Đề thi olympic lớp 8 Trường THCS Nguyễn Trực – Kim Bài Năm học 2013 – 2014 Môn thi : Ngữ văn

doc4 trang | Chia sẻ: dethi | Lượt xem: 6084 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đề thi olympic lớp 8 Trường THCS Nguyễn Trực – Kim Bài Năm học 2013 – 2014 Môn thi : Ngữ văn, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Phòng GD & ĐT Thanh Oai ĐỀ thi OLYMPIC lỚp 8
Trường THCS Nguyễn Trực – Kim Bài Năm học 2013 – 2014
 Môn thi : Ngữ văn
 (Thời gian : 120 phút)


Câu 1 : (4 điểm)
 Trình bày sự cảm nhận của em về đoạn văn sau : 
 " Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối ; ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa ; chỉ căm tức chưa xả thịt, lột da, nuốt gan uống máu quân thù . Dẫu cho trăm thân này phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác này gói trong da ngựa, ta cũng vui lòng" .
 (Trích Hịch tướng sĩ – Trần Quốc Tuấn)
Câu 2 : (6 điểm)
 Nhà viết truyên cổ tích nổi tiếng thế giới An-đéc-xen từng quan niệm : 
 "Người sống lâu nhất không phải là người nhiều tuổi nhất mà là người có cảm xúc trước cuộc đời nhiều nhất" .
 Theo em, cảm xúc đóng vai trò như thế nào trong việc hoàn thiện nhân cách con người cũng như trong việc học Văn . 
Câu 3: (10 điểm) 
 Khát vọng tự do là một trong những tư tưởng phổ biến trong nhiều tác phẩm thơ ca Việt Nam hiện đại trước 1945 . Hãy làm sáng tỏ điều đó qua hai đoạn thơ sau : 
 Gậm một khối căm hờn trong cũi sắt,
 Ta nằm dài trông ngày tháng dần qua,
 Khinh lũ người kia ngạo mạn ngẩn ngơ,
Giương mắt bé giễu oai linh rừng thẳm .
 Nay sa cơ, bị nhục nhằn tù hãm,
 Để làm trò lạ mắt thứ đồ chơi,
 Chịu ngang bầy cùng bọn gấu dở hơi,
 Với cặp báo chuồng bên vô tư lự .
 
 (Trích Nhớ rừng – Thế Lữ)
Và : 

Ta nghe hè dậy bên lòng
Mà chân muốn đạp tan phòng, hè ôi !
Ngột làm sao, chết uất thôi
Con chim tu hú ngoài trời cứ kêu !
 
 (Trích Khi con tu hú – Tố Hữu)

Hết


HƯỚNG DẪN CHẤM
Câu 1 : (4 điểm)

* Về hình thức (1 điểm) :
- Có thể trình bày bằng cách viết đoạn văn hoặc bài văn ngắn .
- Lập luận rõ ràng chặt chẽ, có chất văn, không mắc lỗi diễn đạt .

* Về nội dung (3 điểm) :
- HS chỉ rõ đây là đoạn văn hay nhất, hào hùng nhất trong hịch . Từ xưa đến nay được nhiều người truyền tụng .(0,5 điểm)
- Đoạn văn thể hiện rõ nỗi lòng của vị chủ tướng (1điểm) : Yêu nước, căm thù giặc, ý chí quyết tâm chiến đấu chống kẻ thù .
- Các nét đặc sắc về nghệ thuật (1điểm) : Cấu trúc trùng điệp, mạch văn cắt thành nhiều vế cân xứng. Lời văn đanh thép giàu hình ảnh . Hình ảnh ẩn dụ so sánh . Các động từ mạnh . Lối nói khoa trương, các điển tích -> Làm nổi bật nỗi lòng của Trần Quốc Tuấn .
- Đoạn văn dấy lên trong ta lòng yêu nước và ý thức bảo vệ chủ quyền của đất nước trong thời hiện tại . (0,5 điểm)

Câu 2 :(6 điểm)

*Về hình thức (1 điểm) :
Yêu cầu bài viết cần được trình bày dưới dạng một bài văn nghị luận hoàn chỉnh . Bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ, mắc ít lỗi diễn đạt .

