Đề thi chọn học sinh giỏi lớp 9 trung học cơ sở năm học: 2013 - 2014 môn ngữ văn

doc5 trang | Chia sẻ: haohao | Lượt xem: 4911 | Lượt tải: 3download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đề thi chọn học sinh giỏi lớp 9 trung học cơ sở năm học: 2013 - 2014 môn ngữ văn, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
PHÒNG GIÁO DỤC & ĐÀO TẠO THANH THỦY

ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI LỚP 9 TRUNG HỌC CƠ SỞ
NĂM HỌC: 2013 - 2014
Môn Ngữ văn
Thời gian: 150 phút, không kể thời gian giao đề.
Đề chính thức
Đề thi có: 01 trang


Câu 1( 3 điểm):
	Kết thúc bài thơ “Ánh trăng”, Nguyễn Duy viết:
“Trăng cứ tròn vành vạnh
 kể chi người vô tình
ánh trăng im phăng phắc
 đủ cho ta giật mình.”
	Trong đoạn thơ trên, nhà thơ đã sử dụng rất hiệu quả các từ láy. Em hãy phân tích cái hay của các từ láy ấy trong việc diễn tả ý nghĩa sâu sắc của đoạn thơ. 
Câu 2 (5 điểm):
	Nhận xét về vai trò của chi tiết nghệ thuật trong truyện, có ý kiến cho rằng: "Chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn". Chi tiết "Chiếc bóng" trong tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ đã thể hiện điều đó.
	Em hãy trình bày hiểu biết của mình về vấn đề trên. 
Câu 3 (12 điểm): 
	Về bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt, có ý kiến cho rằng: "Bài thơ chứa đựng một triết lí thầm kín: những gì là thân thiết nhất của tuổi thơ mỗi người đều có sức tỏa sáng, nâng đỡ con người trong suốt hành trình dài rộng của cuộc đời"
	Bằng hiểu biết về bài thơ Bếp lửa, em hãy làm sáng tỏ ý kiến trên.


---- Hết ----



Họ tên thí sinh: -------------------------------------- SBD: ------
( Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm)





