Đề thi olympic lớp 7 năm học :2013-2014 ngữ văn

doc3 trang | Chia sẻ: haohao | Lượt xem: 2383 | Lượt tải: 2download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đề thi olympic lớp 7 năm học :2013-2014 ngữ văn, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
PHÒNG GD & ĐT THANH OAI
TRƯỜNG THCS THANH VĂN ĐỀ THI OLYMPIC LỚP 7
 Năm học :2013-2014
 Môn thi: Ngữ Văn
 ( Thời gian làm bài: 120 phút)
Câu 1: (4 điểm)
 Chỉ ra và phân tích ý nghĩa của những quan hệ từ trong những câu thơ sau:
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn
 Mà em vẫn giữ tấm lòng son
(Bánh trôi nước - Hồ Xuân Hương)
Câu 2: (6 điểm)
CÁI CHẬU NỨT
 Một người có hai chiếc chậu lớn để khuân nước. Một trong hai chiếc chậu có một vết nứt, vì vậy khi khuân nước từ giếng về nước trong chậu chỉ còn một nửa. Chiếc chậu còn nguyên rất tự hào về sự hoàn hảo của mình, còn chiếc chậu nứt luôn bị cắn rứt vì không thể hoàn thành nhiệm vụ.
 Một ngày nọ, chiếc chậu nứt nói với người chủ: “Tôi thật sự xấu hổ về mình. Tôi muốn xin lỗi ông !”. “ Ngươi xấu hổ về chuyện gì ?”. “Chỉ vì lỗi của tôi mà ông không nhận được đầy đủ những gì xứng đáng với công sức của ông !”. “Không đâu, khi đi về ngươi hãy chú ý đến những luống hoa bên vệ đường”. Quả thật, dọc theo bên đường là những luống hoa thật rực rỡ. Cái chậu nứt cảm thấy vui vẻ một lúc, nhưng rồi về đến nhà nó vẫn chỉ còn phân nửa nước.
 “Tôi xin lỗi ông!”. “Ngươi không chú ý rằng hoa chỉ mọc bên này đường, phía của ngươi thôi sao?Ta đã biết được vết nứt của ngươi và đã tận dụng nó. Ta gieo những hạt giống hoa bên vệ đường phía bên ngươi và trong những năm qua ngươi đã vun tưới cho chúng. Ta hái những cánh hoa đó để trang hoàng căn nhà. Nếu không có ngươi, nhà ta không ấm cúng và duyên dáng thế này đâu”.
 Cuộc sống của mỗi chúng ta đều có thể như cái chậu nứt, hãy biết tận dụng vết nứt của mình.
(Dẫn theo Quà tặng cuộc sống, NXB trẻ ,2007)
 Hãy viết bài văn trình bày cảm nhận của em về ý ngĩa câu chuyện trên.
Câu 3: (10 điểm)
	“Đọc một câu thơ nghĩa là ta gặp gỡ tâm hồn con người”
	 ( Ana tôn Prance. )
	Câu nói trên của nhà văn Pháp giúp em cảm nhận được những gì khi học hai bài thơ Cảnh khuya và Rằm tháng giêng của Hồ Chí Minh.
 
