Đề thi Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 chuyên năm học 2013-2014 đề thi môn ngữ văn

doc5 trang | Chia sẻ: haohao | Lượt xem: 5090 | Lượt tải: 5download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đề thi Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 chuyên năm học 2013-2014 đề thi môn ngữ văn, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
HẢI PHÒNG

KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT CHUYÊN
Năm học 2013-2014

ĐỀ THI MÔN NGỮ VĂN
Thời gian làm bài 150 phút (không kể thời gian giao đề)
Lưu ý: Đề thi có 01 trang. Thí sinh làm bài vào tờ giấy thi.






ĐỀ DỰ BỊ









Câu 1 (2,0 điểm)
	Em hãy viết một đoạn văn phân tích hình ảnh “ngọn lửa” trong những câu thơ sau:
Rồi sớm rồi chiều lại bếp lửa bà nhen
	Một ngọn lửa, lòng bà luôn ủ sẵn
	Một ngọn lửa chứa niềm tin dai dẳng...
	 (Bằng Việt, Bếp lửa, Ngữ văn 9 Tập I, NXB Giáo dục 2011, trang 144) 
Câu 2 (3,0 điểm)
	… Anh hạ giọng, nửa tâm sự, nửa đọc lại một điều rõ ràng đã ngẫm nghĩ nhiều:
- Hồi chưa vào nghề, những đêm bầu trời đen kịt, nhìn kĩ mới thấy một ngôi sao xa, cháu cũng nghĩ ngay ngôi sao kia lẻ loi một mình. Bây giờ làm nghề này cháu không nghĩ như vậy nữa. Vả, khi ta làm việc, ta với công việc là đôi, sao gọi là một mình được? Huống chi việc của cháu gắn liền với việc của bao anh em, đồng chí dưới kia. Công việc của cháu gian khổ thế đấy, chứ cất nó đi, cháu buồn đến chết mất. Còn người thì ai mà chả “thèm” hở bác? Mình sinh ra là gì, mình đẻ ở đâu, mình vì ai mà làm việc? Đấy, cháu tự nói với cháu thế đấy. Bác lái xe đi, về Lai Châu cứ đến đây dừng lại một lát. Không vào giờ “ốp” là cháu chạy xuống chơi, lâu thành lệ. Cháu bỗng dưng tự hỏi: Cái nhớ xe, nhớ người ấy thật ra là cái gì vậy? Nếu là nỗi nhớ phồn hoa đô hội thì xoàng. Cháu ở liền trong trạm hàng tháng. Bác lái xe bao lần dừng, bóp còi toe toe, mặc, cháu gan lì nhất định không xuống. Ấy thế là một hôm, bác lái phải thân hành lên trạm cháu. Cháu nói: “Đấy, bác cũng chẳng “thèm” người là gì?”
 (Nguyễn Thành Long, Lặng lẽ Sa Pa, Ngữ văn 9 Tập I, NXB Giáo dục 2011, trang 185)
	Bằng một bài văn ngắn (tối đa 02 trang), em hãy bày tỏ suy nghĩ của mình về vẻ đẹp tâm hồn anh thanh niên trong đoạn trích trên.
Câu 3 (5,0 điểm)
	Đánh giá về phong cách thơ Tế Hanh, có nhận định cho rằng: “Hồn thơ Tế Hanh hay trở về cùng kỉ niệm sáng trong, đằm thắm, thường rung động trước những vẻ đẹp ấm áp, dịu dàng. Thơ ông hay ở sự chân thật, ở độ nồng của cảm xúc chứ không phải ở chiều sâu của triết lí, trí tuệ.” (Lịch sử Văn học Việt Nam Tập III, NXB Đại học Sư phạm, trang 319)
	Bằng hiểu biết về bài thơ Quê hương của Tế Hanh, em hãy làm sáng tỏ nhận định trên.