PHÒNG GIÁO DỤC & ĐÀO TẠO THANH THỦY

HƯỚNG DẪN CHẤM BÀI THI HỌC SINH GIỎI LƠP 9 THCS
NĂM HỌC 2013 - 2014
Môn Ngữ văn 

1- Câu 1( 3 điểm):
A- Yêu cầu về kĩ năng:
- HS biết trình bày thành đoạn văn, hoặc bài văn ngắn có kết cấu hoàn chỉnh, chặt chẽ.
- Diễn đạt phải liền mạch, rõ ràng, viết câu đúng ngữ pháp, dùng từ chuẩn xác.
- Có kĩ năng phân tích giá trị biểu đạt và biểu cảm của từ ngữ: phải hiểu nghĩa của từ, từ đó đặt vào đoạn thơ cụ thể của Nguyễn Duy để hiểu từ ngữ ấy biểu đạt ý nghĩa gì và có sắc thái biểu cảm như thế nào.
B- Yêu cầu về nội dung kiến thức:
* HS giới thiệu ngắn gọn và khái quát được chủ đề bài thơ, dẫn dắt đến khổ thơ cuối và nêu vấn đề mà đề bài yêu cầu: cái hay, giá trị biểu cảm của hai từ láy: Vành vạnh, phăng phắc 
( ý này cho 0,5 điểm)
* HS cảm thụ, phân tích, bình được cái hay và hiệu quả nghệ thuật của những từ láy trong đoạn thơ: 
- Từ láy “vành vạnh” là từ láy tượng hình, bổ sung ý nghĩa cho từ “tròn”. Từ này gợi tả hình ảnh vầng trăng tròn trịa, đầy đặn, không một chút hao khuyết; một vầng trăng trong sáng, ngời ngời. Từ đó giúp người đọc liên tưởng: vầng trăng như vậy là biểu tượng cho tình nghĩa tròn đầy thủy chung, trước sau như một, không hề thay đổi. 
( ý này cho 1,0 điểm)
- Từ láy “phăng phắc” vừa gợi tả hình ảnh, gợi tả trạng thái, từ láy này bổ sung cho từ “im”. Từ láy này gợi tả sự im lặng tuyệt đối, sự âm thầm lặng lẽ, trước sau vẫn như một, không thay đổi. Như vậy từ láy này góp phần diễn tả được thái độ bao dung độ lượng của trăng, tượng trưng cho lòng bao dung độ lượng của nhân dân, tượng trưng cho quá khứ ân nghĩa, ân tình. Sự bao dung độ lượng ấy âm thầm, lặng lẽ mà vô cùng cao thượng… Sự bao dung, vị tha ấy đã giúp những con người đã trót vô tình với quá khứ thức tỉnh. 
( ý này cho 1,0 điểm)
- Khái quát: Như vậy hai từ láy này tạo nên sức gợi, tính biểu cảm, làm cho hình ảnh vầng trăng, hình tượng ánh trăng thêm nổi bật, ấn tượng; và góp phần biểu đạt một cách sâu sắc, trọn vẹn ý tưởng mà tác giả muốn gửi gắm…
( ý này cho: 0,5 điểm)
2- Câu 2 (5 điểm):
A- Yêu cầu về kĩ năng:
- Với nội dung vấn đề mà câu hỏi nêu ra, HS biết trình bày vấn đề thành một bài văn ngắn hoàn chỉnh. 
- Tuy phạm vi kiến thức chỉ hỏi về một chi tiết trong một tác phẩm, bài viết có thể ngắn gọn, nhưng đây vẫn là dạng bài nghị luận văn học tổng hợp, vì vậy HS không những hiểu về chi tiết trong tác phẩm mà còn phải biết sử dụng các thao tác nghị luận văn học tổng hợp như giải thích, phân tích, chứng minh... để làm sáng tỏ vấn đề. 
- Diễn đạt rõ ràng, dùng từ, đặt câu chuẩn xác.
- Biết sắp xếp và trình bày các ý thành hệ thống, mạch lạc.
B- Nội dung kiến thức cần đạt:
* HS phải hiểu và trình bày được hai vấn đề:
1- Giải thích ngắn gọn ý kiến: ý kiến trên nói về vai trò quan trọng của chi tiết nghệ thuật trong tác phẩm tự sự. Trong tác phẩm tự sự có rất nhiều chi tiết, và trong đó có những chi tiết được coi là chi tiết nghệ thuật. Những chi tiết nghệ thuật đôi khi là những chi tiết rất nhỏ, nhưng nó lại chưa đựng ý nghĩa sâu sắc, thể hiện được tầm vóc tư tưởng, quan điểm, thể hiện được cả sự thăng hoa trong sáng tạo nghệ thuật, thể hiện được tài năng của người nghệ sĩ => Chính vì vậy mới nói: chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn.
(Ý này cho 0,5 điểm)
2- Phân tích ý nghĩa sâu sắc, cái hay, sự khéo léo của chi tiết Chiếc bóng trong "Chuyện người con gái Nam Xương" của Nguyễn Dữ để chứng minh cho ý kiến trên:
- Chi tiết Chiếc bóng tô đậm thêm những nét đẹp phẩm chất của Vũ Nương trong vai trò làm vợ, làm mẹ:
+ Yêu thương con, muốn bù đắp tình cảm cho con khi vắng cha, 
+ Yêu thương, thủy chung với chồng, luôn mong ngóng và nhớ chồng da diết nên Vũ Nương phải mượn chiếc bóng của mình để khỏa lấp nõi lòng...
+ Khát khao gia đình, được sum họp, được hạnh phúc.
(Ý này cho 1,5 điểm)
- Chiếc bóng là ẩn dụ cho số phận mong manh của người phụ nữ trong chế độ nam quyền. Chỉ là chiếc bóng vô hình nhưng cũng dẫn tới bi kịch, đẩy một người phụ nữ đức hạnh đến cái chết oan ức. Chiếc bóng Vũ Nương vô tình đem ra đùa với con, nhưng chính trò đùa ấy lại hại nàng, phải chăng Nguyễn Dữ muốn gửi gắm một triết lí: ở đời làm sao học hết được chữ "NGỜ" 
(Ý này cho 0,5 điểm) 
- Chi tiết Chiếc bóng để lại một thông điệp sâu sắc: phải yêu thương, tin tưởng, tôn trọng nhau, đừng để cho những điều vô hình, mong manh (như chiếc bóng) giết chết tình yêu, làm tan vỡ hạnh phúc gia đình.
(Ý này cho 0,5 điểm) 
=> Như vậy một chi tiết nhỏ này đã hàm chứa những tư tưởng sâu sắc của Nguyễn Dữ, góp phần làm nên giá trị nhân đạo, tính nhân văn của tác phẩm.
- Chiếc bóng tạo sự bất ngờ, tính hấp dẫn của tình huống, sự chặt chẽ cho cốt truyện, tạo sự thắt nút, mở nút rất hợp lí. Chi tiết này được để xuống cuối phần thứ hai của truyện, sau khi Vũ Nương không còn nữa, chuyện đau xót nhất đã xảy ra và sai lầm không thể làm lại, mâu thuẫn được đẩy lên đỉnh điểm thành bi kịch. Do đó tính tố cáo cũng sâu sắc, mạnh mẽ hơn => Điều này thể hiện tài năng của Nguyễn Dữ
(Ý này cho 1,0 điểm) 
=> Khái quát: Như vậy chi tiết này thể hiện rất rõ tư tưởng nhân đạo (thương xót, đồng cảm với những người phụ nữ bất hạnh, bênh vực người phụ nữ, phê phán tư tưởng trọng nam khinh nữ, thói gia trưởng, ích kỉ của những người đàn ông trong xã hội phong kiến...), đồng thời cũng cho thấy tài năng của tác giả. 
=> Tất cả những điều này đã chứng minh chi tiết Chiếc bóng - một chi tiết nhỏ trong truyện nhưng đã làm nên tầm vóc một "nhà văn lớn"- Nguyễn Dữ.
(Ý này cho 1,0 điểm) 
3- Câu 3 (12 điểm):
A- Yêu cầu về kĩ năng:
- HS có kĩ năng làm bài nghị luận văn học tổng hợp, biết kết hợp các phép lập luận như giải thích, phân tích, chứng minh, bình luận, biết khái quát để làm nổi bật vấn đề...
- Hiểu đúng và viết trúng trọng tâm vấn đề mà đề bài yêu cầu: những gì thân thiết nhất với tuổi thơ mỗi người đều có sức tỏa sáng, nâng đỡ con người trong suốt hành trình dài rộng của cuộc đời.
- Lập được các luận điểm phù hợp, trúng trọng tâm vấn đề.
- Biết lựa chọn dẫn chứng, phân tích và bình dẫn chứng sao cho làm sáng rõ vấn đề.
- Không sa đà vào tình trạng kể lể, diễn xuôi ý thơ...
- Biết liên hệ với các bài thơ cùng chủ đề đã được học như bài Tiếng gà trưa của Xuân Quỳnh và liên hệ với thực tế cuộc sống để trình bày vấn đề một cách thấu đáo, toàn diện.
- Văn viết có cảm xúc, diễn đạt lưu loát, trôi chảy; biết dùng từ, đặt câu chuẩn xác, gợi cảm.
- Bố cục bài phải hoàn chỉnh, chặt chẽ. 
B- Yêu cầu về nội dung kiến thức:

