Đề thi olympic lớp 7 năm học 2013-2014 trường trung học cơ sở Tân Ước
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đề thi olympic lớp 7 năm học 2013-2014 trường trung học cơ sở Tân Ước, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
PHÒNG GD&ĐT THANH OAI TRƯỜNGTHCS TÂN ƯỚC Đề chính thức ĐỀ THI OLYMPIC LỚP 7 Năm học 2013-2014 Môn thi: Ngữ văn Thời gian làm bài :120 phút( Không kể thời gian giao đề) Câu 1 ( 4 điểm): Trình bày cảm nhận của em về đoạn văn sau : “ Tôi yêu Sài Gòn da diết .... Tôi yêu trong nắng sớm, một thứ nắng ngọt ngào, vào buổi chiều lộng gió nhớ thương, dưới những cây mưa nhiệt đới bất ngờ. Tôi yêu thời tiết trái chứng với trời đang ui ui buồn bã, bỗng nhiên trong vắt lại như thủy tinh. Tôi yêu cả đêm khuya thưa thớt tiếng ồn. Tôi yêu phố phường náo động, dập dìu xe cộ vào những giờ cao điểm. Yêu cả cái tĩnh lặng của buổi sáng tinh sương với làn không khí mát dịu, thanh sạch trên một số đường còn nhiều cây xanh che chở. Nếu cho là cường điệu, xin thưa : “ Yêu nhau yêu cả đường đi Ghét nhau ghét cả tông chi, họ hàng”. ( Sài Gòn tôi yêu – Minh Hương – Ngữ văn 7, tập 1) Câu 2 ( 6 điểm): Suy nghĩ của em về câu chuyện sau : Những quả táo sâu Một người đàn ông bị lạc trong một khu rừng rậm đã mấy ngày. Ông vừa mệt mỏi đói khát, lại vừa mất phương hướng và bắt đầu kiệt sức. Trong lúc hoàn toàn tuyệt vọng ấy, ông nhìn thấy một cây táo ở đằng xa. Cố lê hết sức đến đó, ông nhặt ngay một quả táo rơi dưới gốc và cắn một miếng to. Nhưng quả táo đầy sâu, cứ cắn một miếng là phát hiện quả táo bị sâu khiến ông phải nhả ra. Ông nhặt hết quả táo này đến quả táo khác, ông hái cả những quả còn trên cành nhưng tất cả đều bị sâu. Không còn sự lựa chọn nào khác, người đàn ông đành phải nhắm mắt lại và cắn thật nhanh, bởi vì nếu mở mắt ra, ông sẽ không dám ăn. Ông đã sống sót và có sức lực để tiếp tục hành trình của mình – nhờ những quả táo sâu. ( Hạt giống tâm hồn). Câu 3 ( 10 điểm): Cảm nghĩ của em về hình ảnh Bác Hồ qua hai bài thơ “ Cảnh khuya” và “Rằm tháng giêng”. ---------------Hết--------------- ( Giáo viên không giải thích gì thêm). Họ và tên :................................................................Số báo danh :........................... PHÒNG GD&ĐT THANH OAI HƯỚNG DẪN CHẤM TRƯỜNG THCS TÂN ƯỚC ĐỀ THI OLYMPIC NGỮ VĂN LỚP 7 Câu 1 (4 điểm). * Yêu cầu về kĩ năng : ( 0.25 điểm). - Bài viết có bố cục và cách trình bày hợp lý : học sinh có thể trình bày thành đoạn văn hoặc có thể viết thành một bài văn ngắn về cảm nhận của mình. - Hệ thống ý rõ ràng và được triển khai tốt. - Diễn đạt tốt, không mắc lỗi chính tả, lỗi dùng từ và ngữ pháp. * Yêu cầu về nội dung : Đây là đoạn văn biểu cảm tình yêu Sài Gòn của nhân vật trữ tình trong tuỳ bút Sài Gòn tôi yêu của Minh Hương. ( 0.25 điểm). - Câu mở đầu đoạn văn bộc lộ tình cảm một cách khái quát, những câu sau bộc lộ tình yêu Sài Gòn một cách cụ thể của tôi. Với những hình ảnh đối lập, sự liệt kê cho thấy tôi yêu sài Gòn da