- HẾT -
	Duyệt của BGH	 Người ra đề



	Trần Thị Khuyên

HƯỚNG DẪN CHẤM

Câu 1: (4 điểm)
* Yêu cầu 1: (1 điểm)
Chỉ ra những quan hệ từ: Mặc dầu, mà
(Chỉ đúng mỗi từ cho 0,5 điểm)
* Yêu cầu 2: Phân tích được ý nghĩa của việc sử dụng quan hệ từ (3 điểm):
 - Việc sử dụng các quan hệ từ mặc dầu, mà chỉ sự đối lập giữa bề ngoài của chiếc bánh trôi nước với cái nhân của nó, chiếc bánh trôi có thể rắn hay nát, khô hay nhão là do tay người nặn nhưng dù thể rắn hay nát, khô hay nhão thì bên trong cũng có nhân màu hồng son, ngọt lịm.
 - Đó cũng là sự đối lập giữa hoàn cảnh xã hội với việc giữ gìn tấm lòng son sắt của người phụ nữ.
 - Việc sử dụng cặp quan hệ từ trên tạo nên một cách dõng dạc và dứt khoát thể hiện rõ thái độ quyết tâm bảo vệ giữ gìn nhân phẩm của người phụ nữ trong bất cứ hoàn cảnh nào.
 - Việc sử dụng cặp quan hệ từ trên cũng đã thể hiện thái độ đề cao, bênh vực người phụ nư của Hồ Xuân Hương.
 Câu 2: (6 điểm )
 *. Yêu cầu:
 1. Về kĩ năng : (1 điểm)
- Bài viết có bố cục và cách trình hợp lí.
- Hệ thống ý (luận điểm) rõ ràng và được triển khai tốt.
- Diễn đạt tốt, không mắc lỗi chính tả, lỗi dùng từ và ngữ pháp.
 2. Về kiến thức: (5 điểm)
 Trình bày được các ý chính sau.
 a Trình bày được cảm nhận về vấn đề câu chuyện nêu ra: từ câu chuyện cái chậu nứt cắn rứt, xấu hổ vì mình đã không làm tròn nhiệm vụ mà không biết rằng; chính vết nứt của mình làm tươi tốt những luống hoa bên vệ đường, góp phần làm đẹp căn nhà của người chủ. Câu chuyện gợi lên những suy ngẫm về triết lí cuộc sống: 
+ Mỗi con người có thể có khuyết điểm(như vết nứt của cái chậu) nhưng không vì thế mà người ấy trở nên vô dụng , bỏ đi. Con người có thể có những khiếm khuyết ở mặt này, việc này nhưng lại hữu dụng ở việc khác, mặt khác. Hãy biết tự tin và tận dụng “vết nứt” của mình.
+ Câu chuyện cũng nêu lên bài học về nhìn nhận, đánh giá và sử dụng con người. Cái chậu nứt cũng trở nên hữu dụng nhờ người chủ biết tận dụng vết nứt của nó để tưới cho những luống hoa. Con người, dù là có khiếm khuyết cũng có thể hữu dụng nếu người quản lí biết dùng người đúng việc, đúng người. Ông cha ta dạy: dụng nhân như dụng mộc chính là ở ý nghĩa này, một cái nhìn rất nhân văn về con người.
 b. Liên hệ bản thân, xác định quan điểm sống: tự tin, không mặc cảm dù mình có khiếm khuyết; biết tận dụng “vết nứt” của mình; luôn sống cống hiến hết khả năng của mình…
* Biểu điểm: Có 2 ý : 
+ Ý a : cho 4 điểm 
+ Ý b : cho 1 điểm 

Câu 3: ( 10 điểm)
Yêu cầu chung:
- Trên cơ sở hiểu đúng hai bài thơ trữ tình của Hồ Chí Minh để làm sáng tỏ yêu cầu của đề bài, biết cách làm bài văn nghị luận văn học.
Yêu cầu cụ thể:
HS có thể trình bày, sắp xếp theo nhiều cách, cảm thụ đôi chỗ khác nhau nhưng cần đạt được các ý sau:
Tâm hồn yêu thiên nhiên, gắn bó chan hoà với thiên nhiên:
+ Viết nhiều về thiên nhiên ( Đặc biệt là trăng.)
+ Có nhiều rung động, sự say mê trước vẻ đẹp của thiên nhiên Việt Bắc.
+ Chan hoà, mật thiết với thiên nhiên, cảnh vật.
Tình yêu thiên nhiên luôn gắn liền với tình yêu nước sâu nặng.
+ Chất nghệ sĩ và tâm trạng người chiến sĩ luôn thống nhất trong con người của Bác.
+ Thể hiện phong thái ung dung lạc quan của Bác. 
Tiêu chuẩn cho điểm:
Điểm 10: Đáp ứng yêu cầu nêu trên, diễn đạt mạch lạc, trình bày khoa học. Có những cảm nhận và phát hiện mới mẻ, tinh tế.
Điểm 6: Đáp ứng phần lớn các yêu cầu trên. Có thể còn một vài sai sót nhỏ về diễn đạt, trình bày.
Điểm 3: Chưa thật hiểu đề, bài làm còn mắc nhiều lỗi diễn đạt.


 Người ra đề


 
 Trần Thị Khuyên

Xác nhận của Tổ chuyên môn . Xác nhận của BGH

 
……………………………………… ……………………………………
……………………………………… …………………………………….
……………………………………… …………………………………….
……………………………………… .……………………………………

File đính kèm:

  • docDe HSG van 7Thanh Van.doc
Đề thi liên quan