Các nội dung cần đạt

Cho điểm
1- Giải thích ý kiến: Đây là một ý kiến xác đáng, đã khái quát được chủ đề tư tưởng sâu sắc của bài thơ Bếp lửa mà Bằng Việt muốn gửi gắm: những gì thân thiết nhất với tuổi thơ mỗi người đều có sức tỏa sáng, nâng đỡ con người trong suốt hành trình dài rộng của cuộc đời.
- Sức tỏa sáng: đây là ánh sáng của cái đẹp, của những điều thiêng liêng cao đẹp, ánh sáng ấy soi rọi, cứ mãi lung linh trong tâm hồn con người. Nó là thứ ánh sáng bất diệt
- Nâng đỡ con người trong suốt hành trình dài rộng của cuộc đời: đây là sự nâng đỡ về tinh thần, là sự bồi đắp tâm hồn con người. Từ ấu thơ cho tới khi trưởng thành, thậm chí đến khi con người ta đi hết cuộc đời, những điều cao đẹp ấy vẫn nâng đỡ, là điểm tựa, là sức mạnh tinh thần. 
Phần này cho 1,0 điểm.
2- Phân tích bài thơ Bếp lửa để chứng minh cho ý kiến: Việc phân tích bài thơ phải hướng vào, làm nổi bật chủ đề tư tưởng như lời nhận định, để thấy rằng lời nhận định mà đề bài nêu ra là đúng.

* Khái quát:
- Giới thiệu những nét nổi bật về tác giả và hoàn cảnh ra đời của bài thơ Bếp lửa: bài thơ được sáng tác khi Bằng Việt du học ở nước ngoài, xa quê hương, xa tổ quốc.
- Mạch cảm xúc của bài thơ được khơi nguồn từ hình ảnh bếp lửa, từ bếp lửa, cháu nhớ về bà, suy ngẫm về cuộc đời bà, về tình bà cháu, về những điều thiêng liêng cao đẹp. => Hình ảnh bếp lửa và bà là cặp hình tượng nghệ thuật sóng đôi trong suốt bài thơ.

* Bài thơ viết về những kỉ niệm tuổi thơ của cháu bên bà và bên bếp lửa. Bà và bếp lửa là những gì thân thiết nhất đối với cháu: Bà là người thân, là người đã nuôi nấng, dạy bảo, nâng đỡ cháu từ những ngày thơ ấu cho tới khi trưởng thành; còn bếp lửa là hình ảnh bình thường, giản dị, cũng thân thiết, gắn bó với cháu từ thời thơ ấu.

