Đề thi chọn học sinh giỏi lớp 9 năm học 2013-2014 môn thi: ngữ văn

doc5 trang | Chia sẻ: haohao | Lượt xem: 5504 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đề thi chọn học sinh giỏi lớp 9 năm học 2013-2014 môn thi: ngữ văn, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
PHÒNG GD&ĐT
 THANH OAI 
TRƯỜNGTHCS TÂN ƯỚC
Đề chính thức

 
ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI LỚP 9
Năm học 2013-2014
Môn thi: Ngữ văn
Thời gian làm bài :150 phút( Không kể thời gian giao đề)
Ngày thi: 27 tháng 11 năm 2013

Câu 1: (2 điểm)
 Đọc đoạn thơ và trả lời các câu hỏi sau:
“ Mặt trời xuống biển như hòn lửa
 Sóng đã cài then đêm sập cửa
 Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi
 Câu hát căng buồm cùng gió khơi.’’
 ( Trích “Đoàn thuyền đánh cá”- Huy Cận )
1. Biển nước ta ở phía đông, ta chỉ thấy cảnh mặt trời mọc trên biển, tại sao Huy Cận lại viết “ Mặt trời xuống biển” Cách viết đó tưởng như vô lí, lại có lí chỗ nào?
 2. Chỉ ra và phân tích tác dụng của các biện pháp tu từ trong hai câu thơ đầu của đoạn
Câu 2: (6 điểm) Cậu bé và cây si già
 Bờ ao đầu làng có một cây si già. Thân cây to, cành lá xum xuê, nả xuống mặt nước. Một cậu bé đang ngang qua. Sẵn con dao nhọn trong tay, cậu hí hoáy khắc tên mình lên thân cây. Cây đau điếng, nhưng cố lấy giọng vui vẻ, hỏi cậu:
Chào cậu bé. Tên cậu là gì nhỉ ?
Cháu tên là Ngoan.
Cậu có cái tên mới đẹp làm sao!
 Mặt cậu bé dạng lên. Cậu nói:
Cảm ơn cây.
Này, vì sao cậu không khắc tên lên người cậu? Như thế có phải tiện hơn không?
Cây hỏi.
Cậu bé rùng mình lắc đầu:
Đau lắm, cháu chịu thôi!
Vậy, vì sao cậu lại bắt tôi phải nhận cái điều cậu không muốn?
 ( Theo Trần Hồng Thắng)
Khi nội dung câu chuyện được khép lại cũng chính là lúc bài học làm người có ý nghĩa sâu sắc được mở ra. Em hãy viết một bài văn nghị luận vè bài học đó.
Câu 3: (12 điểm) Vẻ đẹp và số phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến qua các tác phẩm Bánh trôi nước của Hồ Xuân Hương, Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ, Truyện Kiều của Nguyễn Du, Truyện Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu	 
 ------------Hết------------
Họ và tên: …………………………………………… Số báo danh: …………

