Đề thi đề nghị kì thi olympic khu vực đồng bằng sông Cửu Long môn: văn học - Lớp 12

doc4 trang | Chia sẻ: haohao | Lượt xem: 4544 | Lượt tải: 2download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đề thi đề nghị kì thi olympic khu vực đồng bằng sông Cửu Long môn: văn học - Lớp 12, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
SỞ GD&ĐT HẬU GIANG

ĐỀ THI ĐỀ NGHỊ 
KÌ THI OLYMPIC KHU VỰC ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG
MÔN: VĂN HỌC - LỚP 12
Thời gian: 180 phút (Không kể thời gian giao đề)

Đề:
 Câu 1: (8 điểm)
Nhà văn Vích-to Huy-gô đã nói: “Trên đời này chỉ có một thứ mà ta phải cúi đầu thán phục đấy là thiên tài, và chỉ có một thứ mà ta phải quỳ gối tôn trọng đấy là lòng tốt”.
Hãy bình luận ý kiến trên.
 Câu 2: (6 điểm)
 Trong cuốn Hoa đạo Oshawa đã kể chuyện về một họa sĩ vẽ hoa chuyên nghiệp. Gần cuối đời, ông ta bày triển lãm những tranh hoa đắc ý nhất của mình. Người đến xem rất đông, ai cũng tấm tắc khen. Họa sĩ rất hãnh diện. Đến ngày cuối, một bác nông dân ghé vào. Bác chăm chú xem hết bức này đến bức khác. Xong bức nào Bác cũng lắc đầu. Họa sĩ chột dạ, bèn hỏi vì sao. Bác thật thà hỏi lại: Có phải các bức tranh này, ông đều vẽ theo mẫu là các bông hoa ngắt từ ngoài vườn vào không? Họa sĩ thú thực rằng đúng như vậy. Thảo nào! – Bác nông dân nói – Tranh hoa của ông rất đẹp, rất giống, nhưng tôi cứ thấy thiếu thiếu một cái gì đó. Khi xem đến bức cuối cùng thì tôi hiểu. Tôi là người cả đời trồng hoa, tôi biết, mỗi bông hoa sống bao giờ cũng có một vầng sáng mờ ảo tỏa ra xung quanh. Tôi cố tìm mà chả có bông hoa nào của ông có cái vầng sáng ấy cả. Nhà họa sĩ đã bị sốc khá lâu. Nhưng chính lúc này ông chợt ngộ ra: Cái thiếu ấy là gì nếu không phải là hồn hoa! Rồi ông lẳng lặng xé bỏ toàn bộ số tranh. Từ hôm sau, người ta thấy ông cặm cụi ở ngoài vườn.
 Câu chuyện trên gợi cho anh (chị) suy nghĩ gì về nhà văn và tác phẩm văn học.
 Câu 3: (6điểm)
 Có ý kiến cho rằng “Thơ là tiếng vọng của tâm hồn”, là một “Kiến trúc đầy âm vang”.
 Bằng sự hiểu biết về bài thơ “Đàn ghi ta của Lor-ca” của nhà thơ Thanh Thảo hãy làm sáng tỏ ý kiến trên.


