Đề tài Một số biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả một giờ dạy Văn học dân gian lớp 6

doc19 trang | Chia sẻ: haohao | Lượt xem: 3712 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đề tài Một số biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả một giờ dạy Văn học dân gian lớp 6, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
PHẦN I: ĐẶT VẤN ĐỀ
1/ Lý do chọn đề tài:
 Văn học là một bộ môn quan trọng trong những môn khoa học xã hội, nhằm nâng cao hiểu biết về cuộc sống xã hội và con người. Bồi dưỡng tư tưởng, tình cảm, đạo đức, giúp con người phát triển hoàn thiện hơn về nhân cách, đạo đức. Môn Ngữ văn có vị trí quan trọng trong hệ thống giảng dạy tri thức cơ bản trong nhà trường, có ảnh hưởng lớn đến học tập các môn khoa học khác. Vì vậy đối với việc giảng dạy môn Ngữ văn nói chung đòi hỏi phải có trình độ, năng lực, có phương pháp phù hợp với yêu cầu hiện tại: “Dạy học lấy học sinh làm trung tâm”.
 Sau một thời gian giảng dạy môn Ngữ văn 6, thông qua việc khảo sát chất lượng đầu năm học cũng như kiểm tra thường xuyên, kiểm tra định kì môn Ngữ văn cho thấy chất lượng học tập chưa cao so với yêu cầu. Nguyên nhân do học sinh lớp 6 mới ở cấp một lên còn ngỡ ngàng với phương pháp học tập ở cấp hai, từ khâu soạn bài, nghe giảng, ghi bài, suy nghĩ và trả lời câu hỏi trong sách giáo khoa với khối lượng kiến thức khá nhiều. Một số sách bài soạn Ngữ văn 6, sách học tốt Ngữ văn 6 hoặc sách tham khảo tràn lan, không phải giúp học sinh học tốt mà học sinh chỉ việc sao chép một cách máy móc thụ động, ỷ lại trông chờ vào sách, dẫn đến hạn chế sự độc lập suy nghĩ của học sinh. Một số gia đình phụ huynh còn nhiều khó khăn chưa để ý đến việc học tập của các em ở nhà.
 Đứng trước tình trạng trên, tôi thấy bản thân cần phải làm như thế nào để nâng cao chất lượng học tập môn Ngữ văn nói chung mà bắt đầu là phần Văn học dân gian ở lớp 6 nói riêng. 
 Đề tài nhằm phục vụ cho học sinh lớp 6, để các em hứng thú khi học môn Ngữ văn nói chung và phần Văn học dân gian ở lớp 6 nói riêng, để việc học đạt kết quả cao hơn và tránh học môn Ngữ văn một cách thụ động, đặc biệt là phần Văn học dân gian.
 Chính vì những lý do trên, tôi đã mạnh dạn đưa ra một số kinh nghiệm trong giảng dạy nhằm giúp học sinh chủ động chiếm lĩnh tri thức, nâng cao chất lượng học tập, giáo dục đạo đức, thẩm mĩ và hoàn thiện nhân cách cho học sinh một cách hoàn thiện.
2/ Đối tượng và phạm vi của đề tài:
- Đối tượng của đề tài: Một số biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả một giờ dạy Văn học dân gian lớp 6.
- Phạm vi thực hiện: Học sinh lớp 6A3 và 6A4 trường THCS Cao Bá Quát thị trấn Chư Sê từ đầu năm học 2008 – 2009 đến tháng 01 năm 2009.
3/ Mục đích nghiên cứu:
 Từ việc nắm bắt thực trạng học tập của học sinh nói chung và học sinh lớp 6A3, 6A4 trường THCS Cao Bá Quát nói riêng về chất lượng và hiệu quả, việc chiếm lĩnh kiến thức sau một tiết dạy ở phần Văn học dân gian lớp 6 còn thấp, từ đó tôi mạnh dạn đưa ra một số biện pháp cụ thể.
4/ Nhiệm vụ cụ thể:
- Hệ thống những vấn đề lí luận có liên quan đến đề tài.
- Nắm bắt tình hình thực tế và phân tích thực trạng.
- Bước đầu đề xuất một số biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả một giờ dạy Văn học dân gian lớp 6.
5/ Phương pháp nghiên cứu:
- Nắm bắt thực trạng cụ thể.
- Đọc sách nghiên cứu đề tài.
