Đề thi học sinh giỏi lớp 9 -Vòng 2 năm học :2012-2013 môn thi :ngữ văn

doc10 trang | Chia sẻ: haohao | Lượt xem: 1331 | Lượt tải: 2download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đề thi học sinh giỏi lớp 9 -Vòng 2 năm học :2012-2013 môn thi :ngữ văn, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
ĐỀ THI HỌC SINH GIỎI LỚP 9 -VÒNG 2
Năm học :2012-2013
Môn thi :Ngữ văn
Thời gian làm bài :150 phút(Không kể thời gian giao đề)
(Đề thi gồm 02 trang)




Câu 1 ( 4điểm )
Nêu cảm nhận của em khi đọc đoạn thơ sau : 
	Khi trời trong, gió nhẹ, sớm mai hồng
	Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá.
	Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã
	Phăng mái chèo, mạnh mẽ vượt trường giang.
	(Quê hương - Ngữ văn 8, Tập hai)
 Và 
	Mặt trời xuống biển như hòn lửa.
	Sóng đã cài then, đêm sập cửa.
	Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi, 
	Câu hát căng buồm cùng gió khơi.
	(Đoàn thuyền đánh cá - Ngữ văn 9, Tập một)
	
Câu 2 ( 4 điểm )
Tuyệt vời
Ba bảo tôi rất tuyệt vời. Tôi tự hỏi như thế có đúng không?
Để rất tuyệt vời...bạn Sa-ra bảo cần có mái tóc đẹp như bạn ấy. Tôi thì chẳng có.
Để rất tuyệt vời...Dát-xtin bảo cần có răng trắng khoẻ như răng bạn ấy. Tôi thì chẳng có.
Để rất tuyệt vời...bạn Dếch-xi-ca bảo mặt phải không tàn nhang. Tôi lại bị tàn nhang đầy mặt.
Để rất tuyệt vời... bạn Mác bảo phải là học sinh thông minh nhất lớp. Tôi lại không.
Để rất tuyệt vời ... bạn Xti-phơn bảo phải biết pha trò kể chuyện tiếu lâm. Tôi lại không.
Để rất tuyệt vời...bạn Lau-ren bảo phải sống trong một căn nhà đẹp ở trong một khu phố sang trọng. Tôi lại không.
Để rất tuyệt vời...bạn Mát thêu bảo phải mặc quần áo và đi giầy thật xịn. Tôi lại không.
Để rất tuyệt vời...bạn Xa-ma-tha bảo phải sinh ra trong một gia đình giàu sang. Tôi lại không.
Nhưng mỗi tối khi ba ôm hôn tôi và chúc tôi ngủ ngon thì người bảo: “ Con rất tuyệt vời và ba yêu con”. Ba tôi hẳn biết định nghĩa thế nào là rất tuyệt vời mà các bạn tôi không biết.
	( CarlaO’Brien, theo chúng ta sẽ ổn thôi mà, bộ sách Những tấm lòng cao, NXB Trẻ, TP. Hồ Chí Minh, 2005).
Suy nghĩ của em sau khi đọc câu chuyện trên.
Câu 3 ( 12 điểm )
Trong tiểu luận Tiếng nói của văn nghệ Nguyễn Đình Thi viết :
 “ Một bài thơ hay không bao giờ ta đọc qua một lần mà bỏ xuống được. Ta sẽ dừng tay trên trang giấy đáng lẽ lật đi, và đọc lại bài thơ. Tất cả tâm hồn chúng ta đọc.”
	Hãy làm sáng tỏ nhận định trên bằng một bài thơ đã học trong chương trình ngữ văn lớp 9
	 ( SGK Ngữ văn 9 tập 2, NXB Giáo dục 2005, trang 15)	



