Đề thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh năm học: 2012 – 2013 môn: ngữ văn trung học phổ thông

doc5 trang | Chia sẻ: haohao | Lượt xem: 2082 | Lượt tải: 3download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đề thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh năm học: 2012 – 2013 môn: ngữ văn trung học phổ thông, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI CẤP TỈNH
 HƯNG YÊN NĂM HỌC: 2012 – 2013
	 Môn: Ngữ văn THPT
 Thời gian làm bài: 180 phút, không kể thời gian phát đề 
 (Đề thi có 01 trang, gồm 02 câu, câu 2 gồm 2a và 2b)
ĐỀ CHÍNH THÚC
PHẦN CHUNG CHO TẤT CẢ THÍ SINH (4,0 điểm)
Câu 1(4,0 điểm):
 Hạnh phúc giữ trong tay chỉ còn là hạt; hạnh phúc mang ra san sẻ mới trổ hoa. Ernest Hemingway
Trình bày suy nghĩ của anh/chị về câu nói trên.
PHẦN TỰ CHỌN (6,0 điểm): Thí sinh chọn một trong hai câu (2a hoặc 2b)
Câu 2a (6,0 điểm):
Trong tác phẩm Theo giòng, nhà văn Thạch Lam viết: Công việc của nhà văn là phát hiện ra cái đẹp ở chỗ không ai ngờ tới, tìm cái đẹp kín đáo và che lấp của sự vật, để cho người đọc một bài học trông nhìn và thưởng thức.
Qua một vài truyện ngắn đã học trong chương trình Ngữ văn THPT, anh/chị hãy bình luận ý kiến trên.
Câu 2b (6,0 điểm):
	Cảm nhận của anh/chị về hai đoạn thơ sau:
Những đường Việt Bắc của ta
Đêm đêm rầm rập như là đất rung
Quân đi điệp điệp trùng trùng
Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan.
Dân công đỏ đuốc từng đoàn
Bước chân nát đá, muôn tàn lửa bay.
Nghìn đêm thăm thẳm sương dày
Đèn pha bật sáng như ngày mai lên.
Tin vui chiến thắng trăm miền
Hòa Bình, Tây Bắc, Điện Biên vui về
Vui từ Đồng Tháp, An Khê
Vui lên Việt Bắc, đèo De, núi Hồng.
 (Trích Việt Bắc – Tố Hữu, 
 Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo dục, 2008, tr.112, 113)

Ngày nắng đốt theo đêm mưa dội
Mỗi bước đường mỗi bước hi sinh
Trán cháy rực nghĩ trời đất mới
Lòng ta bát ngát ánh bình minh

Súng nổ rung trời giận dữ
Người lên như nước vỡ bờ
Nước Việt Nam từ máu lửa
Rũ bùn đứng dậy sáng lòa.
 (Trích Đất nước – Nguyễn Đình Thi, 
 Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo dục, 2008, tr.126)
 …… HẾT…..
* Thí sinh không sử dụng tài liệu.
* Giám thị không giải thích gì thêm.
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
 HƯNG YÊN
 GỢI Ý CHẤM CHO ĐỀ THI HỌC SINH GIỎI CẤP TỈNH
Năm học 2012- 2013
Môn : Ngữ văn THPT
ĐỀ CHÍNH THỨC 

