Đề thi học sinh giỏi tháng 01/2009 Môn: ngữ văn 8

doc4 trang | Chia sẻ: dethi | Lượt xem: 1442 | Lượt tải: 3download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đề thi học sinh giỏi tháng 01/2009 Môn: ngữ văn 8, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Phòng GD&ĐT Tam Đảo
Trường THCS Tam Đảo
Đề thi học sinh giỏi tháng 01/2009
Môn: Ngữ văn 8
Thời gian làm bài: 120 phút (không tính thời gian giao đề)

Câu 1 (3 điểm):
Phân tích những biện pháp tu từ và cảm thụ của em về đoạn thơ sau:
“Tiếng chim vách núi nhỏ dần
Rì rầm tiếng suối khi gần, khi xa.
Ngoài thềm rơi cái lá đa, 
Tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng.”
 (Trần Đăng Khoa - “Đêm Côn Sơn”)
Câu 2 (7 điểm): Cuộc đời và tính cách của người nông dân trong xã hội cũ qua đoạn trích "Tức nước vỡ bờ" trong tiểu thuyết "Tắt đèn" của Ngô Tất Tố và truyện ngắn "Lão Hạc" của Nam Cao.

---------------------------------------


Chú ý: Người coi thi không giải thích gì thêm.
































Phòng GD&ĐT Tam Đảo
Trường THCS Tam Đảo
Hướng dẫn chấm thi học sinh giỏi tháng 01/2009
Môn: Ngữ văn 8
Câu 1 (3 điểm): 
* Yêu cầu về hình thức: Viết thành bài văn ngắn, có bố cục rõ ràng, chặt chẽ, mạch lạc; dùng từ, đặt câu, viết đoạn tốt; viết văn cảm súc, thuyết phục.
* Yêu cầu về nội dung cần làm nổi bật các ý cơ bản sau:
- Trong đoạn trích Trần Đăng Khoa đã sử dụng biện pháp tu từ đảo ngữ ở câu đầu: “Tiếng chim vách núi nhỏ dần”. “Vách núi “ đặt lên trước “nhỏ dần” làm tăng thêm vẻ gợi cảm cho câu thơ: Gợi cảm giác về tiếng chim lẻ loi trên vách núi sừng sững, tiếng chim nhỏ dần xuống tạo thành một sự mơ hồ, thơ mộng. Đọc câu thơ ta cảm nhận được sự bé nhỏ vi vu của tiếng chim hót trên sự hùng vĩ của vách núi cao.
- Đến câu thứ 2: “Rì rầm tiếng suối khi gần khi xa”: Âm thanh của tiếng suối rất phù hợp với tếng chim ở câu 1 vẫn dùng biện pháp đảo ngữ, đưa “rì rầm" lên đầu câu để nhấn mạnh âm thanh nhẹ nhàng êm dịu của tiếng suối lúc gần lúc xa. Tạo cảm giác thật êm ái, nhẹ nhàng, nhân lên cái ấn tượng dịu dàng mà tiếng chim trên vách núi đã để lại, nhằm khắc hoạ quang cảnh huyền ảo thơ mộng của đêm Côn Sơn. 
-Tiếp đến câu 3: “Ngoài thềm rơi chiếc lá đa”: Vẫn là âm thanh nhẹ nhàng thật khẽ. Tác giả đưa “rơi” lên trước “cái lá đa” mà vẫn không làm giảm đi sự khẽ khàng đó, hình ảnh gợi cảm sinh động. Động từ “rơi” gợi cảm giác rõ ràng về một sự vận động, tuy chỉ là cái lá đa thật dịu nhẹ.
- Cuối câu: “Tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng”: Tác giả đã tặng cho sự rơi xuống của chiếc lá đa một sức sống, một tính chất “mỏng". Chiếc lá đa như có hồn biết rơi thật nhẹ, mỏng để không làm xao động cảm giác êm dịu ở các câu trên. Thật gợi cảm dễ thương mà chính xác. Cụm từ “như là rơi nghiêng” tác giả sử dụng biện pháp so sánh bình thường nhưng từ “rơi nghiêng” khiến ta hình dung ngay cảnh một chiếc lá chao nhẹ trong không khí, rơi xuống thật nhẹ nhàng. Đó là sự chuyển đổi cảm giác tinh tế từ thính giác sang thị giác và xúc giác.
Toàn đoạn thơ với những biện pháp tu từ đơn giản được sử dụng một cách nhuần nhuyễn, điêu luyện, có tính biểu cảm cao.
Thang điểm:
Điểm 3: Đáp ứng được những yêu cầu nêu trên, văn viết có cảm xúc, dẫn chứng chọn lọc phong phú, diễn đạt trong sáng. Có thể còn có một vài sai sót nhỏ.
Điểm 2-2,5: Cơ bản đáp ứng được những yêu cầu nêu trên, dẫn chứng chưa thật phong phú nhưng phải làm nổi bật được trọng tâm, diễn đạt tương đối tốt. Có thể mắc một vài sai sót nhỏ.