HƯỚNG DẪN CHẤM THI HỌC SINH GIỎI LỚP 9- vòng 2
NĂM HỌC 2012-2013
Môn thi : Ngữ văn
Câu 1
I. Yêu cầu về kĩ năng
- Bài văn có bố cục và cách trình bày hợp lí. 
- Hệ thống ý (luận điểm) rõ ràng và được triển khai tốt.
- Diễn đạt suôn sẻ; mắc ít lỗi chính tả, dùng từ và ngữ pháp.
II. Yêu cầu về nội dung
(Học sinh có thể sắp xếp, trình bày theo nhiều cách)
 Có những hiểu biết cơ bản về 2 tác giả và 2 tác phẩm
Cần thấy được:
* Đây là khúc ca về thiên nhiên, về lao động:
- Ca ngợi sự thanh bình và êm ả của sông nước, của biển trời đã tạo điều kiện lí tưởng cho người dân chài có thể ra khơi đánh cá (trời trong, gió nhẹ; sóng đã cài then...).
- Ca ngợi sự mạnh mẽ, khỏe khoắn và sự hào hứng, nhiệt tình của con người trong lao động (dân trai tráng; hăng như con tuấn mã; phăng mái chèo; câu hát căng buồm...)
* Mỗi đoạn thơ mang một vẻ đẹp riêng:
- Về nội dung:
+ Nếu như thiên nhiên trong đoạn thơ của Tế Hanh hiện lên với vẻ đẹp của một buổi sáng trong trẻo, mát lành thì trong đoạn thơ của Huy Cận lại là vẻ đẹp của buổi hoàng hôn trên mặt biển với ánh mặt trời đỏ rực...
+ Vẻ đẹp lao động trong đoạn thơ của Tế Hanh được tô đậm ở sức mạnh thể chất (dân trai tráng; bơi thuyền; phăng mái chèo, mạnh mẽ vượt) còn trong đoạn thơ của Huy Cận lại được tô đậm ở sức mạnh tinh thần (câu hát căng buồm)...
- Về nghệ thuật:
+ Đoạn thơ của Tế Hanh làm người đọc ấn tượng bởi thể thơ tám chữ với cách dùng các động từ mạnh (hăng, phăng, vượt) và cách so sánh bất ngờ (chiếc thuyền - con tuấn mã)...
+ Đoạn thơ của Huy Cận lại hấp dẫn người đọc bởi thể thơ bảy chữ với cách miêu tả độc đáo (mặt trời xuống biển, câu hát căng buồm), cách dùng hình ảnh ẩn dụ giàu sức gợi (sóng cài then, đêm sập cửa)...
* Qua sự miêu tả, người đọc còn có thể nhận ra được cái không khí của từng thời đại:
+ Đoạn thơ của Tế Hanh được sáng tác trong thời kì người dân Việt Nam đang sống trong cảnh nô lệ. Do vậy, sự ra khơi ở đây tuy mạnh mẽ nhưng yên lặng (chỉ một chiếc thuyền ra khơi...). 
+ Đoạn thơ của Huy Cận được sáng tác vào thời kì cả miền Bắc bước vào xây dựng chủ nghĩa xã hội. Do đó, không khí lao động tập thể và niềm vui của con người sống trong xã hội mới được thể hiện khá rõ (cả đoàn thuyền ra khơi trong câu hát ngân vang...). 
Biểu điểm: 
3,5-4 điểm: Cảm nhận đúng, có ý sâu sắc, tinh tế, diễn đạt tốt
2,5-3 điểm: Cảm nhận đúng, khá đầy đủ, sâu sắc, tinh tế, diễn đạt khá.
1,5-2 điểm : Cảm nhận được nhưng nhìn chung chưa sâu, mắc ít lỗi diễn đạt
0,5- 1 điểm: Cảm nhận còn hời hợt, mắc nhiều lỗi diễn đạt.
0 điểm : Làm lạc đề, bỏ giấy trắng.
Câu 2
Bài làm cần đáp ứng những yêu cầu sau :
I. Về nội dung 
Xác định được ý nghĩa của câu chuyện:
 Dưới hình thức trò chuyện, câu chuyện là lời thắc mắc rất ngây thơ, đáng yêu của em bé về khái niệm thế nào là “rất tuyệt vời”.Theo cách hiểu về “ rất tuyệt vời” của các bạn thì em thấy mình chẳng có một điều gì là rất tuyệt vời cả. Nhưng với cha mình em lại là người “rất tuyệt vời”. Vậy “rất tuyệt vời”, với người cha, không phải là đứa con xinh đẹp, thông minh giỏi giang, sống trong một căn nhà giàu có, sang trọng, mà đơn giản chỉ vì đó là đứa con ngoan, ngoãn, hiếu thảo. Chỉ thế là đủ để một mái nhà lúc nào cũng ấm áp tình yêu thương và đối với người cha điều đó mới thật là rất tuyệt vời. 
2. Rút ra bài học :
 	Câu chuyện giản dị nhưng ý nghĩa khá sâu sắc.Tuyệt vời là hết sức hoàn hảo không có gì sánh được song đây là một khái niệm khá trừu tượng nên có nhiều cách hiểu khác nhau về quan niệm “ tuyệt vời”.
Rất tuyệt vời không phải là khi ta thật xinh đẹp, giàu sang... Nó không phải là cái gì quá cao siêu mà có khi chỉ là những điều rất bình dị nhưng có ý nghĩa đối với ai đó hoặc với mọi người trong cuộc sống.
Ai cũng có thể là người “rất tuyệt vời” nếu biết sống đẹp, biết làm những điều có ý nghĩa và mang lại niềm vui, hạnh phúc cho người khác.
II. Về hình thức :
 	Học sinh biết cách làm kiểu bài nghị luận. Bài viết có bố cục chặt chẽ. Biết vận dụng nhuần nhuyễn các thao tác lập luận phù hợp. 
Biểu điểm :
- Điểm3,5- 4 :
Hiểu rõ yêu cầu của đề bài, đảm bảo các yêu cầu về kĩ năng và kiến thức, có lập luận chặt chẽ, có sự kết hợp nhuần nhuyễn các thao tác lập luận, bài viết có cảm xúc, diễn đạt lưu loát.
- Điểm 2,5-3:
Hiểu rõ yêu cầu của đề bài, đáp ứng hầu hết các yêu cầu về kĩ năng và kiến thức, có lập luận tương đối chặt chẽ, có sự vận dụng thành công thao tác lập luận, diễn đạt tương đối tốt.
Điểm 1,5-2:
Hiểu yêu cầu của đề bài, đáp ứng được cơ bản các yêu cầu về kĩ năng và kiến thức, lập luận chưa thật chặt chẽ, có thể còn một số lỗi nhỏ về diễn đạt.
Điểm 0,5- 1:
Chưa nắm vững yêu cầu của đề bài, chưa đáp ứng được 1/2 yêu cầu về kĩ năng và kiến thức, mắc lỗi chính tả và diễn đạt.
Điểm 0: Để giấy trắng.