- Thống kê, phân tích, so sánh.
- Tổng kết kinh nghiệm.
6/ Cấu trúc đề tài:
 Ngoài phần mở đầu, kết luận, nội dung đề tài gồm có các phần:
- Yêu cầu chung đối với giáo viên và học sinh khi dạy – học phần Văn học dân gian.
- Phương pháp giảng dạy, cách thức tích hợp, phân tích cụ thể, các bước lên lớp và một số ví dụ cụ thể.
- Biện pháp thực hiện.
- Kết qủa thử nghiệm.
- Kết luận và kiến nghị.



 
 













PHẦN II: NỘI DUNG
1/ Yêu cầu đối với người giáo viên: 
 Trước hết người giáo viên dạy môn Ngữ văn phải nắm bắt chương trình chung, phần Văn học dân gian cấp 2 được phân bố như thế nào ở các lớp 6 và 7. Ở lớp 6 số tiết phần Văn học dân gian chiếm gần một nữa trong tổng số những tiết giảng văn. Mục đích nắm chương trình để thấy được khối lượng nội dung kiến thức cơ bản cần truyền đạt phù hợp với từng lứa tuổi, đối tượng và từng khối lớp học.
 Cùng với việc nắm chương trình, tôi đã chú ý đến việc nắm bắt tinh thần đổi mới về phương pháp dạy bộ môn, nhất là hiện nay môn Ngữ văn có nhiều đổi mới về nội dung và phương pháp để dần dần phù hợp với nhận thức của học sinh trong giai đoạn hội nhập với thế giới. Đối với việc chuẩn bị của giáo viên, tôi đã chú ý đến việc nghiên cứu kĩ bài giảng, tìm những tài liệu có liên quan để áp dụng đưa vào nội dung bài giảng. Đây là một điều kiện cơ bản để giáo viên thực hiện thành công tiết dạy. Vì đặc thù môn Ngữ văn khác những môn khoa học khác là giáo viên có nghiên cứu kĩ, thâm nhập vào tác phẩm mới có thể hướng dẫn học sinh từng bước chiếm lĩnh tác phẩm, các em mới thấy được cái hay, cái đẹp toát ra từ nội dung và nghệ thuật của tác phẩm.
 Cùng với việc chuẩn bị bài của mình, tôi hướng dẫn học sinh chuẩn bị bài soạn trước ở nhà bằng các việc cụ thể: Đọc kĩ tác phẩm, trả lời các câu hỏi ở phần đọc - hiểu văn bản trong sách giáo khoa, ngoài ra tôi còn gợi ý thêm, cung cấp thêm một số câu hỏi, một số vấn đề hoặc cụ thể hơn các câu hỏi trong sách giáo khoa. Vì nếu chỉ dừng lại ở việc soạn bài của giáo viên thôi thì việc tiếp thu bài của học sinh sẽ nặng nề và khó khăn hơn, học sinh sẽ mất đi sự chủ động trong việc tiếp thu bài.
 Soạn bài là công việc chuẩn bị giáo án trước khi lên lớp, còn việc thể hiện trên giáo án trong một tiết học ra sao lại đòi hỏi nghệ thuật của mỗi giáo viên. Dạy học môn Ngữ văn khác với dạy các môn khoa học khác, người giáo viên cần phải có cách dạy để lôi cuốn học sinh, để tránh nhàm chán giáo viên cần có phương pháp dạy phù hợp với từng đối tượng học sinh: Thuyết trình, nêu vấn đề, thảo luận... có thể kết hợp kể những câu chuyện có liên quan đến nội dung bài học.
2/ Yêu cầu đối với học sinh:
 Điều trước tiên đối với học sinh để cảm thụ một tiết giảng văn nói chung, Văn học dân gian nói riêng được tốt là phải có sự chuẩn bị bài ở nhà bằng các công việc cụ thể: Đọc kĩ tác phẩm, kể lại được tác phẩm, trả lời câu hỏi ở phần đọc – hiểu văn bản hoặc trả lời những câu hỏi cụ thể hoá của giáo viên và những câu hỏi của giáo viên đã nêu thêm. Tránh trường hợp soạn bài bằng cách lấy sách tham khảo ra chép hoặc mượn vở của anh, chị đã học từ trước hay mượn vở của bạn đã học ở lớp khác rồi chép vào.