PHÒNG GD&ĐT
THANH OAI 
 
HƯỚNG DẪN CHẤM HSG
MÔN NGỮ VĂN 9
Năm học 2013-2014

Câu 1: (2 điểm)
- Biển nước ta ở phía đông, ta chỉ thấy cảnh mặt trời mọc trên biển, nhưng Huy Cận lại viết “ Mặt trời xuống biển” .Cách viết đó tưởng như vô lí, lại có lí ở chỗ điểm nhìn của tác giả đang ở trên thuyền ngoài khơi xa hoặc trên một hòn đảo xa đất liền . Ông nhìn về phía tây sẽ thấy cảnh mặt trời lặn xuống biển. Hình ảnh đó là thực nhưng cũng có thể là hình ảnh trong cảm quan nghệ thuật của nhà thơ.(0.5 điểm )
- Hai câu thơ sử dụng các biện pháp tu từ : ( 1,5 điểm)
+So sánh: hình ảnh Mặt trời với hình ảnh Hòn lửa , giữa hai hình ảnh có sự tương đồng về màu sắc và hình khối.Cách so sánh làm nổi bật vẻ đẹp lộng lẫy và rực rỡ của cảnh biển lúc hoàng hôn.
 +Ân dụ : Sóng đã cài then đêm sập cửa, tạo liên tưởng thật đẹp vũ trụ là mái nhà, màn đêm là cánh cửa, những đợt sóng dài chuyển động là những chiếc then của các vào màn đêm.
 + Nhân hoá: Sử dụng các từ chỉ hành động của con người “ xuống, cài, sập” để chỉ hành động của thiên nhiên, làm cho cảnh thiên nhiên thật sinh động. 
Câu 2: ( 6 điểm)
 Đây là một đề bài mang tính chất mở nên có sự đòi hỏi cao về tính sáng tạo của người làm bài. Học sinh có thể có nhiều cách trình bày khác nhau miễn là giải quyết được yêu cầu mà đề bài đặt ra. Hướng dẫn chấm chỉ định hướng một số yêu cầu cơ bản như sau:
1.Về kiến thức:
- Trên cơ sở nội dung, ý nghĩa của câu chuyện, học sinh cần xác định được bài học toát lên từ cây chuyện đặc biệt là ở lời thoại cuối cùng của nhân vật cây si: “ Vậy, vì sao cậu lại bắt tôi phải nhận cái điều cậu không muốn?”. Bài học đó là: Những gì mà bản thân mình không muốn thì đừng bắt người khác phải nhận ( Học sinh có thể có nhiều cách diễn đạt khác nhau về nội dung bài học).
- Học sinh phải xác định được nội dung bài học được rút ra từ câu chuyện chính là vấn đề nghị luận mà người làm bài phải triển khai thông qua hệ thống luận điểm, luận cứ và các phép lập luận. Vấn đề nghị luận ấy có thể được triển khai bằng nhiều luận điểm và luận cứ khác nhau miễn là có sức thuyết phục. Sau đây là một số gợi ý:
+ Từ câu chuyện học sinh có thể xác định được trong cuộc sống, có nhiều điều mà bản thân mình không muốn nhận ( sự khổ đau, mất mát, đau đớn, bất hạnh…). Và dù có lúc không tránh được nhưng bản tân mỗi người không ai mong những điều đó đến với mình.
+ Không nên đem lại cho người khác những điêu mà mình không mong muốn ( sự khổ đau, mất mát, đau đớn, bất hạnh…) dù vô tình hay cố ý.
+ Không được ích kỷ hay thờ ơ, dửng dưng, vô tình trước hậu quả của những lời nói hay hành động mà chính bản thân mình đã gây nên đối với người khác và phải biết đặt mình vào hoàn cảnh của người khác để thấu hiểu, sẻ chia và thông cảm…
+ Mỗi con người không chỉ biết đem lại niềm vui, niềm hạnh phúc cho bản thân mà còn cần biết đem lại cho người khác niềm vui, niềm hạnh phúc…
+ bài học rút ra cho bản thân trong quan hệ với người khác.
 2.Về kỹ năng:
 - Có kỹ năng xác định được vấn đề cần nghị luận.
 - Hiểu đúng yêu cầu của đề, biết làm một bài văn nghị luận trong đó có sự kết hợp nhuần nhuyễn các phép lập luận như giải thích, chứng minh, phân tích, bình luận…
 - Có kỹ năng triển khai luận điểm, luận cứ, bố cục rõ ràng, diễn đạt tốt, không mắc lỗi về dùng từ, đặt câu, chính tả.
 Biểu điểm:
- Đảm bảo các yêu cầu về kiến thức và kỹ năng: 6 điểm