 Lưu ý : Vì tính đa nghĩa của câu chuyện nên thí sinh chọn phương án nào hợp lí, thuyết phục đều có thể chấp nhận được.

Câu 3
1. Yêu cầu về kĩ năng:
- Có kĩ năng nghị luận về một vấn đề văn học, có lí lẽ thuyết phục và thể hiện được sự cảm thụ thơ tinh tế.
- Bố cục hợp lí, rõ ràng, diễn đạt lưu loát, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
- Văn viết trong sáng, có cảm xúc.
2. Yêu cầu về kiến thức:
Bài viết có thể trình bày theo những cách khác nhau nhưng đại thể có các ý cơ bản sau:
a. Bài thơ hay và việc đọc một bài thơ hay(2 điểm)
+ Bài thơ hay có sự sáng tạo độc đáo về nội dung cũng như hình thức nghệ thuật, khơi gợi tình cảm cao đẹp và tạo được ấn tượng sâu sắc đối với người đọc.
+ Bài thơ hay tự nó có sức lôi cuốn kỳ lạ khiến ta không thể chỉ đọc một lần. Thơ hay đánh thức mĩ cảm trong ta khiến ta yêu thích, ngâm ngợi, ta như được chia sẻ, giãi bày.
+ Đọc nhiều lần để khám phá sự phong phú về nội dung tình cảm cũng như chiều sâu ý nghĩa của thơ (nhất là khi bài thơ có nhiều tầng ý nghĩa luôn khiến ta trăn trở, suy nghĩ)
+ Đọc thơ không phải chỉ bằng trí tuệ hay cảm xúc, lý trí hay tình cảm, phải đọc bằng tất cả năng lực tinh thần của mình, bằng “tất cả tâm hồn” để cảm và hiểu cái hay cái đẹp của thơ.

