Đề tài Hoạt động tái hiện hình tượng trong giảng dạy Ngữ Văn

doc11 trang | Chia sẻ: haohao | Lượt xem: 1519 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đề tài Hoạt động tái hiện hình tượng trong giảng dạy Ngữ Văn, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
PHẦN A: ĐẶT VẤN ĐỀ
I. Lý do chọn đề tài:
1. Lý do về mặt lý luận:
Một quan điểm mới cơ bản về dạy tác phẩm đưa đến sự xác lập một cơ chế mới về dạy và học tác phẩm trong nhà trường. Phương pháp được sử dụng nhằm mục đích gì? Để thụ động tiếp thu, để lặp lại, để ghi nhớ hay là để chủ động sáng tạo, để tự vận động, tự phát triển. Ranh giới cũ hay mới là ở chỗ đó.
Xuất phát từ phương pháp dạy học cũ, từ quan điểm sai lầm về chủ thể học sinh, về mục đích giảng văn, toàn bộ phương pháp dạy văn cũ đã được sử dụng chỉ nhằm mục đích thông tin tiếp thụ theo phương thức giảng dạy tái hiện. Các phương pháp cũ đều thoát li hoặc không dựa vào quy luật hoạt động bên trong của chủ thể học sinh, vào sự vận động tự thân của học sinh. Thực chất là không làm được công việc khơi dậy trí tuệ của chủ thể học sinh để từ đó khám phá, tiếp nhận, phân tích, chiếm lĩnh tác phẩm một cách có ý thức, sáng tạo.
Từ ý thức làm cho học sinh tự vận động, tự phát triển; từ nhận thức về đặc điểm của tác phẩm văn chương và đặc trưng của quy luật tiếp nhận văn chương; từ đặc điểm của quá trình cảm nhận tác phẩm của học sinh để có những hình thức hoạt động, chiếm lĩnh tác phẩm của học sinh một cách có hiệu quả, và một trong những hình thức đó là “Hoạt động tái hiện hình tượng”
2. Lý do về mặt thực tiễn:
Từ thực tế giảng dạy tôi nhận thấy học sinh ít có hứng thú và say mê khám phá thế giới hình tượng văn học hoặc chỉ tiếp thu một cách thụ động, hiểu nhân vật, nắm bắt đầy đủ các chi tiết nghệ thuật nhưng chưa biết đồng cảm và say mê khám phá thế giới bên trong tác phẩm.
Có rất nhiều cách khác nhau giúp học sinh chiếm lĩnh tác phẩm. Một trong những phương pháp tôi tâm đắc và đã thực hiện có hiệu quả đó là “Hoạt 
động tái hiện hình tượng”.
II. Phương pháp nghiên cứu:
1. Phương pháp nghiên cứu tài liệu: Nghiên cứu một số tài liệu về phương pháp dạy học Văn
2. Phương pháp quan sát: Quan sát quá trình học tập của học sinh để có những các biện pháp hợp lý trong từng giờ học.
3. Phương pháp phân tích: Phân tích những phương pháp sư phạm để vận dụng phù hợp từng thể loại Văn học.
4. Phương pháp tổng kết đánh giá: Từ thực tiễn giảng dạy, từ kết quả thu được trong quá trình sử dụng các phương pháp trên để tổng kết đánh giá kết quả.
III. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu:
 1) Đối tượng:
 Hoạt đông tái hiện hình tượng khi dạy văn bản ở trường THCS.
 2) Phạm vi nghiên cứu:
 Tôi đã trải nghiệm đề tài “Hoạt động tái hiện hình tượng trong giảng dạy ngữ văn” tại trường THCS Cao Bá Quát trong 4 năm liền 
PHẦN B: NỘI DUNG
I. Cơ sở lý luận:
“ Hoạt động tái hiện hình tượng” phù hợp với giai đoạn bước đầu của cảm thụ tác phẩm từ vỏ âm thanh đến lớp hình. Đây là hoạt động giúp học sinh bước vào thế giới nghệ thuật. Tác phẩm được tái hiện trong tưởng tượng của học sinh không còn là tổng hợp kí hiệu chết, phi vật thể nữa mà là những tác phẩm đích thực đang tồn tại trong trí tưởng tượng người đọc – học sinh. Không có bước này, không có sự thâm nhập vào tác phẩm. Nói như Gorki là thấy được nhân vật đi đứng, nói năng, khóc cười, cuộc sống đang vận động, đang chuyển động trước mắt người đọc.
