Đề thi diễn tập tốt nghiệp năm 2008-2009 môn: ngữ văn

doc4 trang | Chia sẻ: haohao | Lượt xem: 1245 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đề thi diễn tập tốt nghiệp năm 2008-2009 môn: ngữ văn, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
SỞ GD & ĐT ĐỒNG THÁP
TRƯỜNG THPT TAM NÔNG


ĐỀ THI DIỄN TẬP TỐT NGHIỆP NĂM 2008-2009
Môn: Ngữ văn
Thời gian làm bài: 150 phút (không kể thời gian phát đề)
I. PHẦN CHUNG CHO TẤT CẢ CÁC THÍ SINH (5 điểm)
 Câu 1: cho biết vài nét tiêu biểu về nhà văm M.A.Sô-lô-khôp (2 đ)
 Câu 2: Sau khi tốt nghiệp THPT, con đường vào đại học có phải là lựa chọn duy nhất của anh (chị) ? (Viết thành một bài văn nghị luận xã hội ngắn, không quá 30 dòng) (3 đ).
II. PHẦN RIÊNG (Thí sinh ban A và ban cơ bản làm câu 3.a; Thí sinh ban C làm câu 3.b).
 Câu 3.a. Cảm nhận của anh (chị) về sự thật ở đằng sau bức ảnh đẹp qua truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu (5 đ)
 Câu 3.b. Cảm nhận của anh (chị) về nét đẹp kinh thành của nhân vật bà Hiền trong truyện ngắn “Một người Hà Nội” của Nguyễn Khải (5 đ)