PHẦN CHUNG CHO TẤT CẢ THÍ SINH (4,0 điểm)
Câu 1(4,0 điểm):
I. Yêu cầu về kĩ năng: 
 Biết làm một bài nghị luận xã hội về một tư tưởng đạo lí với các thao tác giải thích, phân tích, chứng minh, bình luận. Diễn đạt tốt, ngôn ngữ chọn lọc, không mắc lỗi dùng từ, lỗi ngữ pháp và chính tả; dẫn chứng phong phú, hấp dẫn.
II. Yêu cầu về kiến thức và cách cho điểm:
Nội dung
Điểm
* Giới thiệu khái quát vấn đề cần nghị luận: hạnh phúc và sự sẻ chia hạnh phúc; trích dẫn được câu nói của Ernest Hemingway. 
0,5 điểm
* Giải thích được câu nói: Hạnh phúc giữ trong tay chỉ còn là hạt; hạnh phúc mang ra san sẻ mới trổ hoa
Hạnh phúc là niềm vui khi con người đạt được những điều mong ước trong cuộc sống như ước mong về tình thương yêu, tiền bạc, học vấn, sự nghiệp, gia đình...
Niềm vui sướng chưa thực sự có ý nghĩa, có giá trị khi mỗi người giữ nó cho riêng mình. Nó chỉ thực sự có ý nghĩa, có giá trị và làm đẹp cho đời khi mỗi người biết chia sẻ với mọi người.
0,5 điểm
* Bình luận, chứng minh:
 Ý kiến của Ernest Hemingway rất xác đáng :
- Hạnh phúc giữ trong tay chỉ còn là hạt
+ Khi chưa được chia sẻ, những giá trị mà mình có được chỉ thỏa mãn được cá nhân nên hạnh phúc ấy nhỏ nhoi, hạn hẹp, gói kín, chưa mang lại nhiều ý nghĩa lớn lao cho cuộc đời. 
+ Biểu hiện của hạnh phúc khi "giữ trong tay": Người có nhiều điều may mắn, thành công nhưng sống ích kỷ; thờ ơ, vô tình với những người kém may mắn hơn mình.
+ Trong cuộc sống vẫn có những con người chỉ biết "giữ hạnh phúc trong tay" nên sống chưa thực có ý nghĩa. (lấy dẫn chứng)
- Hạnh phúc mang ra san sẻ mới trổ hoa
+ Khi được chia sẻ, hạnh phúc của cá nhân sẽ đem đến cho mọi người niềm vui và những giá trị có ý nghĩa, giúp họ vơi bớt những bất hạnh trong cuộc sống.
+ Người chia sẻ niềm vui, hạnh phúc sẽ nhận được tình cảm yêu thương, quý trọng của mọi người nên niềm vui được nhân lên.
+ Biểu hiện của người biết san sẻ hạnh phúc: luôn quan tâm và sẵn sàng sẻ chia những giá trị vật chất, tinh thần mà mình có với những người bất hạnh quanh mình.
+ Trong cuộc sống còn có nhiều tấm lòng nhân hậu, biết chia sẻ hạnh phúc với cộng đồng để cuộc sống của mình thực sự có ý nghĩa. (lấy dẫn chứng)



0,25 điểm


0,25 điểm


0,25 điểm


0,25 điểm


0,25 điểm


0,25 điểm

1,0 điểm
* Rút ra bài học cho bản thân: 
- Biết quan tâm, chia sẻ để đem đến niềm vui cho những người xung quanh và nhân lên niềm vui của bản thân mình.
- Phê phán lối sống ích kỷ chỉ biết đến quyền lợi và niềm vui của riêng mình.
0,5 điểm


PHẦN TỰ CHỌN (6,0 điểm))
Câu 2a (6,0 điểm):
I. Yêu cầu về kĩ năng: 
Biết làm bài văn nghị luận về một vấn đề lí luận văn học kết hợp với kiểu bài phân tích tác phẩm truyện ngắn. Phương pháp, kĩ năng làm bài chắc chắn, linh hoạt. Văn viết giàu cảm xúc, hình ảnh; bố cục rõ ràng, kết cấu chặt chẽ; không mắc lỗi về dùng từ, chính tả, diễn đạt, kiến thức và ngữ pháp.
II. Yêu cầu về kiến thức và cách cho điểm:

