Đề thi giáo viên giỏi cấp trường năm học: 2013 – 2014 môn: ngữ văn

doc5 trang | Chia sẻ: haohao | Lượt xem: 3676 | Lượt tải: 4download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đề thi giáo viên giỏi cấp trường năm học: 2013 – 2014 môn: ngữ văn, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
PHÒNG GIÁO DỤC & ĐÀO TẠO THANH BA ĐỀ THI GIÁO VIÊN GIỎI CẤP TRƯỜNG
 TRƯỜNG THCS2 TT THANH BA Năm học: 2013 – 2014
 Môn: Ngữ văn
 Thời gian: 120 phút không kể thời gian giao đề
 Đề thi có 01 trang 

Câu 1: (6 điểm)
a. Theo đồng chí, giáo viên có cần nắm chắc mục tiêu giáo dục của bộ môn mình dạy hay không? Nếu có, đồng chí xác định mục tiêu của bộ môn mình là gì? Mục tiêu ấy được cụ thể trong một tiết dạy như thế nào? Cho một ví dụ minh họa.
 (3, 0 điểm)
b. Trong văn bản Hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ Giáo dục THCS năm học 2013 – 2014 đã nhấn mạnh việc đổi mới kiểm tra, đánh giá với các môn học nói chung và các môn khoa học xã hội và nhân văn. Đồng chí đã vận dụng như thế nào?
 (3, 0 điểm)
Câu 2: (8 điểm)
 a. Đồng chí hãy hướng dẫn cho học sinh làm đề bài sau: (2 điểm)
Phân tích hiệu quả của việc sử dụng ngôn ngữ và biện pháp tu từ trong đoạn thơ sau:
 "Sông được lúc dềnh dàng
 Chim bắt đầu vội vã
 Có đám mây mùa hạ
 Vắt nửa mình sang thu" 
 (Sang thu- Hữu Thỉnh)
 b. Tác phẩm nghệ thuật nào cũng xây dựng bằng những vật liệu mượn ở thực tại. Nhưng nghệ sĩ không những ghi lại cái đã có rồi mà còn muốn nói một điều gì mới mẻ. (Nguyễn Đình Thi, Tiếng nói  văn nghệ) 
 Suy nghĩ về ý kiến trên qua một tác phẩm truyện mà đồng chí đã giảng dạy trong chương trình Ngữ văn Trung học cơ sở . (6,0 điểm)





PHÒNG GIÁO DỤC & ĐÀO TẠO THANH BA ĐỀ THI GIÁO VIÊN GIỎI CẤP TRƯỜNG
 TRƯỜNG THCS2 TT THANH BA Năm học: 2013 – 2014
 Môn: Ngữ văn
 Thời gian: 105phút không kể thời gian giao đề
 Đề thi có 01 trang 

Câu 1: (6 điểm)
 Theo đồng chí đổi mới phương pháp dạy học môn Ngữ văn có những biểu hiện cụ thể nào trong hoạt động dạy tích cực của giáo viên và hoạt động học tích cực của học sinh? Liên hệ hoạt động dạy và học ở trường đồng chí.
Câu 2: (8 điểm)
Đồng chí hãy hướng dẫn cho học sinh làm đề bài sau: (2,0 điểm)
 "Không hiểu bằng cách nào, một hạt cát lọt được vào bên trong cơ thể một con trai. Vị khách không mời mà đến đó tuy rất nhỏ, nhưng gây rất nhiều khó chịu và đau đớn cho cơ thể mềm mại của con trai. Không thể tống hạt cát ra ngoài, cuối cùng con trai quyết định đối phó bằng cách tiết ra một chất dẻo bọc quanh hạt cát. 
 Ngày qua ngày, con trai đã biến hạt cát gây ra những nỗi đau cho mình thành một viên ngọc trai lấp lánh tuyệt đẹp...” 
 ( Theo Lớn lên trong trái tim của mẹ - Bùi Xuân Lộc- NXB Trẻ, 2005 )
 Bài học về cuộc sống em rút ra từ câu chuyện trên
Trong bài “Tiếng nói của văn nghệ”, Nguyễn Đình Thi viết:
 “Một bài thơ hay không bao giờ ta đọc qua một lần mà bỏ xuống được. Ta sẽ dừng tay trên trang giấy đáng lẽ lật đi, và đọc lại bài thơ. Tất cả tâm hồn chúng ta đọc, không phải chỉ có trí thức(...) Cho đến một câu thơ kia, người đọc nghe thì thầm mãi trong lòng, mắt không rời trang giấy.”
 Đồng chí hiểu ý kiến trên như thế nào? Hãy chứng tỏ trong chương trình Ngữ văn THCS đồng chí thấy có một bài thơ hay như thế. (6,0 điểm)


