Đề thi học sinh giỏi huyện môn ngữ văn năm học 2008-2009 thời gian làm bài: 120 phút

doc3 trang | Chia sẻ: haohao | Lượt xem: 1683 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đề thi học sinh giỏi huyện môn ngữ văn năm học 2008-2009 thời gian làm bài: 120 phút, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
	đề thi học sinh giỏi huyện môn Ngữ Văn
	Năm học 2008-2009
	 Thời gian làm bài: 120 phút.

Câu 1: (1,5đ): Hành động đánh cướp của Lục Vân Tiên và hành động cứu Lục Vân Tiên của ông Ngư có gì giống nhau? Thể hiện qua những câu thơ nào?
Câu 2: (1đ): Truyện Kiều của Nguyễn Du còn có những tên gọi khác là gì? Hãy giải thích ý nghĩa của những tên gọi đó.
Câu 3: (2,5đ): Cho câu thơ:
	‘’ Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi
	Mặt trời của mẹ em nằm trên lưng’’
	(Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ - Nguyễn Khoa Điềm.
Ngữ Văn 9 - Tập 1. )
Từ mặt trời nào được dùng theo nghĩa gốc? Từ mặt trời nào được dùng theo nghĩa chuyển? Có thể coi từ mặt trời là một từ nhiều nghĩa được không? Vì sao?
Phân tích giá trị nghệ thuật của từ mặt trời ở câu thơ trên.
Câu 4: (3đ): Viết đoạn văn theo cách diễn dịch trình bày cảm nhận của em về hình ảnh Đầu súng trăng treo trong bài thơ Đồng chí của Chính Hữu.
Câu 5: (12đ): Kỉ niệm 200 năm ngày sinh Nguyễn Du, nhà phê bình văn học Hoài Thanh có viết:
	“Nguyễn Du đã yêu thương là yêu thương hết mực và căm giận nói chung cũng căm giận đến điều. Yêu thương những người dân lành bị chà đạp và căm giận tất cả những kẻ nào, tất cả những gì vô cớ chà đạp lên con người.’’
	Qua các đoạn trích trong Truyện Kiều của Nguyễn Du đã được học, em hãy làm sáng tỏ nhận định trên.





















đáp án . biểu Điểm

Câu 1: Hành động đánh cướp của Lục Vân Tiên và hành động cứu Lục Vân Tiên của Ông Ngư đều là hành động vì nghĩa, làm như một nghĩa vụ, một trách nhiệm, không cần trả ơn.	 0,5đ
	- Vân Tiên nghe nói liền cười
	Làm ơn há dễ trông người trả ơn	 	0,5đ
	- Ngư rằng lòng lão chẳng mơ
	Dốc lòng nhân nghĩa há chờ trả ơn.	0,5đ
Câu 2: Truyện Kiều còn có những tên gọi:
 - Đoạn trường tân thanh - là tên mà Nguyễn Du đặt cho tác phẩm của mình, có nghĩa là: tiếng kêu mới đứt ruột( hoặc tiếng kêu mới về nỗi đau thương đứt ruột).0.5đ
	- Kim Vân Kiều tân truyện: là tên mà một số người in sách đặt cho tác phẩm của Nguyễn Du, có nghĩa là: Truyện mới về Kim Vân Kiều.	 0,5đ
Câu 3: a. Mặt trời trong câu Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi được dùng theo nghĩa gốc, trong câu Mặt trời của mẹ em nằm trên lưng được dùng theo nghĩa chuyển. Từ mặt trời ở đây không được coi là một từ nhiều nghĩa, vì nghĩa chuyển ở đây chỉ có ý nghĩa lâm thời. 	1đ
b. - chỉ ra được biện pháp tu từ: ẩn dụ 	0,5đ
 - nêu được tác dụng: Con là mặt trời của mẹ. Con là nguồn hạnh phúc ấm áp vừa gần gũi vừa thiêng liêng của đời mẹ. Chính con đã góp phần sưởi ấm lòng tin yêu, ý chí của mẹ trong cuộc sống. 	1đ
Câu 4: Viết đúng đoạn văn theo cách diễn dịch: 	1đ
- Trình bày được cảm nhận về câu thơ: 
 + đó vừa là hình ảnh thực, vừa là hình ảnh mang ý nghĩa biểu tượng, gợi lên nhiều liên tưởng sâu sắc…
 + đó là hình ảnh mang ý nghĩa khái quát, thể hiện rõ chủ đề bài thơ . Chính vì vậy mà nhà thơ đã lấy hình ảnh này đặt tên cho cả một tập thơ của mình: Đầu súng trăng treo.	2đ
Câu 5: Yêu cầu:
	Hình thức: - Viết đúng kiểu bài chứng minh một vấn đề văn học.
	 - Bài văn có bố cục rõ ràng, hợp lí. Biết xây dựng luận điểm, ít sai lỗi. Lời văn có cảm xúc. Diễn đạt trong sáng, mạch lạc
	Nội dung: - Làm rõ được nhận định của Hoài Thanh thông qua việc phân tích các đoạn trích trong Truyện Kiều đã học.( Thực chất là làm rõ Tinh thần nhân đạo của Nguyễn Du trong Truyện Kiều). Cụ thể:
Yêu thương hết mực: 
- Trân trọng, đề cao vẻ đẹp, giá trị con người: vẻ đẹp hình thức, vẻ đẹp tài năng, trí tuệ, vẻ đẹp tâm hồn. (dẫn chứng - phân tích)
- Thể hiện sự đồng cảm, thương cảm sâu sắc đối với những con người bất hạnh. Đau nỗi đau của Kiều khi bán mình, buồn cái buồn, nhớ cái nhớ của Kiều khi ở Lầu Ngưng Bích, vui cái vui của Kiều khi thực hiện công lí…(dẫn chứng, phân tích)
b. Căm giận đến điều tất cả những kẻ nào, những gì vô cớ…
- những kẻ buôn thịt bán người như Mã Giám Sinh, Tú Bà… những kẻ đểu cáng như Sở Khanh, Hồ Tôn Hiến…
(phân tích cách khắc họa nhân vật Mã Giám Sinh để thấy được sự căm giận của Nguyễn Du)
- thế lực đồng tiền: “Một ngày lạ thói sai nha, làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền’’. ‘’Trong tay đã sẵn đồng tiền, Dẫu lòng đổi trắng thay đen khó gì’’. ‘’Tiền lưng đã sẵn việc gì chẳng xong”
Cách cho điểm:
	Điểm 11-12: Đạt đầy đủ các yêu cầu trên
	Điểm 9-10: Đạt đầy đủ các yêu cầu trên. sai tương đối nhiều lỗi chính tả
	Điểm 7-8: Đạt các yêu cầu trên nhưng còn sai tương đối nhiều lỗi, diễn đạt đôi chỗ còn lủng củng.
	Điểm 5-6: Đạt 2/3 yêu cầu, sai nhiều lỗi, dẫn chứng không đầy đủ.
	Điểm 3-4: Bài có bố cục, nêu được ý nhưng không có dẫn chứng, sai nhiều lỗi..
	Điểm 1-2: Bài quá sơ sài, không hiểu đề…



























File đính kèm:

  • docDe thi hsgioi huyen.doc