Đề thi chọn học sinh giỏi lớp 9 năm học: 2013 – 2014 môn thi: ngữ văn thời gian: 150 phút
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đề thi chọn học sinh giỏi lớp 9 năm học: 2013 – 2014 môn thi: ngữ văn thời gian: 150 phút, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI LỚP 9 NĂM HỌC: 2013 – 2014 Môn thi: Ngữ Văn Thời gian: 150 phút (Không kể thời gian giao đề) Câu 1: (4 điểm) Cảm nhận của em về những câu thơ sau trong tác phẩm “Truyện Kiều” của Nguyễn Du: - Cỏ non xanh tận chân trời, Cành lê trắng điểm một vài bông hoa. - Buồn trông nội cỏ rầu rầu Chân mây mặt đất một màu xanh xanh. (Ngữ văn 9 – tập một) Câu 2: (4 điểm) Chuyện kể, một danh tướng có lần đi ngang qua trường học cũ của mình, liền ghé vào thăm. Ông gặp lại người thầy từng dạy mình hồi nhỏ và kính cẩn thưa: - Thưa thầy, thầy còn nhớ con không? Con là… Người thầy giáo già hoảng hốt: - Thưa ngài, ngài là… - Thưa thầy, với thầy, con vẫn là đứa học trò cũ. Con có được những thành công hôm nay là nhờ sự giáo dục của thầy ngày nào… (SGK Ngữ văn 9, tập một, tr.40) Suy nghĩ của em về bài học được rút ra từ câu chuyện trên. Câu 3: (12 điểm) Cảm nhận của em về hình ảnh người lính trong hai bài thơ: “Đồng chí” của Chính Hữu và “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật. HƯỚNG DẪN CHẤM MÔN NGỮ VĂN KỲ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI CẤP HUYỆN LỚP 9 NĂM HỌC 2013 – 2014 Câu 1: (4 điểm) A. Yêu cầu: 1. Về kiến thức: Học sinh có thể có nhiều cách trình bày khác nhau, nhưng phải cảm nhận được vẻ đẹp riêng biệt của hai câu thơ. Về cơ bản, bài viết phải: * Giới thiệu vị trí hai câu thơ trong tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du. * Chỉ ra nét tương đồng: Hai câu thơ đều mở ra bức tranh phong cảnh với một không gian mênh mông từ mặt đất đến chân mây, ngập tràn sắc cỏ. * Chỉ ra nét riêng biệt: + Câu thơ: Cỏ non xanh tận chân trời Cảnh lê trắng điểm một vài bông hoa. - Là bức tranh mùa xuân tươi đẹp, trong sáng, hài hòa, tràn đầy sức sống (màu xanh của cỏ gợi sức sống, màu trắng của hoa gợi sự trong sáng, tinh khôi). Đằng sau bức tranh ấy là tâm trạng vui tươi của Thúy Kiều. - Nghệ thuật thể hiện: Bút pháp chấm phá, kế thừa tinh hoa của văn học cổ, từ ngữ giàu chất tạo hình. + Câu thơ: Buồn trông nội cỏ rầu rầu, Chân mây mặt đất một màu xanh xanh. - Là bức tranh thiên nhiên mênh mang, héo úa, đơn điệu (“Rầu rầu” thể hiện sự héo úa của cảnh, “xanh xanh” gợi sự mênh mang, mờ mịt). Đằng sau bức tranh ấy là tâm trạng cô đơn, hoảng loạn của Thúy Kiều. - Bút pháp tả cảnh ngụ tình, từ ngữ giàu sức gợi. * Giải thích lí do tạo nên sự khác biệt ấy: + Ở câu đầu: - Thiên nhiên là đối tượng miêu tả. - Thiên nhiên được cảm nhận qua con mắt của người con gái tài sắc, đang sống trong những tháng ngày tươi đẹp. + Ở câu sau: - Thiên nhiên là phương tiện, là cách thức để thể hiện tâm trạng nhân vật. - Thiên nhiên được cảm nhận qua con mắt của một người trong tâm trạng của kẻ tha hương, biết mình bị lừa bán vào chốn lầu xanh. 2. Về kĩ năng: Học sinh biết cách làm bài nghị luận văn học về thơ. Văn viết trôi chảy, cảm xúc, thể hiện được chất văn chương. Không mắc lỗi diễn đạt, dùng từ, chính tả… B. Cách cho điểm: - Điểm 4: Đạt được hầu hết những yêu cầu trên, không mắc lỗi. - Điểm 3: Đạt được 2/3 yêu cầu, còn mắc một số lỗi. - Điểm 2: Đạt được 1/2 yêu cầu, còn một số lỗi. - Điểm 1: Đạt được dưới 1/2 yêu cầu, còn mắc nhiều lỗi - Điểm 0: Không nhận