Đề thi đề xuất - Môn thi: Ngữ văn 9 - Trường THCS Chân Lý

doc4 trang | Chia sẻ: hong20 | Lượt xem: 626 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đề thi đề xuất - Môn thi: Ngữ văn 9 - Trường THCS Chân Lý, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
ĐỀ THI ĐỀ XUẤT
Kỳ thi: Vào THPT không Chuyên
Môn thi: Ngữ Văn 9 	; Thời gian làm bài: 120 phút
Họ và tên: Trương Công Luật 	; Chức vụ: Giáo viên
Đơn vị: Trường THCS Chân Lý
Nội dung đề thi:
Câu 1 (2,0 điểm):
Có một câu văn như sau:
“Ở đoạn trước giọng thơ đột ngột cất cao, ngỡ ngàng với bước ngoặt của sự việc, sự vật xuất hiện vầng trăng, đến đoạn này âm điệu thơ thiết tha rồi trầm lắng cùng xúc cảm và suy tư lặng lẽ.”
a) Chép lại câu văn sau khi đã sửa hết lỗi về diễn đạt câu. 
b) Coi câu văn em vừa sửa là câu mở đoạn cho một đoạn văn, em hãy viết thành một đoạn văn hoàn chỉnh. 
Câu 2 (3,0 điểm):
Nêu các cách trình bày nội dung trong một đoạn văn? (không vẽ sơ đồ).
Viết một đoạn văn (gồm ít nhất 7 câu văn) có nội dung nói về vai trò của ngôn ngữ trong giao tiếp. Cho biết đoạn văn em viết theo cách lập luận nào?
Câu 3 (5,0 điểm):
Phân tích hình ảnh anh bộ đội trong bài thơ “Đồng chí” của nhà thơ Chính Hữu. 
--------------hết----------------------------
 */Chú ý :Học sinh không được dùng tài liệu. Cán bộ coi thi không giải thích thêm
HƯỚNG DẪN CHẤM ĐỀ THI ĐỀ XUẤT
Kỳ thi: Vào THPT không Chuyên
Môn thi: Ngữ Văn 9 	; Thời gian làm bài: 120 phút
Họ và tên: Trương Công Luật 	; Chức vụ: Giáo viên
Đơn vị: Trường THCS Chân Lý
Câu 1 (2,0 điểm):
a)Yêu cầu học sinh sửa lỗi và diễn đạt câu song và chép lại đoạn văn (1điểm)
"Sự xuất hiện “ vầng trăng” ở đoạn thơ trước với giọng thơ đột ngột cất cao, ngỡ ngàng. Đến đoạn thơ này hình ảnh “ vầng trăng” lại mang âm điệu thơ thiết tha rồi trầm lắng cùng xúc cảm và suy tư lặng lẽ.”
b) Viết được một đoạn văn hoàn chỉnh (1 điểm) 
Câu 2 (3,0 điểm ):
Yêu cầu 1: Nêu đúng 4 cách trình bày nội dung đoạn văn: (1,5 điểm)
+ Diễn dịch là cách trình bày ý đi từ ý chung, khái quát, đến các ý chi tiết, cụ thể làm sáng tỏ ý chung. Theo đó, câu mang ý khái quát được đặt ở đầu đoạn văn, các câu mang ý chi tiết, cụ thể đặt sau nó.
+ Quy nạp là cách trình bày đi từ ý chi tiết, cụ thể rút ra ý chung, khái quát. Theo đó, câu mang ý khái quát đứng ở sau các câu kia và nó có tư cách câu chốt của đoạn văn.
+ Móc xích là cách sắp xếp ý nọ tiếp ý kia theo lối ý sau móc nối vào ý trước (qua những từ ngữ cụ thể) để bổ sung giải thích cho ý trước.
+ Song hành là cách sắp xếp các ý ngang nhau, không có hiện tượng ý này bao quát ý kia hoặc ý này móc vào ý kia.
+ Sau khi nêu 4 cách nói trên, nhấn mạnh được ý: Bốn cách trình bày nội dung đoạn văn nói trên được dùng kết hợp và linh hoạt trong khi viết bài văn.
Yêu cầu 2: Viết được một đoạn văn (ít nhất là 3 câu văn) theo cách trình bày (học sinh tự chon cách trình bày) có nội dung về vai trò của ngôn ngữ trong giao tiếp. (1,5 điểm).
Ví dụ học sinh có thể viết: “Trong cuộc sống, ngôn ngữ là lời ăn tiếng nói biểu hiện tư tưởng tình cảm con người. Trong học tập, ngôn ngữ chính là công cụ để nhận thức và tư duy. Trong sáng tác và thưởng thức, ngôn ngữ là chất liệu để sáng tác văn thơ, là tín hiệu thẩm mỹ để hiểu vẻ đẹp văn chương...”
* Nếu viết được 2 câu đúng cách liên kết song hành cũng cho 1,0 điểm. Nếu mới viết được 1 câu, thì không cho điểm, vì chưa biết cụ thể HS có biết cách trình bày theo cách liên kết song hành không.
Câu 3 (5,0 điểm) : Phân tích hình ảnh anh bộ đội trong bài thơ “Đồng chí” của Chính Hữu.
Để yêu cầu phân tích bài thơ có định hướng cụ thể. Vì vậy trong quá trình phân tích phải bám vào các chi tiết, các biện pháp nghệ thuật cụ thể trong bài thơ, so sánh hợp lý để làm nổi bật được vẻ đẹp của hình ảnh anh bộ đội giai đoạn đầu cuộc kháng chiến chống Pháp trong thơ Chính Hữu.
