Đề thi olympic lớp 8 (2013-2014) Môn Thi: Ngữ Văn Trường THCS Thanh Cao
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đề thi olympic lớp 8 (2013-2014) Môn Thi: Ngữ Văn Trường THCS Thanh Cao, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
PHÒNG GD&ĐT THANH OAI Trường THCS Thanh Cao ĐỀ THI OLYMPIC LỚP 8 (2013-2014) Môn thi: Ngữ văn Thời gian làm bài :120 phút (Không kể thời gian giao đề) ĐỀ: Câu 1(4đ): Hãy phân tích tác dụng của biện pháp nghệ thuật trong hai câu thơ: “Chiếc thuyền im bến mỏi trở về nằm Nghe chất muối thấm dần trong thớ vỏ” (Quê hương – Tế Hanh) Câu 2 (6đ): Đọc câu chuyện sau rồi trình bày suy nghĩ của em bằng một bài văn ngắn. Có người cha mắc bệnh rất nặng. Ông gọi hai người con trai đến bên giường và ân cần nhắc nhở: “Sau khi cha qua đời, hai con cần phải phân chia tài sản một cách thỏa đáng, đừng vì chuyện này mà cãi nhau!” Hai anh em hứa sẽ làm theo lời cha. Khi cha qua đời, họ phân chia tài sản làm đôi. Nhưng sau đó, người anh cho rằng người em chia không công bằng và cuộc tranh cãi nổ ra. Một ông già thông thái đã dạy cho họ cách chia công bằng nhất: Đem tất cả đồ đạc ra cưa đôi thành hai phần bằng nhau tuyệt đối. Hai anh em đó đồng ý. Kết cục tài sản ấy được chia công bằng tuyệt đối nhưng đó chỉ là đống đồ bỏ đi. Câu 3 (10đ): Sự phát triển của ý thức độc lập và tinh thần tự hào dân tộc qua “Chiếu dời đô” (Lý Công Uẩn); “Hịch tướng sĩ” (Trần Quốc Tuấn) và “Nước Đại Việt ta” (Trích “Bình Ngô Đại cáo” – Nguyễn Trãi). - Hết – *Chú ý: Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm. HƯỚNG DẪN CHẤM Câu 1(4đ): * Học sinh chỉ ra được biện pháp nghệ thuật trong hai câu thơ: (1đ) 1. Nhân hóa: Chiếc thuyền “im”, “mỏi”, “nằm” 2. Ẩn dụ chuyển đổi cảm giác: “Nghe chất muối” (thính giác chuyển thành cảm giác) * Tác dụng: (3đ) - Gợi hình: Gợi lên hình ảnh chiếc thuyền như một người dân chài sau khi vật lộn với sóng gió biển khơi trở về. Tác giả không chỉ “thấy” con thuyền đang nằm im trên bến mà còn thấy sự mệt mỏi, say sưa, còn “cảm thấy” con thuyền ấy như đang lắng nghe cảm nhận chất muối thấm dần trong từng thớ vỏ của nó. Con thuyền vô tri đã trở lên có hồn, có một tâm hồn rất tinh tế. Cũng như người dân chài, con thuyền lao động ấy cũng thấm đậm vị muối mặn mòi của biển khơi. (2đ) - Gợi cảm: Con người làng chài quả là đáng mến, đáng trân trọng biết bao bởi vẻ đẹp của con người lao động. Cho thấy tác giả có một tâm hồn tinh tế, tài hoa, một tấm lòng gắn bó sâu nặng với con người cùng cuộc sống lao động làng chài quê hương thì mới có những câu thơ hay đến như vậy. Từ đó người đọc cảm thấy yêu mến quê hương làng chài của nhà thơ.(1đ) Câu 2 (6đ): *Yêu cầu về kĩ năng:(1 điểm) - Bài viết có bố cục và cách trình bày hợp lí. - Hệ thống ý (luận điểm) rõ ràng và được triển khai tốt. - Diễn đạt tốt không mắc lỗi chính tả, lỗi dùng từ và ngữ pháp. *Yêu cầu về nội dung: (5 điểm) Bài viết của học sinh cơ bản có các ý sau: - Tóm tắt mẩu chuyện: (1 điểm) + Câu chuyện kể về việc phân chia tài sản của hai anh em nhà nọ. Hai anh em đã tìm thấy sự công bằng ở chỗ cưa đôi mọi thứ đồ đạc trong gia đình ra. + Câu chuyện đã thể hiện sự phê phán đối với những ai đòi hỏi sự công bằng tuyệt đối mà không nghĩ đến tình anh em và hậu quả của nó. Ý nghĩa câu chuyện: (2 điểm) + Trên đời này không tồn tại sự công bằng tuyệt đối. + Nếu lúc nào cũng tìm kiếm sự công bằng tuyệt đối thì kết cục chẳng ai được lợi gì. + Sự công bằng chỉ tồn tại trong trái tim chúng ta (tình yêu thương, lòng vị tha) Bài học rút ra cho bản thân: (2 điểm) + Cần biết đặt tình anh em lên trên mọi thứ của cải. + Trong bất cứ chuyện gì không nên tính toán quá chi li, nhường nhịn chính là tạo nên sự công bằng