Đề thi học sinh giỏi năm học 2008-2009 môn: ngữ văn 9
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đề thi học sinh giỏi năm học 2008-2009 môn: ngữ văn 9, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Phòng GD&ĐT Tam Đảo Trường THCS Tam Đảo GV: Lê Mạnh Quỳnh ĐT: 01694328780 Đề thi học sinh giỏi năm học 2008-2009 Môn: Ngữ văn 9 Thời gian làm bài: 150 phút (không tính thời gian giao đề) Câu 1 (3 điểm): Những cánh buồm (Trích) Hai cha con bước đi trên cát ánh mặt trời rực rỡ biển xanh Bóng cha dài lênh khênh Bóng con tròn trắc nịch. Sau trận mưa đêm rả rích Cát càng mịn, biển càng trong Cha dắt con đi dưới ánh mai hồng Con bỗng lắc tay cha khẽ hỏi: "Cha ơi! Sao xa kia chỉ thấy nước thấy trời Không thấy nhà, không thấy cây, không thấy người ở đó?". Cha mỉm cười xoa đầu con nhỏ: "Theo cánh buồm đi mãi đến nơi xa Sẽ có cây có cửa có nhà, Nhưng nơi đó cha chưa hề đi đến". Cha lại dắt con đi trên cát mịn ánh nắng chảy đầy vai, Cha trầm ngâm nhìn mãi cuối chân trời. Con lại trỏ cánh buồm nói khẽ: "Cha mượn cho con cánh buồm trắng nhé, Để con đi…". Lời của con hay tiếng sóng thầm thì Hay tiếng của lòng cha từ một thời xa thẳm? Lần đầu tiên trước biển khơi vô tận Cha gặp lại mình trong những ước mơ con. Hoàng Trung Thông Cảm nhận của em về đoạn trích thơ trên. Câu 2 (7 điểm): Trong bài “Nguyễn Du, nhà thơ lớn của dân tộc Việt Nam”, nhà nghiên cứu văn học Nguyễn Khánh Toàn viết: “Một tâm hồn không bị sóng gió vùi dập, một trái tim không hồi hộp trước những nỗi cay đắng của bức tranh thế sự, một lương tâm không phẫn nộ trước những thói đời vô nhân bạc nghĩa, thì nghệ sĩ, dẫu có tài lỗi lạc đến đâu cũng không tìm ra được những âm điệu, những vần thơ khiến cho người trong cuộc nghe như khóc, như than, như uất ức, như oán hờn. Làm sao mà rung động và gợi lên một tiếng dội trong lòng hàng triệu người? Lời văn chỉ là lời văn, có thể rất thanh tao, hào nhoáng, nhưng không thể làm cho đất bằng nổi sóng, nếu từ trong đáy lòng nghệ sĩ không bốc lên một nhiệt tình sâu sắc, một ngọn lửa căm thù.” (Trích " Tập nghị luận và phê bình văn học", NXBGD 1973 – Trang 195) Em hiểu ý kiến trên như thế nào? Hãy phân tích tác phẩm "Truyện Kiều" của Nguyễn Du để làm sáng tỏ ý kiến đó. -------------------------------------------- Chú ý: Người coi thi không giải thích gì thêm. Phòng GD&ĐT Tam Đảo Trường THCS Tam Đảo GV: Lê Mạnh Quỳnh ĐT: 01694328780 Hướng dẫn chấm thi học sinh giỏi năm học 2008-2009 Môn: Ngữ văn 9 Câu 1 (3 điểm): a) Yêu cầu về hình thức: Bài càm thụ có bố cục chặt chẽ, cẫu chữ, đoạn văn rõ ràng, mạch lạc; bài viết giàu sức gợi cảm, câu từ trau chuốt, trong sáng; không mắc các lỗi chính tả. b) Yêu cầu về nội dung cần làm sáng tỏ các ý sau đây: - Mở đầu bài thơ gợi ra một cảnh tượng rất đẹp, hữu tình và nên thơ. Sau trận mưa đêm "rả rích" (có lẽ là đêm thu?), mặt trời chiếu sáng biển xanh, "cát càng mịn, biển càng trong", hai cha con đi dạo trên bãi biển. Hình ảnh người cha, bóng dài "lênh khênh", bóng người con khoẻ mạnh "tròn chắc nịch". Cha nắm tay con cùng đi dạo dưới ánh mai hồng. - Cuộc dạo chơi của hai cha con cũng là cuộc trò chuyện tâm tình chứa chan tình thương mến. Dưới ánh mai hồng rực rỡ của ngày đẹp, người con bé nhỏ ngây thơ lần đầu đến với biển, nhìn thấy biển, cảm thấy bao điều kì lạ về chân trời góc biển xa xăm và bao