Nội dung
Điểm
* Giới thiệu khái quát vấn đề cần nghị luận: công việc đi tìm cái đẹp của nhà văn; trích dẫn được câu nói của Thạch Lam. 
0,5 điểm
* Giải thích được câu nói: Công việc của nhà văn là phát hiện ra cái đẹp ở chỗ không ai ngờ tới, tìm cái đẹp kín đáo và che lấp của sự vật, để cho người đọc một bài học trông nhìn và thưởng thức.
- Sứ mệnh của nhà văn là đi tìm và phát hiện cái đẹp cái khuất lấp ở những nơi tưởng như không thể tồn tại cái đẹp để giúp người đọc có cách nhìn nhận, đánh giá về cuộc sống, con người và thưởng thức tác phẩm một cách đúng đắn và có ý nghĩa nhất.
- Thí sinh cần xác định được thế nào là cái đẹp tiềm ẩn và thế nào là nơi không ai ngờ tới.
+ Cái đẹp kín đáo, che lấp là cái đẹp ẩn đằng sau vẻ bề ngoài xù xì, gai góc, thô kệch, tầm thường…Đó thường là vẻ đẹp của nhân cách, của tình người, khát vọng, sức sống, tài năng…
+ Nơi không ai ngờ tới chính là hoàn cảnh, là môi trường không phù hợp, thuận lợi cho cái đẹp.
0,5 điểm
* Bình luận, chứng minh:
 Ý kiến của Thạch Lam rất xác đáng :
- Một trong những chức năng của văn học là chức năng thẩm mỹ vì vậy đi tìm và phát hiện cái đẹp chính là công việc, là sứ mệnh của nhà văn.
- Cái đẹp hiện rõ giữa cuộc đời thì ai cũng có thể cảm nhận được nên không nhất thiết phải cần đến vai trò của nhà văn.
- Nhà văn phải là người không ngừng tìm tòi, phát hiện để phản ánh hiện thực một cách sâu sắc, toàn diện và đóng góp cho văn học những giá trị mới nên phải đi tìm, phát hiện vẻ đẹp tiềm ẩn của đối tượng ở nơi tưởng chừng như không thể tồn tại cái đẹp.
- Công việc ấy của nhà văn giúp người đọc thêm tin tưởng, có cái nhìn tinh tế nhạy cảm với cuộc sống, con người và thấy bất ngờ, thú vị khi thưởng thức tác phẩm, thưởng thức vẻ đẹp cuộc sống.
- Muốn làm tốt công việc ấy nhà văn cần phải gắn bó với cuộc sống, con người, có cái nhìn sâu sắc, tinh tế và có tài trong việc thể hiện cái đẹp tiềm ẩn.


0,25 điểm

0,25 điểm

0,5 điểm

0,25 điểm


0,25 điểm
* Làm sáng tỏ nhận định qua một vài tác phẩm truyện ngắn trong chương trình Ngữ văn THPT
- Thí sinh cần lựa chọn được những tác phẩm truyện ngắn tiêu biểu trong chương trình có khả năng làm sáng tỏ nhận định để phân tích.
- Khi phân tích, thí sinh cần: 
+ Nhận diện và làm nổi bật được cái đẹp tiềm ẩn nơi tưởng như không thể có cái đẹp mà tác giả đã phát hiện, tìm kiếm trong tác phẩm.
+ Rút ra bài học về nhận thức, đánh giá cuộc sống, con người và thưởng thức mà tác phẩm đem lại.
+ Đánh giá về tấm lòng và tài năng của nhà văn qua tác phẩm.