* Sức tỏa sáng của hình ảnh bà và hình ảnh bếp lửa:
- Hình ảnh bếp lửa tỏa sáng có thể hiểu với cả hai nghĩa:
+ Bếp lửa thật do bàn tay bà nhóm lên, lung linh tỏa sáng, dù trong bất cứ hoàn cảnh khắc nghiệt nào. 
+ Một bếp lửa luôn tỏa sáng trong tâm hồn, trong kí ức của cháu: Bếp lửa luôn tỏa sáng, luôn lung linh trong tâm hồn cháu, ngay cả khi cháu trưởng thành, sống và học tập ở đất nước bạn xa xôi. Bởi vì trong tâm hồn cháu, ánh sáng bếp lửa là ánh sáng tượng trưng cho tình yêu thương bà dành cho cháu, tượng trưng cho niềm tin, nghị lực của bà, cho sức sống bền bỉ, mãnh liệt của bà trước những thử thách của cuộc sống...
 (HS phân tích, chứng minh)
- Cùng với hình ảnh bếp lửa, hình ảnh bà tỏa sảng bởi những phẩm chất cao đẹp: bền bỉ, kiên cường, có nghị lực vững vàng trong hoàn cảnh gian khó, có niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống; yêu thương cháu hết lòng; giàu đức hi sinh (sự hi sinh lặng thầm, cao cả)...
 (HS phân tích, chứng minh) 

* Bà và bếp lửa nâng đỡ cháu trong suốt hành trình dài rộng của cuộc đời:
(HS hiểu và phân tích, bình luận để làm rõ sự nâng đỡ về tinh thần của bà và bếp lửa đối với cháu, chú ý làm nổi bật được điều sau đây: 
- Cháu đã trải qua thời thơ ấu trong những năm tháng đói mòn đói mỏi, rồi thời niên thiếu trong giai đoạn đất nước chiến tranh, giặc giã, cha mẹ tham gia kháng chiến, cháu ở cùng bà, rồi cả làng, trong đó có ngôi nhà của hai bà cháu bị giặc đốt cháy tàn cháy rụi..., trong những năm tháng ấy, bên bếp lửa của bà, cháu vẫn cảm nhận được tình yêu thương ấm áp, cháu được truyền cho niềm tin, nghị lực để vượt qua hoàn cảnh. Tâm hồn cháu được bồi đắp... Bà và bếp lửa đã trở thành điểm tựa tinh thần cho cháu...
 (HS lấy dẫn chững thơ và phân tích. Chú ý đi sâu vào đoạn thơ: 
 Bà vẫn giữ thói quen dậy sớm
 Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm
 .................................................
 Ôi kì là và thiêng liêng - bếp lửa! )
- Khi cháu đã trưởng thành, đã bay cao bay xa, được tiếp xúc với những điều mới lạ, nhưng cháu vẫn không thể quên hình ảnh bà và bếp lửa. Bà và bếp lửa vẫn là điểm tựa tinh thần cho cháu
 (Phân tích 4 câu thơ kết bài để làm rõ điều này)

* Liên hệ với bài thơ Tiếng gà trưa của Xuân Quỳnh (hoặc những bài thơ mà HS biết):
Bài thơ Tiềng gà trưa cũng ghi lại những cảm xúc của người cháu khi hồi tưởng lại những kỉ niệm tuổi thơ bên bà, với đàn gà bà nuôi. Hình ảnh người bà tần tảo, giàu đức hi sinh, yêu thương cháu hết mực, rồi hình ảnh những chú gà mái, ổ trứng hồng..., tất cả đều là những hình ảnh giản dị, nhưng lại đem đến cho cháu niềm hạnh phúc, để khi cháu trưởng thành, khi cháu đã là một người chiến sĩ thì những hình ảnh ấy vẫn là điểm tựa tinh thần, là động lực thôi thúc cháu chiến đấu bảo vệ quê hương đất nước...)

* HS có thể liên hệ từ thực tế cuộc sống, từ những suy nghĩ của bản thân về vấn đề này, từ đó khái quát được ý nghĩa: mỗi chúng ta cần biết trân trọng ân tình với quá khứ, với quê hương và với những người thân yêu, biết trân trọng những điều bình thường giản dị nhưng có ý nghĩa sâu sắc trong cuộc sống hàng ngày, xung quanh chúng ta.





Ý này cho 0,5 điểm





Ý này cho 0,5 điểm



Phần này cho 3,0 điểm
















Phần này cho 4,0 điểm
















Phần này cho 1,5 điểm







Phần này cho 1,5 điểm 

* Lưu ý: Trên đây là những gợi ý và định hướng chung, giám khảo cần vận dụng linh hoạt dựa trên thực tế bài làm của học sinh. Khuyến khích những bài có cảm nhận sâu sắc, có cảm xúc và sáng tạo trong cách viết. 

File đính kèm:

  • docDe va dap anHSG Van 9 20132014.doc
Đề thi liên quan