Đề thi khảo sát chọn học sinh giỏi tỉnh vòng I - Năm học 2013-2014

doc4 trang | Chia sẻ: haohao | Lượt xem: 4147 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đề thi khảo sát chọn học sinh giỏi tỉnh vòng I - Năm học 2013-2014, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Phòng GD&ĐT 
Văn Lâm
(CLC Dương Phúc Tư)
ĐỀ THI KHẢO SÁT CHỌN HỌC SINH GIỎI TỈNH 
VÒNG I - Năm học 2013-2014 
Môn: Ngữ Văn – LỚP 9
Thời gian làm bài: 150 phút 
Câu 1: (2,5 điểm)
Suy nghĩ của em từ câu chuyện sau đây:

NHỮNG ĐIỀU VÔ GIÁ
Người mẹ đang bận rộn nấu bữa cơm tối dưới bếp, bất ngờ cậu con trai bé bỏng chạy ù vào, và đưa cho mẹ một mẩu giấy nhỏ. Sau khi lau tay, người mẹ mở tờ giấy ra và đọc:
- Cắt cỏ trong vườn: 5 đô la
- Dọn dẹp phòng của con: 1 đô la
- Đi chợ cùng với mẹ: 50 xu
- Trông em giúp mẹ: 25 xu
- Đổ rác: 1 đô la
- Kết quả học tập tốt: 5 đô la
- Quét dọn sân: 2 đô la
- Mẹ nợ con tổng cộng: 14,75 đô la
 Sau khi đọc xong, người mẹ nhìn con trai đang đứng chờ với vẻ mặt đầy hy vọng. Bà cầm bút lên, lật mặt sau của tờ giấy và viết:
- Chín tháng mười ngày con nằm trong bụng mẹ: Miễn phí.
- Những lúc mẹ bên cạnh chăm sóc, cầu nguyện mỗi khi con ốm đau: Miễn phí.
- Những giọt nước mắt con làm mẹ khóc trong những năm qua: Miễn phí.
- Tất cả những đồ chơi, thức ăn, quần áo mà mẹ đã nuôi con trong suốt mấy năm qua: Miễn phí.
Và đắt hơn cả chính là tình yêu của mẹ dành cho con: Cũng miễn phí luôn con trai ạ.
Khi đọc những dòng chữ của mẹ, cậu bé vô cùng xúc động, nước mắt lưng tròng. Cậu nhìn mẹ và nói: “Con yêu mẹ nhiều lắm!”. Sau đó, cậu đặt bút viết thêm vào tờ giấy dòng chữ thật lớn: “MẸ SẼ ĐƯỢC NHẬN LẠI TRỌN VẸN” 
 (Dẫn từ Báo Nông nghiệp Việt Nam)
Câu 2: (6,0 điểm)
	 Có ý kiến cho rằng: Chiếc lược ngà là truyện thuộc loại đọc thời nào cũng hay vì nó không phải là truyện của một thời mà là của muôn thời- chuyện tình cảm, tình nghĩa của con người.
 Phân tích truyện ngắn “ Chiếc lược ngà” của Nguyễn Quang Sáng để làm sáng tỏ ý kiến trên.
	
 ……….HẾT………..

	Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm.

	 Họ tên thí sinh...................................................................SBD:...................
Phòng GD&ĐT 
Văn Lâm
(CLC Dương Phúc Tư)
HƯỚNG DẪN CHẤM MÔN NGỮ VĂN LỚP 9
KÌ THI KHẢO SÁT CHỌN HS GIỎI
VÒNG I - Năm học 2013-2014

Câu 1: (4,0 điểm)
Yêu cầu kĩ năng
 - Trình bày suy nghĩ thành một bài văn nghị luận xã hội ngắn.
Đáp ứng được yêu cầu của một bài nghị luận xã hội, biết vận dụng kiến thức về đời sống xã hội để làm rõ ý nghĩa câu chuyện trên.
Bố cục hợp lý, lập luận chặt chẽ, chữ viết rõ ràng, không mắc lỗi diễn đạt, dùng từ, đặt câu.
Yêu cầu kiến thức
Học sinh có thể trình bày theo cách hiểu của mình, tuy nhiên cần đáp ứng được những ý chính sau đây:
Ý nghĩa câu chuyện
Tình cảm mẹ con là tình cảm thiêng liêng, cao quý. Biết đón nhận tình thương, sự quan tâm của mẹ thì phải biết ơn và cũng biết mang đến cho mẹ niềm vui, niềm hạnh phúc.
Câu chuyện mang đến một bài học về “cho” và “nhận” trong cuộc sống.
Suy nghĩ về vấn đề mà câu chuyện đặt ra
Phải biết “cho” mọi người những điều tốt đẹp thì sẽ nhận được những điều tốt đẹp.
Nhưng có những “cho – nhận” đáng ca ngợi, lại có những “cho – nhận” đáng lên án:
+ “Cho – nhận” sự quan tâm, lo lắng, tình cảm bao dung, nhân ái. Đó là hành động “cho – nhận” đáng ca ngợi, cần được nhân lên.
+ Kẻ “nhận” mà không “cho” là kẻ ích kỉ.
Xác định thái độ sống của bản thân
Biểu điểm
Điểm 4: Đáp ứng tốt các yêu cầu trên, lập luận chặt chẽ, văn viết có cảm xúc, ý tưởng mới mẻ, sáng tạo.
Điểm 3: Đáp ứng khá tốt các yêu cầu của đề, bố cục rõ, lập luận chặt chẽ, bày tỏ được suy nghĩ riêng.
Điểm 2: Đáp ứng được ½ yêu cầu trên, viết còn sơ lược. Văn chưa lưu loát nhưng diễn đạt được ý.
Điểm 1: Nội dung sơ sài, còn lúng túng về phương pháp. Bố cục lộn xộn. Sai nhiều lỗi diễn đạt.
Điểm 0: Sai lạc cả nội dung và phương pháp. 