II. Các phương pháp và biện pháp dành cho hoạt động tái hiện hình tượng trong giảng dạy ngữ văn
1) Đọc diễn cảm, đọc thầm, đọc to: Bước đầu tiên để tiếp xúc với văn bản là nắm được sơ lược nội dung của văn bản. Việc đọc đóng một vai trò quan trọng trong quá trình chiếm lĩnh tác phẩm văn chương.
Khi đọc bất kì một văn bản nào, bao giờ chúng ta cũng cần mục đích cụ thể và có cách đọc khác nhau cho mục đích khác nhau. 
Ví dụ: Khi đọc một tài liệu tham khảo thì cần đọc chi tiết. Ngược lại khi đọc một bài báo ta chỉ cần đọc lướt để nắm bắt thông tin.
Đối với đọc một tác phẩm văn học để hiểu, phân tích thì không đơn giản là đọc chi tiết hay đọc lướt qua, vì đọc như vậy thì chỉ mới nắm bắt đựơc lớp vỏ âm thanh bên ngoài. Điều đó sẽ rất khó khăn cho việc khám phá chiếm lĩnh tác phẩm. Vậy phải đọc như thế nào để có hiệu quả nhất? Có thể:
a. Đọc diễn cảm: là việc đọc đúng từ ngữ, câu chữ và tình cảm mà tác giả gửi gắm.
Với tác phẩm trữ tình ( thơ) thì cần đọc đúng giọng, đúng nhịp, biểu hiện được thái độ của tác giả.
Chẳng hạn, khi đọc bài “ Tiếng gà trưa” của Xuân Quỳnh (SGK Ngữ Văn 7 – Tập hai) thì giáo viên cần hướng dẫn cho học sinh thấy được tình cảm xuyên suốt bài thơ là nỗi nhớ, là quá khứ ùa về với bao kỉ niệm quá đỗi thân thương của người chiến sĩ- nhân vật trữ tình- với người bà và những ổ trứng hồng, những ước mơ tuổi thơ. Đây là những kỉ niệm tuổi thơ cũng thật gần gũi với lứa tuổi các em học sinh, các em cũng sẽ dễ dàng nhận thấy hình như có chút gì đó giống mình.
Khi đọc “ Ông Đồ” của Vũ Đình Liên ( SGK Ngữ Văn 8 – Tập hai) thì cần gợi ý và đọc mẫu để học sinh nhận thấy tình cảm chủ đạo của bài thơ là sự tiếc nuối một truyền thống đẹp, một nét văn hóa bị lãng quên thời Nho tàn.
Với một văn bản nghị luận thì cần phải đọc đúng mạch văn của tác giả để biểu đạt đầy đủ ý của bài văn.
Chẳng hạn khi đọc bài: “ Tinh thần yêu nước của nhân dân ta” – Hồ Chí Minh ( SGK Ngữ Văn 7- Tập hai) thì đọc với giọng hào hùng, phấn chấn, dứt khoát, rõ ràng để thể hiện tinh thần yêu nước và hành động kháng chiến cứu nước trên cương vị và nghề nghiệp của mỗi công dân Việt Nam.
 Còn khi đọc bài “ Đức tính giản dị của Bác Hồ”- Đặng Thai Mai( sgk Ngữ Văn 7- tập hai) thì đọc với giọng nhiệt tình, ngợi ca, giản dị, mà trang trọng. Các câu văn trong bài, nhìn chung khá dài, nhiều vế, nhiều thành phần nhưng rất mạch lạc và nhất quán. Cần ngắt câu cho đúng. Lại cần chú ý các câu cảm có dấu ( !). Để học sinh thấy rõ hơn, yêu mến hơn, cảm phục hơn sự giản dị quá đỗi gần gũi của vị cha già, để có thể tự soi những thiếu sót của chính bản thân mình.
 b. Đọc thầm:
 Ngoài cách đọc diễn cảm thì giáo viên cũng có thể hướng dẫn học sinh đọc thầm. Đây là một cách đọc mà ít ai quan tâm, nhưng thật ra hướng dẫn học sinh đọc thầm những văn bản trữ tình thì sẽ giúp học sinh có điều kiện xâm nhập tác phẩm một cách tự nhiên, bởi vì đôi lúc tình cảm khó có thể bộc lộ thành lời, thì im lặng chính là cách tốt nhất để người đọc tâm sự với nhân vật – chủ thể trữ tình.
