Đề thi chọn học sinh giỏi môn ngữ văn lớp 9 (thời gian làm bài: 150 phút)

doc4 trang | Chia sẻ: haohao | Lượt xem: 3295 | Lượt tải: 2download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đề thi chọn học sinh giỏi môn ngữ văn lớp 9 (thời gian làm bài: 150 phút), để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI MÔN NGỮ VĂN LỚP 9
(Thời gian làm bài: 150 phút)

Câu 1 (3 điểm)
 Ca dao có câu:
“ Hỡi cô tát nước bên đàng
Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi”.
Trong “Truyện Kiều”, Nguyễn Du viết:
"Long lanh đáy nước in trời
Thành xây khói biếc, non phơi bóng vàng”.
Em hãy phân tích nghệ thuật miêu tả đặc sắc trong những câu trên.
Câu 2: (3 điểm)
Trong văn bản “ Bàn luận về phép học”, La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp đã mở đầu cho bài viết của mình bằng câu châm ngôn: “Ngọc không mài, không thành đồ vật; người không học không biết rõ đạo” (SGK Ngữ văn 8/ Tập II).
Em có suy nghĩ gì về ý kiến trên?
Câu 3: (14 điểm)
“Có thể nói thiên nhiên trong Truyện Kiều cũng là một nhân vật, một nhân vật thường kín đáo, lặng lẽ nhưng không mấy khi không có mặt và luôn thấm đẫm tình người” (Hoài Thanh).
	Bằng hiểu biết của em về tác phẩm “Truyện Kiều” hãy làm sáng tỏ ý kiến trên. 












ĐÁP ÁN THI CHỌN HỌC SINH GIỎI MÔN NGỮ VĂN LỚP 9

Câu 1(3 điểm): 
Yêu cầu về hình thức:
Biết viết một đoạn văn theo đúng yêu cầu của đề. Có cách diễn đạt rõ ràng, mạch lạc, lập luận chặt chẽ, viết có cảm xúc, không mắc các lỗi về câu, chính tả…
Yêu cầu về nội dung:
Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau, nhưng cần đảm bảo các ý sau:
Cặp lục bát trong ca dao: Vẻ đẹp huyền ảo, thơ mộng của cảnh đẹp đêm trăng. Cụm từ “múc ánh trăng vàng” khiến cả không gian, thời gian, nhân vật, công việc thẫm đẫm trăng vàng. Bài ca lao động hòa quyện vào bài ca giao duyên, tình yêu thiên nhiên, yêu quê hương…
Cặp lục bát trong “Truyện Kiều”: Bức tranh thu kì thú mơ màng thần tiên.Nước thu trong lặng, phản chiếu trời mây, sương khói, núi non và nắng vàng thu. Câu thơ tĩnh mà động. Hàm ẩn trong đó là tâm trạng khấp khởi, vui sướng của Thúc Sinh khi được trở lại Lâm Tri với Thúy Kiều vì tưởng rằng mình đã lừa được Hoạn Thư.
Biểu điểm:
Đảm bảo đầy đủy ý trên (3 điểm).
Đạt ½ yêu cầu	(2,5 điểm).
Có ý song còn sơ sài hoặc chưa sát (1 điểm).