 Trên lớp phải chú ý nghe thầy cô giảng bài, hăng hái xây dựng phát biểu bài, nếu có thảo luận nhóm thì phải đóng góp những suy nghĩ của mình, tránh trường hợp thảo luận nhóm nhưng có những học sinh chỉ ngồi chơi hoặc nói chuyện, trông chờ, ỷ lại, chép bài một cách thụ động, không chịu suy nghĩ.
 Về nhà phải học bài cũ, dù bài giảng của thầy cô có hay nhưng học sinh về nhà không học bài, không xem lại nội dung bài học thì cũng không nắm bắt được nội dung bài học. Sau khi học xong bài cũ, hướng dẫn học sinh đọc thêm một số sách tham khảo để mở rộng nội dung kiến thức bài học.
 Đặc biệt đối với phần Văn học dân gian, học sinh cần có những tập truyện truyền thuyết, cổ tích, ngụ ngôn, truyện cười.... để đọc thêm và từ đó có thể so sánh nội dung bài học với những nội dung truyện đã được đọc.
 Văn học dân gian mang tính chất truyền miệng nên học sinh sau khi học xong phải kể lại được, hiểu và cảm nhận được sâu sắc tác phẩm văn học, hình tượng văn học, trên cơ sở đó các em có thể truyền miệng một cách sáng tạo những sáng tác dân gian.
3/ Một số ví dụ cụ thể:
a/ Phần kiểm tra bài cũ:
 Đầu tiết học bao giờ cũng là khâu kiểm tra bài cũ, bằng nhiều hình thức, tôi chuẩn bị một số câu hỏi kiểm tra. Không gò ép, không gây căng thẳng cho học sinh. Nếu học sinh không thuộc bài cũ vì một lý do nào đó, về mặt tâm lý sẽ gây ảnh hưởng đến việc tiếp thu bài mới của học sinh. Để tạo tâm thế cho bài giảng, học sinh tiếp thu bài tốt, tôi đã tạo hứng thú cho các em bắt đầu giờ học một cách thoải mái.
 Ví dụ 1: Khi học bài: “Sự tích Hồ Gươm”, tôi hỏi có em nào biết Hồ Gươm không? Nó nằm ở địa danh hay thành phố nào? Em hãy đọc câu ca dao hoặc câu thơ nào đó về Hồ Gươm? Sau đó tôi giới thiệu: Hồ Gươm ở Hà Nội là một thắng cảnh đẹp đồng thời gắn liền với một truyền thuyết dân gian về vua Lê Lợi, ai đến Hà Nội cũng ra thăm hồ. Ở Hồ Gươm có đề Ngọc Sơn, có cầu Thê Húc, giữa hồ có Tháp Rùa. Hiện nay trong đền Ngọc Sơn có xác một con Rùa rất lớn. Trước thế kỷ XV, hồ còn có tên gọi là hồ Tả Vọng, sau đó đổi tên là hồ Hoàn Kiếm – nghĩa là trả lại gươm sau khi Lê Lợi chiến thắng giặc Minh. Tại sao lại có tên đó, câu chuyện hôm nay sẽ giúp chúng ta hiểu rõ điều đó.
 Hoặc khi học truyện “Thánh Gióng”, khi bắt đầu vào bài, tôi đã gắn ngay bài học với thực tế: Hàng năm các em tham gia hội khoẻ Phù Đổng hay nghe qua đài, báo, chúng ta thường nghe nói đến sức mạnh Phù Đổng của dân tộc ta. Tất cả điều đó đều bắt nguồn từ một truyền thuyết lâu đời của dân tộc ta, đó là truyền thuyết “Thánh Gióng”.
 Hay khi học về truyện “Bánh chưng, bánh giầy”, tôi hỏi: Trong mâm ngũ quả nhà các em vào ngày tết có những gì? Sau khi học sinh trả lời xong, tôi kết hợp giới thiệu bài: Hàng năm, mỗi khi xuân về tết đến, nhân dân ta từ miền ngược đến miền xuôi lại nô nức, hồ hởi chở lá dong, xay đỗ, giã gạo... để gói bánh.
 Quang cảnh ngày tết làm chúng ta thêm yêu quý, tự hào về nền văn hoá cổ truyền độc đáo của dân tộc ta như làm sống lại sự tích “Bánh chưng, bánh giầy”. Vậy truyền thuyết đó có nội dung và ý nghĩa gì? Tại sao tết đến xuân về nhân dân ta lại làm bánh cúng tổ tiên, ông bà. Chúng ta sẽ tìm hiểu nội dung bài học hôm nay.