- Đảm bảo các yêu cầu về kiến thức nhưng còn hạn chế về kỹ năng: 4- 5 điểm
- Nội dung bài viết còn thiếu ý, hạn chế kỹ năng: 2-3 điểm
- Nội dung bài viết sơ sài, diễn đạt chưa tốt: 1 điểm
- Hoàn toàn lạc đề, diễn đạt kém hoặc bỏ giấy trắng. 0 điểm
Câu 3: (12 điểm)
Vẻ đẹp và số phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến qua các tác phẩm Bánh trôi nước của Hồ Xuân Hương, Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ, Truyện Kiều của Nguyễn Du, Truyện Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu.
 a.Yêu cầu về kỹ năng:
 - Bài làm của học sinh có bố cục rõ ràng, kết cấu chặt chẽ, nắm vững kỹ năng làm bài nghị luận văn học. 
 - Lập luận thuyết phục, văn viết có cảm xúc; không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp; chữ viết cẩn thận.
b.Yêu cầu về kiến thức: 
 Học sinh có thể có nhiều cách trình bày khác nhau, song cần đáp ứng được những yêu cầu cơ bản sau:
 * Vẻ đẹp của người phụ nữ:
 - Đẹp về nhan sắc (Người phụ nữ trong Bánh trôi nước – Hồ Xuân Hương; Thúy Vân, Thúy Kiều trong Truyện Kiều của Nguyễn Du ).
 - Đẹp về tài năng ( Thúy Kiều trong Truyện Kiều của Nguyễn Du)
 - Đẹp về tâm hồn, phẩm chất: hiếu thảo, thủy chung son sắt, khao khát hạnh phúc... (Người phụ nữ trong Bánh trôi nước – Hồ Xuân Hương; Vũ Nương trong Chuyện người con gái Nam Xương – Nguyễn Dữ; Thúy Kiều trong Truyện Kiều – Nguyễn Du; Kiều Nguyệt Nga trong Truyện Lục Vân Tiên – Nguyễn Đình Chiểu).
* Số phận của người phụ nữ:
 - Long đong, chìm nổi; bị ép duyên, bắt đi cống cho giặc (Người phụ nữ trong Bánh trôi nước – Hồ Xuân Hương; Kiều Nguyệt Nga trong Truyện Lục Vân Tiên – Nguyễn Đình Chiểu).
 - Đau khổ, oan khuất( Vũ Nương trong Chuyện người con gái Nam xương – Nguyễn Dữ)
 - Tình yêu tan vỡ, nhân phẩm bị chà đạp (Thúy Kiều trong Truyện Kiều – Nguyễn Du...). 
(Học sinh lựa chọn những dẫn chứng tiêu biểu trong các tác phẩm để làm rõ những nội dung trên).
* Nhận định, đánh giá:
 - Người phụ nữ trong xã hội phong kiến là những con người tài hoa nhưng bạc mệnh, bị xã hội phong kiến vùi dập.
 - Các tác giả trân trọng, ngợi ca vẻ đẹp của người phụ nữ đồng thời cảm thông, xót xa cho thân phận của họ; lên án xã hội phong kiến bất công. . .
c. Biểu điểm cụ thể:
 - Điểm 11 - 12: Đáp ứng tốt các yêu cầu trên, tỏ ra sắc sảo khi có những ý kiến riêng về vấn đề nêu ở đề bài, diễn đạt lưu loát, văn viết giàu cảm xúc, sáng tạo. 
 - Điểm 9 - 10: Đáp ứng phần lớn các yêu cầu trên, diễn đạt khá tốt, văn viết mạch lạc, trong sáng, còn một vài sai sót về ngữ pháp, chính tả.
 - Điểm 7 - 8: Hiểu và nắm được yêu cầu của đề, bố cục mạch lạc, văn viết có cảm xúc, còn một vài sai sót về diễn đạt, trình bày.
 - Điểm 5 - 6: Hiểu và nắm được yêu cầu của đề, bố cục mạch lạc, song trình bày chưa có sức thuyết phục, còn một số sai sót về chính tả, diễn đạt, trình bày.
 - Điểm 3 - 4: Hiểu đề song nội dung còn sơ sài, giải quyết vấn đề còn lúng túng, không xoáy được trọng tâm, diễn đạt lủng củng.
 - Điểm 1 - 2: Không nắm vững yêu cầu của đề, bài làm sơ sài, mắc nhiều lỗi chính tả, diễn đạt, trình bày.
 - Điểm 0: Hoàn toàn lạc đề, diễn đạt kém hoặc bỏ giấy trắng.

 ---------------- Hết----------------


Tân Ước, ngày 28 tháng 10 năm 2013
Xác nhận của tổ KHXH	Người thực hiện




	Lê Thị Kim Dung



Xác nhận của Ban giám hiệu











File đính kèm:

  • docDe dap an thi HSG mon Van 9 THCS Tan Uoc.doc
Đề thi liên quan