thức được đề hoặc không viết gì. Câu 2: A. Yêu cầu: 1. Về kỹ năng: - Biết cách làm một bài văn nghị luận. - Bài viết có bố cục hoàn chỉnh, hành văn có cảm xúc, không mắc lỗi diễn đạt chính tả. - Biết vận dụng nhuần nhuyễn các thao tác lập luận: giải thích, chứng minh, bình luận. 2. Về kiến thức - Bài viết cần đáp ứng được những yêu cầu cơ bản sau: * Xác định được ý nghĩa rút ra từ câu chuyện: - Một câu chuyện chỉ trong bảy dòng có mở đầu, có tình huống, có sự việc và có kết thúc, ngắn gọn mà ý nghĩa sâu sắc. - Người học trò cũ ghé thăm trường xưa nay đã trở thành một nhân vật danh tiếng, quyền cao chức trọng nhưng ông vẫn không quên những người thầy đã từng dạy dỗ mình từ thuở nhỏ, cho mình tri thức và cách sống làm người. Ông hiểu có được sự thành công vẻ vang hôm nay, chính là nhờ công lao dạy dỗ, giáo dục của thầy. Ông ghé thăm thầy một chút, nói một lời tri ân với thầy bằng thái độ kính cẩn, lễ phép như ngày nào còn đi học. Thầy vẫn là thầy “nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, còn trò dù giờ đây chức vị cao sang, thầy có thể gọi ngài nhưng vẫn là trò. Thầy là sư phụ (cha) mà trò là con. Þ Thật là nghĩa trọng tình sâu, kính trọng thầy, trọng đạo thầy, tri ân thầy. Đó là cách đối nhân thấu tình đạt lí, đáng để người ta học tập. * Bình luận: Mở rộng vấn đề bàn bạc - Xã hội văn minh, người ta không phải quá nặng nề trong quan hệ thầy trò như trước: sống lễ tết, chết để tang nhưng lòng biết ơn, tinh thần tôn sư trọng đạo thì mãi mãi phải giữ gìn. Đó không chỉ là đạo lí mà còn thể hiện lối sống đẹp, hành vi ứng xử có văn hóa giữa người với người. - Nếu truyền thống “Tôn sư trọng đạo” bị mai một sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến nền giáo dục và đời sống văn hóa của xã hội. Người học có kính thầy mới học được đạo (tri thức) của thầy, mới tiếp nhận một cách tự giác lời thầy truyền dạy. Ngược lại, không kính trọng thầy thì cái đạo của thầy cũng không tiếp nhận: “ Chữ thầy trả thầy”. Tiếp nhận đạo thầy mới trở nên thành công, thành đạt như vị danh tướng kia, đất nước có nhiều người giỏi giang như vậy mới phát triển, thịnh vượng và bền vững. - Tuy nhiên, trong xã hội hiện nay, ngay trong nhà trường vẫn có những học sinh ứng xử thiếu văn hóa, không chỉ bằng lời nói mà còn có những hành vi, thái độ, hành động phi đạo đức, vô ơn bạc nghĩa. Điều đó ảnh hưởng nhiều đến mối quan hệ thầy – trò, chất lượng dạy – học, tiền đồ của nước nhà. * Rút ra bài học cuộc sống. - Từ câu chuyện trên, chúng ta rút ra bài học gì? Ngay khi còn là học sinh hay khi đã trưởng thành, cần biết ơn những người đã có công dạy dỗ mình nên người, luôn nhớ câu “Không thầy đố mày làm nên”. Lòng biết ơn phải được thể hiện ở tấm lòng chân thành, ở lời nói, cử chỉ, hành động, thái độ ứng xử tốt đẹp. - Biết tri ân, biết đối nhân xử thế thấu tình đạt lí không chỉ là nét đẹp tâm hồn, nhân cách của bản thân mà chính mình cũng được người khác tôn trọng, nể phục. - Bản thân luôn nhận thức đúng đắn và giữ gìn truyền thống đạo lí tốt đẹp của dân tộc, đó là lòng biết ơn. - Kính trọng thầy mới học được đạo của thầy, con người mới trở nên tốt đẹp. C. Biểu điểm: - Điểm 3,5 - 4: Hiểu rõ yêu cầu của đề bài, đảm bảo các yêu cầu về kĩ năng và kiến thức, có lập luận chặt chẽ, có sự kết hợp nhuần nhuyễn các thao tác lập luận, bài viết có cảm xúc, diễn đạt lưu loát. - Điểm 2,5 - 3: Hiểu rõ yêu cầu của đề bài, đáp ứng hầu hết các yêu cầu về kĩ năng và kiến thức, có