Đề thi chọn học sinh giỏi cấp huyện môn Ngữ văn Lớp 9 - Năm học 2021-2022 (Có đáp án)

docx4 trang | Chia sẻ: Thái Huyền | Ngày: 14/05/2024 | Lượt xem: 256 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đề thi chọn học sinh giỏi cấp huyện môn Ngữ văn Lớp 9 - Năm học 2021-2022 (Có đáp án), để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
ĐỀ CHÍNH THỨC

ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI LỚP 9 CẤP HUYỆN
NĂM HỌC 2021 - 2022
MÔN: NGỮ VĂN
Thời gian làm bài: 150 phút 

Câu 1: (8 điểm)
Khi ta tặng bạn hoa hồng, tay ta còn vương mãi mùi hương.
(Phương ngôn Bun-ga-ri)
Suy nghĩ của em về ý nghĩa câu phương ngôn trên trong giai đoạn hiện nay đất nước ta đang ra sức phòng chống đại dịch COVID-19. (Bài viết không quá 02 trang giấy thi)
Câu 2: (12 điểm)
Bàn về văn chương, Hoài Thanh viết: 
Văn chương gây cho ta những tình cảm ta không có, luyện cho ta những tình cảm ta sẵn có.
 (Trích Ý nghĩa văn chương - SGK Ngữ văn 7, tập hai)
Bằng hiểu biết của em về bài thơ Bếp lửa của nhà thơ Bằng Việt, em hãy làm sáng tỏ ý kiến trên.
------------- Hết -------------

HƯỚNG DẪN CHẤM
ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI LỚP 9 CẤP HUYỆN
ĐỀ CHÍNH THỨC
NĂM HỌC 2021 - 2022
MÔN: NGỮ VĂN
Câu
Nội dung
Điểm
Câu 1
I. Yêu cầu về kỹ năng 
	HS biết cách xây dựng một bài văn nghị luận xã hội về một tư tưởng đạo lí. Bài viết cần có luận điểm rõ ràng, luận cứ đầy đủ, lập luận chặt chẽ, diễn đạt lưu loát.
0.75
II. Yêu cầu về nội dung kiến thức: Bài làm cần đạt được những nội dung cơ bản sau:
1. Giải thích ý nghĩa câu nói: 
	- Hoa hồng: Biểu tượng cho cái đẹp và những giá trị tinh thần của con người (niềm vui, niềm hạnh phúc)
	- Khi ta tặng hoa hồng cho ai đó cũng có nghĩa là ta mang đến cho họ niềm vui, hạnh phúc, tay ta còn vương mãi mùi hương, niềm vui không mất đi mà còn đọng mãi trong ta.
	Khi mang đến cho người khác niềm vui và những điều tốt đẹp thì tự bản thân ta cũng cảm thấy hạnh phúc.
2.0
2. Phân tích, bàn luận
	- Khẳng định sự đúng đắn của câu phương ngôn:
	+ Thông thường chúng ta vẫn cho rằng muốn được hạnh phúc thì trước hết mình phải tạo cho bản thân niềm vui trong đời sống vật chất lẫn tinh thần. Khi mang lại cho người khác niềm vui thì mình cũng sẽ hạnh phúc.
	+ Sự thật là, khi ta tìm cách mang lại niềm vui cho người khác thì niềm vui mà ta cảm nhận được đã tự nhân đôi.
 	Dẫn chứng thực tế khi cả đất nước đang gồng mình phòng chống đại dịch Covid-19: tiêu biểu là các y bác sỹ tuyến đầu, bộ đội, công an; toàn thể nhân dân đồng lòng, chung sức bằng những việc làm cụ thể: ủng hộ tiền, phát gạo, phát khẩu trang miễn phí và còn nhiều nghĩa cử cao đẹp khác
	- Sự chia sẻ niềm vui và hạnh phúc với mọi người chính là biểu hiện của ứng xử văn hoá đẹp, một tinh thần vì cộng đồng.
	- Phê phán những người chỉ lo vun vén hạnh phúc cho bản thân mà quên đi những người xung quanh mình.

1.0
1.0
1.5
0.5
0.5
3. Liên hệ và bài học rút ra cho bản thân
0.75
Lưu ý: Thí sinh có thể có quan điểm, cách lập luận, trình bày khác nhau, giám khảo có thể tùy theo bài viết để đánh giá cho điểm hợp lí.


Câu 2
I. Yêu cầu về kỹ năng
	- HS làm được bài văn nghị luận về tác phẩm văn học có gắn với một nhận định, xác định đúng luận điểm, có khả năng phân tích, bình luận.
	- Trình bày bố cục mạch lạc, diễn đạt lưu loát, giàu cảm xúc, ít mắc lỗi.
1.0
II. Yêu cầu về kiến thức
1. Mở bài
	Giới thiệu ý kiến của Hoài Thanh gắn với nội dung cơ bản của bài thơ Bếp lửa: Bài thơ thể hiện tình cảm bà cháu thiêng liêng, sâu nặng.
1.0
2. Thân bài:
* Khái quát
	- Giải thích nhận định:
	+ Văn chương gây cho ta những tình cảm ta không có: tức là khẳng định các tác phẩm văn chương có khả năng khơi gợi những tình cảm, rung cảm đẹp đẽ cho mỗi người khi tiếp cận tác phẩm. Văn chương luyện cho ta những tình cảm ta sẵn có: tức là nhấn mạnh khả năng văn chương bồi đắp tâm hồn, tình cảm của mỗi người thêm sâu sắc, thêm đẹp đẽ, bền vững.
	+ Nhận định đã khái quát hai vấn đề: quy luật sáng tạo và tiếp nhận văn chương đều xuất phát từ tình cảm, cảm xúc của tác giả và bạn đọc; chức năng giáo dục và thẩm mĩ của văn chương đối với con người.
	- Hoàn cảnh tác giả sáng tác bài thơ. 
	- Khẳng định: Bài thơ khơi dậy, bồi đắp thêm cho tình cảm gia đình (tình bà cháu thiêng liêng, sâu nặng), tình yêu thương con người, tình yêu quê hương, đất nước của mỗi con người. Bài thơ là minh chứng cho nhận định của Hoài Thanh.