la. Rất hồn nhiên ngây thơ con lắc tay cha hỏi. Cử chỉ người cha "mỉn cười xoa đầu con nhỏ" chứa đựng biết bao tình yêu thương. Câu trả lời của cha thật giản dị. Cha trầm ngâm nhìn về chân trời xa xôi. Hai cha con vẫn đi dạo trên cát mịn, khi "ánh nắng chảy đầy vai". Cha thấu hiểu nỗi lòng của con thơ khi con cất tiếng hỏi tiếp và trỏ cánh buồm xa. Nghe tiếng sóng vỗ "thầm thì" từ biển khơi vọng lại, người cha xúc động "gặp lại mình trong những ước mơ con" khi đứng trước biển khơi vô tận, bao la. - Những câu hỏi ngây thơ của con cho thấy ước mơ của con rất đẹp. Con muốn đi tới nơi chân trời góc biển để khám phá; con khao khát muốn hiểu biết về biển, về vũ trụ bao la. Con muốn có "một cánh buồm" để thực hiện ước mơ hoài bão của mình. Cánh buồm ấy sẽ bay tới chân trời xa trong ngọn gió của thời đại và sức mạnh thần kì của nhân dân. cánh buồm là hình ảnh tượng trưng thể hiện cảm hứng lãng mạn của đoạn thơ. - Khổ thơ cuối cảm xúc lắng đọng, dồn nén diễn tả hàm súc những suy nghĩ sâu xa của người cha. Cha cảm thấy mình đang sống lại tuổi thơ của mình. Những ước mơ của cha ngày xưa giờ đây cha lại tìm thấy trong ước mơ cao đẹp của con thơ. Cánh buồm đưa con tới chân trời xa bao la lồng lộng gió thời đại. Cha hi vọng biết bao. - Đoạn trích thơ thành công trong hình thức thơ đối thoại tâm tình, dạt dào cảm xúc lãng mạn; giọng thơ thủ thỉ tâm tình; hình ảnh thơ vừa kì vĩ vừa cụ thể đầy triết lí và giàu ẩn ý… Thang điểm: Điểm 3: Đáp ứng được những yêu cầu nêu trên, văn viết có cảm xúc, dẫn chứng chọn lọc phong phú, diễn đạt trong sáng. Có thể còn có một vài sai sót nhỏ. Điểm 2-2,5: Cơ bản đáp ứng được những yêu cầu nêu trên, dẫn chứng chưa thật phong phú nhưng phải làm nổi bật được trọng tâm, diễn đạt tương đối tốt. Có thể mắc một vài sai sót nhỏ. Điểm 1-1,5: Đáp ứng được 1/2 yêu cầu nêu trên, dẫn chứng chưa thật phong phú nhưng phải đầy đủ, làm rõ được trọng tâm, diễn đạt chưa hay nhưng rõ ràng. Có thể mắc một vài sai sót nhỏ. Điểm 0,5: Chưa nắm được nội dung yêu cầu của đề bài, hầu như chỉ bàn luận chung chung hoặc hiểu không đúng tinh thần của đề bài, dẫn chứng nghèo nàn, phân tích còn nhiều hạn chế. Bố cục lộn xộn, mắc nhiều lỗi diễn đạt, dùng từ, ngữ pháp. Điểm 0 : Không hiểu đề, sai lạc cả về nội dung và phương pháp. Câu 2 (7 điểm): 1. Nhận thức đề: Qua bài viết , thí sinh phải hiểu đúng yêu cầu cơ bản của đề: - Một là: Hiểu đúng ý kiến của Nguyễn Khánh Toàn. - Hai là: Làm sáng tỏ ý kiến đó bằng việc phân tích tác phẩm "Truyện Kiều" của Nguyễn Du. 2. Yêu cầu về hình thức: Bài viết có bố cục chặt chẽ, cẫu chữ, đoạn văn rõ ràng, mạch lạc; bài viết giàu sức gợi cảm, câu từ trau chuốt, trong sáng; không mắc các lỗi chính tả. 3. Yêu cầu cụ thể về nội dung: 3.1. Mở bài: - Dẫn dắt hợp lí. - Nêu được nhận định ở đề bài và đánh giá khái quát nhận đính đó. 3.2. Thân bài: a) Nêu khái quát hoàn cảnh lịch sử xã hội thế kỉ XVIII, XIX có tác động đến tư ưởng tình cảm Nguyễn Du và nội dung tư tưởng của "Truyện Kiều". b) Giải thích ý kiến của Nguyễn Khánh Toàn: - ý kiến của nhà nghiên cứu văn học Nguyễn Khánh Toàn là nhằm khẳng định: Người nghệ sỹ với kiến thức sâu rộng, phong phú, từng trải cùng một trái tim giàu cảm xúc nhân đạo mới tạo nên tâm hồn người nghệ sỹ yêu thương tha thiết với cuộc đời. Đây cũng chính là quan hệ giữa "Tâm và Tài" của người