kết bài : Bài học thực tiển từ quan niệm của nhân vật PaVen

 Câu 3a:
1/Đáp án: 
 Yêu cầu về kĩ năng:
 Biết cách làm bài văn nghị luận văn học- phân tích 1 đoạn thơ trữ tình, kết cấu bài viết chặt chẽ, diễn đạt lưu loát, không mắc lỗi chính tả, dùng từ và ngữ pháp.
 Yêu cầu về kiến thức :
 Trên cơ sở những hiểu biết về nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm và đoạn thơ “ Đất Nước”, học sinh biết phân tích những yếu tố nghệ thuật để làm rõ ý niệm Đất nước trong đoạn thơ trích. Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần nêu được ý cơ bản:
 - Những cảm nhận của Nguyễn Khoa Điềm về Đất Nước:
 + Đất nước có trong cuộc sống của mỗi người, trong anh và em, trong mỗi cá thể đều có một phần Đất Nước. Khi có sự kết hợp giữa các cá thể lại với nhau thì tạo nên sự bền chặt đầy sức sống.
 + Đất nước sẽ được thế hệ mai sau( con ta lớn lên) sẽ mang Đất nước đi xa để làm cho đất nước tốt đẹp hơn, phồn vinh hơn.
 + Đất nước chính là sinh mệnh, là máu xương của mình, phải biết quí, phải biết giữ gìn, phải biết “ gắn bó và san sẻ”, hi sinh cái riêng hòa vào cái chung “ hóa thân cho dáng hình xứ sở”. Có vậy Đất Nước mới bền vững muôn đời.
 - Nghệ thuật: Thể thơ tự do, vận dụng chất liệu văn hóa dân gian, nhịp điệu thơ linh hoạt, kết hợp chính luận và trữ tình, suy tưởng và cảm xúc,…
 - Đánh giá: Với những cảm nhận độc đáo, mới mẻ, tài hoa nghệ thuật, Nguyễn Khoa Điềm có sự cảm nhận về Đất nước sâu sắc mang đậm tư tưởng Đất Nước của Nhân dân.
 2/ Thang điểm:
 - ĐiỂM 5: Đáp ứng các yêu cầu trên, có thể còn mắc vài lỗi diễn đạt
 - Điểm 3: Trình bày được một nửa số ý, còn mắc vài lỗi diễn đạt.
 - Điểm 1: Phân tích sơ sài, diễn đạt yếu.
 - Điểm 0: Lạc đề hoặc vài dòng chiếu lệ.
 Câu 3b: 
 1/ Đáp án:
 Yêu cầu về kĩ năng:
 Biết cách làm bài nghị luận văn học, vận dụng khả năng đọc- hiểu để phân tích một đặc điểm nghệ thuật – khuynh hướng sử thi trong truyện ngắn. Diễn đạt và có hình thức trình bày bài văn nghị luận hay.
 Yêu cầu về kiến thức:
 Trên cơ sở nắm vững kiến thức về bài khái quát văn học việt nam 1945-1975, nội dung, nghệ thuật của tác phẩm “ Rừng xà nu”, thí sinh có thể triển khai theo các cách khác nhau, nhưng cần nêu những ý cơ bản sau:
 - Sự thể hiện của khuynh hướng sử thi trên các phương diện bao trùm cả nội dung và nghệ thuật: đề tài, chủ đề, cảm hứng, hình tượng, ngôn ngữ và giọng điệu.
 - Tính sử thi của truyện ngắn “ Rừng xà nu” nổi bật ở một số phương diện nội dung và nghệ thuật sau:
 + Đề tài: số phận và con đường giải phóng của dân làng Xô Man ở Tây nguyên tiêu biểu cho số phận và con đường chiến đấu để giải phóng của nhân dân miền Nam, của cả dân tộc.
 + Chủ đề: ca ngợi ý chí bất khuất, tinh thần chiến đấu của con người Tây nguyên và con đường tất yếu để đi tới giải phóng của nhân dân ta trong công cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước( lời nhân vật cụ Mết: “ Chúng nó đã cầm súng, mình phải cầm giáo!”. Chủ đề này chi phối việc xây dựng hệ thống hình tượng và cả hệ thống ngôn ngữ, giọng điệu 
 + Hệ thống nhân vật được lựa chọn đại diện cho các thế hệ nối tiếp nhau trong công cuộc chiến đấu giải phóng của nhân dân: cụ Mết, Tnú, Dít, Heng,…
 + Hình tượng xà nu vừa hiện thực vừa mang đậm ý nghĩa biểu tượng góp phần tạo nên chất sử thi lãng mạn
 + Nghệ thuật trần thuật : 
 * câu chuyện được kể trong đêm Tnú về thăm làng, qua lời kể của cụ Mết và những hồi ức của Tnú tái hiện theo những lời kể đó( bên bếp lửa, cách kể trang trọng của một già làng, người nghe là đông đảo dân làng, nội dung là những trang lịch sử của cả cộng đồng làng Xô man )
 * cách trần thuật như thế gợi nhớ đến lối kể “ khan” ở các đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên, trang trọng, thái độ chiêm ngưỡng, không gian hoành tráng.

 2/ Biểu điểm:
 - Điểm 5: đáp ứng các yêu cầu trên. Diễn đạt và hình thức trình bày tốt.
 - Điểm 3,4: như yêu cầu điểm 5 nhưng còn mắc khoảng 3 lỗi diễn đạt hoặc lỗi hình thức trình bày 
 - Điểm 2 : Thiếu 2 ý về kiến thức. Còn mắc lỗi khoảng 3 lỗi diễn đạt hoặc lỗi hình thức trình bày.
 - Điểm 1: Có phân tích nhưng không theo hướng đề. Lỗi diễn đạt hoặc hình thức trình bày bài văn quá nhiều. 

File đính kèm:

  • docDE THI THU TNTHPT 2013 HAY SO3.doc