---------------------HẾT-------------------

Họ và tên thí sinh:..................................................................Số báo danh:...........................................................
Họ và tên giám thị 1: ............................................................Họ và tên giám thị 2: ...............................................
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
HẢI PHÒNG

KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT CHUYÊN
Năm học 2013-2014

HƯỚNG DẪN CHẤM THI ĐỀ DỰ BỊ
MÔN: NGỮ VĂN
















A. HƯỚNG DẪN CHUNG
Giám khảo cần nắm vững yêu cầu của bản Hướng dẫn chấm thi để đánh giá tổng quát bài làm của học sinh, tránh chỉ quan tâm ý cho điểm một cách đơn thuần. Do đặc trưng của bộ môn Ngữ văn và tính chất cụ thể của đề thi và đặc điểm của kì thi tuyển sinh THPT Chuyên, trên cơ sở bám sát biểu điểm, giám khảo chủ động, linh hoạt trong việc vận dụng tiêu chuẩn cho điểm. Những bài viết có sự phát hiện riêng, độc đáo, sáng tạo, có cảm xúc cần được khuyến khích.
	Trong trường hợp thí sinh tổ chức bài làm theo cách riêng nhưng đáp ứng được những yêu cầu cơ bản của đáp án thì vẫn cho đủ điểm như bản Hướng dẫn chấm thi đã quy định (đối với từng phần).
	Điểm từng câu không làm tròn. Điểm của bài thi bằng tổng điểm các câu, không làm tròn.
B. ĐÁP ÁN VÀ THANG ĐIỂM
Câu 1. (2,0 điểm)
Tiêu chí
Yêu cầu cần đạt
Thang điểm
A. Hình thức
- Đúng hình thức đoạn văn phân tích hình ảnh “ngọn lửa” trong đoạn thơ.
- Diễn đạt rõ ràng, có cảm xúc; câu chữ không sai. 
0,5
B. Nội dung
- Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách, đảm bảo được nội dung cơ bản sau:
+ Hình ảnh “ngọn lửa” không chỉ mang nghĩa tả thực mà đã trở thành hình ảnh mang ý nghĩa biểu tượng: bếp lửa được bà nhen lên không chỉ bằng nhiên liệu ở bên ngoài mà còn được nhóm lên từ ngọn lửa trong lòng bà - ngọn lửa của sức sống, lòng yêu thương, sự chở che và niềm tin. Từ “bếp lửa”, những câu thơ đã gợi đến hình ảnh “ngọn lửa” với ý nghĩa trừu tượng và khái quát.
+ Hình ảnh “ngọn lửa” gợi cho người đọc cảm nhận và trân trọng hình ảnh người bà. Bà là người nhóm lửa, giữ lửa và cũng là người truyền lửa - ngọn lửa của sự sống, tình thương yêu và niềm tin cho các thế hệ nối tiếp.
+ Bằng Việt đã thành công trong việc sáng tạo hình ảnh, giọng thơ hồi tưởng đầy chất suy ngẫm gửi gắm những ý nghĩa triết lí vô cùng sâu sắc. 


0,75





0,5


0,25
Tổng

2,0

Câu 2. (3,0 điểm)
Tiêu chí
Yêu cầu cần đạt
Thang điểm
A. Hình thức
- Bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ.
- Diễn đạt trôi chảy, có cảm xúc. Viết đúng văn phạm, chữ viết rõ ràng, không sai chính tả. Đúng dung lượng một bài văn ngắn.
0,5
B. Nội dung
HS có thể trình bày nhiều cách, về cơ bản đáp ứng được những nội dung sau:
 Trong đoạn văn, tác giả đã thể hiện vẻ đẹp tâm hồn của anh thanh niên qua chính những lời tâm sự hồn nhiên, cởi mở của anh với bác lái xe.
1. Anh là người có những suy nghĩ sâu sắc, có ý thức trách nhiệm và tình yêu đối với công việc: 
- Anh có một suy nghĩ đúng đắn về lao động “khi ta làm việc, ta với công việc là đôi, sao gọi là một mình được?”. Lao động sẽ khiến cuộc sống không cô đơn, buồn tẻ, sẽ đem đến niềm vui, sự say mê và cảm giác tự hào. 
- Anh nhận ra mối liên quan giữa công việc của mình với công việc của mọi người: “Huống chi việc của cháu gắn liền với công việc của bao anh em, đồng chí dưới kia”. Anh hiểu rõ công việc thầm lặng của mình là cần thiết và có ích cho mọi người, nó gắn liền anh với mọi người, với cuộc sống chung của đất nước.
2. Anh cũng là một con người hồn nhiên, cởi mở, chân thành, giàu yêu thương và quý trọng tình cảm mọi người. 
- Anh khao khát được gặp gỡ, trò chuyện với mọi người (nhắc lại chi tiết anh đã đón tiếp bác lái xe, ông họa sĩ, cô kĩ sư thật nhiệt tình, niềm nở).
- Anh có nỗi “thèm” người rất đặc biệt. Đó là niềm khát khao được chia sẻ, bày tỏ, giao cảm với mọi người. “Nếu là nỗi nhớ phồn hoa đô hội thì xoàng” mà đó là nỗi nhớ xe, nhớ người, lòng yêu cuộc sống tha thiết, nồng hậu.
3. Đánh giá:
- Qua cuộc trò chuyện với ông họa sĩ, anh thanh niên có thể bộc lộ trực tiếp suy nghĩ, tình cảm, cách nhìn về cuộc sống, về công việc của mình. Xét đến cùng Lặng lẽ Sa Pa cũng chỉ là “một bức chân dung” - bức chân dung nhân vật anh thanh niên. Nhân vật đã hiện lên với những nét đẹp tỏa sáng từ ý nghĩa công việc, từ cách sống, cách suy nghĩ, cách biểu lộ tình cảm với mọi người. Ở anh thể hiện một vẻ đẹp bình dị mà cao quý, vẻ đẹp đậm chất lí tưởng của con người thế hệ mới. Đó cũng chính là chất thơ được tỏa ra từ chính tâm hồn nhân vật với những suy nghĩ, cảm xúc thật trong sáng, đẹp đẽ. 
- Từ hình ảnh anh thanh niên, tạo ấn tượng cho người đọc về một “Sa Pa không lặng lẽ”. Bởi vì trong cái im lặng của Sa Pa có những con người như anh, những con người say mê làm việc để cống hiến một cách lặng lẽ, âm thầm mà hết sức tự nguyện cho đất nước, nhân dân.