Ví dụ: khi đọc tác phẩm “ Hồi hương ngẫu thư” ( ngẫu nhiên viết nhân 
buổi mới về quê) của Hạ Tri Chương ( SGK Ngữ Văn 7 – Tập một) thì định hướng cho học sinh dòng cảm xúc của nhà thơ để học sinh đọc thầm, suy nghĩ về nỗi buồn của nhà thơ cũng là nhân vật. Bởi với các em hình ảnh người ông, người bà cũng quá đỗi thân thuộc, cái giọng quê mà chính ông bà cũng giữ mãi sẽ giúp các em có thái độ và tình cảm đúng đắn với tâm trạng nhà thơ.
Hoặc khi đọc những đoạn văn miêu tả tâm trạng anh Tấn khi trở về quê hương trong bài “ Cố Hương” - Lỗ Tấn (SGK Ngữ Văn 9 - Tập một), hay những đoạn miêu tả tâm trạng dằn vặt đau khổ tột cùng của Lão Hạc, những trăn trở về lẽ sống, về con người của ông giáo trong văn bản “ Lão Hạc” của nhà văn Nam Cao (SGK Ngữ Văn 8 – Tập một) thì nên cho học sinh đọc thầm để cảm nhận sâu sắc hơn nỗi đau của nhân vật để khêu gợi trong các em sự đồng cảm trước cái đẹp và phẫn nộ trước cái xấu xa.
c. Đọc to:
Nếu như đọc thầm để tìm sự đồng cảm, xót xa; để thấu hiểu ân tình thì đọc to cũng là một cách để biểu hiện tình cảm, để thâm nhập vào tác phẩm.
Chẳng hạn khi đọc “ Hịch tướng sĩ” của Trần Quốc Tuấn( SGk Ngữ Văn 8- tập một) thì giáo viên cần hướng dẫn học sinh đọc to, càng to càng tốt, thậm chí có thể thét lên để học sinh tự thấy hình như chính mình cũng tức giận, cũng muốn “ xả thịt lột da, ăn gan, uống máu quân thù” thì việc phân tích tác phẩm cũng dễ dàng hơn, các em sẽ thấy được giá trị của lời kêu gọi được viết bằng tất cả tấm lòng của vị chủ tướng Trần Quốc Tuấn. Và khi lòng căm giận kẻ thù cao độ cũng chính là lúc các em cảm thấy yêu quê hương mình hơn, trân trọng những gì mình đang có hơn và quyết tâm phấn đấu để góp một sức nhỏ của mình trong công cuộc chung của đất nước.
2) Đọc phân vai:
Đây cũng là một cách đọc mà tôi nhận thấy nó có tác dụng rất lớn trong việc dẫn dắt học sinh vào bên trong tác phẩm. Cách đọc này phù hợp với văn bản tự sự, mỗi học sinh sẽ là một vai, một nhân vật, các em sẽ xem mình là nhân vật nào thì sẽ khóc, cười cùng nhân vật ấy.
Chẳng hạn khi đọc tìm hiểu văn bản “ Chiếc lá cuối cùng” O. Hen- ri (SGK Ngữ Văn 8 – Tập hai)thì mỗi học sinh sẽ được phân một nhân vật, các em sẽ buồn rầu tuyệt vọng như Giônxi; sẽ yêu thương, lo lắng như Xiu; sẽ la mắng nhưng yêu thương Giônxi tột độ như cụ Bơ- men..
 3) Sáng tạo lời nói, ý nghĩ nhân vật thay cho tác giả:
Đây là một hoạt động tương đối khó, nhưng bước đầu giúp các em hiểu tâm trạng của nhân vật, chính là các em đã một phần nào đi vào thế giới bên trong của câu chuyện.
 Chẳng hạn, khi học xong văn bản “ Sống chết mặc bay”- Phạm Duy Tốn (SGK Ngữ Văn 7- Tập hai) giáo viên yêu cầu học sinh thay lời ngưòi nông dân bày tỏ thái độ với quan phụ mẫu, hoặc là thay lời anh lính hầu- người thấy rõ cuộc vui tổ tôm của quan, vừa thấy được tình cảnh thảm sầu của dân phu thì các em sẽ bộc lộ được sự thương cảm của mình đối với nhân dân và sự tức giận đối với quan phủ.