Câu 3: (6,0 điểm)
A. Yêu cầu:
 a. Kỹ năng:
 - Học sinh biết vận dụng các kĩ năng làm bài nghị luận về một tác phẩm văn học.
 - Có dẫn chứng cụ thể khi phân tích chứng minh các luận điểm, có bình giá một số chi tiết quan trọng làm nổi bật yêu cầu của đề.
 - Bố cục bài văn rõ ràng, mạchh lạc có đủ 3 phần mở bài – thân bài- kết luận. Luận điểm được trình bày rõ, đảm bảo tính liên kết.
 - Lời văn diễn đạt trong sáng.
 b. Nội dung:
	Học sinh có thể có một số cách diễn đạt, phân tích khác nhau, nhưng trong bài làm cần đảm bảo một số ý cơ bản sau:
Ý 1: Cần hiều được đúng lời nhận xét về tác phẩm. 
Truyện ngắn “Chiếc lược ngà” không chỉ là câu chuyện đơn thuần viết về tình cảnh éo le, những mất mát của con người trong chiến tranh. “Chiếc lược ngà” đã trở thành câu chuyện muôn thời- chuyện tình cảm, tình nghĩa của con người vì nó là câu chuyện cảm động về tình cha con cao đẹp, sâu nặng, tình đồng đội thắm thiết. Câu chuyện đã khẳng định một chân lí vĩnh hằng: tình cảm gia đình, tình cha con, tình mẫu tử là tình cảm thiêng liêng, sâu nặng nhất vượt lên trên trở ngại, thậm chí cả chiến tranh…Thông điệp này mãi còn có giá trị muôn đời.
Ý 2: - Phân tích và chứng minh tình cảm cha con cảm động trong tác phẩm: 
 + Tình yêu cha sâu sắc và mãnh liệt của bé Thu dành cho cha.
 + Tình yêu thương con sâu sắc của anh Sáu dành cho bé Thu.
- Phân tích tình đồng đội của bác Ba dành cho anh Sáu :
 + Là người bạn thân thiết của Anh Sáu, bác Ba không chỉ là người chứng kiến toàn bộ câu chuyện mà còn luôn bày tỏ sự xúc động, đồng cảm, chia sẻ với cha con anh Sáu
 + Hoàn thành tâm niệm của anh Sáu là trao lại cây lược cho Thu và tình cảm giống như tình cha con đã được nảy nở giữa bác Ba với bé Thu.
Ý 3 : Đánh giá chung: 
 Truyện ngắn “Chiếc lược ngà” thể hiện tình cha con cao đẹp, sâu nặng, tình đồng đội thắm thiết của con người Việt Nam trong cảnh ngộ éo le của chiến tranh. Tác phẩm ra đời vào năm 1966, thời điểm cuộc chiến tranh chống Mĩ đang diễn ra ác liệt có mất mát, đau đớn, yêu thương, nhưng toàn bộ câu chuyện thấm đẫm tình người cao đẹp. Cảm hứng nhân văn sâu sắc của nhà văn đã tạo nên sức hấp dẫn riêng cho tác phẩm. Người đọc không chỉ thấm thía những mất mát hi sinh lặng thầm của người lính mà còn trân trọng những con người xông pha nơi trận mạc tâm hồn vẫn chan chứa yêu thương. Câu chuyện hướng người đọc đến những tình cảm cao đẹp, biết căm ghét chiến tranh, biết sống hết mình vì những gì tốt lành đang hiện hữu.
B. Biểu điểm:
* Điểm 6: Bài viết phải giải quyết triệt để những yêu cầu về nội dung. Bố cục, luận điểm rõ ràng, mạch lạc. lời văn giàu cảm xúc lôi cuốn.
* Điểm 4-5 : Bài viết đáp ứng được hơn 2/3 yêu cầu của đề. Bố cục, luận điểm rõ ràng, văn viết trôi chảy.
* Điểm 3 : Bài viết đáp ứng được dưới 2/3 yêu cầu của đề. Bố cục, luận điểm rõ ràng, nội dung bài viết còn chưa sâu sắc.
* Điểm 2 : Đáp ứng được một phần yêu cầu của đề, ý còn lộn xộn, mắc nhiều lỗi diễn đạt, dùng từ.
* Điểm 1 : Nội dung bài viết quá sơ sài, lan man chưa có trọng tâm. Bố cục không rõ ràng, mắc quá nhiều lỗi diễn đạt, dùng từ.
* Điểm 0: Sai lạc cả nội dung và phương pháp. 

Lưu ý: 
	 § Giám khảo phát hiện và trân trọng những bài làm có thể chưa đủ ý theo biểu điểm nhưng nếu có tính sáng tạo, linh hoạt và giàu cảm xúc, có thể thảo luận để cho điểm tối đa.
§ Tránh đếm ý cho điểm. Chỉ cho điểm tối đa mỗi ý nếu diễn đạt lưu loát, có câu văn hay, có cảm xúc chân thành. 
§ Chấp nhận các cách trình bày khác nhau kể cả không có trong hướng dẫn chấm miễn sao hợp lý và thuyết phục.

------------------HẾT --------------------

File đính kèm:

  • docDE DAP AN THI HS GIOI TINH VAN 9 Vong I VL.doc
Đề thi liên quan