 Hoặc khi dạy truyền thuyết “Con Rồng cháu Tiên”, tôi giới thiệu: Các em thường nghe ông bà, cha mẹ nói: Người Việt Nam là con Rồng cháu Tiên. Vậy tại sao ông bà, cha mẹ lại nói như vậy, hôm nay chúng ta cùng thầy tìm hiểu truyền thuyết “Con Rồng cháu Tiên” để hiểu rõ hơn điều đó.
 Việc gây hứng thú cho học sinh như vậy sẽ tạo cho các em tiếp thu bài giảng tốt hơn. Giảng một tác phẩm Văn học dân gian khác với giảng một tác phẩm thuộc Văn học viết. Vì một tác phẩm Văn học viết là sản phẩm tinh thần của một cá nhân, một tác phẩm Văn học dân gian là kết quả sáng tạo của một cộng đồng tập thể qua nhiều thế hệ đã được chọn lọc, gọt giũa một cách sáng tạo. Khi dạy tôi đã kết hợp nhiều phương pháp như hướng dẫn học sinh đọc diễn cảm, kể diễn cảm, khơi dậy không khí thần thoại, cổ tích... tìm ra các chi tiết cơ bản của đoạn, nêu những câu hỏi thảo luận đồng thời tìm ra ý nghĩa của các chi tiết, hoặc có thể hỏi: Trong các chi tiết đó em thích nhất chi tiết nào? Vì sao? Em có suy nghĩ gì về các chi tiết đó?
b/ Tiến hành dạy bài mới:
 Trong bài giảng muốn học sinh hiểu bài dễ dàng, tôi đã chú ý đến việc xây dựng hệ thống câu hỏi vừa sức với học sinh. Tránh những câu hỏi áp đặt mà đi từ dễ đến khó. Từ việc phát hiện các chi tiết đến câu hỏi phân tích các chi tiết, từ đó đặt ra những câu hỏi có ý nghĩa khái quát. Có loại câu hỏi nhận xét, so sánh hoặc liên hệ vẽ tranh minh hoạ bằng hình ảnh, qua đó giúp các em cảm nhận được một cách sâu sắc về tác phẩm văn học, hiểu được hết nội dung và ý nghĩa của tác phẩm.
 Ví dụ 2: Khi dạy phần mở đầu của truyện “Thánh Gióng” tôi đặt câu hỏi: Em hãy kể hoàn cảnh ra đời của nhân vật Thánh Gióng? Em thấy sự ra đời đó có gì kì lạ khác thường? Tại sao nhân dân ta lại xây dựng nhân vật Thánh Gióng ra đời trong hoàn cảnh kì lạ như vậy?
 Đối với câu hỏi phân tích hướng dẫn học sinh trả lời: Nhân dân ta muốn Thánh Gióng ngay từ khi ra đời đã bao phủ một không khí kì ảo thần linh, người hiền tài phải xuất hiện trong một không khí khác thường. Cách giới thiệu như vậy nhằm gây hấp dẫn cho người đọc, người nghe.
 Tiếp sau đó, tôi gọi học sinh đọc đoạn: “Bây giờ giặc Ân... giết giặc, cứu nước”. Tôi đặt ra những câu hỏi để học sinh thảo luận và trả lời: Sứ giả đi khắp nơi tìm người tài giỏi cứu nước, chi tiết đó có ý nghĩa như thế nào?
(Gợi ý: Lời sứ giả tượng trưng cho lời gì? Lời sứ giả tượng trưng cho lời kêu gọi khẩn thiết của non sông, đất nước khi có giặc ngoại xâm).
 Em cho biết tiếng nói đầu tiên của chú bé là gì? (Đòi đi đánh giặc cứu nước). Tiếng nói của chú bé tượng trưng cho điều gì? (Tượng trưng cho tiếng nói của một dân tộc còn non trẻ, khẳng định ý chí bảo vệ Tổ Quốc của dân tộc ta thời kì dựng nước và giữ nước...)