nghệ sỹ. Bởi vì người nghệ sỹ có thể rất tài hoa "lời lẽ có thể rất thanh tao hào nhoáng" nhưng sẽ không đem lại sự xúc động lòng người nếu như trong tâm hồn người nghệ sỹ không có những rung động, "không bốc lên một ngọn lửa nhiệt tình sâu sắc", một sự cảm thông với cuộc đời. ở đây vai trò của người nghệ sỹ (nhà thơ) phải là người nói lên tiếng nói mong muốn, khát vọng của quảng đại quần chúng, của nhân loại. Tiếng nói ấy phải "rung động và gơị lên một tiếng dội trong lòng hàng triệu người". - Trong "Truyện Kiều" của Nguyễn Du cái "tiếng kêu đứt ruột" ấy có gì vui đâu, đọc những trang viết ấy, người đọc xót xa cho thân Kiều nhơ nhớp, đau đớn trong những xấu xa bỉ ổi của xã hội. Nguyễn Du phơi bày "những điều trông thấy mà đau đớn lòng" ấy đã động vào nơi sâu thẳm của lòng người rung động trước cái khổ đau để rồi căm thù cái bạc ác xấu xa… Có lẽ điều sai khiến nhà thơ cầm bút là lòng yêu thương, ông muốn bày tỏ một chữ "tâm", cái lương tâm không thể làm ngơ trước số phận con người. - Cách nói phủ định của phủ định là nhằm khẳng định (không thế này… không thế này… thì không thế kia; cái này chỉ là cái này… nếu không …). Cách nói ấy làm tăng sức nặng, tạo ra được ấn tượng mạnh mẽ, hấp dẫn của vấn đề cần trình bày với người đọc, người nghe. c) Làm sáng tỏ ý kiến: Để làm sáng tỏ ý kiến trên, thí sinh phải phân tích "Truyện Kiều" và chỉ ra được: Tác phẩm "Truyện Kiều" là sự cảm thông sâu sắc của Nguyễn Du về cuộc đời của các nhân vật, đặc biệt là nhân vật Thuý Kiều. Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau và có thể có những ý kiến riêng, miễn sao phải phù hợp với yêu cầu của đề bài. Dù lựa chọn cách nào thí sinh cũng cần trình bày được một số yêu cầu sau: - Tiếng nói ca ngợi những giá trị, phẩm chất đẹp đẽ. - Tiếng nói đồng tình với những khát vọng giải phóng, đồng cảm với những số phận bi kịch của con người. - Tiếng nói lên án những thế lực bạo tàn. 3.3. Kết bài: - Đánh giá chung nhận định của Nguyễn Khánh Toàn và khái quát lại vấn đề vừa chứng minh. - Liên hệ văn học và nêu cảm nghĩ của người viết. Thang điểm: Điểm 6-7: Đáp ứng được những yêu cầu nêu trên, văn viết có cảm xúc, dẫn chứng chọn lọc phong phú, diễn đạt trong sáng. Có thể còn có một vài sai sót nhỏ. Điểm 4-5: Cơ bản đáp ứng được những yêu cầu nêu trên, dẫn chứng chưa thật phong phú nhưng phải làm nổi bật được trọng tâm, diễn đạt tương đối tốt. Có thể mắc một vài sai sót nhỏ. Điểm 2-3: Đáp ứng được 1/2 yêu cầu nêu trên, dẫn chứng chưa thật phong phú nhưng phải đầy đủ, làm rõ được trọng tâm, diễn đạt chưa hay nhưng rõ ràng. Có thể mắc một vài sai sót nhỏ. Điểm 1: Chưa nắm được nội dung yêu cầu của đề bài, hầu như chỉ bàn luận chung chung hoặc hiểu không đúng tinh thần của đề bài, dẫn chứng nghèo nàn, phân tích còn nhiều hạn chế. Bố cục lộn xộn, mắc nhiều lỗi diễn đạt, dùng từ, ngữ pháp. Điểm 0 : Không hiểu đề, sai lạc cả về nội dung và phương pháp. Lưu ý chung: - Điểm của bài thi là tổng điểm của các câu cộng lại; cho từ điểm 0 đến điểm 10. Điểm lẻ làm tròn tính đến 0,5. - Đây chỉ là gợi ý đáp án. Người chấm cần vận dụng linh hoạt để phát hiện sự mới mẻ, năng lực sáng tạo, năng khiếu văn chương của học sinh… và cho điểm sát đối tượng, chính xác, đánh giá chất lượng thực. --------------------------------------------
File đính kèm:
- De HSG 9 CLC Tam Dao.doc