*Về nội dung (5 điểm) : Đảm bảo đầy đủ các ý sau :
1- Cảm xúc đóng vai trò quan trọng trong việc hoàn thiện nhân cách của con người . (3 điểm)
- Cảm xúc là những biểu hiện tình cảm của con người trước cuộc sống, những vui buồn, yêu ghét, mừng lo . Nhờ nó mà cuộc sống của mỗi cá nhân được kết nối với cộng đồng, với xã hội . Lạnh lùng, vô cảm là tự tách mình ra khỏi cuộc sống của con người .
- Cảm xúc dẫn con người tới những hành động, giúp con người có những trải nghiệm về đời sống, nhờ đó mà rút ra những bài học, những kinh nghiệm sống làm trí tuệ ngày càng được mở mang, tâm hồn ngày càng trở nên phong phú (HS cho dẫn chứng). Chính vì lẽ đó mà nhà văn An-đéc-xen mới gọi họ là "những người sống lâu nhất" . 
- Tất nhiên không phải cảm xúc nào cũng có tác dụng tích cực đối với đời sống con người . Sự thù hận, thói ganh ghét, kiêu căng, tự phụ có thể đầu độc cuộc sống con người . Chính vì thế mà con người phải biết làm chủ cảm xúc của mình, phải biết trau dồi nuôi dưỡng những cảm xúc tốt đẹp . Đó cũng là một phần trong quá trình hoàn thiện nhân cách con người .
2- Cảm xúc đóng vai trò quan trọng trong việc học văn (2 điểm) :
- Tác phẩm văn học là sự kết tinh trí tuệ, tâm hồn, tình cảm của nhà văn. Không có cảm xúc thật mãnh liệt, nhà văn không thể sáng tác được những tác phẩm có giá trị (dẫn chứng) .
- Đọc tác phẩm văn học, nếu người đọc không có được sự đồng cảm với người viết, không hòa mình vào dòng cảm xúc dâng trào của nhà văn thì sẽ không nghe được cái tiếng nói của nhà văn .

Câu 3 (10 điểm)
 
I. Yêu cầu chung
- Học sinh tạo lập được một văn bản nghị luận văn học hoàn chỉnh, bàn, phân tích một nội dung liên quan đến hai tác phẩm đã học.
- Trình bày rõ ràng, ít mắc lỗi diễn đạt, chính tả, có cảm xúc khi viết.

II. Yêu cầu cụ thể
Học sinh trình bày được các nội dung chính sau:

1. Giới thiệu chung:(1 điểm)
- Giới thiệu được hai tác phẩm, hai tác giả: Nhớ rừng của Thế Lữ là tác phẩm tiêu biểu của Thơ mới 1932 - 1945; Khi con tu hú là một trong nhiều sáng tác trong tù đặc sắc của Tố Hữu trong tập thơ Từ ấy, tiêu biểu cho thơ ca cách mạng trước 1945.
- Vị trí hai đoạn thơ: đoạn thơ trích trong Nhớ rừng là đoạn đầu của bài; đoạn thơ trích trong Khi con tu hú là phần cuối của bài.