diết, yêu rất nhiều thứ, nhiều lúc, nhiều nơi : Yêu thiên nhiên yêu nắng, yêu mưa, yêu sớm, yêu chiều, yêu đêm, yêu ngày, yêu nhịp sống của phố phường lúc tĩnh lặng, yêu cả những lúc phố phuờng náo động, dập dìu, yêu những lúc thời tiết đẹp trời, rồi yêu cả những lúc thời tiết trái chứng trở trời. (1đ). Và cuối cùng tác giả lí giải cho cái tình cảm của mình bằng một câu ca dao càng làm nổi bật tình yêu sâu sắc đối với quê hương. Thông qua tình yêu của tác giả ta cảm nhận được nét đẹp riêng, độc đáo của thiên nhiên, khí hậu và phố phường Sài Gòn. (1đ). - Điệp ngữ tôi yêu nhắc đi nhắc lại nhiều lần cùng với hình ảnh gợi cảm nắng ngọt ngào, gió nhớ thương, cây mưa nhiệt đới bất ngờ, trời ui ui buồn bã,… ta như cảm thấy nhân vật trữ tình huy động tất cả các giác quan để cảm nhận một cách tinh tế thiên nhiên, phố phường Sài Gòn để bộc lộ tình yêu Sài Gòn sâu nặng, thiết tha. (1đ). - Đoạn văn gợi nhắc mọi người về tình yêu đối với quê hương, đất nước. ( 0.5 đ). Câu 2 (6 điểm). Những trái táo sâu : * Yêu cầu về kĩ năng : ( 1 điểm). - Bài viết có bố cục và cách trình bày hợp lý. - Hệ thống ý ( luận điểm) rõ ràng và được triển khai tốt. - Diễn đạt tốt, không mắc lỗi chính tả, lỗi dùng từ và ngữ pháp. * Yêu cầu về nội dung : ( 5 điểm). - Học sinh biết tóm tắt và nhận xét khái quát câu chuyện : Câu chuyện về người đàn ông đói khát với những trái táo sâu, nhưng chính nhờ ăn những trái táo sâu đó đã giúp ông có thêm sức lực để tiếp tục cuộc hành trình. ( 1 điểm). - Ý nghĩa của câu chuyện : + Trong cuộc sống sẽ có những tình huống hay sự thật đôi khi quá khó khăn và nghiệt ngã để chấp nhận ( Những trái táo sâu). ( 1 điểm). + Nhưng nếu chúng ta dám dũng cảm đối mặt để vượt qua dù chỉ một lần ( ăn những trái táo sâu đó) – chúng ta sẽ trưởng thành hơn qua những nghịch cảnh, thử thách đó ( sống sót và có sức lực tiếp tục cuộc hành trình). ( 1 điểm). - Bài học : + Cuộc sống dù có khó khăn nhưng hãy biết chấp nhận khó khăn đó để vượt qua, nhìn vào phía trước nơi có những điều hạnh phúc đang chờ đợi. ( 1 điểm). + Liên hệ bản thân mình. ( 1 điểm). Lưu ý : Học sinh có thể có nhiều suy nghĩ khác nhưng về cơ bản nêu được các ý trên. Giáo viên khuyến khích cho điểm những bài viết có sự sáng tạo. Câu 3 (10 điểm). 1. Yêu cầu về kĩ năng và hình thức : ( 1 điểm). - Xác định đúng kiểu bài phát biểu cảm nghĩ. - Viết bài phải có bố cục rõ ràng thể hiện được tình cảm, cảm xúc của mình. - Trình bày sạch đẹp, câu chữ rõ ràng, hành văn giàu cảm xúc và trôi chảy. 2. Yêu cầu về nội dung : ( 9 điểm). Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau trên cơ sở hiểu rõ yêu cầu của đề, cần nói được cảm nghĩ của mình về hình ảnh Bác Hồ qua hai bài thơ, xúc động vì biết thêm những tình cảm cao đẹp trong tâm hồn Bác : Yêu thiên nhiên, nặng lòng vì nước vì dân, ung dung, lạc quan cách mạng. Cụ thể cần trình bày được một số ý cơ bản sau : a. Mở bài : ( 1 điểm) - Giới thiệu khái quát về Hồ Chí Minh : + Là lãnh tụ vĩ đại của Việt Nam, là chiến sĩ, nhà thơ, nhà văn lớn. - Giới thiệu khái quát cảm nghĩ của bản thân về Bác - Giới thiệu hoàn cảnh sáng tác bài thơ : + Bài thơ được viết trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Hai bài thơ miêu tả cảnh ánh trăng ở chiến khu Việt Bắc, thể hiện tình cảm với thiên nhiên, tâm hồn nhạy cảm, lòng yêu nước sâu nặng và phong thái ung dung lạc quan của Bác Hồ. b. Thân bài : Học sinh trình bày được các ý sau: - Cảm động và tự hào trước vẻ đẹp tâm hồn Bác, một tâm hồn yêu thiên nhiên, nhạy cảm và rung động trước cảnh đẹp thiên nhiên nơi chiến khu Việt Bắc. Cảnh rừng Việt Bắc qua sự cảm nhận của Người đẹp lung linh huyền ảo như chốn động tiên với tiếng suối, tiếng hát, bóng cây, bóng hoa, bóng trăng lồng vào nhau : “ Tiếng suối trong như tiếng hát xa Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa”. Một tâm hồn thơ rất giàu, rất khỏe tràn đầy sức xuân hòa nhập vào ánh trăng viên mãn chất đầy trong khoang thuyền ( 2 điểm) : “ Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên, Xuân giang, xuân thủy, tiếp xuân thiên”. - Xúc động, biết ơn trước tấm lòng yêu nước của Bác. Người đã thao thức không ngủ được vì “ Lo nỗi nước nhà”, lòng yêu nước của Bác gắn liền với nỗi lo cho dân, cho vận mệnh của đất nước. Thấm thía tình yêu thương của Bác dành cho dân, cho nước. Tấm lòng yêu nước, thương dân của Bác thấm nhuần trong mỗi dòng thơ nét chữ. ( 2 điểm) - Khâm phục tinh thần lạc quan cách mạng, phong thái ung dung vẻ đẹp ung dung tự tại của người chiến sĩ cách mạng, nhà chiến lược vĩ đại của dân tộc giữa một không gian bát ngát đầy trăng. Với vị chỉ huy tối cao của cuộc kháng chiến trong một thời điểm đầy thử thách, phong thái ung dung ấy thể hiện bản lĩnh lớn của con người làm chủ trước mọi hoàn cảnh. Bản lĩnh đó thể hiện chất thép trong con người Bác. ( 2 điểm). “ Yên ba thâm xứ đàm quân sự Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền”. Hai bài thơ của Bác khiến em vô cùng xúc động trước lòng yêu thiên nhiên, yêu nước của Bác. Khâm phục, kính trọng Bác và càng tự hào, biết ơn Bác, thế hệ trẻ luôn nguyện học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người. ( 1 điểm). c. Kết bài : ( 1 điểm) - Khẳng định lại tình cảm của mình về hình ảnh Bác Hồ qua hai bài thơ “ Cảnh khuya” và “ Rằm tháng giêng”. - Liên hệ bản thân : Bản thân em phải làm gì để xứng đáng là cháu Bác Hồ kính yêu. * Cách cho điểm : - Điểm 9 – 10 : Bài đạt xuất sắc các yêu cầu trên, có nhiều sáng tạo. - Điểm 7 – 8 : Bài có đủ nội dung, có một số lỗi nhỏ về hình thức. - Điểm 5 – 6 : Bài có đủ nội dung nhưng sơ sài, còn một số lỗi hình thức diễn đạt. - Điểm 3 – 4 : Bài đạt khoảng một nửa nội dung, còn lỗi hình thức. - Điểm 1 - 2 : Bài có nội dung mờ nhạt, mắc nhiều lỗi hình thức. * Giáo viên căn cứ vào bài viết của học sinh để cho điểm. Tân Ước, ngày 22 tháng 3 năm 2014 Xác nhận của tổ KHXH Người ra đề Lê Thị Vân Anh Xác nhận của Ban giám hiệu
File đính kèm:
- De HSG van 7 Tan Uoc.doc