Đề thi olympic lớp 6 Năm học 2013-2014 Môn thi: Ngữ Văn

doc3 trang | Chia sẻ: dethi | Lượt xem: 1726 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đề thi olympic lớp 6 Năm học 2013-2014 Môn thi: Ngữ Văn, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
PHÒNG GD&ĐT THANH OAI 
Trường THCS Cao Viên

 

 
 ĐỀ THI OLYMPIC LỚP 6 
 Năm học 2013-2014
 Môn thi: Ngữ văn 
 Thời gian làm bài :150 phút
 ( Không kể thời gian giao đề) 

Câu 1: ( 4,0 điểm )
Xác định và nói rõ tác dụng của phép tu từ so sánh, nhân hoá trong các câu thơ 
sau:
Lúc vui biển hát, lúc buồn biển lặng, lúc suy nghĩ biển mơ mộng và dịu hiền.
Biển như người khổng lồ, nóng nảy, quái dị, gọi sấm, gọi chớp.
Biển như trẻ con, nũng nịu, dỗ dành, khi đùa, khi khóc.

(Khánh Chi, Biển)
Câu 2: ( 6,0 điểm )
BÀN TAY CÔ GIÁO
    Trong ngày Lễ Tạ Ơn, một cô giáo dạy lớp một nọ đã bảo những học sinh của mình vẽ một bức tranh về điều gì đó mà các em biết ơn. Cô muốn biết xem những đứa trẻ từ các vùng phụ cận nghèo nàn này thật sự mang ơn ra sao.Tuy nhiên cô nghĩ rằng hầu hết các học sinh của mình sẽ vẽ những bức tranh về gà tây hay những chiếc bàn đầy thức ăn. Nhưng cô đã sửng sốt với bức tranh của bé Douglas, bức tranh một bàn tay được vẽ bằng nét trẻ thơ rất đơn giản.
   Nhưng bàn tay đó là của ai? Cả lớp đều bị cuốn hút với hình ảnh trừu tượng đó.
   - Em nghĩ đó chắc là bàn tay của Chúa mang thức ăn đến cho chúng ta - một em nói.
   - Của một người nông dân- một em khác lên tiếng- bởi vì ông ta nuôi gà tây.
   Cuối cùng khi những em khác đang làm bài, cô giáo đến bên bàn Douglas và hỏi:
   - Đó là bàn tay cô! Thưa cô! Em thầm thì.
   Cô nhớ lại rằng vào giờ giải lao cô thường hay dắt tay Douglas, một đứa bé cô độc ít nói. Cô cũng thường làm thế với những bạn khác nhưng với Douglas điều đó có ý nghĩa rất lớn. Có lẽ đây là Lễ Tạ Ơn dành cho mọi người, không phải cho những vật chất mà chúng ta nhận được, mà là cho những điều, dù rất nhỏ nhoi khi ta trao tặng cho người khác.
                                                                                          (Theo Hạt giống tâm hồn 1)
Suy nghĩ của em về nội dung câu chuyện trên.
Câu 3: ( 10 điểm )
Trong mơ, em được gặp gỡ rất nhiều nhân vật trong những câu chuyện cổ tích 
đã học. Hãy kể và tả lại một nhân vật mà em cho là ấn tượng nhất trong thế giới huyền diệu ấy.
PHÒNG GD&ĐT
THANH OAI 
Trường THCS Cao Viên

 

 
 HƯỚNG DẪN CHẤM THI OLYMPIC LỚP 6 
 Năm học 2013-2014
 Môn thi: Ngữ văn 
 Thời gian làm bài :150 phút
 ( Không kể thời gian giao đề) 