2. Phân tích, chứng minh: (8 điểm)
a. Tổng quát: (1 điểm)
- Giải thích khát vọng (khao khát, khát khao) tự do là khao khát, ước muốn có tự do, thoát khỏi tình cảnh tù túng, mất tự do, mong muốn được sống đúng với lý tưởng, hoài bão, giá trị bản thân, không bị trói buộc bởi ngoại cảnh. Khát vọng tự do là tư tưởng chủ yếu được thể hiện trong hai bài thơ.
- Khái quát về đặc điểm Thơ mới (Văn học lãng mạn) và thơ ca cách mạng trước 1945: Thơ mới là một bộ phận của Văn học lãng mạn trước 1945, xu hướng đổi mới thơ ca về hình thức nghệ thuật và nhất là nội dung tư tưởng; Thơ mới chủ yếu hướng đến giải phóng cái Tôi cá nhân, đề cao bản ngã, tự do cá nhân. Thơ ca cách mạng trước 1945 lại là xu hướng thơ thể hiện tiếng nói đấu tranh cách mạng theo khuynh hướng vô sản, có nội dung tư tưởng tiến bộ, là vũ khí đấu tranh cách mạng của các chiến sỹ cộng sản, thể hiện khát vọng tự do cao cả. Hai đoạn thơ đại diện cho hai khuynh hướng thơ ca Việt Nam trước 1945.
b. Phân tích hai đoạn thơ để chứng minh: (6 điểm)

* Điểm tương đồng: Khát vọng tự do đều thể hiện ở chỗ: (2đ)
- Hai đoạn thơ đều thể hiện tâm trạng bức bối, căm uất của những thân phận tù ngục, mất tự do trong cảnh nô lệ tăm tối của đất nước. (dẫn chứng và phân tích)
- Hai đoạn thơ đều hướng đến cuộc sống tự do bên ngoài, đấu tranh để thoát khỏi cảnh ngục tù, mất tự do.

* Điểm riêng độc đáo: Cách thể hiện khát vọng tự do, biểu hiện cụ thể của khát vọng này ở hai đoạn thơ khác nhau:(4đ)
- Đoạn thơ trong Nhớ rừng của Thế Lữ: Là những vần thơ đậm chất lãng mạn, dạt dào cảm xúc, rất mới về ngôn từ. Khát vọng tự do thể hiện qua: tình cảnh tù ngục, mất tự do rất đỗi thê thảm của chúa sơn lâm; nỗi căm uất cho thân phận; thể hiện sự ý thức rõ về thân phận sa cơ, bị hạ thấp, bị biến thành trò mua vui cho người đời; tâm trạng tủi nhục vì thân phận mất tự do. (dẫn chứng và phân tích).
- Đoạn thơ trong Khi con tu hú của Tố Hữu thể hiện khát vọng tự do qua tâm trạng căm uất của một chiến sỹ cộng sản khi bị tù đày mà nghe hè về bên ngoài. Thể hiện khát vọng tự do qua cảm giác ngột ngạt, bức bối vì mất tự do. Đặc biệt, khát vọng ấy thể hiện qua khao khát tung phá, đập tan gông cùm, xiềng xích tù đày để đến với tự do. (dẫn chứng và phân tích).
- Đoạn thơ trong Nhớ rừng của Thế Lữ là những vần thơ lãng mạn, đại diện cho khát vọng tự do, tâm sự của cả một lớp trí thức bế tắc trước thời cuộc. Trong khi đó, đoạn thơ trong Khi con tu hú của Tố Hữu lại là những vẫn thơ cách mạng đầy nhiệt huyết tuổi trẻ, đại diện cho khát vọng tranh đấu vì độc lập tự do của dân tộc - một lý tưởng cao cả của thời đại, là tiếng nói đấu tranh của những chiến sỹ cộng sản kiên trung.

c. Đánh giá, mở rộng: (1 điểm)
- Hai đoạn thơ tuy đại diện cho hai trào lưu khác nhau, cách thức thể hiện khác nhau, nhưng đều hướng đến mong muốn tự do, khao khát tự do cháy bỏng. Đây cũng chính là tâm sự chung, khát vọng chung của một dân tộc đang chìm trong đêm đen nô lệ.
- Có thể liên hệ đến các bài thơ khác thuộc Thơ mới và thơ ca yêu nước, cách mạng trước 1945.

3. Kết luận chung: (1 điểm)
Khẳng định lại giá trị hai đoạn thơ, hai tác phẩm và bộc lộc suy nghĩ riêng.

File đính kèm:

  • docDe HSG van 8 Nguyen Truc.doc