tuyệt đối. Câu 3 (10đ): A. Yêu cầu: 1. Kỹ năng: - Làm đúng kiểu bài nghị luận văn học - Biết cách xây dựng và trình bày hệ thống luận điểm, sử dụng yếu tố biểu cảm, tự sự và miêu tả một cách hợp lí. - Bố cục rõ ràng, kết cấu chặt chẽ, diễn đạt lưu loát, mạch lạc. - Không mắc các lỗi: chính tả, dùng từ, ngữ pháp,… 2. Nội dung: Làm rõ sự phát triển của ý thức độc lập và tinh thần tự hào dân tộc qua một số tác phẩm văn học yêu nước trung đại (từ thế kỉ XI ® XV): “Chiếu dời đô” (Lý Công Uẩn); “Hịch tướng sĩ” (Trần Quốc Tuấn) và “Nước Đại Việt ta” (Trích “Bình Ngô Đại cáo” – Nguyễn Trãi). (*) Học sinh có thể làm bài theo dàn ý sau: * Mở bài: - Dẫn dắt vấn đề: Truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam - Nêu vấn đề: ý thức độc lập và tinh thần tự hào dân tộc trong “Chiếu dời đô” (Lý Công Uẩn); “Hịch tướng sĩ” (Trần Quốc Tuấn) và “Nước Đại Việt ta” (Trích “Bình Ngô Đại cáo” – Nguyễn Trãi). * Thân bài: Sự phát triển của ý thức độc lập và tinh thần tự hào dân tộc trong “Chiếu dời đô”; “Hịch tướng sĩ”;“Nước Đại Việt ta” là sự phát triển liên tục, ngày càng phong phú, sâu sắc và toàn diện hơn. a) Trước hết là ý thức về quốc gia độc lập, thống nhất với việc dời đô ra chốn trung tâm thắng địa ở thế kỷ XI (Chiếu dời đô). - Khát vọng xây dựng đất nước hùng cường, vững bền, đời sống nhân dân thanh bình, triều đại thịnh trị: + Thể hiện ở mục đích của việc dời đô. + Thể hiện ở cách nhìn về mối quan hệ giữa triều đại, đất nước và nhân dân. - Khí phách của một dân tộc tự cường: + Thống nhất giang sơn về một mối. + Khẳng định tư cách độc lập ngang hàng với phong kiến phương Bắc. + Niềm tin vào tương lai bền vững muôn đời của đất nước. b) Sự phát triển của ý thức độc lập và tinh thần tự hào dân tộc được phát triển cao hơn thành quyết tâm chiến đấu, chiến thắng ngoại xâm để bảo toàn giang sơn xã tắc ở thế kỷ XIII (Hịch tướng sĩ). - Lòng yêu nước, căm thù giặc sâu sắc: Ý chí xả thân cứu nước… - Tinh thần quyết chiến, quyết thắng: + Nâng cao tinh thần cảnh giác, tích cực chăm lo luyện tập võ nghệ. + Quyết tâm đánh giặc Mông – Nguyên vì sự sống còn và niềm vinh quang của dân tộc. c) Ý thức độc lập và tinh thần tự hào dân tộc được phát triển cao nhất qua tư tưởng nhân nghĩa vì dân trừ bạo và quan niệm toàn diện sâu sắc về sự tồn tại độc lập có chủ quyền của dân tộc Đại Việt (Nước Đại Việt ta) - Nêu cao tư tưởng “nhân nghĩa” vì dân trừ bạo…. - Chân lí về sự tồn tại độc lập có chủ quyền của dân tộc: + Có nền văn hiến lâu đời. + Có cương vực lãnh thổ riêng. + Có phong tục tập quán riêng. + Có lịch sử trải qua nhiều triều đại. + Có chế độ chủ quyền riêng với nhiều anh hùng hào kiệt. Tất cả tạo nên tầm vóc và sức mạnh Đại Việt để đánh bại mọi âm mưu xâm lược lập nên bao chiến công oanh liệt,…. * Kết bài: - Khẳng định vấn đề… - Suy nghĩ của bản thân… B. Tiêu chuẩn cho điểm: - Những bài viết đạt xuất sắc các yêu cầu trên, cảm xúc chân thành . Đạt 10 điểm - Đáp ứng những yêu cầu trên, có thể còn vài sai sót nhỏ. 8 - 9đ - Đáp ứng cơ bản những yêu cầu trên. Bố cục rõ ràng, diễn đạt tương đối lưu loát. Còn lúng túng trong việc vận dụng kết hợp các yếu tố tự sự, miêu tả và biểu cảm, mắc vài lỗi về chính tả. 6 - 7đ - Bài làm có nội dung nhìn chung tỏ ra hiểu đề. Xây dựng hệ thống luận điểm chưa đầy đủ hoặc thiếu mạch lạc, diễn đạt còn dài dòng, lặp ý, một số chỗ còn lủng củng. 4 - 5đ - Sai một số nội dung cơ bản, lập luận chưa chặt chẽ, rời rạc các ý, mắc một số lỗi về chính tả hoặc diễn đạt. 1 - 3đ *Lưu ý: Giáo viên chấm bài. Tuỳ theo bài làm học sinh mà cho điểm thích hợp - khuyến khích đối với các bài làm sáng tạo, có cảm xúc văn viết hay để cho điểm phù hợp.
File đính kèm:
- De HSG van 8 Thanh Cao.doc