Với đối tượng HS lớp 9, những yêu cầu chính là:
* Yêu cầu về nội dung bài văn: (4,0 điểm)
1 – Giới thiệu được vài nét về hoàn cảnh sáng tác bài thơ và tác giả Chính Hữu 
(0,5 điểm)
Giám khảo tham khảo phần tiểu dẫn SGK lớp 9 tập I, các em đã được học, có in ở cuối đáp án này.
2 – Những yêu cầu cụ thể khi phân tích hình ảnh anh bộ đội trong bài thơ: 
(3,0điểm)
+ Phân tích được cách giới thiệu độc đáo của bài thơ về hoàn cảnh xuất thân của anh bộ đội – những người lính cách mạng. Cuộc kháng chiến đầy gian khổ để bảo vệ Tổ quốc đã tạo nên cuộc gặp gỡ giữa những “người xa lạ” nhưng đã trở thành “tri kỷ”.
+ Cảm nhận và phân tích được dụng ý nghệ thuật của nhà thơ Chính Hữu về cách đặt nhan đề cho bài thơ “Đồng chí”. Hai tiếng “đồng chí” (đặt riêng thành một dòng thơ) vừa giản dị gần gũi vừa thiêng liêng mới mẻ cất lên từ hiện thực cuộc chiến tranh cách mạng do chính những anh bộ đội vốn xuất thân từ những vùng quê nghèo tự nhận thức ra.
+ Đi sâu phân tích những biểu hiện giản dị và cảm động tình đồng chí của anh bộ đội: Cùng chung nhận thức về nhiệm vụ cách mạng, cùng chung tình yêu và nỗi nhớ quê hương, cùng chia ngọt sẻ bùi để vượt qua thiếu thốn, khó khăn gian khổ của cuộc đời người lính...
(Khai thác các yếu tố hình ảnh, nhịp điệu và giọng điệu của bài thơ để thấy chất tự sự trữ tình đã làm cho hình ảnh tâm trạng anh bộ đội hiện lên chân thực đơn sơ mà ấm áp tình đồng chí)
+ Liên tưởng so sánh với hình ảnh người lính công cụ của chiến tranh phi nghĩa thời phong kiến trong bài ca dao “Ngang lưng thì thắt bao vàng, đầu đội nón dấu vai mang súng dài... Bước chân xuống thuyền nước mắt như mưa”; để thấy sự tương phản đối lập về sự trang bị bên ngoài và cái chất thực bên trong của họ; từ đó khẳng định nét đẹp mới mẻ của hình ảnh anh bộ đội trong bài thơ “Đồng chí”.
+ Cảm nhận và phân tích được đoạn kết bài thơ với hình ảnh độc đáo “Đầu súng trăng treo”. Giá trị thực và ý nghĩa tượng trưng của hình tượng này đối với việc khắc họa vẻ đẹp tâm hồn của anh bộ đội.
3- Nhận xét về nghệ thuật biểu hiện hình ảnh anh bộ đội của bài thơ 
(0,5 điểm). 
So sánh với những bài thơ cùng viết về anh bộ đội trong kháng chiến chống Pháp để thấy nét đẹp của thơ kháng chiến: Mỗi bài thơ như bức chân dung tự hoạ của anh bộ đội – nhà thơ, hiện thực mà lãng mạn, chân thật giản dị mà sâu lắng bay bổng..., trong đó bài “Đồng chí” là một kết tinh tiêu biểu. Bút pháp tả thực đã tạo nên sự hàm xúc, mộc mạc, phù hợp với cuộc đời gian khổ của anh bộ đội; chất lãng mạn cất lên ở hình tượng cuối bài thơ đã thể hiện một cách sinh động phẩm chất cách mạng và chất lãng mạn trong tâm hồn của người chiến sĩ...
* Yêu cầu về hình thức bài văn 	(1 điểm)
Kết cấu bài văn hợp lý, bài tương đối hoàn chỉnh, trình bày sạch sẽ. 
Cách chấm điểm câu 3:
+ Điểm 4,5 đến 5,0: Tuỳ mức độ, hiểu được bài thơ, đáp ứng được hầu hết các yêu cầu trên, lỗi không đáng kể.
+ Điểm 3,0 đến dưới 4,5: Tuỳ mức độ, tuy đã hiểu được bài thơ, có ý thức bám sát văn bản để phân tích hình ảnh anh bộ đội, nhưng khả năng liên tưởng – so sánh còn hạn chế; có thể còn mắc một số lỗi diễn đạt nhưng không trầm trọng.
+ Điểm 1,0 đến dưới 3,0: Tuỳ mức độ, chủ yếu thuật dựng hình ảnh, năng lực cảm thụ phân tích hạn chế, diễn đạt còn vụng về, còn mắc lỗi trong diễn đạt.
+ Điểm dưới 1,0: Nói chung là chưa thuộc bài thơ đề cập đến hình ảnh anh bộ đội nhưng ý chung chung, diễn đạt rất yếu.
+ Điểm 0: Bỏ giấy trắng hoặc có viết nhưng sai lạc hoàn toàn yêu cầu đề.

File đính kèm:

  • docDe ngu van thi vao THPT khong chuyen.doc
Đề thi liên quan