1,0










1,0







0,5





Tổng

3,0
Câu 3. (5,0 điểm)
Tiêu chí
Yêu cầu cần đạt
Thang điểm
A. Hình thức
- Bố cục rõ ràng, cấu trúc hợp lí, lập luận chặt chẽ. Biết chọn và phân tích dẫn chứng tiêu biểu.
- Diễn đạt trôi chảy, có cảm xúc, có hình ảnh. Viết đúng văn phạm; chữ viết rõ ràng, không sai chính tả. 
0,5
B. Nội dung
























































1. Giải thích nhận định: Nhận định đã khái quát được nét cơ bản nhất về phong cách nghệ thuật của nhà thơ Tế Hanh. Cái gốc của thơ Tế Hanh là tình cảm, cảm xúc. Với tấm lòng đôn hậu, tâm hồn đằm thắm, trái tim giàu cảm xúc, Tế Hanh thường viết những bài thơ tìm về những kỉ niệm trong sáng, thể hiện những rung động nhẹ nhàng, êm ái, gửi niềm nhớ nhung đằm thắm, tha thiết. Tất cả thể hiện tiếng nói thiết tha của một tấm lòng nồng hậu, của một hồn thơ ân tình gắn bó với cuộc đời.
0,5

2. Giới thiệu tác giả Tế Hanh và bài thơ Quê hương: 
- Tế Hanh là một trong những nhà thơ tiêu biểu của phong trào Thơ mới ở chặng cuối.
- Bài thơ ra đời năm 1939, khi tác giả đang xa nhà đi học. Bài thơ là bức tranh tươi sáng, sinh động về quê hương làng chài và nỗi lòng yêu nhớ quê hương da diết, đau đáu của nhà thơ trong xa cách. Bài thơ cũng thể hiện được cảm xúc chân thật, nồng nàn của Tế Hanh khi tìm về những kỉ niệm đẹp đẽ, sáng trong của quê hương. 
0,5