 Sau đó tôi hỏi: Em hãy cho biết việc Thánh Gióng nhổ cả bụi tre để đánh giặc có ý nghĩa gì? (Gợi ý: Cây tre được trồng ở đâu? Nó có gắn bó với nhân dân Việt Nam như thế nào? Gióng đánh giặc không những bằng vũ khí mà còn bằng cả cây cỏ của đất nước, bằng những gì có thể giết được giặc, chính vì vậy mà chủ tịch Hồ Chí Minh trong lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp lần thứ hai đã nói: “Ai có súng thì dùng súng, ai có gươm thì dùng gươm, không có súng, gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy, gộc...” Lịch sử lớp 9, tập 2).
 Em hãy cho biết: Gióng đánh giặc xong cởi áo giáp sắt để lại và bay thẳng về trời có ý nghĩa gì? (Gợi ý: Em có liên hệ gì chi tiết này với chi tiết Gióng ra đời? Gióng trở về phi thường thì ra đi cũng phi thường, Gióng là non nước, là đất trời, là biểu tượng của nhân dân Văn Lang. Đánh giặc xong, Gióng không trở về nhận phần thưởng, không hề đòi hỏi công danh. Dấu tích của chiến công, Gióng để lại cho quê hương, xứ sở).
 Ví dụ 3: Khi dạy về truyền thuyết “Bánh chưng, bánh giầy”, ngay phần mở đầu truyện tôi hỏi: Trong các con của vua, chỉ có Lang Liêu được thần giúp đỡ, vì sao? (Gợi ý: Hoàn cảnh sống của Lang Liêu thế nào? Tuy là con vua nhưng từ khi lớn lên, chàng ra ở riêng chỉ chăm lo việc đồng áng trồng lúa, trồng khoai, là con vua nhưng rất gần gũi với dân thường, nhưng quan trọng hơn chàng là người duy nhất hiểu được ý thần).
 Sau khi dạy xong đoạn hai, thứ bánh của Lang Liêu được chọn để tế Trời, Đất và chàng được chọn để nối ngôi vua, tôi hỏi: Vì sao hai thứ bánh của Lang Liêu được vua cha chọn để tế Trời, Đất, Tiên Vương và Lang Liêu được chọn để nối ngôi vua? (Gợi ý: Nguyên liệu để làm hai thứ bánh đó là gì? Hai thứ bánh đó tượng trưng cho cái gì? Chứng tỏ tấm lòng gì của người làm bánh? Hai thứ bánh làm từ gạo, đỗ xanh, thịt lợn... là sản phẩm do con người làm ra, thể hiện sự quý trọng nghề nông, bánh giầy tượng trưng cho Trời, bánh trưng tượng trưng cho Đất, các thứ thịt mỡ, đậu xanh, lá dong tượng trưng cho cầm thú, cây cỏ, hai thứ bánh đó hợp ý vua thể hiện tấm lòng của người con hiếu thảo, thông minh).
 Sau đó tôi hỏi tiếp: Truyện đã giải thích nguồn gốc và đề cao cái gì? (Giải thích nguồn gốc bánh chưng, bánh giầy và đề cao sản phẩm của người lao động, đề cao nghề nông).
 Ví dụ 4: Khi giảng về “Sự tích Hồ Gươm”, ngay khi dạy phần đầu truyện tôi hỏi: Việc Đức Long Quân quyết định cho nghĩa quân Lam Sơn mượn gươm có ý nghĩa gì? (Gợi ý: Đức Long Quân có phải là người bình thường không? Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn được tổ tiên, thần thiêng ủng hộ, giúp đỡ thì nhất định sẽ thắng lợi).
 Khi dạy đến đoạn Lê Thận bắt được lưỡi gươm ở dưới nước, Lê Lợi bắt được chuôi gươm ở trên rừng, Lê Thận bắt được lưỡi gươm ở dưới nước có ý nghĩa gì? (Gợi ý: Em có suy nghĩ gì về địa bàn hai miền này và mối liên hệ giữa chúng? Khả năng cứu nước ở khắp mọi nơi, từ miền sông nước đến vùng rừng núi, từ miền ngược đến miền xuôi cùng đánh giặc cứu nước).
 Sau đó tôi hỏi tiếp: Việc tra chuôi gươm của Lê Lợi vào lưỡi gươm của Lê Thận vừa như in có ý nghĩa gì? (Thể hiện nguyện vọng của dân tộc là nhất trí, nghĩa quân trên dưới một lòng, sự đoàn kết của nhân dân miền ngược với nhân dân miền xuôi trong việc đánh giặc cứu nước).