ĐÁP ÁN VÀ HƯỚNG DẪN CHẤM MÔN NGỮ VĂN 12
KÌ THI DIỄN TẬP TỐT NGHIỆP THPT NĂM 2008-2009

A. ĐÁP ÁN
 I. Phần chung:
 Câu 1: Học sinh trình bày đủ các ý
 - M. A. Sô-lô-Khôp (1905- 1984) là nhà văn Nga lỗi lạc, đã vinh dự nhận giải thưởng Nô-ben về văn học năm 1965.
 - Sô-lô-Khôp sinh tại thảo nguyên sông Đông. Học xong phổ thông ông tham gia công tác cách mạng ở địa phương một thời gian ngắn rồi năm 1922 ông lên Mat-xcơ-va vừa kiếm sống vừa học theo đuổi “mộng văn chương” nhưng không thành. Từ năm 1925, ông trở về sông Đông, viết về con người và vùng đất quê hương. Tác phẩm của ông dần dần nổi tiếng khắp nước Nga và thế giới.
 - Tác phẩm chính: “Sông Đông êm đềm”(Tiểu thuyết, 1940), “Đất vỡ hoang” (Tiểu thuyết, 1956), “Số phận con người” (Truyện ngắn, 1957).
 Câu 2: Học sinh làm hoàn chỉnh một bài văn nghị luận xã hội ngắn, có thể theo định hướng như sau:
 A. Mở bài: Nêu được luận đề “Vào đại học không phải là con đường lựa chọn duy nhất của tôi sau khi tốt nghiệp THPT”.
 B. Thân bài: Đặt ra được một số luận điểm và đưa ra được các luận cứ để bảo vệ luận điểm của bản thân.
 1. Vào đại học là con đường lập thân, lập nghiệp tốt, ai cũng mơ ước nhưng không phải ai cũng có khả năng đạt được.
 2. Có nhiều con đường khác để lập thân, lập nghiệp như học nghề, làm công nhân, làm kinh tế tư nhân… vẫn có thể thành đạt trong cuộc sống.
 3. Lựa chọn ngành nghề đúng, lựa chọn con đường lập thân, lập nghiệp đúng sẽ định hướng tốt cho tương lai của bản thân.
 C. Kết bài: Nêu được bài học chọn ngành, chọn nghề.
II. Phần riêng.
 Câu 3.a. Học sinh làm hoàn chỉnh một bài văn nghị luận văn học, gồm ba phần, đảm bảo các nội dung sau:
 A. Mở bài: Giới thiệu được nhà văn Nguyễn Minh Châu, một cây bút tiên phong trong công cuộc đổi mới văn học Việt Nam từ sau năm 1975. Giới thiệu được truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” một truyện ngắn sáng tác năm 1983, có sự đổi mới thực sự về cảm hứng nghệ thuật và cách thức thể hiện. Định hướng được nội dung sẽ viết ở phần thân bài là cách nhìn, cách miêu tả cuộc sống của nhà văn rất dân chủ, tôn trọng sự thực như nó vốn có ở đời.
 B. Thân bài: (có thể có các ý)
 1. Bức ảnh nghệ thuật “Chiếc thuyền ngoài xa” thật đẹp. Đó là cái đẹp toàn bích, toàn mĩ, cái đẹp “trời cho” mà người nghệ sĩ bất ngờ phát hiện ra và may mắn ghi lại được.
 2. Nhưng đằng sau bức ảnh đẹp đó là một bức tranh đời sống thật đáng buồn. Gia đình một làng chài nghèo khổ sống trong cảnh bạo hành nội bộ. Chồng đánh vợ thường xuyên, tàn nhẫn, vợ cam chịu, không thể bỏ chồng, con bênh mẹ, có hành vi tấn công cha. Nhưng người ta cứ phải sống, cứ phải tồn tại. Một hiện thực chân thực đến nhức nhối không phải ít trong đời sống hiện nay đòi hỏi cả xã hội phải quan tâm, cùng tháo gỡ.
 3.Với cách cảm nhận mới mẻ, cách viết rất dân chủ, nhà văn đã cho người đọc một cái nhìn nhiều chiều, sâu sắc về đời sống.
 - Ở góc nhìn của người nghệ sĩ (Phùng) thì anh nhận ra mối quan hệ giữa nghệ thuật và đời sống. Nghệ thuật phải hài hoà với đời sống. Bức ảnh đẹp thật, đáng say mê thật, nhưng đời sống những con người đằng trong bức ảnh chưa đẹp, người nghệ sĩ phải biết đau đớn, cảm thông.
 - Ở góc nhìn của người thực thi pháp luật (Chánh án Đẩu) thì anh nhận ra khoảng cách giữa lí thuyết hành pháp và hiện thực đời sống. Có những việc trong đời sống không thể cứng nhắc giải quyết bằng pháp luật hiện hành được. Pháp luật cũng phải xuất phát từ cuộc sống, sửa đổi cho phù hợp với đời sống.