--- Hết ---ĐÁP ÁN VÀ BIỂU ĐIỂM

A. Câu 1:
Đáp án
I - Yêu cầu về kĩ năng:
Học sinh biết vận dụng tổng hợp các thao tác nghị luận trong văn nghị luận như giải thích, phân tích, chứng minh, so sánh, bác bỏ, bình luận.
Biết trình bày luận điểm đối với vấn đề nghị luận.
Biết kết hợp hiểu biết trong sách vở và vốn sống.
Trình bày rõ ràng, sạch đẹp, văn phong phù hợp với kiểu bài.
Tư liệu dẫn chứng: trong văn chương và thực tế cuộc sống.
II - Yêu cầu về kiến thức: 
Giải thích:
Thiên tài: tài năng lớn.
Lòng tốt: lòng nhân ái.
Cúi đầu thán phục: sự ngưỡng mộ.
Quỳ gối, tôn trọng: lòng kính trọng.
Luận bàn: 
Vì sao phải cúi đầu thán phục trước thiên tài:
Tài năng sẽ làm cho đời sống con người được nâng cao, xã hội ngày càng phát triển, nhân loại ngày càng tiến bộ.
Nhưng nếu tài năng sử dụng không đúng chỗ sẽ phá hủy cả thế giới (có tài mà không có đức).
Vì sao phải quỳ gối tôn trọng trước lòng nhân ái:
Lòng nhân ái sẽ làm cho con người biết yêu thương nhau, giúp đỡ nhau trong cuộc sống, làm cho con người có niềm tin và ý chí vươn lên để cuộc sống có ý nghĩa hơn.
Lòng nhân ái sẽ mang lại niềm vui, niềm hạnh phúc cho con người, thế giới sẽ sống trong hòa bình. (Bill Gates – chủ tịch Microsoft đã dành gần hết tài sản của mình đóng góp vào quỹ từ thiện…).
Mối quan hệ giữa thiên tài và lòng nhân ái:
Vì sao trước thiên tài ta chỉ cúi đầu thán phục, còn trước lòng tốt ta phải quỳ gối tôn trọng. 

Biểu điểm

Điểm 8: Bài làm tỏ ra vững vàng trong việc vận dụng các thao tác lập luận, phong cách nghị luận, nắm chính xác vấn đề, lập luận thuyết phục, xoáy vào trọng tâm, văn giàu chất suy tư, có nhiều phát hiện sâu sắc. Diễn đạt tốt, chữ sạch, rõ.
Điểm 6: Bài làm xác định đúng vấn đề và phương pháp nghị luận, có những ý kiến chính xác, những phân tích sâu sắc. Tuy nhiên, có thể chưa thật toàn diện, văn khá, chữ viết sạch, diễn đạt khá.
Điểm 4: Bài làm tỏ ra có hiểu định hướng đề bài, xác định đúng vấn đề nghị luận. Tuy nhiên, lập luận chưa toàn diện, văn viết được, chữ rõ ràng.
Điểm 2: Bài làm tỏ ra chưa nắm định hướng, còn mơ hồ về vấn đề, lí giải chưa thuyết phục, diễn đạt vụng về.
Điểm 0: Sai lạc cả nội dung và phương pháp.

B. Câu 2:
Đáp án

 I - Yêu cầu về kĩ năng:
Nắm chắc và vận dụng tốt kiến thức, phương pháp, kĩ năng của kiểu bài bình luận một vấn đề văn học.
Hiểu được nội dung đề, vận dụng tốt kiến thức văn học và lí luận văn học.
Phạm vi tư liệu phải phù hợp và phong phú. Biết chọn lọc và phân tích dẫn chứng tiêu biểu.
Lập luận chặt chẽ, văn có hình ảnh, cảm xúc, sáng tạo.
II - Yêu cầu cụ thể:
 1. Hiểu được nội dung ý nghĩa câu chuyện:
 a. Đối với tác phẩm:
Cái hồn của văn chương không phải là ngôn ngữ mà là cái vầng sáng tỏ mờ bao quanh mỗi chữ. Nó là tinh chất của sự sống nhà văn đã gửi gắm qua từ ngữ. Mà tinh chất của sự sống chính là xúc cảm, suy cảm của nhà văn - cảm xúc hóa thân vào ngôn ngữ - cái tình của nhà văn.
Đọc tác phẩm văn chương người đọc hiểu,cảm nhận được hình tượng nghệ thuật xem như đã nhập được vào cái hồn của tác phẩm, hiểu được tấm lòng nhà văn.
Muốn hiểu được tác phẩm văn chương người đọc phải biết sống trong tác phẩm, sống cùng tác phẩm. 
 b. Đối với nhà văn:
Đặc trưng của nghệ thuật là sự sáng tạo độc đáo, mới mẻ đòi hỏi sự khám phá, phát hiện ở người đọc nên nhà văn phải biết sáng tạo “ khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những cái gì chưa có” (Đời thừa – Nam Cao)
Nhà văn không được lặp lại nhàm chán, sự sao chép vụng về về những cái mà người khác đã nói, đã thể hiện.
Văn học bắt nguồn từ hiện thực cuộc sống, nhà văn phải thâm nhập thực tế mới khơi nguồn sáng tạo.
Chính cái tài, cái tâm sẽ giúp ngưòi nghệ sĩ tạo nên tác phẩm nghệ thuật độc đáo, ấn tượng, có sức lay động sâu xa.
 2. Từ câu chuyện nêu lên một cách nhìn. một quan điểm đúng đắn, cần thiết cho nhà văn và người đọc văn.