 Khi dạy đến phần cuối truyện tôi hỏi: Việc Đức Long Quân cho Rùa vàng đòi lại gươm thần có ý nghĩa gì? (Thể hiện ý nguyện yêu hoà bình và tinh thần cảnh giác của cả nước, của toàn dân).
 Ví dụ 5: Khi dạy về truyện ngụ ngôn “Thầy bói xem voi” tôi hỏi: Việc các thầy bói xem voi phán về con voi như vậy đã thể hiện điều gì? (Gợi ý: Cả 5 ông thầy bói đều xem voi một cách phiến diện, dùng một bộ phận để nói toàn thể, trong khi ở đây cái bộ phận không thể nói chung cho cái toàn thể. Truyện không chỉ nhằm nói cái mù về thể chất mà còn nói đến cái mù về nhận thức).
 Sau đó tôi hỏi tiếp: Nếu như em có mặt tại nơi các thầy bói xem voi đang xô xát không đồng quan điểm với nhau thì em sẽ làm gì? (Gợi ý: Em sẽ đứng ra giải thích cho các thầy bói hiểu rằng các thầy nói đều đúng nhưng mỗi thầy chỉ nói đúng được một bộ phận của con voi vì thế không nên kết luận về con voi như vậy và giải thích cho các thầy hiểu về từng bộ phận của con voi).
 Cuối bài tôi hỏi tiếp: Vậy theo em bài học rút ra từ câu chuyện này là gì? (Gợi ý: Sự vật hiện tượng rộng lớn, muốn kết luận đúng về sự vật, hiện tượng phải xem xét nó một cách toàn diện mới có thể tránh được những sai lầm. Ở đây không chỉ là bài học về cách tìm hiểu sự vật, hiện tượng mà chúng ta luôn phải chú ý trong học tập cũng như trong đời sống. Và chính vì thế từ xưa đến nay vẫn có câu thành ngữ “Thầy bói xem voi”
 Với phương pháp này, tôi đã khắc phục được tình trạng cứ giáo viên đọc còn học sinh cặm cụi ghi chép một cách thụ động, không phát huy được tính tích cực, chủ động của học sinh.
c/ Phần kiểm tra, đánh giá sau tiết dạy:
 Để thấy được kết quả, mức độ hiểu bài của học sinh, tôi thường có khâu kiểm tra đánh giá cuối tiết học. Có thể là câu hỏi tổng kết hoặc câu hỏi điểm từng phần nào đó, thường là câu hỏi tổng hợp, khái quát với học sinh khá, câu hỏi điểm từng phần với học sinh trung bình và yếu.
 Ví dụ 1: Khi dạy truyện “Thánh Gióng”, để gắn bài học với thực tế và khắc sâu kiến thức cho học sinh, tôi hỏi: Dựa vào chi tiết nào ngoài cuộc sống người ta đã coi truyện này có “Cái lõi là sự thật lịch sử” [Hiện nay vẫn còn đền thờ Thánh Gióng ở làng Phù Đổng (Sóc Sơn – Hà Nội) hàng năm đến tháng tư dân làng mở hội rất to. Hiện nay ở một số địa phương có những bụi tre đằng ngà có màu vàng cháy, người ta nói rằng, tre có màu vàng như vậy là ngựa của Thánh Gióng phun lửa vào làm cháy].
 Sau đó, tôi đọc một đoạn thơ để học sinh thấy được hình tượng Thánh Gióng đã đi vào lòng người mỗi người dân Việt Nam.
 Ôi sức trẻ! Xưa trai Phù Đổng
 Vươn vai, lớn bổng dậy nghìn cân
 Cưỡi lưng ngựa, sắt bay phun lửa
 Nhổ bụi tre làng, đuổi gặc Ân.
 (Theo chân Bác, Tố Hữu)
 Ví dụ 2: Khi dạy xong truyện “Sơn Tinh, Thuỷ Tinh”, để củng cố kiến thức cho học sinh, tôi hỏi: Người xưa tưởng tượng ra truyện hai thần đánh nhau hàng năm để giải thích hiện tượng thiên nhiên gì ở miền Bắc nước ta? Hiện tượng đó có quan hệ ra sao đến việc làm ăn, sinh sống từ xưa đến nay?
 (Gợi ý: Giải thích hiện tượng hàng năm vào tháng 7 tháng 8 ở miền Bắc nước ta thường có mưa to, lũ lụt, làm cho cuộc sống của nhân dân gặp nhiều khó khăn, mùa màng thất bát).
