Đề thi học sinh giỏi Tiếng việt Lớp 5 - Năm học 2012-2013 - Phòng GD&ĐT Thọ Xuân

doc3 trang | Chia sẻ: thuongnguyen92 | Lượt xem: 301 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đề thi học sinh giỏi Tiếng việt Lớp 5 - Năm học 2012-2013 - Phòng GD&ĐT Thọ Xuân, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
PHÒNG GD&ĐT THỌ XUÂN
Đề thi học sinh giỏi lớp 5 cấp Tỉnh
 Môn thi: Tiếng Việt
 Thời gian: 60 phút ( Không kể thời gian chép đề)
Câu 1(5 điểm): 
a. Xác định vị ngữ của câu sau theo các cách hiểu khác nhau?
“ Gà của cô Hoa có bộ lông mã tía, cổ bạnh, mào hạt đậu”.
Xác định từ loại của từ “hay” trong các câu sau:
Học hay cày giỏi.
Anh đã hay tin gì chưa?
Mẹ đi hay con đi?
Câu 2(5 điểm):
Xác định nghĩa của từ “lưng” trong câu sau và cho biết nghĩa nào là nghĩa gốc, nghĩa nào là nghĩa chuyển?
 “ Lưng núi thì to mà lưng mẹ thì nhỏ”.
Sắp xếp trật tự các câu văn sau thành một đoạn văn thích hợp. (Không được thêm, bớt từ). Xác định bộ phận chủ ngữ, bộ phận vị ngữ các câu trong đoạn văn sau khi sắp xếp hoàn chỉnh.
 Mặt nước sáng loá (1). Trăng lên cao (2). Biển và trời những hôm có trăng đẹp quá (3). Bầu trời càng sáng hơn (4). Cả một vùng nước sóng sánh, vàng chói lọi (5). 
Câu 3(5 điểm): Cho câu văn sau:
 “ Trong im ắng, hương vườn thơm thoảng bắt đầu rón rén bước ra, tung tăng trong ngọn gió nhẹ, nhảy trên cỏ, trườn theo những thân cành”
 (Chiều tối- Phạm Đức)
Hãy chỉ ra biện pháp nghệ thuật và các từ thể hiện biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong câu văn trên?
Nêu tác dụng của biện pháp nghệ thuật đó?
Câu 4(14 điểm): Một buổi sáng tới trường, em nhìn thấy một cây non mới trồng bị bẻ ngọn. Cây non đã kể lại câu chuyện của nó với em, mong em cùng chia sẻ nỗi buồn.
 Em hãy tưởng tượng và viết lại câu chuyện trên.
 (Điểm chữ viết và trình bày cả bài thi 1 điểm. Giám thị không giải thích gì thêm).
PHÒNG GD&ĐT THỌ XUÂN
Hướng dẫn chấm đề thi học sinh giỏi lớp 5 cấp Tỉnh
Môn: Tiếng Việt
**********************
Câu1 (5 điểm):
a.(2điểm): Học sinh nêu được 2 cách xác định vị ngữ. Xác định đúng mỗi cách cho 1 điểm:
 - Cách 1: Từ “có” là vị ngữ chính, còn lại là bổ ngữ cho vị ngữ chính.
 - Cách 2: Có 3 vị ngữ chỉ gà của cô Hoa có 3 đặc điểm: có bộ lông mã tía (VN1); cổ bạnh (VN2); mào hạt đậu (VN3).
b.( 3điểm): Học sinh xác định đúng từ loại của mỗi từ “hay” cho 1 điểm:
 - “hay” ở câu thứ nhất là tính từ.
 - “hay” ở câu thứ hai là động từ.
 - “hay” ở câu thứ ba là quan hệ từ.
Câu 2(5điểm):
	a.(2điểm): Học sinh nêu đúng nghĩa của mỗi từ lưng cho 0,5 điểm:
 Xác định đúng nghĩa gốc, nghĩa chuyển của mỗi từ cho 0,5 điểm. 
 - Lưng(1): Chỉ phần ở giữa núi- nghĩa chuyển.
	 - Lưng(2): Chỉ bộ phận phía sau của con người- nghĩa gốc.
	b.(3điểm):
 - Học sinh sắp xếp lại theo trật tự hợp lí đoạn văn cho 1,5điểm.
 Thứ tự hợp lí là: (2); (1); (4); (5); (3). (nếu học sinh xếp câu 3 lên đầu làm câu mở đoạn cũng cho tối đa điểm).
 - Học sinh xác định được bộ phận CN, VN đúng mỗi câu cho 0,3điểm. Toàn đoạn cho 1,5 điểm.
 Trăng/ lên cao (2). Mặt nước/ sáng loá (1). Bầu trời/ càng sáng hơn (4). Cả một vùng nước/ sóng sánh, vàng chói lọi (5). Biển và trời những hôm có trăng/ đẹp quá (3).
 Câu 3(5điểm):
(3điểm):- Học sinh nêu được biện pháp nghệ thuật trong câu văn cho 1 điểm: Biện pháp nhân hoá.
 - Nêu được các từ thể hiện phép nhân hoá trong câu văn cho 2điểm: rón rén, tung tăng, nhảy, trườn.
 b.(2điểm) Học sinh nêu được tác dụng của biện pháp nhân hoá trong đoạn văn cho 
 2 điểm: Bằng biện pháp nhân hoá, tác giả giúp ta hình dung được hương vườn cũng có tâm hồn như một em bé vô tư, hồn nhiên, biết rụt rè, e sợ khi trốn mẹ đi chơi vậy.
Câu 4( 14điểm):
Yêu cầu: 
đề bài thuộc thể loại văn kể chuyện.
 Học sinh biết dựa vào tình huống được gợi ý trong đề bài tưởng tượng và dựng lên một câu chuyện có nội dung: Chuyện buồn của cây non mới trồng bị bẻ ngọn.
Cho diểm cụ thể từng phần:
 Mở bài (2điểm): Học sinh giới thiệu được nhìn thấy cây non bị bẻ ngọn ở đâu? Lúc nào? Thái độ của em ban đầu khi thấy cây non bị bẻ ngọn ra sao?
 Thân bài (10điểm):+ Học sinh biết dùng trí tưởng tượng để dựng lên được một câu chuyện hợp lí, sinh động khiến người đọc phải biết yêu quý thiên nhiên, bảo vệ cây xanh và ý thức bảo vệ môi trường, cụ thể:
Cuộc sống của cây trước khi bị bẻ ngọn có niềm vui gì? Ước mơ của cây non đẹp đẽ ra sao?
Cây non bị bẻ ngọn như thế nào?
Cảm xúc, suy nghĩ, nỗi đau của cây non khi bị bẻ ngọn ra sao?
Cây non mong mỏi ở em và các bạn điều gì? Em đã có thái độ như thế nào trước nỗi đau của cây non?
Em có suy nghĩ gì khi nghe câu chuyện của cây non?
 Kết bài (2điểm): Học sinh nêu được:
Em sẽ làm gì để bảo vệ cây non?
Khuyên mọi người có ý thức biết yêu quý thiên nhiên, bảo vệ, chăm sóc cây xanh và môi trường.
 + Toàn bài viết rõ ràng, rành mạch, lời văn trong sáng, ít sai lỗi về dùng từ, đặt câu, lỗi chính tả. Bài viết có cảm xúc. 
 (Lưu ý: Toàn bài chữ viết rõ ràng, sạch sẽ, ít sai lỗi cho 1 điểm).
 ***************************

File đính kèm:

  • docĐề TV Thọ Xuân.doc