1.5
* Phân tích, chứng minh
- Bài thơ khơi dậy và làm đẹp thêm tình cảm bà cháu, tình cảm gia đình cho mỗi người đọc qua dòng hồi tưởng của cháu về kỷ niệm tuổi thơ bên bà, bên bếp lửa – qua tình cảm bà cháu của nhân vật trữ tình: 
+ Hồi tưởng của cháu bắt đầu từ hình ảnh bếp lửa và hình ảnh bà. (dẫn chứng)
+ Nhân vật trữ tình hồi tưởng lại những kỷ niệm. (dẫn chứng)
+ Hồi tưởng về bà luôn gắn với hình ảnh bếp lửa. (dẫn chứng)
+ Cháu khôn lớn, trưởng thành thấm thía cuộc đời bà vất vả, gian khổ, tần tảo, chịu thương chịu khó; công lao của bà mênh mông, sâu nặng. (dẫn chứng)
+ Cháu tâm nguyện: luôn trân trọng, nhớ bà, biết ơn bà (dẫn chứng)
+ Trong suy ngẫm, tâm nguyện của cháu cũng vẫn hiện lên hình ảnh bếp lửa bình dị mà thiêng liêng: Bếp lửa là biểu tượng cho tình bà cháu, biểu tượng của gia đình, quê hương (dẫn chứng)
- Bài thơ khơi dậy và làm đẹp thêm tình cảm gia đình gắn bó hài hòa trong tình yêu quê hương đất nước - qua những suy ngẫm của cháu về bà, về đất nước, dân tộc, nhân dân mình: 
+ Tình cảm bà cháu là cội nguồn của tình cảm gia đình, tình cảm với quê hương, đất nước. (dẫn chứng)
+ Người cháu nhớ về bà, biết ơn bà, nhờ hiểu bà mà thêm hiểu nhân dân, đất nước, dân tộc mình. (dẫn chứng)
- Khẳng định sự tác động của bài thơ đến tình cảm mỗi người đọc, sự đồng cảm của người đọc với bài thơ:
+ Với hình tượng bếp lửa và hình tượng người bà, bài thơ bếp lửa đã khơi dậy trong lòng mỗi người đọc tình cảm bà cháu đẹp đẽ, tình cảm gia đình thiêng liêng. Tình cảm của nhân vật trữ tình, của tác giả đã làm sâu sắc, đẹp đẽ, bền vững thêm tình cảm gia đình trong mỗi người đọc. Điều đó chứng minh nhận định của Hoài Thanh là đúng đắn.
+ Bài thơ nhận được sự đồng cảm của bạn đọc, bạn đọc tìm được sự đồng điệu tâm hồn với tác giả. Bài thơ là một minh chứng cho quy luật sáng tạo và tiếp nhận văn chương, minh chứng cho vai trò quan trọng và chức năng của văn chương.

3.0
1.5
2.0
* Đánh giá, mở rộng: 
- Bài thơ Bếp lửa với hình tượng thơ độc đáo, ngôn từ biểu cảm, bình dị mà sâu sắc, sử dụng hồi tưởng và hiện tại trong mạch cảm xúc, sử dụng nhiều biện pháp nghệ thuật đặc sắc đã thể hiện xúc động tình bà cháu thiêng liêng, ấm áp, tình cảm yêu gia đình, quê hương, đất nước trong sáng, đẹp đẽ.
- Bài thơ đã làm sáng tỏ những quy luật sáng tạo và tiếp nhận văn chương; minh chứng cho những tác dụng to lớn của văn chương: Văn chương làm đẹp thêm tình người, hướng con người đến chân, thiện, mỹ.
- Liên hệ đến các tác phẩm ngợi ca tình cảm gia đình: Tiếng gà trưa (Xuân Quỳnh), Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ (Nguyễn Khoa Điềm)...
1.0
3. Kết luận 
- Khẳng định giá trị, ý nghĩa của bài thơ tác động đến mỗi người: là lời nhắc nhở mỗi con người luôn biết trân trọng, giữ gìn những tình cảm trong sáng, đẹp đẽ.
- Liên hệ nhận thức và hành động của bản thân.
1.0
* Lưu ý: Trên đây là những hướng dẫn chung, giám khảo căn cứ vào từng bài viết của học sinh để cho điểm phù hợp. Điểm toàn bài thi làm tròn đến 0,25. Khuyến khích những bài viết có tính sáng tạo.
--------------------------------------------

File đính kèm:

  • docxde_thi_chon_hoc_sinh_gioi_cap_huyen_mon_ngu_van_lop_9_nam_ho.docx
Đề thi liên quan