HƯỚNG DẪN CHẤM
ĐỀ THI GIÁO VIÊN GIỎI CẤP TRƯỜNG
Năm học: 2013 – 2014
Môn: Ngữ văn
Câu 1: (6 điểm)
Nêu được biểu hiện trong hoạt động dạy tích cực của GV, học tích cực của HS: 
 (3 điểm)
+ Hoạt động dạy tích cực của giáo viên: 1,5 điểm
- Biết thiết kế, tổ chức, hướng dẫn học sinh thực hiện các hoạt động học tập ngữ văn
- Biết định hướng, điều chỉnh các hoạt động học tập của học sinh.
- Biết tăng cường sử dụng và hướng dẫn học sinh sử dụng các thiết bị, đồ dùng học tập và các ứng dụng của công nghệ thông tin để tìm kiếm, khai thác, phát hiện, vận dụng kiến thức, kĩ năng Ngữ văn một cách hiệu quả.
- Biết tạo điều kiện cho học sinh được rèn luyện kĩ năng học tập tích cực, chủ động và sáng tạo để phát triển tối đa tiềm năng ngữ văn của bản thân.
- Biết sử dụng linh hoạt, hiệu quả các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học phù hợp với nội dung, đặc điểm của từng bài học Ngữ văn, với năng lực của học sinh, đặc trưng môn học,lớp học, thời lượng dạy học, các điều kiện dạy học cụ thể của trường, địa phương.
+ Hoạt động học tích cực của học sinh: 1, 5 điểm
- Tích cực suy nghĩ, chủ động tham gia các hoạt động học tập để tự khám phá, lĩnh hội kiến thức, rèn luyện các kĩ năng nghe nói đọc viết, rèn luyện thái độ, hành vi, tình cảm đúng đắn.
- Mạnh dạn trình bày và bảo vệ ý kiến, quan điểm cá nhân trước các vấn đề thuộc bộ môn; tích cực thảo luận, tranh luận, đặt câu hỏi cho bản thân, cho thầy, cho bạn; biết tự đánh giá các ý kiến quan điểm của bản thân, của nhóm, của người khác.
- Tích cực sáng tạo trong thực hành vận dụng kiến thức, kĩ năng để có thể giải quyết các tình huống, các vấn đề đặt ra từ thực tiễn học tập Ngữ văn, thực tiễn giao tiếp trong đời sống xã hội.
- Có ý thức chủ động trong xây dựng, thực hiện các kế hoạch học tập Ngữ văn phù hợp với năng lực học tập môn học và điều kiện học tập của cá nhân.
- Biết sưu tầm, tìm hiểu các tư liệu về môn Ngữ văn bằng các hình thức khác nhau.
- Có ý thức sử dụng các thiết bị, đồ dùng học tập và các ứng dụng công nghệ thông tin để phục vụ học môn Ngữ văn có hiệu quả.
2. Liên hệ hoạt động dạy và học ở trường: 3,0 điểm
- Ưu điểm: Hoạt động dạy tích cực của giáo viên. (1,5 điểm)
 Hoạt động học tích cực của học sinh.
- Hạn chế: Hoạt động dạy của GV. (1,5 điểm)
 Hoạt động học của học sinh.
Câu 2: (8 điểm)
a.
- Hướng dẫn HS nhận diện được cách sử dụng từ ngữ và các biện pháp tu từ đặc sắc: 
 (1điểm)
 + Từ láy gợi hình: Dềnh dàng, vội vã
 + Biện pháp tu từ nhân hóa: - Sông dềnh dàng, chim vội vã, đám mây vắt nửa mình sang thu
 + Phép đối, hình ảnh đối lập: Sông ….dềnh dàng/ Chim…vội vã. 
 - Hướng dẫn HS phân tích được cái hay của từ ngữ và các biện pháp tu từ. (2 điểm) 
+ Từ láy: Hình tượng hóa, cụ thể hóa các đặc điểm của sinh vật (sông, chim) mùa thu. 
+ Nhân hóa: thiên nhiên có hồn, sống động, gợi cảm
 Từ láy “dềnh dàng” kết hợp nhân hóa “sông dềnh dàng” vừa gợi tả chính xác đặc điểm dòng sông vào mùa thu, vừa làm cho dòng sông hiện lên như một con người với cảm giác thật thư thái, thảnh thơi.
 Từ láy “Vội vã” kết hợp nhân hóa “Chim vội vã” gợi tả hình ảnh những đàn chim đang gấp gáp, vội vàng bay đi tránh rét, làm thiên nhiên trở nên sống động có hồn
+Phép đối, hình ảnh đối lập:Sông ….dềnh dàng/ Chim…vội vã.-> cấu trúc đối ngẫu, tự nhiên, chặt chẽ, cân đối,cô đúc và tuyệt đẹp như bức tranh thơ cổ điển diễn tả cảm nhận tinh tế của nhà thơ về sự thay đổi của thiên nhiên, tạo vật lúc giao mùa.
+Nhân hóa “Đám mây mùa hạ vắt nửa mình sang thu” , từ “vắt” gợi cảm, có hồn vừa gợi hình ảnh làn mây mùa hạ còn sót lại trên bầu trời đang chuyển sắc thu hiện lên như một con người, nửa muốn bước sang mùa thu nhưng nửa còn bâng khuâng, lưu luyến chưa muốn chia tay mùa hạ, vừa diễn tả vô cùng tinh tế bước đi của thời gian 