b.Làm sáng tỏ nhận định ( 10 điểm)
 - Bài thơ được chọn thuộc chương trình Ngữ văn lớp 9 đã dược học.
 - Bài thơ thực sự là một tác phẩm văn chương có giá trị.
 - Học sinh cần làm rõ bài thơ hay ở cả hai phương diện nội dung và nghệ thuật. 
( Phần làm sáng tỏ nhận định phải gắn với ý giải thích ở trên một cách hợp lý)
. Biểu điểm cụ thể:
 - Điểm 11 - 12: Đáp ứng tốt các yêu cầu trên, tỏ ra sắc sảo khi giải thích, chứng minh nhận định bằng những ý kiến riêng, diễn đạt lưu loát, văn viết giàu cảm xúc, sáng tạo. 
 - Điểm 9 - 10: Đáp ứng phần lớn các yêu cầu trên, diễn đạt khá tốt, văn mạch lạc, trong sáng, còn một vài sai sót về ngữ pháp, chính tả.
 - Điểm 7 - 8: Hiểu và nắm được yêu cầu của đề, bố cục mạch lạc, văn viết có cảm xúc, còn một vài sai sót về diễn đạt, trình bày.
 - Điểm 5 - 6: Hiểu và nắm được yêu cầu của đề, bố cục mạch lạc, song trình bày chưa có sức thuyết phục, còn một số sai sót về chính tả, diễn đạt, trình bày.
 - Điểm 3 - 4: Hiểu đề song nội dung còn sơ sài, giải quyết vấn đề còn lúng túng, không xoáy được trọng tâm, diễn đạt lủng củng.
 - Điểm 1 - 2: Không nắm vững yêu cầu của đề, bài làm sơ sài, mắc nhiều lỗi chính tả, diễn đạt, trình bày.
 - Điểm 0: Hoàn toàn lạc đề, diễn đạt kém hoặc bỏ giấy trắng.
Lưu ý : Điểm tổng của toàn bài là tổng điểm của từng câu không làm tròn. 














Bài 2: Trong bài Mùa xuân nho nhỏ, Thanh Hải viết :
Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa.
 Kết thúc bài Viếng lăng Bác, Viễn Phương có viết :
Mai về Miền Nam thương trào nước mắt
Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác.
 Trình bày cảm nhận của em về những câu thơ trên.
 Gợi ý : Khác nhau và giống nhau
 - Khác nhau :
 + Thanh Hải viết về đề tài thiên nhiên đất nước và khát vọng hoà nhập dâng hiến cho cuộc đời.
 + Viễn Phương viết về đề tài lãnh tụ, thể hiện niềm xúc động thiêng liêng, tấm lòng tha thiết thành kính khi tác giả từ Miền nam vừa được giải phóng ra viếng lăng Bác.
 - Giống nhau :
 + Cả hai đoạn thơ đều thể hiện ước nguyện chân thành, tha thiết được hoà nhập, cống hiến cho cuộc đời, cho đất nước, nhân dân… Ước nguyện khiêm nhường, bình dị muốn được góp phần dù nhỏ bé vào cuộc đời chung.
 + Các nhà thơ đều dùng những hình ảnh đẹp của thiên nhiên là biểu tượng thể hiện ước nguyện của mình.
 - Cụ thể vẻ đẹp hai đoạn thơ:
 + Đoạn thơ của Thanh Hải sử dụng thể thơ 5 chữ gần với các điệu dân ca, đặc biệt là dân ca miền Trung, có âm hưởng nhẹ nhàng tha thiết. Giọng điệu thể hiện đúng tâm trạng và cảm xúc của tác giả : trầm lắng, hơi trang nghiêm mà tha thiết khi bộc ạch những tâm niệm của mình. Đoạn thơ thể hiện niềm mong muốn được cống hiến cho đời một cách tự nhiên như con chim mang đến tiếng hót. Nét riêng trong những câu thơ của Thanh Hải là đè cập đến một vấn đề lớn : ý nghĩa của đời sống cá nhân trong quan hệ với cộng đồng.
 + Đoạn thơ của Viễn Phương sử dụng thể thơ 8 chữ, nhịp thơ vừa phải với điệp từ muốn làm, giộng điệu phù hợp với nội dung tình cảm, cảm xúc. Đó là giọng điệu vừa nghiêm trang, sâu lắng, vừa thiết tha thể hiện đúng tâm trạng lưu luyến của nhà thơ khi phải xa Bác. Tâm trạng lưu luyến của nhà thơ muốn ở mãi bên lăng Bác và chỉ biết gửi tấm lòng mình bằng cách hoá thân hoà nhập vào những cảnh vật bên lăng : làm con chim cất tiếng hót


















File đính kèm:

  • docDe thi hoc sinh gioi cap huyen(5).doc
Đề thi liên quan