 - Ở góc nhìn của người đọc thì có thể họ lên án người chồng vũ phu, họ cảm thông cho sự cam chịu của người đàn bà bị chồng hành hạ, họ thấy được nỗi buồn của những đứa con còn trẻ dại phải chịu đựng cảnh cha mẹ bạo hành… tất cả tuỳ ở quyết định của người đọc.
 C. Kết bài: Ghi nhận được giá trị hiện thực chân thực của tác phẩm.
Câu 3.b.
 A. Mở bài: Giới thiệu ngắn gọn tác giả, tác phẩm và rõ định hướng làm bài. Qua truyện ngắn “Một người Hà Nội”, Nguyễn Khải có cái nhìn mới mẻ, mang tính phát hiện về nét đẹp kinh thành Hà Nội.
 B. Thân bài: có thể có các ý
 1. Nhân vật bà Hiền thể hiện một bản lĩnh, cốt cách của người Hà Nội.
 - Bản lĩnh trong hôn nhân: Bà Hiền đẹp, quý phái, quan hệ rộng nhưng lại chọn một ông giáo tiểu học để xây dưng gia đình, mong muốn một tổ ấm nề nếp, gia phong.
 - Bản lĩnh trong nuôi dạy con, quản lí gia đình: Bà Hiền dạy con sống phải có “lòng tự trọng”, “phải có chuẩn”, “là người Hà Nội”. Bà Hiền quyết làm “nội tướng” quản lí kinh tế gia đình để cuộc sống luôn ổn định ở mọi thời thế.
 - Cốt cách trong xử thế: Bà Hiền sinh ra trong một gia đình khá giả, lớn lên ở Hà Nội, có phòng khách riêng (sa lông văn học), giao tiếp với nhiều người sang trọng “đã thành danh của đất kinh thành”, trải qua kháng chiến chống Pháp rồi hoà bình, rồi chiến tranh chống Mĩ rồi đổi mới sau chiến tranh, bà vẫn vậy: sang trọng, quý phái, “khiêm tốn và rộng lượng” để nhận ra Hà Nội “thời nào cũng đẹp”. Bà tin vào sự bất biến của những giá trị văn hoá truyền thống.
 2. Nhân vật bà Hiền thể hiện một nét văn hoá kinh kì rất quyến rũ.
 - Bà Hiền thời nào cũng thể hiện nét văn hoá lịch lãm, sang trọng, vẫn thường xuyên mỗi tháng một lần đãi cơm các quý ông, quý bà Hà Nội, đã thành danh tại phòng khách của mình.
 - Bà Hiền luôn ung dung, tự tại trước những biến động bên ngoài xã hội. Mỗi giai đoạn, mỗi thời kì, Hà Nội có sự đổi thay của nó. Các chuẩn mực có vẻ như bị xô lệch, lung lay. Nhưng bà vẫn tin vào sự bất biến của cái đẹp. (Bà kể cho ông cháu nghe chuyện chính quyền thành phố làm cây si sống lại)
 - Bà Hiền là một người “thuần tuý Hà Nộ, không pha trộn”. Bà hoà vào cảnh sắc Hà Nội, tiết trời Hà Nội, thành nét quyến rũ của Hà Nội, khiến người xa Hà Nội không thể rời Hà Nội khi trở về.
 3. Qua nhân vật bà Hiền tác giả thể hiện cách nhìn mới mẻ về người Hà Nội, thể hiện một tình yêu Hà Nội rất sâu lắng.
 C. Kết bài: Nói được cái tình yêu, niềm ngưỡng mộ của tác giả đối với văn hoá Thăng Long qua việc xây dựng nhân vật bà Hiền.
B. HƯỚNG DẪN CHẤM
 I. Phần chung
 Câu 1(2 đ): có ba ý với ba mức điểm:
 - Ý 1: 0,75 điểm
 - Ý 2: 0,5 điểm
 - Ý 3: 0,75 điểm
 Câu 2 (3 điểm): có 4 mức cho điểm
 - 3 điểm: Bài viết tốt, luận điểm, luận cứ sáng rõ, có tính thuyết phục.
 - 2 điểm: Bài viết khá, luận điểm, luận cứ rõ, có thể chấp nhận được.
 - 1 điểm: Bài viết tạm được, có đưa ra được suy nghĩ riêng, văn còn vụng về, diễn đạt chưa mạch lạc.
 - 0 điểm: không làm bài hoặc bài viết được vài câu không rõ ý gì cả.
 Câu 3: có
 - 4- 5 điểm: Bài viết tốt, đủ các ý, cảm nhận sâu sắc.
 - 2-3 điểm: Bài viết khá, tương đối đủ các ý, nắm được tác phẩm.
 - 1 điểm: Bài viết yếu, chỉ nói được vài ý chung chung, văn lủng củng.
 - 0 điểm: không làm bài hoặc bài viết được vài câu không rõ ý gì cả.
 * Ghi chú: Giám khảo có thể vận dụng linh hoạt đáp án và hướng dẫn chấm nhưng không được bỏ ý cần có ở đáp án, sửa đổi thang điểm ở hướng dẫn chấm


 Tổ Ngữ Văn
 Tổ trưởng




 Lê Minh Hùng

File đính kèm:

  • docVAN_TN.doc