=> Với cách lựa chọn từ láy giàu hình ảnh cùng phép nhân hóa, đoạn thơ diễn tả ấn tượng, độc đáo sự vận động của tự nhiên lúc giao mùa, thể hiện sự cảm nhận và miêu tả tinh tế của nhà thơ, khơi gợi tình yêu thiên nhiên, quê hương đất nước
 b. 
Về nội dung, bài viết cần đảm bảo các ý:
1. Giải thích ý kiến: 1 điểm
+ Giải thích từ ngữ:
- Tác phẩm nghệ thuật nào cũng xây dựng bằng những vật liệu mượn ở thực tại: Tác phẩm nghệ thuật nói chung và tác phẩm văn học nói riêng bao giờ cũng lấy chất liệu từ cuộc sống thực tại. Vật liệu mượn ở thực tại - đó chính là hiện thực khách quan về cuộc sống, con người, xã hội: những con người, những số phận, những mảng đời sống gia đình, xã hội được các tác giả dùng làm đề tài trong sáng tác của mình.Văn học trở thành tấm gương phản chiếu hiện thực, qua tác phẩm người đọc có thể hình dung được “sự sống muôn hình vạn trạng”.
- Nhưng nghệ sĩ không những ghi lại cái có rồi mà còn muốn nói một điều gì mới mẻ: Người nghệ sĩ không chỉ phản ánh hiện thực khách quan của cuộc sống, mà qua đó còn muốn gửi gắm những tư tưởng, tình cảm, thái độ, những khát khao, ý tưởng mới mẻ, những điều chiêm nghiệm, suy ngẫm sâu sắc về con người và cuộc sống.
+ Giải thích nội dung ý nghĩa của nhận định;
- Ý kiến của nhà văn Nguyễn Đình Thi nhằm đề cập tới nội dung phản ánh, thể hiện của văn nghệ. Tác phẩm nghệ thuật bao giờ cũng phản ánh thực tại là nơi nhà văn gửi gắm thế giới tình cảm, quan điểm nhân sinh, tư tưởng, ý tưởng mới mẻ của mình. Đây cũng là đặc trưng của nghệ thuật nói chung tác phẩm văn chương nói riêng.
2. Chứng minh ý kiến qua một tác phẩm truyện trong chương trình Ngữ văn Trung học cơ sở:  (4 điểm)
 Có thể chọn một tác phẩm tiêu biểu trong chương trình (các lớp 6,7,8,9) để qua đó làm rõ hai vấn đề chính:
- Tác phẩm văn học phản ánh thực tại đời sống (ghi lại cái đã có rồi): hiện thực cuộc sống luôn được thể hiện rõ nét trong tác phẩm. (2 điểm)
VD: Xã hội phong kiến Việt Nam thế kỷ XVI hiện lên với số phận bi thảm của người phụ nữ… trong Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ.
 Cuộc sống đói nghèo, bị dồn vào bước đường cùng của người nông dân trong Lão Hạc của Nam Cao.
 Cuộc sống chiến đấu gian khổ ác liệt nhưng tràn đầy lạc quan trong Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê.
- Tác phẩm văn học là nơi nhà văn nhắn gửi, thể hiện tình cảm cũng như tư tưởng, quan điểm nhân sinh của mình (muốn nói một điều gì mới mẻ): (2 điểm)
VD: Chuyện Người con gái nam Xương của Nguyễn Dữ thể hiện rõ nét sự bất bình, căm ghét đối với xã hội phong kiến, thái độ xót thương vô hạn của nhà văn đối với những người phụ nữ.
 Lão Hạc, Nam Cao nói lên niềm yêu mến, cảm phục đối với những người nông dân nghèo khổ mà giữ được phẩm chất tốt đẹp, đồng thời gửi gắm quan điểm về cách nhìn nhận đánh giá con người.
 Làng của Kim Lân chẳng những thể hiện cái nhìn yêu mến, trân trọng mà còn nói lên được sự biến chuyển trong nhận thức và tình cảm của người nông dân trong bổi đầu chống Pháp.
 Bến quê của Nguyễn Minh Châu gửi gắm suy nghĩ, bài học nhân sinh về cuộc đời của mỗi con người.
3. Đánh giá chung: (1 điểm)
- Ý kiến của Nguyễn Đình Thi đề cập đến nội dung có tính chất đặc trưng của tác phẩm văn nghệ nói chung, tác phẩm văn học nói riêng, gợi cho người đọc có phương pháp tiếp cận tác phẩm đúng đắn và sâu sắc. 
- Để có một nội dung sâu sắc, hấp dẫn, nhà văn chẳng những phải có vốn sống phong phú mà còn phải có tài năng nghệ thuật, và quan trọng nhất là tình cảm chân thành, tư tưởng đúng đắn. 
Về hình thức:
 - Bố cục bài rõ ràng, lập luận thuyết phục bằng việc phân tích các dẫn chứng cụ thể để làm sáng rõ luận điểm.
- Văn viết mạch lạc, trong sáng, có cảm xúc


File đính kèm:

  • docde thi GVG.doc
Đề thi liên quan