Điểm 1-1,5: Đáp ứng được 1/2 yêu cầu nêu trên, dẫn chứng chưa thật phong phú nhưng phải đầy đủ, làm rõ được trọng tâm, diễn đạt chưa hay nhưng rõ ràng. Có thể mắc một vài sai sót nhỏ.
Điểm 0,5: Chưa nắm được nội dung yêu cầu của đề bài, hầu như chỉ bàn luận chung chung hoặc hiểu không đúng tinh thần của đề bài, dẫn chứng nghèo nàn, phân tích còn nhiều hạn chế. Bố cục lộn xộn, mắc nhiều lỗi diễn đạt, dùng từ, ngữ pháp.
Điểm 0 : Không hiểu đề, sai lạc cả về nội dung và phương pháp.
Trên đây là một vài gơị ý về thang mức điểm, các giám khảo cần cân nhắc từng trường hợp cụ thể cho điểm phù hợp.
Câu 2 (7 điểm).
1. Yêu cầu về hình thức:
- Xác định đúng kiểu bài nghị luận một vấn đề văn học.
- Phạm vi kiến thức và dẫn chững đã rõ ràng, vấn đề nghị luận cũng đã thể hiện trong đề bài.
- Bài viết có bố cục rõ ràng, luận điểm, luận cứ, luận chứng phải cụ thể, mạch lạc; viết văn trong sáng, giàu cảm xúc; không mắc các lỗi về dùng từ, đặt câu, viết đoạn;
- Bài viết phải có kết cấu chặt chẽ giữa các phần và các ý.
2. Yêu cầu về nội dung:
a) Mở bài:
- Dẫn dắt và đặt vấn đề hợp lí.
- Trích dẫn được vấn đề ở đề bài.
- Khái quát được vấn đề mà đề bài đặt ra: Cuộc đời của người nông dân nghèo khổ, cùng quẫn, bế tắc; tính cách và tâm hồn của họ lại cao quý, đẹp đẽ.
b) Thân bài:
* Khái quát hoàn cảnh lịch sử-xã hội Việt Nam trước Cách mạng Tháng Tám.
* Trong xã hội thực dân nửa phong kiến, người nông dân có cuộc đời một cổ đôi tròng, nghèo khổ, cùng quẫn, bế tắc:
- Chị Dậu có một hoàn cảnh thật đáng thương.
- Lão Hạc là một con người nghèo khổ, bất hạnh.
* Trong xã hội đó người nông dân vẫn có tính cách, vẫn giữ được những vẻ đẹp tâm hồn cao quý, đẹp đẽ:
- Chị Dậu:
+ Một người vợ, một người mẹ giàu tình thương, đảm đang, tháo vát.
+ Một người phụ nữ cứng cỏi, dũng cảm.
- Lão Hạc:
+ Một con người chất phác, hiền lành, nhân hậu, giàu đức hi sinh (đối với con trai, đối với con chó Vàng, đối với mọi người…).
+ Một lão nông nghèo khổ nhưng trong sạch, giàu lòng tự trọng.
* Đánh giá chung về cuộc đời và tính cách của người nông dân Việt Nam qua hai nhân vật trên, liên hệ, phân tích mở rộng một số nhân vật khác ở các tác phẩm khác cùng thời.
c) Kết bài:
- Khẳng định lại vấn đề cần nghị luận.
- Đưa ra đánh giá, nhận xét, cảm nghĩ của bản thân…
Thang điểm:
Điểm 6-7: Đáp ứng được những yêu cầu nêu trên, văn viết có cảm xúc, dẫn chứng chọn lọc phong phú, diễn đạt trong sáng. Có thể còn có một vài sai sót nhỏ.
Điểm 4-5: Cơ bản đáp ứng được những yêu cầu nêu trên, dẫn chứng chưa thật phong phú nhưng phải làm nổi bật được trọng tâm, diễn đạt tương đối tốt. Có thể mắc một vài sai sót nhỏ.
Điểm 2-3: Đáp ứng được 1/2 yêu cầu nêu trên, dẫn chứng chưa thật phong phú nhưng phải đầy đủ, làm rõ được trọng tâm, diễn đạt chưa hay nhưng rõ ràng. Có thể mắc một vài sai sót nhỏ.
Điểm 1: Chưa nắm được nội dung yêu cầu của đề bài, hầu như chỉ bàn luận chung chung hoặc hiểu không đúng tinh thần của đề bài, dẫn chứng nghèo nàn, phân tích còn nhiều hạn chế. Bố cục lộn xộn, mắc nhiều lỗi diễn đạt, dùng từ, ngữ pháp.
Điểm 0 : Không hiểu đề, sai lạc cả về nội dung và phương pháp.
Trên đây là một vài gơị ý về thang mức điểm, các giám khảo cần cân nhắc từng trường hợp cụ thể cho điểm phù hợp.
Lưu ý chung:
- Điểm của bài thi là tổng điểm của các câu cộng lại; cho từ điểm 0 đến điểm 10. Điểm lẻ làm tròn tính đến 0,5.
- Đây chỉ là gợi ý đáp án. Người chấm cần vận dụng linh hoạt để phát hiện sự mới mẻ, năng lực sáng tạo, năng khiếu văn chương của học sinh… và cho điểm sát đối tượng, chính xác, đánh giá chất lượng thực.
--------------------------------------------

File đính kèm:

  • docDe HSG Ngu van 8.doc