 Hoặc khi học xong văn bản “ Trong Lòng Mẹ” ( Nguyên Hồng- SGK Ngữ Văn 8 – Tập hai) uyr cầu hs hãy thay lời người mẹ để nói lên tâm trạng và an ủi chú bé Hồng thì học sinh đều nói lên tấm lòng thương con của người mẹ, chỉ vì mẹ cũng là nạn nhân của xã hội, mẹ phải xa con, phải đau khổ vì những cổ tục đương thời thì học sinh sẽ hiểu sâu hơn giá trị tố cáo của tác phẩm và khêu gợi được ở các em tình mẫu tử cũng như sự thương cảm những hoàn cảnh bất hạnh.
Để khắc sâu kiến thức và giáo dục các em, sau khi học xong văn bản “ Bài học đường đời đầu tiên” -Tô Hoài ( SGK Ngữ Văn 6 – Tập hai) cho học sinh thay lời Dế Mèn bày tỏ sự ân hận khi đứng trước mồ Dế Choắt thì hầu hết các em đều nói hết sự ân hận và quyết tâm không vi phạm nữa.
 4) Minh họa bằng những tác phẩm nghệ thuật khác:
Biện pháp này cũng kích thích sự hưng phấn cho học sinh, nhưng cái quan trọng nhất là học sinh hiểu tác phẩm thì mới trình bày lại nôi dung tác phẩm qua tranh vẽ hay lời kể, tượng tạc hình và qua đó giúp các em hiểu sâu 
hơn, nhớ lâu hơn.
Ví dụ: 
Khi đọc bài “ Chiếc lá cuối cùng” – O. Hen-ri( SGK Ngữ Văn 8- Tập một) giáo viên có thể yêu cầu học sinh vẽ ba bức tranh để biểu đạt nội dung cả văn bản. Tùy từng học sinh, nhưng ba bức tranh đó phải có cây thường xuân, cánh cửa và Giônxi. Có thể một bức tranh là hình ảnh cây thường xuân bình thường; một bức là qua đêm bão giông cây thường xuân còn một lá, bức tranh cuối là chiếc lá rụng, cụ Bơmen vẽ chiếc lá khác.
 Ví dụ:
 Khi học xong bài “ Đêm nay bác không ngủ” - Minh Huệ (SGk Ngữ Văn 6 Tập hai) cho học sinh kể lại câu chuyện. Hoặc có thể cho các em phổ nhạc, ngâm thơ một số câu ca dao, những bài lục bát...
 5) Trực quan hóa nội dung tác phẩm bằng những tác phẩm nghệ thuật khác:
Cũng giống như cho học sinh minh họa bằng tác phẩm nghệ thuật khác thì đây cũng là phương pháp là thay đổi không khí giờ học, giúp học sinh bớt căng thẳng bằng cách học sinh vừa học vừa thư giản như xem phim, nghe băng đĩa...
Chẳng hạn, học sinh có thể xem băng về vở chèo “ Quan Âm Thị Kính”, hoặc xem phim về “ Lão Hạc” khi học văn bản này thì sẽ gây hứng thú cho các em và giúp các em nắm bắt tác phẩm đễ dàng hơn.
Trước khi học bài “ Viếng lăng Bác” nên cho học sinh tập hát bài này thì phần nào các em đã tái hiện được nội dung bài thơ sẽ thấy rõ hơn cái da diết của tác giả khi trở về miền Nam
Ngoài ra, có thể cho học sinh miêu tả tâm trạng nhân vật, phong cách; tường thuật theo văn bản ( chi tiết, cốt truyện, hành động, tâm trạng nhân vật:; câu hỏi yêu cầu học sinh liệt kê ghi chú những từ ngữ, chi tiết, hình ảnh mang ý nghĩa nội dung cuộc sống tác phẩm nhằm nhận diện nhân vật, một phong cách, một bức tranh.