3. Chứng minh nhận định:
3.1. Hồn thơ Tế Hanh hay trở về cùng kỉ niệm sáng trong, đằm thắm, thường rung động trước những vẻ đẹp ấm áp, dịu dàng.
- Tế Hanh ít khi có giọng “trữ tình lớn”, giọng sử thi mà thường rung động cùng những gì nhẹ nhàng, đằm thắm, êm ái. Phần lớn thơ của ông đều bộc lộ niềm rung động với những kỉ niệm thân thiết, trong sáng, những cảnh đời, những con người gần gũi, đôn hậu. Ông hay viết về mùa thu, mảnh vườn, cái giếng, cỏ cây hoa lá, ông thiết tha nhớ về làng quê làm nghề chài lưới đượm mùi nồng mặn, nhớ con sông quê hương xanh biếc, nhớ những người lao động bình dị, khỏe khoắn... Phân tích bài thơ, nhấn mạnh những ý cơ bản sau:
+ Hình ảnh làng chài mộc mạc, gian khó nhưng giàu truyền thống (“Làng tôi ở .... nửa ngày sông”).
+ Cảnh dân làng ra khơi đánh cá trong một không gian khoáng đạt, tươi sáng (“Khi trời trong ...đi đánh cá”).
+ Cảnh con thuyền lướt nhanh trên sóng với cánh buồm “giương to” vừa thơ mộng, vừa hùng tráng (“Chiếc thuyền... thâu góp gió”).
+ Cảnh đoàn thuyền đánh cá trở về với niềm vui đơn sơ, bình dị, xúc động (“Ngày hôm sau ... thân bạc trắng”; “chiếc thuyền im ... thớ vỏ”).
+ Hình ảnh những chàng trai xứ biển bình dị, khỏe khoắn, thấm đẫm hơi thở của biển cả (“Dân chài lưới ... xa xăm”). 
- Trở về những “kỉ niệm sáng trong, đằm thắm”, “những vẻ đẹp ấm áp, dịu dàng”, hồn thơ Tế Hanh thực sự đã gợi dậy những xúc động sâu xa trong lòng người đọc. Dưới ngòi bút của nhà thơ, làng quê hiện lên hòa quyện cảnh sắc và con người, tất cả đều đẹp đẽ, lạ thường.
3.2. Thơ Tế Hanh hay ở sự chân thật, ở độ nồng của cảm xúc chứ không phải ở chiều sâu của triết lí, trí tuệ.
- Lấy tình cảm là gốc, thơ Tế Hanh bao giờ cũng lập tứ từ một trạng thái tình cảm cụ thể. Mỗi bài thơ phải là tiếng lòng thành thực của cá nhân nhà thơ, phải mang một phần máu thịt của chính tác giả. Mạch thơ vì thế không kết cấu cầu kì, ít có tư duy triết luận. Ông không đi sâu khai thác chiều sâu triết lí, trí tuệ trong thơ. “Thơ của Tế Hanh bộc trực tả tình, tràn tình”. (Chế Lan Viên). Trong bài thơ Quê hương, nếu không có nỗi nhớ thương quê hương trong bao năm dài xa cách, nếu không có ấn tượng về một vùng đất Quảng Nam mặn mòi, khoáng đạt, con người Quảng Nam bình dị, khỏe khoắn, làm sao nhà thơ có thể viết được những dòng thơ nồng nàn, mãnh liệt cảm xúc đến thế!
- Gắn với việc bộc lộ cảm xúc chân thật, nồng nàn, giọng điệu thơ Tế Hanh thường thiên về giãi bày, chia sẻ hoặc phấn chấn, ngợi ca chứ ít khi có giọng phân tích triết lí (chú ý phân tích giọng điệu chủ đạo trong suốt bài thơ Quê hương là giọng tâm tình ngọt ngào xen lẫn với mạnh mẽ, hứng khởi mà vẫn sâu lắng, thiết tha)
- Là tiếng nói của cảm xúc, thơ Tế Hanh cũng thường tìm đến những hình ảnh gần gũi, dung dị, dễ hiểu, ngôn ngữ nhìn chung không cầu kì mà bình dị, gần với lời ăn tiếng nói thường ngày, thấm đượm cảm xúc chân thành (chọn phân tích những từ ngữ, hình ảnh cụ thể trong bài thơ).

1,5






















1,5



4. Đánh giá:
- Nghệ thuật miêu tả giàu hình ảnh, sử dụng các biện pháp tu tự như ẩn dụ, so sánh, nhân hóa rất thành công đã tạo nên những vần thơ trữ tình chứa chan thi vị làm say đắm tâm hồn bao thế hệ người đọc. 
- Từ cái gốc là chữ “tình” với cuộc đời và con người, từ niềm tha thiết với quê hương, Tế Hanh đã trở thành một gương mặt đặc sắc của nền thơ ca Việt Nam hiện đại, khẳng định một hồn thơ có phong cách riêng, độc đáo và sáng tạo.
0,5
Tổng

5,0

File đính kèm:

  • docVan DB.doc
Đề thi liên quan