3,5 điểm

Câu 2b (6,0 điểm):
I. Yêu cầu về kĩ năng: 
Biết làm bài nghị luận văn học về một đoạn thơ kết hợp với kiểu bài so sánh.. Phương pháp, kĩ năng làm bài chắc chắn, linh hoạt. Văn viết giàu cảm xúc, hình ảnh; bố cục rõ ràng, kết cấu chặt chẽ; không mắc lỗi về dùng từ, chính tả, diễn đạt, kiến thức và ngữ pháp. Bài viết có tính khái quát.
Nội dung
Điểm
* Giới thiệu về các tác giả và hoàn cảnh sáng tác, xuất xứ của hai tác phẩm
0,5 điểm
* Cảm nhận được cái hay cái đẹp của mỗi đoạn trích
1. Đoạn trích trong bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu
 Trên cơ sở hiểu biết về bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu, thí sinh cần phát hiện, phân tích để làm rõ cái hay, cái đẹp của đoạn thơ.
- Về nội dung:
+ Thấy được khung cảnh hoành tráng của cuộc kháng chiến chống Pháp nơi chiến khu Việt Bắc: không gian rộng lớn, thời gian trường kì; âm thanh vang dội; ánh sáng rực rỡ chói lọi; hoạt động sôi nổi khẩn trương…
+ Thấy được khí thế và sức mạnh ra trận của toàn dân tộc chuẩn bị cho một chiến thắng lẫy lừng. Khí thế và sức mạnh dân tộc được tạo nên bởi nhiều lực lượng. Những đoàn quân ra chiến trường đông đảo, hùng hậu sánh ngang với tầm vóc của sông núi, với vẻ đẹp vừa bình dị vừa đậm chất lý tưởng. Những đoàn dân công hỏa tuyến đông đảo, khí thế hiện lên trong ánh sáng rực rỡ với sức mạnh lớn lao, có thể đạp bằng mọi thử thách. Những đoàn xe cơ giới đi trong đêm khiến rừng núi bừng sáng, thắp lên niềm tin về chiến thắng cho những người ra trận.
+ Thấy được niềm vui chiến thắng lan tỏa, dồn dập trên mọi miền của Tổ quốc như một lẽ tất yếu bởi khí thế và sức mạnh ra trận của một dân tộc anh hùng.
- Về nghệ thuật:
+ Thấy được màu sắc sử thi và cảm hứng lãng mạn của đoạn thơ.
+ Ngôn ngữ thơ cô đọng, hàm súc, hình tượng và giàu sức gợi; hình ảnh thơ kì vĩ, có tính biểu tượng cao.
+ Âm hưởng dồn dập, sôi nổi, đậm chất anh hùng ca.
2. Đoạn trích trong bài thơ Đất nước của Nguyễn Đình Thi
 Trên cơ sở hiểu biết về bài thơ Đất nước của Nguyễn Đình Thi, thí sinh cần phát hiện, phân tích để làm rõ cái hay, cái đẹp của đoạn thơ.
- Về nội dung:
+ Thấy được vẻ đẹp của trí tuệ và tâm hồn con người Việt Nam trong những năm kháng chiến chống Pháp. Trước gian khổ hi sinh, con người Việt Nam suy nghĩ cao độ để giải phóng dân tộc, tâm hồn tràn đầy niềm tin, hi vọng về tương lai tươi sáng.
+ Thấy được sức mạnh vĩ đại của dân tộc ta trong giờ phút quật khởi. Đó là sức mạnh của lòng căm hờn, của tinh thần yêu nước. Sức mạnh ấy làm nên bão táp thời đại, rung chuyển trời đất, xoay chuyển tình thế.
+ Thấy được vẻ đẹp của hình tượng đất nước. Đất nước như một con người đứng lên trong máu lửa, rũ bỏ bùn nhơ, sừng sững, hiên ngang và tỏa ánh hào quang chói lọi.
- Về nghệ thuật:
+ Thấy được màu sắc sử thi và cảm hứng lãng mạn của đoạn thơ.
+ Ngôn ngữ, hình ảnh cô đọng, hàm súc, giàu ý nghĩa tượng trưng và có sức khái quát cao.
+ Nhịp thơ dồn nén, chất chưa cảm xúc
+ Âm hưởng hào hùng, đậm chất anh hùng ca.





1,0 điểm












1,0 điểm







1,0 điểm








1,0 điểm
* So sánh điểm giống và khác nhau của hai đoạn thơ:
- Điểm giống nhau:
+ Cả hai đoạn thơ đều viết về đất nước và con người Việt Nam anh hùng, quật cường, tràn đầy niềm tin và quyết tâm giành chiến thắng trong kháng chiến chống Pháp. 
+ Cả hai đoạn thơ đều thể hiện tình yêu đất nước, niềm tự hào về sức mạnh dân tộc của các nhà thơ.
+ Cả hai đoạn thơ đều được viết bằng cảm hứng lãng mạn, đậm màu sắc sử thi với ngôn ngữ, hình ảnh giàu tính khái quát, âm hưởng hào hùng.
- Điểm khác nhau:
+ Tố Hữu ca ngợi sức mạnh của dân tộc ta thông qua sức mạnh của các lực lượng tham gia kháng chiến nơi chiến khu Việt Bắc.
+ Nguyễn Đình Thi ca ngợi sức mạnh của dân tộc một cách khái quát qua những hình ảnh giàu ý nghĩa tượng trưng.
+ Đoạn thơ của Tố Hữu được viết bằng thể thơ lục bát với nhịp thơ sôi nổi, dồn dập.
+ Đoạn thơ của Nguyễn Đình Thi được viết bằng thể thơ tự do rất linh hoạt; khổ một là thể thơ bảy chữ, khổ hai là khổ thơ sáu chữ tạo nên âm điệu vừa trầm lắng, suy tư vừa vang vọng, hào hùng. 



0,75 điểm






0,75 điểm

Lưu ý: 
Chấp nhận cách nhìn nhận vấn đề theo quan điểm riêng và cách trình bày theo hệ thống ý riêng nhưng phải có căn cứ xác đáng và lý lẽ thuyết phục.


HẾT

File đính kèm:

  • docDe va dap an thi H YenSG mon Van tinh Hung.doc
Đề thi liên quan