Biểu điểm

 Điểm 6: Đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về kĩ năng, kiến thức, diễn đạt lưu loát, văn viết có biểu hiện năng khiếu.
 Điểm 4: Cơ bản đáp ứng các yêu cầu đã nêu, dẫn chứng chính xác, văn viết khá. Tuy nhiên, có thể còn măc phải vài sơ sót nhỏ về kĩ năng, kiến thức.
 Điểm 2: Có hiểu đề nhưng vốn hiểu biết cũng như kĩ năng còn hạn chế.
 Điểm 0: Bài viết sai lạc cả nội dung và phương pháp.

C. Câu 3:
Đáp án

I. Yêu cầu về kĩ năng:
Học sinh nắm vững phương pháp làm bài văn nghi luận giải thích, chúng minh một vấn đề văn học.
Bố cục chặt chẽ, mạch lạc, sáng rõ.
Diễn đạt lưu loát, truyền cảm, có những phát hiện bất ngờ, độc đáo.
Trình bày sạch,đẹp.
II. Yêu cầu về kiến thức:
Học sinh có kiến thức về lí luận văn học: Đặc trưng của thơ, cá tính sáng tạo của nhà thơ…
Có năng lực cảm thụ văn học tinh tế, sâu sắc.
 Cụ thể:
 1. Giải thích:
Thơ là tiếng vọng của tâm hồn: Thơ bộc lộ cái tình, thể hiện sâu sắc tâm trạng của nhà thơ.
Kiến trúc đầy âm vang:
 + Đặc trưng của thơ là cấu trúc trùng điệp: âm thanh, nhịp điệu, ngữ nghĩa…
 + Sự trùng điệp này tạo âm vang, làm cho chất nhạc tràn đầy.
(Học sinh biết phân biệt thơ khác văn xuôi chủ yếu ở nhịp điệu – Thơ là văn bản được tổ chức bằng nhịp điệu của ngôn từ).
 2. Trình bày những hiểu biết về bài thơ “ Đàn ghi ta của Lor-ca”:
Tâm trạng của Lor-ca và cái tình của nhà thơ Thanh Thảo.
“Thơ trước hết là nhạc” (Verlaine – nhà thơ Pháp). Đọc bài thơ Đàn ghi ta của Lor-ca của Thanh Thảo ta có cảm giác như nghe một bài hát ngợi ca cái chết bi tráng và sự bất tử của Lor-ca.

Biểu điểm

Điểm 6: Đáp ứng tốt các yêu cầu nêu trên, kiến thức phong phú, diễn đạt lưu loát, sáng tạo. Văn viết có xúc cảm. Có thể còn một vài sai sót nhỏ không đáng kể.
Điểm 4: Cơ bản đáp ứng các yêu cầu nêu trên, diễn đạt mạch lạc, văn có cảm xúc nhưng phân tích chưa sâu sắc và còn một vài sai sót nhỏ.
Điểm 2: Tỏ ra nắm được nội dung đề, trình bày dược một nửa số ý nêu trên. Văn chưa lưu loát, phân tích sơ sài.
Điểm 0: Sai lạc cả nội dung và phương pháp. 

File đính kèm:

  • docDe thi HSG Van 12 cua Hau Giang nam 2009co dap an.doc
Đề thi liên quan