 III. Kết quả đạt được:
Sau thời gian vận dụng các phương pháp trên thì tôi thấy hiệu quả giảng dạy có nâng cao:
 Những giờ giảng văn sinh động hơn, phát huy được khả năng tiếp thu cái hay cái đẹp của văn chương, học sinh có hứng thú khi được sống cùng tác phẩm, được thay lời tác giả nói lên tiếng nói của nhân vật, đã đi vào thế giới bên trong của tác phẩm để khóc, cười cùng nhân vật.
 Đặc biệt những bài tập làm văn có chất lượng hơn, các em viết tự nhiên hơn, không gò bó sáo rỗng.
Tuy nhiên một số học sinh lười học, ý thức chưa tốt thì thường thụ động, chưa có khả năng xâm nhập vào tác phẩm, không mạnh dạn bộc lộ suy nghĩ của mình.
PHẦN C: KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ
I. Kết luận :
Tất cả các công việc trên đều nhằm mục đích tái hiện hình tượng, khắc họa nhân vật, nắm bắt tình tiết, hình dung các bức tranh miêu tả khiến cho văn bản là thế giới những kí hiệu được sống dậy như một sinh mệnh nghệ thuật đích thực, giống như tác giả đã sống với nó. Những hoạt động tái hiện hình tượng trên đây không phải có thể áp dụng đồng đều, ồ ạt cho mọi bài văn khác nhau về thể lọai, về thi pháp. Yêu cầu cao nhất của hoạt động này là thực sự xâm nhập được vào thế giới nghệ thuật của tác phẩm.
II. Kiến nghị:
1 Về phía nhà trường:
- Cần hổ trợ một số băng hình về các tác phẩm văn học.
- Tổ chức các buổi ngoại khóa để các em có sân chơi.
2. Về phía giáo viên:
 - Chuẩn bị tốt bài dạy.
 - Lựa chọn phương pháp phù hợp cho từng bài dạy, dịnh hướng cho HS chuẩn bị từ trước.
 3. Về phía các cấp quản lý giáo dục và chính quyền địa phương:
- Tổ chức các cuộc hội thảo chuyên đề để giáo viên có cơ hội trao đổi chuyên môn và học tập kinh nghiệm.
- Có kế hoạch hỗ trợ băng hình đầu chiếu.
 Trên đây là một vài kinh nghiệm của bản thân nhưng vì năng lực còn hạn chế nên không tránh khỏi thiếu sót. Kính mong các thầy cô và đồng nghiệp góp ý.
Tôi xin chân thành cảm ơn!
	Chư Sê, tháng 2 năm 2009
	Người viết

	Hồ Thị Thủy Tiên
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Sách giáo khoa Ngữ văn 6 – Nhà xuất bản Giáo dục
2. Sách giáo khoa Ngữ văn 7 – Nhà xuất bản Giáo dục
3. Sách giáo khoa Ngữ văn 8 – Nhà xuất bản Giáo dục
4. Sách giáo khoa Ngữ văn 9 – Nhà xuất bản Giáo dục
5. Thiết kế bài học tác phẩm văn chương ở nhà trường Phổ thông – Phan Trọng Luận – Nhà xuất bản Giáo dục

MỤC LỤC
	Trang
PHẦN A: ĐẶT VẤN ĐỀ	1
I. Lý do chọn đề tài:	1
1. Lý do về mặt lý luận:	1
2. Lý do về mặt thực tiễn:	1
II. Phương pháp nghiên cứu:	2
III. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu:	2
 1) Đối tượng:	2
 2) Phạm vi nghiên cứu:	2
PHẦN B: NỘI DUNG	3
I. Cơ sở lý luận:	3
II. Các phương pháp và biện pháp dành cho hoạt động tái hiện hình tượng trong giảng dạy ngữ văn	3
1) Đọc diễn cảm, đọc thầm, đọc to: 	3
2) Đọc phân vai:	5
 3) Sáng tạo lời nói, ý nghĩ nhân vật thay cho tác giả:	6
 4) Minh họa bằng những tác phẩm nghệ thuật khác:	6
 5) Trực quan hóa nội dung tác phẩm bằng những tác phẩm nghệ thuật khác:	7
 III. Kết quả đạt được:	8
PHẦN C: KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ	9
I. Kết luận :	9
II. Kiến nghị:	9
1 Về phía nhà trường:	9
2. Về phía giáo viên:	9
 3. Về phía các cấp quản lý giáo dục và chính quyền địa phương:	9

File đính kèm:

  • docSKKN Van 6.doc
Đề thi liên quan