 Sau đó tôi hỏi tiếp: Việc chống lại Thuỷ Tinh và giành thắng lợi của Sơn Tinh có ý nghĩa gì? (Gợi ý: Dù mưa to, lũ lụt nhân dân ta vẫn đồng lòng, đồng sức và cuối cùng tạo nên sức mạnh để chiến thắng thiên nhiên, bắt thiên nhiên phải phục vụ con người).
 Ví dụ 3: Khi dạy xong truyện “Con Rồng cháu Tiên”, tôi hỏi: Theo truyện này thì người Việt Nam chúng ta là con của ai? (Gợi ý: Con Rồng cháu Tiên). Truyện nhằm giáo dục chúng ta điều gì? (Gợi ý: Giáo dục nhân dân ta, dù ở đâu, miền ngược hay miền xuôi phải yêu thương, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau vì tất cả đều là anh em một nhà, là con Rồng cháu Tiên, con cháu vua Hùng).
 Sau đó tôi hỏi: Em hãy đọc một số câu ca dao, tục ngữ về tình cảm, tinh thần đoàn kết của người Việt Nam chúng ta.
 Bầu ơi thương lấy bí cùng
 Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.
 Hay: Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ.
 Lá lành, đùm lá rách.
 Để tiếp nối truyền thống của ông cha ta, hiện nay nhân dân ta hay bản thân em đã làm gì để thể hiện sự đoàn kết, yêu thương, luôn giúp đỡ lẫn nhau? (Gợi ý: Ủng hộ người nghèo, ủng hộ chất độc màu da cam, ủng hộ đồng bào bị thiên tai, lũ lụt hay em đã tham gia kế hoạch nhỏ do liên đội của trường phát động như: Ủng hộ bạn nghèo, ủng hộ quần áo, sách vở, đồ dùng học tập, mua tăm ủng hộ người mù...).
 Sau khi học sinh trả lời các câu hỏi đó, tôi gọi các học sinh khác nhận xét, bổ sung, dựa vào đó, tôi hệ thống lại nội dung và nghệ thuật của tác phẩm.
 Ngoài ra để nắm bắt mức độ hiểu bài của học sinh, cuối giờ tôi thường cho các em làm phiếu học tập, sau đó thu lại chấm lấy điểm. Nội dung câu hỏi ở các phiếu học tập là các câu hỏi đánh giá, tổng kết từng phần hoặc đánh giá tổng kết toàn bộ bài học.
4/ Kết quả thử nghiệm:
 Từ những tổng kết kinh nghiệm trên để chứng minh cho vấn đề vừa nêu, quá trình thử nghiệm được thực hiện ở hai lớp 6A3 và 6A4 như sau:
 Lớp 6A3 chỉ lần lượt đặt câu hỏi theo định hướng của sách giáo khoa. 
 Lớp 6A4 ngoài việc đặt câu hỏi theo định hướng sách giáo khoa, tôi còn đặt nhiều dạng câu hỏi để phù hợp với từng đối tượng học sinh như ở trên đã nêu.
 Để kiểm tra đánh giá kết quả, giáo viên thường đặt câu hỏi dạng tổng hợp hoặc câu hỏi điểm từng phần để liên hệ thực tế cho học sinh như: (Khi dạy bài “Con Rông cháu Tiên”)
 ?: Em hãy đọc những câu thơ hoặc ca dao, tục ngữ về tình cảm, tinh thần đoàn kết của người Việt Nam chúng ta?
 ?: Em hãy kể những việc làm cụ thể mà em đã làm để thể hiện tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, biết giúp đỡ lẫn nhau?
 Hay phát phiếu học tập khi dạy bài “Bánh chưng, bánh giầy”






PHIẾU HỌC TẬP
 Hãy kết nối cột A với cột B tương ứng?
Cột A: Câu hỏi
Kết nối
Cột B: Nội dung
1: Vì sao trong các con vua, chỉ có Lang Liêu được thần giúp đỡ?

1: Giải thích nguồn gốc bánh chưng, bánh giầy và đề cao nghề nông. 
2: Tại sao hai thứ bánh của Lang Liêu được vua chọn để tế Trời, Đất và Tiên Vương?

2: Chàng là người chỉ biết chăm lo việc đồng áng trồng lúa, trồng khoai, sống gần gũi với người dân.
3: Hai thứ bánh đó tượng trưng cho cái gì? 