lập luận tương đối chặt chẽ, có sự vận dụng thành công thao tác lập luận, diễn đạt tương đối tốt. - Điểm 1,5 - 2: Chỉ đáp ứng 1/2 yêu cầu trên, lập luận chưa rõ ràng, còn mắc lỗi diễn đạt, chính tả. - Điểm 0,5 - 1: Nội dung bài viết còn sơ sài, chưa rõ ràng, mắc nhiều lỗi diễn đạt, chính tả. - Điểm 0: Không hiểu đề Câu 3: (12 điểm) A.Yêu cầu 1. Về hình thức: - Viết đúng thể loại. - Bố cục bài văn phải rõ ràng, chặt chẽ. - Lời văn diễn đạt trong sáng, lưu loát, có cảm xúc, không mắc những lỗi thông thường. 2. Về nội dung: Bài viết cần làm rõ những nội dung sau: Trong thơ ca hiện đại, hình ảnh người chiến sĩ cách mạng bảo vệ Tổ quốc chiếm vị trí quan trọng, bởi nó mang ý nghĩa tượng trưng cho con người Việt Nam đánh giặc. Những nhà thơ như Chính Hữu, Phạm Tiến Duật đã phản ánh khá rõ vẻ đẹp tinh thần của người chiến sĩ vệ quốc thời chống Pháp và người chiến sĩ giải phóng thời chống Mỹ. + Vẻ đẹp của người lính thời chống Pháp trong bài thơ “Đồng chí”: - Họ là những người nông dân mặc áo lính, tình nguyện rời quê hương lên đường giết giặc. - Cuộc sống chiến đấu của họ vô cùng gian khổ, thiếu thốn (áo rách, quần vá, chân không giày…) nhưng đẹp nhất ở họ là tình đồng chí, đồng đội thiêng liêng; chính tình cảm ấy đã giúp họ vượt qua tất cả và giúp họ có niềm tin vững chắc vào ngày mai chiến thắng. - Hình ảnh “Đầu súng trăng treo” cuối bài thơ là một hình ảnh tuyệt đẹp vừa có ý nghĩa hiện thực vừa có ý nghĩa lãng mạn cách mạng thể hiện ý chí quyết tâm chiến đấu và khát vọng hòa bình của chiến sĩ ta. + Vẻ đẹp của người lính thời chống Mỹ qua tác phẩm “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”: - Họ là những chiến sĩ lái xe Trường Sơn vô cùng dũng cảm, coi thường gian nan, nguy hiểm và có tinh thần lạc quan cách mạng tuyệt vời. - Vượt qua mưa bom, bão đạn của quân thù, các anh vẫn bình tĩnh, hiên ngang lái xe ra tiền tuyến tất cả vì miền Nam ruột thịt vì sự nghiệp thống nhất đất nước. - Hình ảnh tiểu đội xe không kính cùng các chiến sĩ lái xe trẻ trung, dũng cảm, yêu đời phản ánh truyền thống bất khuất chống ngoại xâm của dân tộc và thời đại. + Học sinh cần khái quát được: Hai bài thơ sáng tác trong hai thời điểm, hai hoàn cảnh khác nhau nhưng đều ca ngợi người chiến sĩ cầm súng với chí khí anh hùng, quyết tâm chiến đấu, sẵn sàng hi sinh để bảo vệ tổ quốc. Đồng thời chỉ ra được sự phát triển nối tiếp của hai thế hệ người Việt Nam đánh giặc qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. (Người lính thời chống Pháp mang vẻ đẹp chân thực, giản dị làm nên biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng thời đại là người nông dân mặc áo lính; người lính thời chống Mỹ mang vẻ đẹp ngang tàng, trẻ trung, sôi nổi…). + Thể hiện được những cảm xúc, suy nghĩ của bản thân (yêu mến, tự hào, khâm phục những thế hệ người lính…) + Liên hệ với vẻ đẹp của người lính hôm nay… B. Biểu điểm: - Điểm 11 - 12: Bài viết giải quyết triệt để những yêu cầu trên, bài viết lôi cuốn, sâu sắc. - Điểm 9 - 10: Bài viết đã đáp ứng phần lớn các yêu cầu trên nhưng chưa sâu sắc. - Điểm 7 - 8: Bài viết đáp ứng 2/3 yêu cầu nhưng diễn đạt chưa thoát ý. - Điểm 5 - 6: Bài viết đáp ứng 1/2 yêu cầu của đề bài nhưng mắc nhiều lỗi diễn đạt. - Điểm 3 - 4: Bài viết lộn xộn, bố cục chưa rõ ràng, mắc nhiều lỗi dùng từ và diễn đạt. - Điểm 1 - 2: Nội dung bài viết quá sơ sài, lan man chưa có trọng tâm.
File đính kèm:
- De dap an thi HSG mon Van 9 THCS Tam Hung.doc