Câu 2(3 điểm): 
Suy nghĩ về nội dung ý nghĩa câu châm ngôn(2 điểm).
- Giải thích câu châm ngôn:
Chú ý: “ Đạo”là lẽ đối xử hàng ngày giữa con người với con người, là đạo đức, nhân cách của con người. Đạo (rõ đạo) cũng có thể là tri thức để làm người. 
Mượn câu nói của người xưa Nguyễn Thiếp muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc học, khẳng định mục đích và tác dụng của việc học - học để làm người có ích, có giá trị. Đó mới là việc học chân chính.
- Mở rộng: Bàn bạc và khẳng định quan điểm đúng đắn về nội dung, phương pháp học tập, phê phán quan điểm sai trái, lệch lạc của việc học của một số người xưa nay để thấy ý nghĩa tích cực của việc học tập chân chính.
Suy nghĩ về việc học tập của bản thân (1 điểm): Từ nội dung câu châm ngôn, học sinh cần liên hệ đến việc học tập của bản thân: mục đích, nội dung, phương pháp học tập; học phải gắn liền với hành, phải vận dụng vào cuộc sống…
Câu 3 (14 điểm):
Yêu cầu về hình thức: 
	Biết viết một bài văn nghị luận văn học có bố cục rõ ràng theo đúng yêu cầu của đề. Có cách diễn đạt rõ ràng, mạch lạc lập luận chặt chẽ, viết có cảm xúc, không mắc lỗi về câu, chính tả…
Yêu cầu về nội dung:
Học sinh sử dụng chủ yếu hai đoạn trích đã học (Cảnh ngày xuân, Kiều ở lầu Ngưng Bích) bên cạnh đó có thể sử dụng vốn hiểu biết về Truyện Kiều và các tác phẩm văn học có liên quan. Có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau, thông qua việc chọn lọc những chi tiết nghệ thuật tiêu biểu với sự phân tích, bình luận và đảm bảo những ý cơ bản sau:
* Giải thích thiên nhiên là gì? (Là thế giới sống động với màu sắc, đường nét, âm thanh… Cái đẹp của thiên nhiên được tạo hóa ban phát và nuôi dưỡng trong dòng sữa ngọt ngào của trái đất).
* Giải thích và chứng minh: Tại sao “thiên nhiên trong Truyện Kiều cũng là một nhân vật”?
Bởi: 
Trong Truyện Kiều thiên nhiên có bóng dáng trên từng trang sách được nhà thơ cảm nhận sâu sắc và tinh tế những nét đẹp riêng của từng cảnh vật. Đọc Truyện Kiều ta như được thưởng ngoạn và chiêm ngưỡng những vẻ đẹp thiên nhiên sống động, có hồn.
+ Cảnh thiên nhiên tươi đẹp đầy hương sắc.
+ Cảnh thiên nhiên hiện lên qua con mắt nhìn của người đi trẩy hội như thế nào?
+ Cảnh đẹp nhưng nhuốm màu tâm trạng của chị em Thúy Kiều khi du xuân trở về.
Thiên nhiên trong Truyện Kiều còn là nhân vật có nội tâm lúc “lặng lẽ, kín đáo” chia sẻ nỗi niềm riêng tư, trăn trở của con người qua bút pháp tả cảnh ngụ tình. Mượn cảnh thiên nhiên để khắc họa tính cách, nội tâm, dự báo số phận con người.
+ Thiên nhiên như hiểu tình cảm hai người yêu nhau:
“ Dưới cầu nước chảy trong veo
Bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha”.
+ Thiên nhiên như một nhân chứng cho lời thề nguyền đính ước của tình yêu đôi lứa:
“ Vầng trăng vằng vặc giữa trời
Đinh ninh hai mặt một lời song song”.
+ Mượn vẻ đẹp thiên nhiên để khắc họa vẻ đẹp nhân vật đồng thời dự báo số phận nhân vật.
+ Cảnh lầu Ngưng Bích như giãi bày được tâm trạng của Kiều.
* Nghệ thuật miêu tả thiên nhiên của Nguyễn Du: Kết hợp bút pháp tả và gợi, sử dụng từ ngữ giàu chất tạo hình và bút pháp tả cảnh ngụ tình.
Biểu điểm:
Điểm 12 - 14: Đáp ứng yêu cầu trên, còn có thể có một vài lỗi nhỏ.
Điển 9 -11: Cơ bản đáp ứng những yêu cầu trên, dẫn chứng chưa thật đầy đủ nhưng rõ các ý trọng tâm, diễn đạt tương đối tốt có thể mắc một vài sai sót nhỏ.
Điểm 6 – 8: Đáp ứng khoảng ½ yêu cầu trên, dẫn chứng chư thật đầy đủ, phong phú nhưng rõ các ý, diễn đạt thoát ý tuy chưa hay. Có thể mắc một vài sai sót.
Điểm 4 – 5: Chưa nắm thật vững yêu cầu của đề bài, hầu như chỉ bàn luận chung chung, dẫn chứng nghèo nàn, phân tích, bình luận còn nhiều hạn chế. Bố cục lộn xộn, mắc nhiều loại lỗi.
Còn lại tùy mức độ để giám khảo cho điểm.

 Người soát đề:	 Người ra đề



 Hà Sĩ Kiểm Nguyễn Thị Thanh Hường

File đính kèm:

  • docDe dap an thi HSG mon Van 9 THCS Nguyen Truc.doc