3: Là sản phẩm do con người làm ra, thể hiện sự quí trọng nghề nông.
4: Truyện nhằm giải thích nguồn gốc và đề cao nghề gì?

4: Bánh giầy tượng trưng cho Trời, bánh chưng tượng trưng cho Đất, các thứ thịt mỡ, đậu xanh... tượng trưng cho cầm thú, cây cỏ.
 Với phương pháp tổ chức này, kết quả cho thấy giữa hai lớp có sự chênh lệch rõ rệt.
 Lớp 6A3 không dạy theo phương pháp này nên các em khó nắm bắt được nội dung bài học một cách đầy đủ.
 Lớp 6A4 được tổ chức theo phương pháp này học sinh dễ dàng nắm bắt được nội dung bài học.
Việc vận dụng linh hoạt các phương pháp nêu trên nên kết quả đạt được rất khả quan. Ở lớp 6A4 cho thấy có tới hơn 95% các em hiểu được nội dung kiến thức của bài. 

Phần III: KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ
1/ Kết luận:
 Qua quá trình dạy môn Ngữ văn nói chung và phần Văn học dân gian nói riêng ở lớp 6, tôi đã rút được nhiều điều từ việc giảng dạy của mình. Muốn dạy thành công một giờ Văn học dân gian, người giáo viên cần phải:
- Giáo viên phải nắm được chương trình trọng tâm của các khối lớp.
- Kịp thời tiếp cận, tìm tòi những phương pháp, cách làm hay phù hợp với đặc trưng của bộ môn, phù hợp với đối tượng học sinh, phù hợp với thực tiễn.
- Giáo viên phải nghiên cứu bài kĩ lưỡng, hướng dẫn học sinh chuẩn bị bài, không sao chép một cách thụ động.
- Cần gắn bài học với lôgic cuộc sống, gây hứng khởi cho học sinh để tạo tâm thế đón nhận bài mới.
- Trong quá trình giảng, câu hỏi phải mang tính hệ thống, vừa sức, có gợi mở, kích thích suy nghĩ để các em tìm tòi ra cách trả lời.
- Lời giảng của giáo viên phải rõ ràng, rành mạch, chính xác, lôi cuốn học sinh.
- Kết thúc bài giảng cần có câu hỏi kiểm tra, đánh giá nhận thức của học sinh sau tiết học để biết được mức độ nắm bài, hiểu bài của học sinh, từ đó bổ sung phương pháp dạy thêm phong phú.
- Qua quá trình giảng dạy với những kinh nhiệm tổng kết được áp dụng vào việc giảng dạy môn Ngữ văn của mình, đặc biệt là phần Văn học dân gian lớp 6, trong mấy năm gần đây tôi đã thu được một số kết quả rất khả quan.
- Học sinh kể lại được tác phẩm, đặc biệt là một số học sinh biết kể diễn cảm các tác phẩm, kể nhập vai trong tác phẩm.
- Hiểu được giá trị về nội và nghệ thuật của truyện.
- Qua những nội dung của truyện rút ra được ý nghĩa, bài học và giá trị giáo dục đạo đức cho học sinh.
- Biết gắn nội dung bài học với thực tế cuộc sống và áp dụng vào cuộc sống hàng ngày.
 Đây là những kinh nghiệm của bản thân tôi, nếu như người giáo viên không áp dụng một cách linh hoạt thì giờ dạy sẽ không gây được hứng thú đối với học sinh. Do vậy khi áp dụng phải tuỳ từng đối tượng học sinh để có những cách dạy cho phù hợp để học sinh hiểu sâu và rộng hơn về tác phẩm.
 Tóm lại, dạy Ngữ văn không phải là công việc dễ dàng, đơn giản muốn dạy tốt cần đòi hỏi người giáo viên phải nhiệt tình, có sự đầu tư cho chuyên môn, nâng cao năng lực, tìm tòi những cách dạy hay, khắc phục cách dạy cứng nhắc, đơn điệu, hình thức...nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của việc dạy đối với giáo viên và việc học đối với học sinh.
 Trên đây là một số suy nghĩ và việc làm được coi là kinh nghiệm của bản thân tôi trong quá trình giảng dạy phần Văn học dân gian lớp 6. Mặc dù đó chỉ là những suy nghĩ của

File đính kèm:

  • docSKKN van 6 k .doc
Đề thi liên quan