Câu 1: ( 4,0 điểm )
Xác định và nói rõ tác dụng của phép tu từ so sánh, nhân hoá trong các câu thơ sau: - Xác định được các phép so sánh, nhân hoá: 
+ So sánh: Biển như người khổng lồ; Biển như trẻ con
+ Nhân hoá: Vui, buồn, suy nghĩ, hát, mơ mộng, dịu hiền
- Nêu được tác dụng: 
+ Biển được miêu tả như một con người với nhiều tâm trạng khác nhau. 
+ Biển được nhà thơ cảm nhận như những con người cụ thể: khi thì to lớn, hung dữ như người khổng lồ; khi thì nhỏ bé hiền lành, dễ thương, đáng yêu như trẻ con. Nhờ các biện pháp tu từ so sánh, nhân hoá đã gợi rõ, cụ thể màu sắc, ánh sáng theo thời tiết, thời gian mà tạo nên những bức tranh khác nhau về biển . 
Câu 2: ( 6,0 điểm )
Yêu cầu:
1, Kĩ năng: (1 điểm)
 - Trình bày suy nghĩ thành một đoạn văn hoặc bài văn ngắn.
 - Diễn đạt lưu loát.
2, Nội dung: (5 điểm)
 Bài viết có thể trình bày theo các cách khác nhau nhưng đại thể nêu được các ý sau:
- Trong cuộc sống, không phải chúng ta chỉ biếu cho vật chất, mà chúng ta còn có thể tặng cho nhau những điều khác nữa, dù điều đó rất nhỏ mang ý nghĩa về tinh thần như biếu tặng nhau một câu chào hỏi, một lời cảm ơn hay xin lỗi, cho nhau một nụ cười cảm thông thân ái, hay một bờ vai cho ai đó khi họ bị khổ đau không đứng vững giữa cuộc đời, hoặc một cái bắt tay thân thiện truyền cho nhau niềm tin yêu vào cuộc sống này...và còn rất nhiều cái cho không mất tiền khác không thể kể hết. Bạn không bao giờ biết được niềm hạnh phúc mà một điều đơn giản nhỏ bé ấy mang lại cho người khác có một ý nghĩa vô cùng lớn lao. Cô bé Douglas trong câu chuyện trên đã có được niềm hạnh phúc lớn lao từ những điều nhỏ bé như vậy.(1,5 điểm)
- Nêu bài học sâu sắc về tình thương, sự quan tâm đến người khác:
+ Chúng ta lớn lên cũng nhờ vào bàn tay nâng niu của mẹ khi còn bú mớm, bàn tay mẹ vỗ về xoa dịu cơn đau, ru con ngủ giấc sâu; bàn tay cha dắt con tập đi chập chững những bước đầu đời; bàn tay chị ngã em nâng...và bàn tay cô giáo cũng quan trọng không kém, bàn tay cô dắt dìu học sinh, bàn tay cô truyền ngọn lửa của sự đam mê học hỏi, giúp cho học sinh có đủ niềm tin leo lên đỉnh cao của vinh quang trí tuệ. (0,5 điểm)
+ Được yêu thương, giúp đỡ người khác là niềm vui, nguồn hạnh phúc, ý nghĩa của sự sống và cách nâng tâm hồn mình lên cao đẹp hơn. (0,5 điểm)
+ Đừng bao giờ thờ ơ, vô cảm trước nỗi khổ đau, bất hạnh của người khác: Thương người như thể thương thân. (1,0 điểm)
Đọc câu chuyện trên, chúng ta mới thấu hiểu hết niềm hạnh phúc mà một điều đơn giản mang lại, những điều nhỏ bé đó lắm lúc người ta tưởng không mang lại cho ai lợi lộc gì cả, nhưng vô cùng quan trọng đối với cô bé Douglas và những ai đồng cảnh ngộ. Khi đã thấu hiểu hết, chúng ta sẽ không quên trao tặng những điều nhỏ bé ấy cho những người sống quanh ta như là sự tri ân đối với cuộc đời đã cho ta rất nhiều thứ trong đó có bàn tay thầy cô giáo. (0,5 điểm)
- Xác định thái độ của bản thân: đồng tình với thái độ sống có tình thương và quan tâm tới mọi người, khích lệ nững người biết mở rộng tâm ồn đề yêu thương, giúp đỡ người khác. Phê phán thái độ sống cá nhân, ích kỷ, tầm thường. (1,0 điểm)
Câu 3: ( 10 điểm )
a. Yêu cầu về kĩ năng:
- Bài làm phải được tổ chức thành bài làm văn hoàn chỉnh.
- Biết vận dụng kĩ năng tự sự kết hợp với các yếu tố miêu tả, biểu cảm.
- Kết cấu chặt chẽ, diễn đạt trôi chảy; hạn chế lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp. 
b. Yêu cầu về kiến thức: 
Trên cơ sở những kiến thức đã được học về kiểu văn tự sự, miêu tả kết hợp với yếu tố biểu cảm, học sinh tưởng tượng để kể và tả lại cuộc gặp gỡ về một nhân vật cổ tích.
Học sinh có thể tổ chức bài làm theo nhiều cách khác nhau nhưng cần đáp ứng được những ý cơ bản sau:
- Giới thiệu thời gian, không gian gặp gỡ. 
- Diễn biến của cuộc gặp gỡ:
+ Miêu tả được chân dung của nhân vật cổ tích (nhân vật phải được bộc lộ tính cách thông qua các hoạt động ngôn ngữ và diễn biến tâm trạng.)
+ Xây dựng được những chi tiết, hình ảnh đẹp và thật sự ấn tượng trong cuộc gặp gỡ.
+ Bộc lộ tình cảm, suy nghĩ về nhân vật.
- Nêu ấn tượng về nhân vật. 
 Người soát đề	Người ra đề
 Hiệu phó chuyên môn	Nguyễn Thị Hồng Nhiên
 Nguyễn Thị Phấn

File đính kèm:

  • docDe HSG van 6 Cao Vien.doc
Đề thi liên quan